Thời điểm thế giới e dè đã tới: Giá dầu thô chính thức vượt ngưỡng 100 USD/thùng
Giá dầu vượt mốc 100 USD/thùng
Hợp đồng tương lai dầu Brent tại London có thời điểm tăng tới 3,3% lên hơn 100 USD/thùng sau khi truyền thông đưa tin Tổng thống Nga Vladimir Putin đã quyết định mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở khu vực Donbass (miền Đông Ukraine). Đây là lần đầu tiên giá dầu Brent vượt ngưỡng này kể từ năm 2014.
Đầu tuần này, ông Putin đã công nhận độc lập của hai nước cộng hòa tự xưng tại vùng Donbass, đồng thời cử "lực lượng gìn giữ" hòa bình tới đây. Phương Tây đã áp một loạt lệnh trừng phạt để trả đũa hành động của Nga.
Nhìn chung, loạt diễn biến dồn dập trong vài ngày qua đã làm gia tăng nguy cơ xảy ra chiến tranh tại Đông Âu và giúp giá dầu thô chạm mốc mới. Nga là nhà cung ứng năng lượng lớn trên toàn cầu. Trong đó, châu Âu nhập khẩu tới 25% nguồn dầu thô và hơn một phần ba lượng khí đốt từ Nga.
Căng thẳng giữa chính quyền Moscow và Kiev leo thang khiến thị trường năng lượng, vốn đang rất căng thẳng vì nguồn cung không thể bắt kịp nhu cầu, càng thêm khủng hoảng hơn. Liên minh dầu mỏ OPEC+ do Arab Saudi và Nga dẫn dắt đang phải chật vật khôi phục sản xuất.
Đại gia ngân hàng Mỹ JPMorgan dự đoán, giá dầu có khả năng đạt trung bình 110 USD/thùng trong quý II năm nay, nếu xung đột địa chính trị tại Ukraine tiếp tục leo thang.
Sau đó, thị trường có thể duy trì mức giá tương đối cao trong quý III, trước khi tụt xuống trung bình khoảng 90 USD/thùng vào cuối năm nay, các chuyên gia tại JPMorgan dự đoán.
Trước nguy cơ giá dầu tăng nóng, chính quyền Tổng thống Mỹ joe Biden đang cân nhắc sử dụng đến nguồn cung dầu thô khẩn cấp cũng như phối hợp với các đồng minh để cản lại đà tăng của dầu thô.
Ác mộng lạm phát
Giá dầu quay trở lại mức ba con số quả thực là một cuộc phục hồi phi thường và khó có thể tưởng tượng được một năm trước. Điều này cũng cho thấy rằng nền kinh tế toàn cầu đang quay trở lại trạng thái bình thường nhanh hơn, đến mức khiến nguồn cung một số hàng hóa trở nên khan hiếm.
Ông Giovanni Serio, trưởng bộ phận phân tích thị trường toàn cầu tại Vitol Group (tập đoàn thương mại dầu mỏ tư nhân lớn nhất thế giới, nhận định: "Khi nhu cầu dầu thô bật tăng về mức trước đại dịch, nguồn cung sẽ trải qua quãng thời gian khó khăn".
Ngoài dầu thô và khí đốt, Nga còn là nhà sản xuất nhôm và lúa mì quan trọng. Chưa kể, Ukraine cũng là một tay chơi lớn trên thị trường ngũ cốc toàn cầu. Theo Hội đồng Ngũ cốc Quốc tế, hai nước Liên Xô cũ dự kiến sẽ cung ứng khoảng 103 triệu tấn ngũ cốc trong niên vụ 2021 - 2022, chiếm 24,3% tổng nguồn cung toàn cầu.
Bên cạnh việc giá dầu vượt mốc 100 USD/thùng, đà tăng của nhiều loại hàng hóa khác cũng đang góp phần kéo lạm phát lên mức đỉnh nhiều thập kỷ, đe dọa cuộc sống của hàng triệu người dân và buộc các ngân hàng trung ương phải đẩy nhanh kế hoạch thắt chặt chính sách tiền tệ, dù việc này có thể kìm hãm tăng trưởng kinh tế.
Ông Toril Bosoni, người đứng đầu bộ phận phân tích thị trường của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), cho hay: "Giá dầu đang tiếp tục tăng và leo lên mức gây khó chịu cho người tiêu dùng toàn cầu. Thị trường năng lượng đang bị siết rất chặt".
Dù việc giá dầu và lạm phát leo thang là mối quan tâm cấp bách đối với tất cả các nước tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch, vấn đề này đặc biệt gây khó cho chính quyền Tổng thống Joe Biden. Thời gian qua, ông Biden đã gắng sức kiềm chế đà tăng của nhiên liệu để chuẩn bị cho cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ, dự kiến diễn ra vào cuối năm nay.
Trong cuộc điện đàm gần đây cùng Quốc vương Arab Saudi, vị tổng thống Đảng Dân chủ từng cam kết sẽ "làm việc đêm ngày" để kiểm soát giá nhiên liệu cho người dân Mỹ, đồng thời nhấn mạnh về tầm quan trọng của an ninh năng lượng.