|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Ba kịch bản xấu cho nền kinh tế toàn cầu: Chưa khỏe hẳn đã bị xung đột Nga - Ukraine vùi dập

07:00 | 27/02/2022
Chia sẻ
Cuộc tấn công của Nga vào Ukraine đang khoét sâu những rủi ro của nền kinh tế thế giới, ngay giữa lúc dịch bệnh và lạm phát bùng lên khắp nơi.
Ba kịch bản xấu cho nền kinh tế toàn cầu: Chưa khỏe hẳn đã bị xung đột Nga - Ukraine vùi dập - Ảnh 1.

Một khu chung cư ở thị trấn Chuguiv, miền đông Ukraine đã bị trúng đạn trong một cuộc không kích, ngày 24/2. (Ảnh: Getty Images).

Xung đột giữa Nga và nước láng giềng Ukrainecó thể được coi là cuộc chiến nghiêm trọng nhất tại châu Âu kể từ Thế chiến II. Quân đội Nga đã tiến hành không kích nhiều thành phố, đánh chiếm loạt căn cứ quân sự quan trọng của Ukraine và đang tiến về thủ đô Kiev.

Bloomberg dẫn lời các quan chức cấp cao phương Tây nhận định Kiev có thể thất thủ bất cứ lúc nào. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng cảnh báo tương tự, đồng thời cho hay ông đang là mục tiêu số một của Nga.

Trong khi Ukraine ra sức chiến đấu để bảo vệ tự do, chính phủ các nước phương Tây đã tăng cường cấm vận Nga. Dù vậy, họ nhận thức rõ rằng một khi đã trừng phạt Moscow, tác động của cuộc xung đột đối với nền kinh tễ mỗi nước cũng gia tăng.

Tại cuộc họp báo công bố đợt trừng phạt thứ hai dành cho Nga, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã lưu ý rằng người tiêu dùng Mỹ sẽ phải trả một cái giá khá đắt. Trong năm qua, chỉ riêng việc giá xăng tăng đột biến đã làm xói mòn sự ủng hộ của cử tri dành cho ông.

Tóm lại, đại dịch để lại cho nền kinh tế toàn cầu hai điểm rất dễ bị tổn thương - lạm phát và thị trường tài chính hỗn loạn. Dư chấn từ cuộc xâm lược của Nga có thể dễ dàng làm trầm trọng thêm cả hai.

Mức độ ảnh hưởng của cuộc xung đột tại Ukraine đối với nền kinh tế toàn cầu sẽ phụ thuộc vào phạm vi và độ dài của chiến tranh, mức độ nghiêm trọng của các lệnh trừng phạt mà phương Tây công bố và khả năng Nga trả đũa.

Ngoài ra, Bloomberg nói còn có khả năng xuất hiện các rủi ro khác như dòng người tị nạn tỏa ra từ Ukraine hoặc Nga tiến hành tấn công mạng nhắm vào nhiều tổ chức tại Ukraine.

Các nhà phân tích tại Bloomberg đã vạch ra ba kịch bản để đánh giá liệu chiến tranh tại Đông Âu tác động thế nào đến triển vọng tăng trưởng, lạm phát và lập trường chính sách tiền tệ của các nền kinh tế lớn.

Ở kịch bản thứ nhất, xung đột kết thúc nhanh chóng có thể ngăn chặn đà tăng đột biến của thị trường hàng hóa, chặng đường phục hồi kinh tế của Mỹ và châu Âu sẽ không đi chệch hướng. Các ngân hàng trung ương (NHTW) chỉ cần điều chỉnh kế hoạch lãi suất chứ không phải loại bỏ chúng.

Ở kịch bản thứ hai, xung đột kéo dài khiến phương Tây tăng cường trừng phạt Moscow và dòng chảy dầu mỏ và khí đốt từ Nga bị gián đoạn. Điều này sẽ gây ra cú sốc giá năng lượng lớn hơn và giáng đòn đau vào thị trường tài chính toàn cầu.

Khi đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ phải tạm dừng việc tăng lãi suất trong năm nay, trong khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phải giảm tốc độ thắt chặt chính sách tiền tệ.

Kịch bản tồi tệ nhất là khi nguồn cung khí đốt của châu Âu bị cắt đứt, dẫn đến khả năng nền kinh tế lục địa già suy thoái trầm trọng. Trong khi đó, các điều kiện tài chính tại Mỹ sẽ bị siết chặt đáng kể, gây hại đến tăng trưởng và lập trường của Fed.

Bloomberg lưu ý, các cuộc chiến vốn dĩ không thể đoán trước được, cho nên kết quả thực tế có thể sẽ lộn xộn và nghiêm trọng hơn các kịch bản mà giới chuyên gia vạch ra.

Ba kịch bản xấu cho nền kinh tế toàn cầu: Chưa khỏe hẳn đã bị xung đột Nga - Ukraine vùi dập - Ảnh 2.

 

Kịch bản 1: Dòng chảy dầu khí không đứt gãy

Đây là một kịch bản rất lạc quan khi nguồn cung dầu thô và khí đốt không bị gián đoạn và giá cả hàng hóa ổn định ở mức hiện tại. Các điều kiện tài chính bị thắt chặt, nhưng không gây ra cú sốc khủng khiếp trên thị trường toàn cầu.

Tâm thái lạc quan này đã xuất hiện trên thị trường dầu mỏ sau khi Mỹ và các đồng minh ban hành nhiều lệnh trừng phạt mới lên Nga nhưng không nhắm tới các mặt hàng năng lượng.

Trước đó, khi ông Putin tuyên bố thực hiện chiến dịch đặc biệt, giá dầu Brent đã leo vọt lên hơn 105 USD/thùng - lần đầu tiên xác lập mốc này kể từ năm 2014. Tuy nhiên, giờ giá dầu đã hạ nhiệt về còn hơn 93 USD/thùng.

Giá năng lượng là đối tượng chính mà qua đó cuộc chiến tại Ukraine có thể tác động ngay lập tức đến nền kinh tế toàn cầu. Rủi ro đặc biệt cao ở châu Âu, vì Nga là nhà cung cấp dầu và khí đốt lớn nhất của khu vực này.

Tháng 1 năm nay, chi phí năng lượng đã đóng góp hơn 50% mức tăng trong số liệu lạm phát của khu vực đồng euro. Hôm 24/2, hợp đồng khí đốt giao sau tại châu Âu chạm đỉnh hơn 140 euro/MWh, sau tăng tới 62% trong cùng ngày.

Tính luôn tác động từ việc giá dầu thô tăng cao, lạm phát của eurozone có thể chạm mức 3% vào cuối năm nay. Tuy nhiên, nền kinh tế khu vực có thể sẽ không rơi vào suy thoái và ECB vẫn có khả năng tăng lãi suất vào tháng 12 năm nay.

Tại Mỹ, giá xăng dầu đắt đỏ hơn và điều kiện tài chính thắt chặt vừa phải có thể gây hại cho tăng trưởng. Chỉ số CPI cốt lõi của Mỹ có thể vượt 8% vào tháng 2 và chạm mức 5% vào cuối năm nay, so với ước tính trung vị của các chuyên gia trước đó là 3,3%.

Song, Fed có thể phớt lờ cú sốc giá tạm thời và tiếp tục triển khai kế hoạch nâng lãi suất vào tháng 3 tới, mặc dù mức tăng không quá 50 điểm cơ bản như đồn đoán trước đó.

Ba kịch bản xấu cho nền kinh tế toàn cầu: Chưa khỏe hẳn đã bị xung đột Nga - Ukraine vùi dập - Ảnh 3.

Cuộc pháo kích của Nga đã làm hư hại radar và các thiết bị khác tại một cơ sở quân sự của Ukraine bên ngoài thành phố Mariupol, ngày 24/2. (Ảnh: AP).

Kịch bản 2: Nguồn cung năng lượng gián đoạn

Theo Bloomberg, một số chủ tàu chở dầu đang từ chối nhận đơn chở dầu thô của Nga để nắm bắt thông tin rõ ràng hơn về các lệnh trừng phạt đối với Nga. Các đường ống dẫn khí đốt chính chạy qua Ukraine có thể bị hư hại trong cuộc giao tranh.

Chỉ cần nguồn cung năng lượng bị gián đoạn một chút cũng có thể làm trầm trọng thêm cú sốc giá năng lượng hiện nay.

Giá khí đốt từ từ quay trở về mức 180 euro/MWh (con số ghi nhận hồi tháng 12 năm ngoái) và giá dầu lên 120 USD/thùng có thể khiến lạm phát tại khu vực eurozone tăng lên gần 4% vào cuối năm. Điều này chỉ khiến tình hình tài chính của người dân thêm eo hẹp.

Trong kịch bản này, tăng trưởng GDP của khu vực đồng tiền chung châu Âu sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, khiến dự định tăng lãi suất của ECB phải lùi sang năm 2023. Các nhà hoạch định tại ECB đã phát đi những tín hiệu khá ôn hòa.

Chia sẻ với Bloomberg, ông Robert Holzmann (người Áo), một trong các thành viên "diều hâu" nhất trong hội đồng chính sách của ECB, cho hay: "Rõ ràng, chúng tôi đang tiến tới bình thường hóa chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, có thể tốc độ thắt chặt chính sách sẽ chững lại vài phần".

Ở Mỹ, kịch bản thứ hai có thể kéo lạm phát nhảy vọt lên 9% vào tháng 3 và đạt gần 6% vào cuối năm. Đồng thời, bất ổn tài chính tiếp tục diễn ra và nền kinh tế đi xuống sẽ khiến Fed tiến thoái lưỡng nan.

NHTW quyền lực nhất thế giới có thể bỏ qua cú sốc giá tạm thời và tập trung vào các rủi ro đối với tăng trưởng kinh tế. Điều đó sẽ không ảnh hưởng đến việc tăng lãi suất vào tháng 3, nhưng có thể khiến Fed giảm dần tốc độ và quy mô tăng lãi suất trong nửa cuối năm.

 

Kịch bản 3: Nguồn cung khí đốt bị cắt đứt

Đối mặt với các lệnh trừng phạt cực kỳ nghiêm khắc từ Mỹ và châu Âu như bị loại khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, Nga có thể trả đũa bằng cách cắt dòng chảy khí đốt đến châu Âu.

Năm ngoái, các quan chức châu Âu đã chạy mô phỏng 19 kịch bản để kiểm tra vấn đề an ninh năng lượng của khu vực nhưng chưa hề tính đến khả năng này. Tuy nhiên, ECB ước tính rằng giá khí đốt tăng sốc 10% thì GDP của khu vực đồng euro có thể giảm 0,7%.

Nếu nâng mức tăng giá lên tới 40% (tương đương thị phần khí đốt đến từ Nga của châu Âu), thì GDP của eurozone sẽ mất 3%. Con số thực tế có thể cao hơn nhiều vì một khi khủng hoảng năng lượng xảy ra, thiệt hại là vô cùng khó lường. Khi đó, châu Âu sẽ rơi vào suy thoái và dĩ nhiên ECB khó có thể tăng lãi suất trong tương lai gần.

Đối với Mỹ, cú sốc tăng trưởng cũng sẽ khá lớn. Hơn nữa, hậu quả không mong muốn từ các lệnh trừng phạt hà khắc có thể làm lũng đoạn hệ thống tài chính toàn cầu, khiến các ngân hàng Mỹ bị ảnh hưởng.

Fed sẽ phải chuyển trọng tâm chú ý từ lạm phát sang bảo vệ tăng trưởng. Tuy nhiến, nếu giá hàng hóa quá cao dẫn đến lạm phát bùng nổ, thì Fed có thể sẽ phải đối mặt với kịch bản tồi tệ nhất: cần phải thắt chặt chính sách mạnh tay dù nền kinh tế đang giảm tốc.

Các nhà phân tích của Bloomberg chủ yếu tập trung vào các nền kinh tế lớn nhất thế giới, nhưng mọi quốc gia/vùng lãnh thổ trên hành tinh đều sẽ cảm nhận thấy dư chấn từ việc giá hàng hóa tăng đột biến.

Yên Khê