|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Vì sao ông Putin không ngán các lệnh cấm vận dồn dập của Phương Tây?

14:38 | 26/02/2022
Chia sẻ
Nga đã có ít nhất 8 năm chuẩn bị cho các đòn trừng phạt của Mỹ và EU. Ngoài ra, Tổng thống Vladimir Putin cũng không chịu áp lực trong nước lớn như lãnh đạo nhiều quốc gia khác.
Vì sao ông Putin không ngán các lệnh cấm vận dồn dập của Phương Tây? - Ảnh 1.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov (trái) cùng với Bộ trưởng Quốc phòng Sergey Shoigu và Tổng tham mưu trưởng Valery Gerasimov vừa bị Mỹ đưa vào danh sách trừng phạt. (Ảnh: AFP/Getty Images).

Trong gần một tuần từ ngày 21/2 đến nay, Phương Tây đã liên tục tung ra các đòn trừng phạt nhằm vào Nga và các thực thể liên qua.

Sau khi Nga công nhận hai vùng ly khai Donetsk và Luhansk ở miền đông Ukraine là các nước độc lập, Mỹ lập tức cấm các tổ chức và cá nhân của Mỹ có quan hệ kinh doanh, tài chính, đầu tư với hai vùng ly khai này.

Sau khi Nga phát động tấn công vào các căn cứ quân sự Ukraine vào sáng sớm 24/2, Mỹ, Anh và Liên minh châu Âu (EU) đã tung ra loạt biện pháp cô lập Nga về kinh tế

Nga không thể tiếp cận các thị trường ngoại tệ quan trọng như đô la Mỹ, bảng Anh, euro và yen Nhật; không thể nhập khẩu các sản phẩm công nghệ cao.

Hàng chục ngân hàng của Nga bị cấm giao dịch trên hệ thống tài chính quốc tế, chính phủ Nga không thể vay vốn nước ngoài. Nhiều nhân vật cấp cao trong lĩnh vực tài chính và dầu khí của Nga cũng nằm trong danh sách trừng phạt.

Ngày 25/2, Mỹ và châu Âu tiếp tục áp lệnh trừng phạt lên cá nhân Tổng thống Nga Vladimir Putin, Ngoại trưởng Sergey Lavrov, Bộ trưởng Quốc phòng Sergey Shoigu và Tổng tham mưu trưởng Valery Gerasimov.

Ông Josep Borrell, Cao ủy EU về Ngoại giao và Chính sách an ninh cho biết ông Putin hiện nay là một trong ba nguyên thủ quốc gia bị EU trừng phạt, hai người còn lại là Tổng thống Alexander Lukashenko của Belarus và Tổng thống Bashar al-Assad của Syria. Cả Belarus và Syria đều là các đồng minh thân thiết của Nga.

Tổng thống Belarus cho phép Nga tập trung quân trong lãnh thổ nước mình để sau đó tấn công Ukraine từ phía bắc. Tổng thống Lukashenko khẳng định quân đội Belarus hiện không tham chiến ở Ukraine nhưng có thể sẽ tham gia trong tương lai nếu Nga đề nghị.

Tổng thống Bashar al-Assad thì tuyên bố Syria ủng hộ việc Nga tấn công Ukraine để "sửa chữa lịch sử".

Danh sách cấm vận của Mỹ ngoài ông Putin, al-Assad và Lukashenko như EU còn có thêm một nguyên thủ nữa là Kim Jong-un của Triều Tiên.

Muôn màu các kiểu trừng phạt

Các lệnh trừng phạt quốc tế có thể được chia làm hai loại lớn là trừng phạt toàn diện và trừng phạt chọn lọc.

Ngày 6/8/1990, tức là 4 ngày sau khi Iraq dưới quyền nhà độc tài Saddam Hussein xâm lược nước láng giềng Kuwait, Liên Hợp Quốc đã áp lệnh trừng phạt toàn diện lên Iraq.

Người dân Iraq chịu thiệt hại vô cùng nặng nề do không thể giao thương với nước ngoài, nền kinh tế tụt dốc không phanh. Tình trạng suy dinh dưỡng diễn ra tràn lan, tiêu chảy và nhiều loại bệnh khác hoành hành do thiếu nước sạch.

Một báo cáo của UNICEF năm 1999 ước tính khoảng 500.000 trẻ em Iraq đã thiệt mạng vì lệnh cấm vận của Liên Hợp Quốc.

Do tổn hại tới dân thường quá lớn nên trong những thập kỷ gần đây, cộng đồng quốc tế không sử dụng các lệnh trừng phạt toàn diện mà chuyển sang các hành động có chọn lọc hơn, nhắm vào một số ngành, doanh nghiệp và cá nhân cụ thể.

Các lệnh trừng phạt mà Mỹ và châu Âu áp lên Nga những ngày gần đây thuộc loại chọn lọc.

Tuy đã chọn lọc nhưng kiểu trừng phạt này vẫn không tránh khỏi những thiệt hại ngoài ý muốn. Trong thời gian Lực lượng vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran và các ngân hàng Iran bị trừng phạt vì tham gia phát triển chươn trình hạt nhân, GDP bình quân đầu người của Iran đã sa sút khoảng 70% như thể hiện trong biểu đồ sau.

8 năm chuẩn bị của Nga 

2022 không phải lần đầu tiên Phương Tây áp lệnh trừng phạt chọn lọc lên Nga. Hàng nghìn tổ chức và cá nhân của Nga đã bị Mỹ cấm vận vì nhiều lý do, từ vụ tấn công Ukraine và chiếm đóng bán đảo Crimea năm 2014 cho đến tấn công mạng và vi phạm nhân quyền.

Hôm 18/2, tức là trước khi leo thang xung đột với Ukraine, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tuyên bố trước báo giới rằng Phương Tây sẽ tìm đủ mọi cách để áp lệnh trừng phạt lên Nga.

"Dù trong trường hợp nào thì các lệnh cấm vận cũng được áp dụng. Cho dù hôm nay Phương Tây không có lý do liên quan tới các sự kiện ở Ukraine thì họ cũng sẽ tìm được lý do khác. Mục đích của Phương Tây là cản trở sự phát triển của Nga", ông Putin nói.

Vì sao ông Putin không ngán các lệnh cấm vận dồn dập của Phương Tây? - Ảnh 4.

Một tuần trước đó, Đại sứ Nga tại Thụy Điển tuyên bố: "Chúng tôi đang chịu nhiều lệnh cấm vận tới nỗi trên một khía cạnh nào đó, chúng còn có tác động tích cực lên nền kinh tế và ngành nông nghiệp của nước Nga".

"Giờ đây, chúng tôi có khả năng tự cung tự cấp cao hơn trước và có thể tăng kim ngạch xuất khẩu", Đại sứ Nga nói.

An ninh lương thực và năng lượng

Khác với Iran, nền kinh tế Nga lớn mạnh hơn và có khả năng tự cung tự cấp cao hơn trong lĩnh vực quan trọng.

Nga có diện tích lớn nhất thế giới nhưng dân số chỉ khoảng 140 triệu người, đứng thứ 9 toàn cầu. Việc đảm bảo an ninh lương thực với Nga là tương đối dễ dàng. Năm 2021, Nga xuất khẩu kỷ lục 37,1 tỷ USD nông sản các loại, tăng gần 22% so với năm trước đó. Năm 2020, Nga cũng xuất khẩu ròng lương thực.

Các đối tác nhập khẩu lương thực lớn nhất từ Nga là EU, Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc, như biểu đồ sau đây cho thấy.

Vì sao ông Putin không ngán các lệnh cấm vận dồn dập của Phương Tây? - Ảnh 5.

Nga cũng là nước giàu tài nguyên thiên nhiên với trữ lượng khổng lồ dầu mỏ, khí đốt, than đá, quặng sắt, phân bón … Ngành khai thác khoáng sản của Nga không những sản xuất đủ dùng trong nước mà còn xuất khẩu sang Trung Quốc và EU, khiến nhiều nước châu Âu trở thành "con nghiện" khí đốt của Nga.

Đức mới đây tuyên bố dừng cấp phép đường ống dẫn khí Dòng chảy Phương Bắc (Nord Stream 2), nhưng đường ống Nord Stream 1 vẫn tiếp tục bơm khí đốt từ Nga đến Đức.

Một trong những lý do nhiều nước châu Âu, trong đó có Đức, ngại trừng phạt Nga là bởi các nước này đang phụ thuộc vào nguồn năng lượng từ Nga để sưởi ấm qua mùa đông khắc nghiệt, như thống kê bên dưới. Nếu Nga ngừng xuất khẩu khí đốt, Nga chỉ mất đi một nguồn thu nhập nhưng người dân châu Âu sẽ chết cóng.

Vì sao ông Putin không ngán các lệnh cấm vận dồn dập của Phương Tây? - Ảnh 6.

Nhiều nước châu Âu phụ thuộc vào khí đốt của Nga.

Có lẽ chính sự phụ thuộc về năng lượng khiến châu Âu chưa dám tung đòn trừng phạt khủng khiếp nhất là đuổi Nga ra khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT. Tổng thống Nga Putin từng tuyên bố việc cắt đứt Nga khỏi hệ thống SWIFT sẽ đồng nghĩa với việc tuyên bố chiến tranh.

Ngày 25/2, ba nước thành viên EU là Đức, Hungary và Italy công khai phản đối việc dùng đến quân bài SWIFT và cho rằng các biện pháp trừng phạt khác là đủ để gây thiệt hại cho Nga. Lập trường của ba nước này đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của dư luận. 

Kho của để dành

Sau khi bị Phương Tây trừng phạt năm 2014 vì chiếm đóng bán đảo Crimea của Ukraine, Nga đã nỗ lực cắt giảm sự phụ thuộc vào nước ngoài. Doanh nghiệp Nga cần ít nguồn vốn nước ngoài hơn so với trước. Chính phủ Nga cũng tích lũy kho dự trữ ngoại hối khổng lồ.

Tính theo quy mô GDP, Nga đứng thứ 11 thế giới nhưng nói về dự trữ ngoại hối, Nga xếp thứ 5. Như biểu đồ dưới đây cho thấy, kho dự trữ của Nga từ 2015 đến nay đã tăng 80%. Cơ cấu dự trữ của Nga cũng có sự chuyển dịch lớn, giảm tỷ trọng USD và tăng tỷ trọng euro, nhân dân tệ và đặc biệt là vàng.

Vì sao ông Putin không ngán các lệnh cấm vận dồn dập của Phương Tây? - Ảnh 7.

Khả năng phản đòn

Nga còn sở hữu vùng trời rộng lớn và quan trọng bậc nhất thế giới. Bay qua Nga là con đường ngắn nhất để đi từ châu Âu và bờ đông nước Mỹ đến châu Á. Nếu Nga đóng cửa bầu trời, nhiều hãng hàng không vốn dĩ đang điêu đứng vì đại dịch sẽ phải hủy chuyến hoặc bay đường vòng, làm chi phí đội lên đáng kể.

Cho đến nay, Nga mới chỉ đóng cửa không phận với các hãng hàng không Anh sau khi Anh cấm hãng hàng không Aeroflot của Nga. Nếu lệnh cấm của Nga được mở rộng, thiệt hại với giao thông quốc tế sẽ là rất lớn.

Quân đội và ngành công nghiệp quốc phòng hiện đại của Nga cũng là một lý do khiến Phương Tây phải e dè.

Mỹ từng đem quân xâm lược Afghanistan (2001) và Iraq (2003), NATO từng tấn công Kosovo (1999) và Libya (2011) dù không có thành viên nào của NATO bị đe dọa. Tuy nhiên, động đến Nga lại là một câu chuyện khác.

Cả Tổng thống Mỹ và NATO đều tuyên bố sẽ không trực tiếp đưa quân đội đến tham chiến tại Ukraine vì lo ngại đụng độ với binh sĩ Nga và châm ngòi Thế chiến thứ 3.

Vị thế độc tôn của ông Putin

Sự chuẩn bị của nước Nga nói chung không phải là lý do duy nhất, thậm chí không phải là lý do lớn nhất, khiến Tổng thống Vladimir Putin sẵn sàng động binh với Ukraine dù biết rõ các lệnh trừng phạt sắp giáng xuống đầu.

Bản thân ông Putin chắc chắn đã có sự chuẩn bị cho riêng mình, cả về tài chính lẫn an ninh.

Tuy các lệnh trừng phạt của Phương Tây mang tính chất chọn lọc nhằm vào những đối tượng liên quan trực tiếp tới cuộc xung đột quân sự Ukraine, nhưng thiệt hại lớn nhất vẫn sẽ rơi vào thường dân Nga.

Ông Putin và các quan chức Nga có nhiều năm để đưa tài sản ở nước ngoài quay về trong nước, tránh bị Phương Tây đóng băng. Giả sử có mất đi khối tài sản ở nước ngoài thì giới tinh hoa vẫn có thể sống cuộc đời vương giả tại Nga, không ai dám động đến.

Vì sao ông Putin không ngán các lệnh cấm vận dồn dập của Phương Tây? - Ảnh 2.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Đức Angela Merkel năm 2013. (Ảnh: AP).

Chính vì tác động của lệnh cấm vận tới các lãnh đạo chóp bu tương đối hạn chế nên hiệu quả thường không lớn.

Ở những quốc gia dân chủ với các vị trí lãnh đạo và đảng cầm quyền thường xuyên thay đổi, áp lực của dư luận có thể khiến cho lãnh đạo đất nước xoay chuyển chính sách để được gỡ bỏ lệnh cấm vận, giúp dân chúng bớt cực khổ.

Ở Nga, ông Putin đã làm lãnh đạo trong suốt 22 năm qua, bao gồm 4 nhiệm kỳ Tổng thống và một nhiệm kỳ Thủ tướng. Kịch bản người dân Nga nổi lên để lật đổ chính phủ và chọn một lãnh đạo mới là rất khó xảy ra.

Bên cạnh đó, ông Putin còn kiểm soát bộ máy truyền thông của Nga nên có thể dễ dàng đổ lỗi cho Phương Tây thay vì phải nhận lỗi về mình.

Ví dụ, truyền thông nhà nước Nga liên tục đăng các bài phát biểu của ông Putin với nội dung Phương Tây đang đe dọa Nga và việc nổ súng chỉ là hành động tự vệ của Nga. Chính ông Putin cũng nói rằng Phương Tây muốn đè đầu cưỡi cổ Nga nên kiểu gì cũng nghĩ ra cớ để trừng phạt, cho dù Nga có tấn công Ukraine hay không.

Các quốc gia khác như Venezuela, Syria, Triều Tiên cũng chịu lệnh cấm vận hà khắc của Phương Tây trong nhiều năm qua nhưng không có sự thay đổi lớn nào về hệ thống chính trị.

Các lệnh trừng phạt chỉ có hiệu quả khi được đông đảo quốc gia trên thế giới hưởng ứng và áp dụng với những nước có thể dễ dàng thay đổi lãnh đạo.

Trong trường hợp của Nga, ngôi vị của ông Putin vẫn đang vững chắc và Nga đang có quan hệ nồng ấm với Venezuela, Syria và đặc biệt là siêu cường Trung Quốc.

Vì sao ông Putin không ngán các lệnh cấm vận dồn dập của Phương Tây? - Ảnh 10.

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Nga và có thể giúp Nga hạn chế tác động tiêu cực của các lệnh cấm vận. 

Trong trật tự thế giới đa cực với sự trỗi dậy của Nga và Trung Quốc làm đối trọng với Mỹ và EU như hiện nay, các lệnh trừng phạt của Phương Tây đang ngày càng ít tác dụng.

Song Ngọc - Đức Quyền