Dầu thô càng được giá, ông Putin càng táo bạo?
Mối quan hệ cộng sinh giữa Nga và dầu thô
Nga là nhà sản xuất dầu thô lớn thứ ba thế giới, chiếm 6,2% trữ lượng đã được phát hiện và hơn 12% sản lượng toàn cầu. Theo Investopedia, nước này tập trung khai thác dầu thô ở hai khu vực giàu tài nguyên thiên nhiên là Tây Siberia và Volga-Ural.
Từ lâu, nền kinh tế Nga phụ thuộc rất nhiều vào xuất khẩu năng lượng. Năm 2020, Nga là nước xuất khẩu dầu thô lớn thứ 4 toàn cầu, đồng thời các tập đoàn dầu mỏ của Nga như Gazprom, Lukoil và Rosneft đều nằm trong top các công ty năng lượng hàng đầu thế giới.
Giá dầu thô và nền kinh tế Nga có mối quan hệ thuận nhau. Dầu mỏ và khí đốt chiếm hơn 60% kim ngạch xuất khẩu của Nga và đóng góp hơn 30% GDP. Khi giá dầu tăng, doanh nghiệp lẫn chính phủ đều hốt bạc. Ngược lại, khi giá dầu lao dốc, Nga chịu thiệt hại nghiêm trọng.
Một minh chứng rõ nét cho sự phụ thuộc của Nga vào dầu thô là cú lao dốc của thị trường năng lượng năm 2014. Sau khi đạt đỉnh 107,95 USD/thùng vào tháng 6/2014, giá dầu cắm đầu xuống còn 44,08 USD/thùng vào tháng 1/2015, tụt mạnh 59,2% chỉ trong 7 tháng ngắn ngủi.
Nửa cuối năm 2014, người Mỹ ăn mừng vì giá xăng dầu sụt giảm mạnh, vì Mỹ là nước nhập khẩu ròng dầu thô. Tuy nhiên, Nga lại trải qua những cung bậc cảm xúc trái ngược. Ảnh hưởng của cú sốc giá dầu này đối với nền kinh tế Nga đến rất nhanh và tàn khốc.
Trong 6 tháng cuối năm 2014, đồng rúp của Nga giảm hơn 59% giá trị so với đồng bạc xanh. Đến đầu năm 2015, Nga cùng nước láng giềng Ukraine đã trở thành hai quốc gia có sức mua tương đương (PPP) thấp nhất so với Mỹ, tính trên phạm vi toàn cầu.
Thông thường, khi số liệu PPP chạm mức thấp, mức sống của người dân tại các nước như Nga cũng đi xuống do hàng hóa mua bằng đồng nội tệ trở nên đắt đỏ hơn so với mức bình thường.
Giá dầu lao dốc cũng ảnh hưởng đến nhập khẩu của Nga và thổi bùng lạm phát. Vì Nga là nước nhập khẩu ròng các mặt hàng như đậu nành và cao su, giá hàng nhập khẩu tăng mạnh do đồng rúp sụt giảm đương nhiên sẽ khiến lạm phát đi lên.
Sau cú sốc giá dầu năm 2014, ngân hàng trung ương Nga đã kiềm chế lạm phát bằng cách nâng lãi suất lên tới 17%. Trong quá khứ, các nhà nghiên cứu tại Mỹ phát hiện ra rằng việc tăng lãi suất đột ngột và mạnh tay có thể đẩy nền kinh tế vào suy thoái trầm trọng.
Môi trường thuận lợi cho giá dầu
Sau khi "lội ngược dòng" từ cú sốc năm 2020, thị trường năng lượng đang đứng trước cơ hội bứt tốc trong bối cảnh nguồn cung hụt hơi so với nhu cầu và đặc biệt là căng thẳng quân sự Nga - Ukraine không ngừng leo thang.
Trước hết, lượng dầu thô mà OPEC+ cung ứng ra thị trường đang khá thấp so với nhu cầu tổng thể. Trong tháng 1 vừa qua, liên minh dầu mỏ không chỉ bơm hụt 190.000 thùng/ngày so với cam kết tăng sản lượng thêm 400.000 thùng/ngày, mà giảm thêm hơn 670.000 thùng dầu khác/ngày.
Hơn nữa, công suất dự phòng của OPEC+ đang trên đà suy giảm vì một số nguyên nhân, nhưng chủ yếu là do đầu tư trong lĩnh vực khai thác dầu khí đã đi xuống. Điều này dẫn đến nguy cơ khan hiếm nguồn cung do nhu cầu tiêu thụ năng lượng đang bật tăng mạnh mẽ.
Đầu tháng 1, JPMorgan cảnh báo công suất dự phòng của OPEC+ có thể giảm xuống còn khoảng 4% tổng công suất vào quý IV năm nay. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) thậm chí còn bi quan hơn khi dự đoán công suất dự phòng của OPEC+ có thể mất một nửa xuống chỉ còn 2,6 triệu thùng/ngày trong nửa cuối năm 2022.
Đáng ngại hơn, không chỉ OPEC+ gặp vấn đề về nguồn cung. Mỹ - nhà sản xuất dầu thô lớn nhất bên ngoài liên minh OPEC, đang bơm dầu ít hơn năng lực thực tế do sức ép từ cổ đông.
Do đó, các cơ quan dự báo đã liên tục điều chỉnh ước tính giá dầu thô trong năm nay, dao động từ 90 USD/thùng đến 125 USD/thùng. Hiện tại, giá dầu đã bứt phá lên trên mức 90 USD/thùng và đang chờ đợi cú hích để leo lên ngưỡng kháng cự quan trọng là 100 USD/thùng.
Ở diễn biến khác, nguy cơ chiến tranh giữa Nga và Ukraine lại là ngòi nổ khác đang chực chờ trên thị trường năng lượng. Chuyên gia kỳ cựu David Roche của hãng tư vấn Independent Strategy nói sự khó đoán trong đường đi nước bước của Nga có thể phá vỡ thị trường trên quy mô rất lớn.
Dù đã triển khai hơn 100.000 binh lính cùng xe tăng, tên lửa và thậm chí là nguồn cung máu tươi tới biên giới với Ukraine, chính quyền Moscow vẫn phủ nhận ý định tấn công nước láng giềng.
Điện Kremlin cáo buộc phương Tây phớt lờ các yêu cầu căn bản của nước này, bao gồm việc NATO không được phép cho Ukraine làm thành viên và các nước trong liên minh quân sự phải rút khỏi Đông Âu.
Đáp lại, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden và đồng minh đe dọa sẽ áp đặt các lệnh trừng phạt nghiêm ngặt nhất nếu Nga xâm lược Ukraine. Đầu tuần này, cố vấn an ninh Nhà Trắng cho biết Nga có thể động binh "bất cứ lúc nào". Giờ đây, phương Tây đang nín thở theo dõi những động thái tiếp theo của Tổng thống Nga Vladimir Putin.
"Nếu Nga động binh và phương Tây trừng phạt Moscow bằng các biện pháp như hạn chế Nga tiếp cận nguồn ngoại hối hoặc hệ thống thanh toán SWIFT, hay ngăn cản Nga xuất khẩu dầu thô..., thì tại một thời điểm nào đó, bạn nhất định sẽ thấy giá dầu leo lên mức 120 USD/thùng", ông Roche cảnh báo với CNBC.
Nhìn chung, không sớm thì muộn, giá dầu thô cũng sẽ chinh phục một mốc mới. Ghi nhận tại thời điểm 16h25 ngày 11/2 (theo giờ Việt Nam), giá dầu Brent đang dao động quanh mức 91,77 USD/thùng, trong khi giá dầu WTI đạt khoảng 90,33 USD/thùng.
Có dầu thô, Nga như "hổ mọc thêm cánh"
Các cuộc xung đột trong quá khứ cho thấy mối tương quan chặt chẽ giữa dầu thô - huyết mạch của nền kinh tế toàn cầu và tham vọng tấn công các nước láng giềng của Nga.
Lịch sử chứng minh nước nào xuất khẩu dầu mỏ càng nhiều thì càng chiếm thế thượng phong trong các cuộc tranh chấp. Là nhà xuất khẩu lớn thứ 4 thế giới, đồng thời là một trong hai thủ lĩnh thực tế của OPEC+, Nga dĩ nhiên cũng vậy.
Nga đã từng tấn công hai nước láng giềng, cụ thể là gây hấn với Gruzia vào tháng 8/2008 và chiếm đóng bán đảo Crimea của Ukraine vào tháng 2/2014. Khi đó, giá dầu Brent đều ở mức cao trong lịch sử, lần lượt là 125 USD và 102,57 USD/thùng.
Giá dầu tăng cao, chính phủ Nga kiếm được bộn tiền, nền kinh tế tăng trưởng vững mạnh và Điện Kremlin dễ trở nên miễn nhiễm trước mối đe dọa từ các biện pháp trừng phạt hoặc cô lập kinh tế của phương Tây. Các năm qua, có thể thấy nền kinh tế Nga vẫn "sống khỏe" dù đã bị trừng phạt sau các vụ tấn công Ukraine.
Chia sẻ với hãng tin Al Jazeera, ông Bob McNally - CEO của công ty tư vấn năng lượng Rapidan Energy Group và từng là cố vấn năng lượng cấp cao của chính quyền Tổng thống Mỹ George W. Bush (Bush con), đã xác nhận nhận định trên.
Vị chuyên gia cho hay: "Trong các vụ Nga tấn công Gruzia và Ukraine trước đây, giá dầu thô đã có nhiều năm tăng cao trước khi chiến tranh xảy ra. Điều đó chứng tỏ dầu thô chắc chắn đóng một vai trò trong việc khuyến khích các lãnh đạo Nga".
Giờ đây, giá dầu thô cũng đang dao động quanh mức khá cao và thậm chí còn ở trong môi trường thuận lợi để xác lập đỉnh mới. Cho nên, các biện pháp trừng phạt mà ông Biden hay đồng minh đe dọa chẳng đáng gì với Moscow, ngược lại còn có thể gây phản tác dụng, ít nhất là trong ngắn hạn.
Ông Greg Priddy - cựu giám đốc bộ phận phân tích năng lượng của hãng tư vấn Eurasia Group, nhấn mạnh thêm rằng việc phương Tây nhắm vào ngành công nghiệp dầu mỏ là bất khả thi vì không quốc gia nào có đủ công suất dự phòng để thay thế Nga.
Nếu Mỹ cấm vận các công ty dầu mỏ của Nga, siêu cường này mới chính là nước chịu thiệt hại nặng nề vì Mỹ đang là nước nhập khẩu ròng dầu thô. Năm vừa qua, ông Biden đã phải chật vật kìm hãm đà tăng của giá dầu bằng cách kêu gọi các đồng minh cùng xả kho dự trữ, thúc giục OPEC+ bơm thêm dầu,…
Một khi Nga dọa ngược lại phương Tây rằng họ sẽ cắt xuất khẩu dầu thô, thì Moscow có thể bán thêm khí đốt cho châu Âu - một khu vực đang phụ thuộc nặng nề vào nguồn cung khí đốt của Nga, để bù đắp tổn thất.
Nói một cách nào đó, giá dầu thô vẫn còn triển vọng tươi sáng thì Tổng thống Putin sẽ không ngán phương Tây.