|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá dầu thô đi về đâu trong chiến sự Nga - Ukraine?

11:56 | 28/02/2022
Chia sẻ
Thông qua trao đổi với một số chuyên gia, Bloomberg rút ra được rằng xu hướng giá dầu thô trong thời gian tới sẽ phụ thuộc nhiều vào rủi ro đứt gãy nguồn cung vật chất và khả năng OPEC+ can thiệp để ổn định thị trường.

Trong phiên giao dịch ngày 24/2, giá dầu thô Brent đã vượt lên trên mốc 100 USD/thùng, lần đầu tiên kể từ năm 2014, sau khi quân đội Nga tiến đánh Ukraine và gây leo thang căng thẳng tại khu vực Đông Âu.

Cuối tuần qua, giá dầu đã hạ nhiệt một phần nhưng mở đầu tuần này (28/2), thị trường đã tăng trở lại. Ghi nhận tại thời điểm 10h45 (theo giờ Việt Nam), giá dầu Brent tăng hơn 4,21% lên 102,05 USD/thùng, còn giá dầu WTI nhích 5,27% lên 96,42 USD/thùng.

Giờ đây, các chuyên gia lo ngại giá dầu có thể tiếp tục leo thang, gây thêm áp lực lạm phát lên nền kinh tế toàn cầu và làm khó các ngân hàng trung ương trong hành trình thắt chặt chính sách tiền tệ.

Bloomberg đã phỏng vấn một loạt chuyên gia, nhà phân tích để tìm hiểu liệu xung đột quân sự giữa Nga và Ukraien có thể leo thang đến đâu và tác động tiềm tàng đến thị trường năng lượng.

Thương nhân ngại mua dầu thô của Nga

Các chuyên gia tại hãng tư vấn địa chính trị Eurasia Group cho biết chắc chắn Mỹ và châu Âu sẽ tiếp tục đáp trả Nga bằng các biện pháp trừng phạt hà khắc.

Do hành động quân sự của Nga đối với Ukraine rất nghiêm trọng, Eurasia Group tin các nhà hoạch định chính sách phương Tây sẽ mạnh tay nhất có thể, thậm chí vượt ra khỏi kịch bản tồi tệ nhất là loại Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT.

Hôm 26/2, Mỹ và các đồng minh châu Âu đã quyết định cô lập một số ngân hàng lớn của Nga khỏi mạng lưới SWIFT, song các cái tên cụ thể trong danh sách vẫn chưa được công bố.

Đồng thời, đường ống khí đốt Nord Stream 2 chạy từ Nga sang Đức có thể cũng sẽ bị hoãn vô thời hạn. Khi đó, giá dầu thô và khí đốt sẽ tăng đột biến, gây thêm áp lực lạm phát và đè nặng lên thị trường tài chính cũng như tăng trưởng toàn cầu.

Mặc dù phương Tây có thể không áp lệnh hạn chế với các giao dịch năng lượng, làn sóng trừng phạt dồn dập sẽ buộc nhiều thương nhân e dè khi thu mua dầu thô và khí đốt của Nga.

Giá dầu thô đi về đâu trong chiến sự Nga - Ukraine? - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa: Pixabay).

Rủi ro cho nguồn cung dầu thô vật chất

Ông Bob McNally, cựu quan chức Nhà Trắng kiêm người đứng đầu của hãng tư vấn năng lượng Rapidan Energy Group, cho biết cuộc tấn công dữ dội của Nga vào Ukraine sẽ duy trì mức bù rủi ro của dầu thô cho đến khi có thông tin rõ ràng hơn rằng nguồn cung có bị gián đoạn bởi các lệnh trừng phạt, hạn chế đơn phương hay giao tranh không.

Theo ông McNally, nếu không có sự đứt gãy nào đối với nguồn cung dầu thô vật chất, giá dầu sẽ hạ nhiệt vì cuộc xung đột quân sự tại Đông Âu sẽ đóng vai trò là yếu tố gây giảm giá chứ không phải mối đe dọa nguồn cung có thể kéo giá dầu đi lên.

OPEC+ sẽ can thiệp

Bà Carole Nakhle, nhà sáng lập công ty tư vấn Crystol Energy, nhận định nếu căng thẳng tiếp tục bùng nổ, OPEC+ có thể sẽ tăng sản lượng. Nếu liên minh này cho rằng chiến sự tại Đông Âu đang đe dọa sự ổn định của thị trường năng lượng, họ sẽ bơm thêm dầu ra thị trường.

Khi đó, trọng trách sẽ được đặt lên vai các nhà sản xuất như Arab Saudi và UAE vì nhiều thành viên khác của OPEC+ đang gặp khó khăn trong việc cung ứng thêm dầu thô ra thị trường, bà Nakhle nhấn mạnh.

Giá dầu thô đi về đâu trong chiến sự Nga - Ukraine? - Ảnh 2.

Chưa rõ OPEC+ có vào cuộc

Bà Vandana Hari - người sáng lập công ty phân tích thị trường dầu mỏ Vanda Insights, cho biết các động thái quân sự của Nga có thể kích hoạt các lệnh trừng phạt phạt mạnh tay và toàn diện từ Mỹ và châu Âu.

Do đó, đà tăng giá của dầu thô chỉ mới bắt đầu và chưa ai lường hết tác động của cú sốc giá này đối với nguồn cung dầu khí toàn cầu. Theo bà Hari, liên minh OPEC+ có một số công suất dự phòng, nhưng liệu họ có tính tới việc sử dụng công suất này và bơm thêm dầu nhanh đến đâu vẫn còn là câu hỏi mở.

Phương Tây khó nhắm tới dầu thô của Nga

Hai nhà phân tích Daniel Hynes và Soni Kumari của ANZ Banking Group cho biết rủi ro địa chính trị tác động khác nhau đến thị trường dầu mỏ. Cả Chiến tranh Vùng Vịnh và Chiến tranh Iraq đều chứng kiến giá dầu tăng đột biến nhưng sau đó giá nhanh chóng đi lùi khi rủi ro tiêu tan.

Khả năng bị gián đoạn nguồn cung trong bối cảnh hiện tại cao gần gấp đôi so với trong quá khứ. Tuy nhiên, các nhà phân tích của ANZ tin rằng phương Tây nhiều khả năng sẽ không áp lệnh trừng phạt lên ngành công nghiệp dầu mỏ của Nga, rủi ro là tương đối thấp. Vì vậy, mức bù rủi ro sẽ sớm biết mất khi chiến sự hạ nhiệt.

Giá dầu chỉ tăng thêm 10 USD

Theo ông Will Sungchil Yun, nhà phân tích hàng hóa cấp cao tại VI Investment (Seoul, Hàn Quốc), giá dầu thế giới có thể tăng thêm 10 USD/thùng khi xung đột leo thang nhưng hai bên có thể đi đến một thỏa thuận đình chiến trong thời gian tới.

Hiệp định đó có thể ổn định thị trường và đẩy giá dầu thô xuống. Hơn nữa, nếu phương Tây và Tehran đạt được thỏa thuận hạt nhân mới thì áp lực giảm giá sẽ còn lớn hơn, ông Yun nhận định.

Yên Khê