Giải đáp 5 câu hỏi lớn về cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine
Các thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang lo ngại Nga sẽ tấn công quân sự Ukraine và đã tăng cường ủng hộ cho chính quyền Kiev bằng cách gửi khí tài tới Ukraine.
Hôm 23/1, lô vũ khí thứ 2 trong chương trình hỗ trợ phòng thủ trị giá 200 triệu USD đã được Mỹ chuyển đến Kiev. Khoảng 8.500 quân nhân Mỹ đang được đặt trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu cao độ, có thể được điều động bất cứ khi nào Ukraine có biến. Các nước NATO khác cũng điều động lực lượng tới khu vực Đông Âu, gần Ukraine.
Khối quân sự này nói rằng hành động của mình là nhằm đáp lại việc Nga tập trung quân lực ở gíap biên giới Ukraine. Chính quyền tại Moscow thì tuyên bố quân đội Nga đang làm những gì cần thiết để đảm bảo an ninh của Nga, đồng thời đổ lỗi cho NATO đã làm suy yếu an ninh khu vực.
Dưới đây là 5 vấn đề mấu chốt trong cuộc khủng hoảng Nga – Ukraine và những gì có thể sắp diễn ra.
1. Tại sao lại có xung đột?
Ukraine là một phần của Đế quốc Nga trong nhiều thế kỷ, sau đó là một nước cộng hòa thuộc Liên bang Xô viết vào năm 1919. Sau khi Liên Xô tan rã vào năm 1991, Ukraine trở thành quốc gia độc lập và tìm cách xóa bỏ những tàn dư của chế độ cũ, đồng thời xây dựng quan hệ gần gũi hơn với Phương Tây.
Năm 2013, Tổng thống Ukraine khi đó là Viktor Yanukovych chuẩn bị ký một thỏa thuận hợp tác với Liên minh Châu Âu nhưng lại bất ngờ đổi ý và ký một thỏa thuận với Nga.
Người dân Ukraine giận dữ vì cho rằng chính phủ nước mình bị Nga thao túng. Các cuộc biểu tình quy mô lớn nổ ra tại nhiều thành phố, ông Yanukovych mất chức.
Nga phản ứng bằng cách đưa quân đội tiến vào bán đảo Crimea của Ukraine đầu năm 2014. Tại Ukraine vốn dĩ có nhiều người Nga sinh sống. Moscow tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý tại Crimea và tuyên bố đa số người dân muốn Crimea thuộc về Nga.
Phương Tây cực lực phản đối và áp lệnh trừng phạt kinh tế với Nga. Tổng thống Mỹ khi đó là Barack Obama coi cuộc trưng cầu dân ý mà Nga tổ chức là hành động vi phạm hiến pháp Ukraine cũng như pháp luật quốc tế.
Bất chấp tất cả, Nga vẫn sáp nhập Crimea vào lãnh thổ của mình. Ukraine và Phương Tây còn cáo buộc Nga đưa binh lính và vũ khí vào miền đông Ukraine để giúp sức cho các lực lượng ly khai thành lập hai nước cộng hòa tự xưng là Donetz và Luhansk.
Theo hãng tin Al Jazeera, Moscow phủ nhận cáo buộc này và cho biết những người chiến đấu tại Donetz và Luhansk muốn ly khai khỏi Ukraine đều là quân tình nguyện.
Theo chính phủ Kiev, hơn 14.000 người đã thiệt mạng vì giao tranh ở vùng Donbas, trung tâm công nghiệp ở phía đông Ukraine.
Về phần mình, Moscow cũng cực lực phản đối việc Mỹ và các thành viên NATO cung cấp vũ khí cho Ukraine và tổ chức các cuộc tập trận trung.
Thêm vào đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhiều lần khẳng định việc Ukraine muốn gia nhập NATO là một lằn ranh đỏ không ai được phép vượt qua. Ông Putin cũng bày tỏ quan ngại sâu sắc về việc một số thành viên NATO muốn thành lập các trung tâm huấn luyện quân sự ở Ukraine.
Tổng thống Nga cho rằng các trung tâm huấn luyện này sẽ mang đến cho NATO sự hiện diện quân sự trong khu vực ngay cả khi Ukraine không tham gia NATO.
2. Nga muốn gì ở Ukraine?
Câu hỏi hợp lý hơn là Nga không muốn gì? Nga không muốn Ukraine trở thành thành viên của NATO và đã nêu rõ như vậy trong danh sách các yêu cầu về an ninh quốc gia được gửi cho Mỹ vào tháng 12 vừa qua.
Ngoài ra, Nga còn không muốn NATO tổ chức các cuộc tập trận và xây dựng căn cứ quân sự gần biên giới với Nga.
Nga vẫn đang đợi phản hồi từ Phương Tây, nhưng nhiều yêu cầu của Moscow gần như chắc chắn sẽ không thể được đáp ứng.
Tổng thống Putin nói rằng Nga muốn Phương Tây "đảm bảo rằng sẽ không mở rộng về phía đông và không triển khai các hệ thống vũ khí đe dọa chúng tôi ở gần lãnh thổ Nga".
Lần này, Nga không những muốn vài lời trấn an thoáng qua mà còn đòi "đảm bảo bằng pháp lý", tức là những hiệp ước chính thức được quốc hội các nước thông qua.
Tại Mỹ, tình hình phân cực chính trị giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa khiến cho việc phê chuẩn hiệp ước với Nga gần như là không thể.
3. Ukraine có gia nhập NATO không?
Ukraine hiện chưa phải là một thành phiên của NATO nhưng đang rất muốn tham gia vì quy định về phòng thủ tập thể của tổ chức này.
Cụ thể, Điều 5 trong Hiến chương NATO nêu rõ: "Bất kỳ cuộc tấn công vũ trang nào vào một hay một số thành viên của liên minh đều được coi là một cuộc tấn công vào toàn bộ liên minh" và tất cả liên minh sẽ "ngay lập tức" hỗ trợ (những) thành viên bị tấn công.
Để được vào NATO, Ukraine cần phải được toàn bộ 30 nước thành viên của tổ chức này đồng ý.
Nếu Ukraine gia nhập NATO, đất nước Đông Âu này sẽ không còn sợ Nga gây hấn nữa. Cũng chính vì lý do này, Nga không muốn để NATO tiếp nhận Ukraine.
Phía NATO cho biết Ukraine cần phải giải quyết hàng loạt vấn đề nhức nhối, chẳng hạn như nạn tham nhũng, trước khi được xem xét kết nạp.
Tháng 12/2021, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg bác bỏ yêu cầu của Nga về việc rút lại một cam kết của NATO hồi năm 2008 liên quan tới khả năng gia nhập của Ukraine.
Ông Stoltenberg cho biết Nga không có quyền quyết định việc Ukraine có được gia nhập NATO hay không.
Theo Al Jazeera, nhiều nhà phân tích cho rằng các thành viên NATO, đặc biệt là Mỹ, không muốn tăng cường hiện diện ở khu vực Đông Âu vì lo ngại sẽ phá hủy mối quan hệ với Nga.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã lên tiếng ủng hộ Ukraine gia nhập NATO nhưng Tổng thống Mỹ Joe Biden lại tỏ ra khá mập mờ.
4. Chiến tranh tổng lực có nổ ra không?
Phương Tây đang cáo buộc Nga tập trung 100.000 quân ở biên giới Ukraine để xâm lược quốc gia hàng xóm này. Ông Biden khẳng định Mỹ và châu Âu "đồng tâm nhất trí" về cách đối phó với Nga.
Lầu Năm Góc đã đặt 8.500 quân trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu, có thể đưa đến Đông Âu bất cứ lúc nào. NATO cho biết đang đưa tàu chiến và máy bay tiêm kích đến gần Ukraine để gia tăng phòng thủ.
Ông Dmitry Peskov, người phát ngôn của Điện Kremlin cho biết những hành động này chỉ làm cho tình hình càng thêm căng thẳng. "Mỹ đang đổ thêm dầu vào lửa. Chúng tôi đang theo dõi các hành động của Mỹ với sự quan ngại sâu sắc", ông Peksov nói.
Nga phủ nhận việc đang lên kế hoạch xâm lược Ukraine và cáo buộc Phương Tây kích động bạo lực.
Hiện không rõ liệu chiến tranh có nổ ra giữa hai nước không nhưng một số nhà phân tích cho rằng Nga có thể xua quân vào Ukraine để giành lấy một chiến thắng quyết định và nhanh gọn. Chiến thắng quân sự ở Ukraine sẽ giúp Nga cải thiện vị thế mặc cả trong những cuộc đàm phán tương lai về sự mở rộng của NATO và phân chia vùng ảnh hưởng.
Ông Samir Puri, chuyên gia nghiên cứu cao cấp tại Viện nghiên cứu Chiến lược quốc tế nhận định: "Tôi nghĩ Nga và Tổng thống Putin đang thực sự muốn vùi dập quân đội Ukraine trên chiến trường, gây ra một thất bại to lớn khiến người Ukraine phải cảm thấy nhục nhã và chứng tỏ rằng sự ủng hộ của Phương Tây, chủ yếu gồm Mỹ và Anh, là không đủ để cứu Ukraine".
Trong lúc tình hình đang căng thẳng, Nga đã tổ chức một cuộc tập trận bắn đạn thật ngày 25/1/2022 tại bán đảo Crimea chiếm được của Ukraine năm 2014.
Bộ Quốc phòng Nga cho biết đợt tập trận này bao gồm khoảng 6.000 quân cùng với nhiều khí tài như máy bay tiêm kích, máy bay ném bom, hệ thống phòng không và các hạm đội hải quân trên Biển Đen và Biển Caspi.
5. Điều gì sẽ xảy ra nếu Nga tấn công Ukraine?
Nhiều nước Phương Tây đã lên tiếng ủng hộ Ukraine nhưng mức độ hỗ trợ cụ thể rất khác nhau. Anh và Mỹ đã đưa vũ khí đến, Đức dự định gửi một bệnh viện dã chiến vào tháng sau nhưng sẽ không cung cấp thiết bị quân sự.
Các biện pháp cấm vận Nga cũng đã được nhắc đến nhiều. Mỹ và các đồng minh châu Âu tuyên bố sẽ trừng phạt Nga về mặt tài chính một cách mạnh mẽ chưa từng có xưa nay nếu như ông Putin ra lệnh tấn công Ukraine.
Tuy nhiên, các vị lãnh đạo Phương Tây không đưa ra các chi tiết cụ thể và cho rằng cứ để cho ông Putin đoán già đoán non thì tốt hơn.
Loại Nga ra khỏi hệ thống thanh toán SWIFT sẽ là một trong những đòn đánh khủng khiếp nhất của Phương Tây, gây tổn hại cho nền kinh tế Nga cả trong ngắn hạn cũng như dài hạn.
Nếu không có SWIFT, các ngân hàng của Nga sẽ không thể giao dịch với các nhà băng khác trên thế giới. Nga cũng sẽ không thể nhận được tiền thanh toán các giao dịch dầu mỏ và khí đốt đóng góp tới 40% nguồn thu hàng năm.
Mỹ cũng có quân bài trừng phạt của của riêng mình, đó là không cho Nga tiếp cận đồng USD để thực hiện các hoạt động thương mại quốc tế.
Cuối cùng, Mỹ còn đang xem xét hạn chế xuất khẩu để không cho Nga chạm tay vào những công nghệ hiện đại giúp chế tạo máy bay, tên lửa, smartphone cũng như nhiều thiết bị khác.
Nếu bị Phương Tây tăng cường cô lập, Nga có thể sẽ phải phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc.