|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Hệ thống thanh toán SWIFT, át chủ bài để phương Tây trừng phạt Nga

09:18 | 06/02/2022
Chia sẻ
Loại Nga khỏi hệ thống thanh toán SWIFT được cho là đòn trừng phạt mạnh nhất mà phương Tây đang nhắm tới. Mỹ từng xem xét dùng đến SWIFT khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine vào năm 2014.

Phương Tây đang lo ngại Tổng thống Vladimir Putin có thể cho quân tấn công vào Ukraine bất cứ lúc nào sau khi các cuộc đàm phán đa phương không thể giải quyết được căng thẳng giữa hai Moscow và Kiev.

Trong khi chính quyền Tổng thống Joe Biden và các đồng minh NATO cáo buộc Điện Kremlin đang dàn dựng lý do để đem quân sang Ukraine, thì Moscow liên tục phủ nhận ý định xâm lược nước láng giềng và khẳng định phương Tây phớt lờ vấn đề an ninh và yêu cầu cấp thiết của Nga.

Song, chính quyền ông Putin vẫn bố trí khoảng 100.000 binh lính dọc biên giới với nước láng giềng. Chưa kể, Nga còn di chuyển khá nhiều vũ khí quân sự sang một nước láng giềng khác là Belarus.

Hệ thống thanh toán SWIFT, ác chủ bài để phương Tây trừng phạt Nga  - Ảnh 1.

Tổng thống Nga Vladimir Putin nhóm họp cùng các cấp dưới. (Ảnh: AP).

Tờ Financial Times dẫn lời một cố vấn cho Quốc hội Mỹ đưa tin, nếu Moscow thực sự đem quân tiến vào Ukraine, thời điểm thích hợp có thể là từ giữa tháng 2 đến cuối tháng 3 tới.

Ngoài ra, một số quan chức cấp cao trong quân đội và cơ quan tình báo Mỹ còn cảnh báo, Nga có thể sắp thực hiện một cuộc tập trận vũ khí hạt nhân quy mô lớn để cảnh cáo NATO không nên can thiệp vào vấn đề của Ukraine.

Cho đến nay, Mỹ và các đồng minh NATO đều không thực sự mặn mà với việc đối đầu Nga về quân sự. Do đó, trừng phạt Moscow về mặt kinh tế được cho là một hình phạt an toàn và hiệu quả hơn.

Một số biện pháp trừng phạt kinh tế mà phương Tây đang nhắm tới bao gồm loại Nga khỏi hệ thống SWIFT; cấm Nga tiếp cận đồng USD và hệ thống ngân hàng Mỹ; kiểm soát xuất khẩu của Nga; ngăn chặn đường ống Nord Stream 2 đi vào hoạt động; và cấm vận người thân của ông Putin, trong đó có cả "bạn gái tin đồn" của nhà lãnh đạo này.

Theo AP, loại Nga khỏi hệ thống SWIFT là đòn trừng phạt mạnh nhất. Mỹ từng xem xét dùng đến SWIFT khi Nga chiếm lấy bán đảo Crimea từ Ukraine vào năm 2014.

Vậy, hệ thống SWIFT thực chất là gì và tại sao phương Tây lại dự tính sử dụng biện pháp này để răn đe chính quyền Tổng thống Putin?

Hệ thống SWIFT là gì?

Bạn cần chuyển tiền ra nước ngoài? Ngày nay, mọi thứ thật dễ dàng khi bạn chỉ cần bước vào ngân hàng và chuyển tiền đến bất kỳ đâu trên thế giới. Tuy nhiên, ẩn sau sự đơn giản này là một hệ thống hết sức phức tạp và bảo mật mang tên SWIFT - Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu.

Các thành viên của SWIFT trao đổi thông tin/chuyển tiền cho nhau dưới dạng các SWIFT message - tức là các bức điện được chuẩn hóa dưới dạng trường dữ liệu cũng như ký hiệu để máy tính có thể nhận biết và tự động xử lý giao dịch.

Trước SWIFT, Telex là phương tiện xác nhận message khả dụng duy nhất để chuyển tiền quốc tế. Telex lại không hiệu quả vì tốc độ xử lý thấp, rủi ro về bảo mật nên thường dẫn đến sai sót.

Để giải quyết vấn đề của Telex, 6 ngân hàng quốc tế lớn tại thời điểm đó đã có ý tưởng thành lập một mạng lưới toàn cầu để xử lý các message an toàn và kịp thời.

Cuối cùng, hệ thống SWIFT chính thức ra đời vào năm 1973 với sự tham gia của 239 ngân hàng tại 15 quốc gia. Sang năm 1977, SWIFT mở rộng đến 518 tổ chức tại 22 quốc gia.

Theo Investopedia, vào năm 2020, hơn 11.000 tổ chức thành viên tại hơn 200 quốc gia/vùng lãnh thổ đã thực hiện hơn 35 triệu giao dịch mỗi ngày qua SWIFT. Do chưa có hệ thống nào khác thay thế, SWIFT vẫn là công cụ quan trọng bậc nhất trong lĩnh vực tài chính toàn cầu.

Cho đến thời điểm hiện tại, SWIFT đang cung cấp dịch vụ cho các đối tượng như ngân hàng, tổ chức môi giới, công ty giao dịch, đại lý chứng khoán, công ty quản lý tài sản, trung tâm thanh toán bù trừ (clearing house), tổ chức lưu ý, sàn giao dịch, doanh nghiệp tư nhân, nhà đầu tư trái phiếu và nhà cung ứng dịch vụ trái phiếu, nhà môi giới ngoại hối,…

Hệ thống thanh toán SWIFT, ác chủ bài để phương Tây trừng phạt Nga  - Ảnh 2.

Một văn phòng của hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT. (Ảnh: Centralbanking.com).

Tại sao phương Tây dọa loại Nga khỏi SWIFT?

Một điểm đáng lưu ý là cho đến nay, chỉ duy nhất một quốc gia từng bị loại khỏi hệ thống SWIFT, đó chính là Iran. Năm 2012, SWIFT đã ngắt kết nối với các ngân hàng Iran sau khi Liên minh châu Âu (EU) đưa các ngân hàng này vào danh sách đen cũng như do Mỹ gây áp lực.

Hiện giờ, Nga có nguy cơ trở thành quốc gia thứ hai bị loại bỏ khỏi hệ thống SWIFT. Nếu SWIFT thực sự loại Nga khỏi hệ thống, điều đó có ý nghĩa như thế nào đối với hệ thống ngân hàng và nền kinh tế Nga?

Giả sử, một công ty ở Đức mua khí đốt tự nhiên của Nga, họ sẽ phải trả tiền cho bên bán ở Nga. Công ty mua có thể chuyển tiền từ tài khoản ngân hàng Đức của mình sang ngân hàng Nga của đối tác Nga bằng cách nhập số tài khoản và mã SWIFT của người nhận.

Sau đó, công ty mua sẽ gửi một message từ tài khoản ngân hàng Đức, qua SWIFT, tới ngân hàng Nga của bên bán, thông báo tiền sắp chuyển đến. Đối tác bên Nga chỉ cần chờ tiền đến hệ thống của ngân hàng nhận là có thể rút về.

Chuyên gia kinh tế Elina Ribakova tại Viện Tài chính Quốc tế (trụ sở tại Washington, Mỹ) cho biết kinh tế Nga sẽ chịu sự gián đoạn đáng kể nếu bị ngắt kết nối với SWIFT. Thậm chí, nền kinh tế của nước này có thể lao dốc.

Khi đó, các tổ chức tài chính tại Nga gần như không thể gửi hoặc nhận tiền đến/từ nước ngoài, qua đó gây ra cú sốc nghiêm trọng cho doanh nghiệp trong nước và khách hàng quốc tế, đặc biệt là những người mua bán dầu khí của Nga bằng đồng USD.

Tiền bán dầu mỏ và khí đốt tương đương 40% ngân sách chính phủ Nga. Reuters dẫn số liệu của Bộ Tài chính Nga cho biết, khí đốt và dầu mỏ đem về cho Nga khoảng 9.100 tỷ rúp (tương đương 119 tỷ USD) trong năm 2021, vượt kế hoạch 51,3%.

Thực chất, trong những năm gần đây, Nga đã chuẩn bị phương án để giảm thiểu thiệt hại trong trường hợp bị loại khỏi SWIFT, đặc biệt là sau khi Mỹ và châu Âu tính đến biện pháp trừng phạt này vào năm 2014.

Cụ thể, Moscow đã thành lập một hệ thống thanh toán riêng có tên SPFS. Theo ngân hàng trung ương Nga, SPFS hiện có khoảng 400 thành viên. CIPS - hệ thống thanh toán liên ngân hàng mới ra đời của Trung Quốc, cũng có thể là một phương án thay thế cho SWIFT.

Song, bà Maria Shagina, giảng viên thỉnh giảng tại Viện các vấn đề quốc tế Phần Lan, cho hay dù 20% lượng tiền giao dịch tại Nga được thực hiện thông qua SPFS, kích thước message và giờ hoạt động của hệ thống này vẫn rất hạn chế..

Ở diễn biến khác, SPFS của Nga và CIPS của Trung Quốc vẫn còn rất non trẻ. Hơn nữa, chúng còn gặp một trở ngại khác là USD vẫn là đồng tiền thống trị trong các giao dịch quốc tế. Do đó, hai hệ thống này vẫn còn cần một chặng đường dài trước khi có thể thực sự thay thế SWIFT.

Yên Khê