|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Đòn trừng phạt khủng khiếp nhất mà Nga phải hứng chịu nếu tấn công Ukraine là gì?

08:48 | 28/01/2022
Chia sẻ
Phương Tây có nhiều sự lựa chọn khi xem xét trừng phạt Nga nếu nước này xâm lược Ukraine, từ những đòn đánh toàn diện vào nền kinh tế tới những biện pháp nhằm vào cá nhân Tổng thống Putin.
Đòn trừng phạt khủng khiếp nhất mà Nga phải hứng chịu nếu tấn công Ukraine là gì? - Ảnh 1.

Binh sĩ Nga tham gia tập trận ở khu vực Rostov, ngày 26/1/2022. (Ảnh: Reuters).

Mỹ và các đồng minh ở châu Âu mới chỉ tuyên bố chung chung rằng Nga sẽ bị trừng phạt tài chính mạnh tay chưa từng thấy xưa nay nếu Tổng thống Putin đưa quân tấn công Ukraine. Phương Tây không nêu các biện pháp cụ thể và cho rằng cứ để ông Putin đoán già đoán non thì tốt hơn.

Sau nhiều tuần đối đầu căng thẳng, hiện chưa rõ Mỹ và châu Âu đã tìm được tiếng nói chung về cách thức trừng phạt tương ứng với từng hành động cụ thể của Nga hay chưa. Dưới đây là một số biện pháp tài chính mà Mỹ và châu Âu có thể xem xét:

Loại Nga khỏi hệ thống Swift

Hệ thống Swift có chức năng chuyển tiền giữa các ngân hàng trên toàn thế giới. Theo hãng tin AP, loại Nga ra khỏi Swift sẽ là đòn đánh mạnh nhất của Phương Tây, gây tổn hại ghê gớm cho nền kinh tế Nga cả trong ngắn hạn lẫn dài hạn.

Nga sẽ không thể thực hiện các thanh toán quốc tế, bao gồm không thể nhận được tiền bán dầu mỏ và khí đốt tương đương 40% ngân sách chính phủ. Reuters dẫn số liệu của Bộ Tài chính Nga cho biết khí đốt và dầu mỏ đem về cho nga 9.100 tỷ rúp (tương đương 119 tỷ USD) trong năm 2021, vượt kế hoạch 51,3%. 

Cả Mỹ và châu Âu đều từng xem xét dùng đến Swift vào năm 2014 khi Nga chiếm lấy bán đảo Crimea từ tay Ukraine và ủng hộ lực lượng ly khai ở miền đông Ukraine.

Nga lớn tiếng nói rằng việc loại nước này ra khỏi hệ thống Swift sẽ tương đương với việc tuyên bố chiến tranh. Phương Tây không động đến Swift nữa và sau đó liên tục bị chỉ trích vì đã quá mềm yếu trước hành vi gây hấn của Nga năm 2014.

Trong 7 năm qua, Nga đã cố tạo ra hệ thống trung chuyển tài chính của riêng mình nhưng không mấy thành công. Mỹ trước đây từng thành công trong việc thuyết phục hệ thống Swift loại bỏ một quốc gia, cụ thể là Iran, vì chương trình hạt nhân của đất nước Trung Đông này.

Việc đuổi Nga ra khỏi Swift sẽ gây tổn hại không chỉ nền kinh tế Nga mà cả những nước khác, bao gồm Mỹ và đồng minh thân cận là Đức. Chính quyền Joe Biden vẫn đang đánh giá xem tác động thực sự sẽ lớn đến đâu.

Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock khi được hỏi về việc cấm Nga tham gia Swift đã bày tỏ nghi ngờ: "Cây gậy cứng nhất không phải lúc nào cũng là thanh kiếm thông minh nhất".

Cấm Nga tiếp cận USD và hệ thống ngân hàng Mỹ

Mỹ đang nắm sẵn trong tay một vũ khí tài chính cực kỳ nguy hiểm có thể được dùng để trừng phạt Nga nếu nước này xâm lược Ukraine, đó là chặn Nga sử dụng USD.

Đồng đô la Mỹ vẫn giữ vai trò thống trị trong giao dịch tài chính thế giới, quy mô lên tới hàng nghìn tỷ USD mỗi ngày.

Các giao dịch bằng USD cuối cùng phải được xử lý thông qua Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hoặc các định chế tài chính Mỹ. Điều này có nghĩa là Nga và các nước khác phải tiếp cận được hệ thống tài chính Mỹ để xử lý giao dịch USD.

Việc Mỹ kiểm soát khả năng tiếp cận các định chế tài chính khổng lồ cho phép nước này gây ra các tổn thất tài chính vượt xa phạm vi biên giới nước mình. Trước đây, Mỹ từng cấm các tổ chức tài chính xử lý giao dịch USD cho những nước bị cáo buộc vi phạm lệnh cấm vận với Iran, Sudan và nhiều nước khác.

Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu trước báo giới rằng cắt đứt đường tiếp cận USD của Nga là một trong những phương án mà Mỹ đang xem xét. Khác với Swift và các biện pháp tài chính khác, phương án USD này hoàn toàn nằm trong tay Mỹ và Washington có thể thực hiện bất cứ lúc nào.

Nhiều tổ chức và cá nhân Nga sẽ gặp muôn vàn khó khăn trong việc thực hiện những giao dịch tưởng chừng như bình thường nhất, như trả lương cho nhân viên hoặc mua nguyên vật liệu, nếu như không thể tiếp cận hệ thống ngân hàng Mỹ.

Kiểm soát xuất khẩu

Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki từng cho biết Mỹ đang xem xét các biện pháp hạn chế xuất khẩu, có khả năng khiến Nga không thể tiếp cận các linh kiện công nghệ cao cần dùng trong sản xuất máy bay, tên lửa cũng như nhiều phần mềm để chạy smartphones và các thiết bị điện tử khác.

Theo AP, Nga có thể bị xếp vào nhóm bị Mỹ hạn chế xuất khẩu gắt gao nhất, cùng với Cuba, Iran, Triều Tiên và Syria.

Nhiều khả năng Nga sẽ gần như không thể mua các mạch tích hợp và bất kỳ sản phẩm nào có mạch tích hợp vì Mỹ đang thống trị toàn cầu về phần mềm, công nghệ và thiết bị công nghệ cao. Nhiều ngành như hàng không, điện thoại, máy chơi game, TV, trí tuệ nhân tạo, máy tính lượng tử … sẽ bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên, chính sách hạn chế xuất khẩu của Mỹ có thể tạo động lực để các doanh nghiệp tìm ra phương án thay thế, tương tự như Trung Quốc đang làm trong vài năm gần đây.

Chặn đường vay nợ

Theo AP, chính quyền Joe Biden đã hạn chế khả năng vay nợ của Nga bằng cách cấm định chế tài chính Mỹ trực tiếp mua trái phiếu chính phủ Nga trên thị trường sơ cấp kể từ năm ngoái.

Tuy nhiên, chính phủ Mỹ chưa cấm mua trái phiếu trên thị trường thứ cấp và đây có thể là biện pháp tiếp theo mà Washington dùng đến.

Dòng chảy Phương Bắc 2

Các nghị sĩ Cộng hòa và Dân chủ trong quốc hội Mỹ đã tìm cách ngăn cản Nga xây dựng đường ống khí đốt Dòng chảy Phương Bắc 2 (Nord Stream 2) trong nhiều năm qua. Mỹ cho rằng đường ống này sẽ giúp Nga kiểm soát nguồn cung khí đốt của châu Âu, khiến "lục địa già" thêm phụ thuộc vào nguồn năng lượng của mình.

Cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đều muốn cấm vận tập đoàn nhà nước của Nga vận hành đường ống này. Tuy nhiên, phe Cộng hòa muốn cấm vận luôn và ngay còn phe Dân chủ muốn đợi đến khi Nga xâm lược Ukraine mới hành động.

Đòn trừng phạt khủng khiếp nhất mà Nga phải hứng chịu nếu tấn công Ukraine là gì? - Ảnh 3.

Đường ống dẫn khí Nord Stream 2. (Ảnh: Bloomberg).

Chính quyền Joe Biden chưa muốn dùng đến biện pháp này để tránh xung đột lợi ích với đồng minh quan trọng là Đức. Hiện nay, Đức vẫn phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt của Nga để sưởi ấm trong mùa đông băng giá.

Quan chức Đức cho biết nếu Nga tiến quân vào Ukraine thì việc chặn đứng hoạt động của Nord Stream 2 sẽ "được xem xét".

Nhắm vào nhóm đầu sỏ và "bạn gái lời đồn"

Một trong những chiến thuật được Mỹ sử dụng nhiều nhất là cấm vận những người thân cận của nhà lãnh đạo, gia đình và các tổ chức quân sự cũng như dân sự có liên quan.

Tổng thống Nga Vladimir Putin, các bạn thân của ông và gia đình của những người này, cũng như những ông trùm quyền lực nhất giới ngân hàng và doanh nghiệp của Nga có thể bị Mỹ cấm vận.

Đòn trừng phạt khủng khiếp nhất mà Nga phải hứng chịu nếu tấn công Ukraine là gì? - Ảnh 4.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và nữ vận động viên Alina Kabaeva vào năm 2001. (Ảnh: AFP).

Mỹ từng áp lệnh trừng phạt với các quan chức Trung Quốc với cáo buộc phá hoại quyền tự trị của Hong Kong. Bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam), Trưởng đặc khu hành chính Hong Kong, bị Mỹ cấm vận tài chính vào tháng 8/2020. Kể từ đó đến nay, bà không thể sử dụng bất cứ dịch vụ ngân hàng nào và luôn tích trữ hàng đống tiền mặt ở nhà.

Dự luật do Hạ nghị sĩ Đảng Cộng hòa Jim Banks đề xuất và được sự ủng hộ của gần 40 hạ nghị sĩ khác có điều khoản áp hàng loạt biện pháp trừng phạt kể cả khi Nga chưa tấn công Ukraine, bao gồm cả cấm tiếp cận hệ thống Swift và dừng hoạt động đường ống Nord Stream.

Các hạ nghị sĩ này khuyến nghị xem xét đưa nhiều nhân vật trong giới thượng lưu của Nga vào danh sách trừng phạt, bao gồm gia đình của ông Putin và bà Alina Kabaeva - một người phụ nữ được cho là tình nhân của ông Putin.

Alina Kabaeva sinh năm 1983 (ít hơn ông Putin 31 tuổi) và từng giành hai huy chương vàng Olympic trong bộ môn thể dục dụng cụ. Từ 2007 đến 2014, Alina Kabaeva là một nghị sĩ trong Hạ viện Nga (Duma).


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Song Ngọc