|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Mỹ muốn bắt Trung Quốc trả giá vì quá thân thiết với Nga trong khủng hoảng Ukraine

10:13 | 28/02/2022
Chia sẻ
Mỹ muốn tách Trung Quốc ra khỏi quan hệ hợp tác chặt chẽ với Nga. Một trong những bước đầu tiên là khiến Bắc Kinh thấy e dè các lệnh trừng phạt mà Mỹ và đồng minh giáng xuống Nga.
Mỹ tìm cách bắt Trung Quốc trả giá vì thân thiết với Nga trong khủng hoảng Ukraine - Ảnh 1.

Tổng thống Vladimir Putin và Chủ tịch Tập Cận Bình. (Ảnh: AFP).

Các quan chức Mỹ nói với tờ Wall Street Journal rằng cuộc tấn công tổng lực của Nga vào Ukraine là cơ hội để buộc Trung Quốc chọn về phe Nga hay duy trì quan hệ kinh tế giá trị với Mỹ, châu Âu và các nơi khác trên thế giới.

Các hình phạt kinh tế áp đặt lên Nga, đặc biệt là kiểm soát xuất khẩu đối với một số công nghệ, cũng sẽ giáng vào Trung Quốc nếu doanh nghiệp và ngân hàng nước này cố gắng giúp Moscow.

Quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố: "Nếu Trung Quốc hoặc bất kỳ nước nào muốn tham gia vào cách hoạt động bị Mỹ cấm theo lệnh trừng phạt, thì họ cũng sẽ bị trừng phạt".

Mỹ đang sử dụng diễn đàn quốc tế để buộc Trung Quốc ra lập trường công khai về xung đột Nga - Ukraine. Tại Hội đồng An ninh Liên Hợp Quốc hôm 25/2, khi Nga phủ quyết nghị quyết yêu cầu nước này rút khỏi Ukraine, Trung Quốc đã bỏ phiếu trắng cùng với Ấn Độ và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), làm dấy lên chỉ trích từ Mỹ.

Đại sứ Mỹ Linda Thomas-Greenfield nói rằng các nước bỏ phiếu trắng đang đồng tình với "hành động gây hấn và vô cớ của Nga".

Các nhà ngoại giao cho biết tuần này, Mỹ sẽ thúc đẩy cuộc tranh luận tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc về một nghị quyết tương tự, nhằm chia rẽ Nga với Trung Quốc. Cuộc họp của Hội đồng Nhân quyền tại Geneva sẽ mang đến cho Washington một cơ hội.

Mỹ còn ngụ ý rằng hình ảnh của Trung Quốc sẽ bị vấy bẩn vì liên kết với Nga và dĩ nhiên Bắc Kinh đã phản pháo lại.

Ông Uông Văn Bân, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói tại Bắc Kinh tuần trước: "Các quốc gia thực sự mất uy tín là những quốc gia chỉ muốn can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác và gây chiến nhân danh dân chủ và nhân quyền".

Mỹ tìm cách bắt Trung Quốc trả giá vì thân thiết với Nga trong khủng hoảng Ukraine - Ảnh 2.

Đại sứ Liên hợp quốc của Trung Quốc, Zhang Jun, phát biểu trước Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc hôm 25/2. (Ảnh: AP).

Liên kết Bắc Kinh - Moscow tạo ra thách thức địa chính trị cho Mỹ, có thể buộc Washington phải chuẩn bị cho xung đột ở cả hai đầu lục địa Á - Âu, thay vì tập trung vào ưu tiên hàng đầu của chính quyền ông Biden là đối đầu với Trung Quốc.

Các quan chức cho biết buộc Trung Quốc giảm bớt hỗ trợ cho Nga sẽ càng khiến Moscow bị cô lập trong cuộc chiến với Ukraine, làm giảm khả năng hợp tác giữa hai bên trong các vấn đề khác và đặt ra nghi vấn về độ tin cậy của Bắc Kinh với tư cách là một đối tác.

Lệnh trừng phạt và những biện pháp khác mà Mỹ và đồng minh châu Âu giáng vào Nga cũng đồng thời là tín hiệu đến Bắc Kinh về những gì Trung Quốc có thể phải hứng chịu nếu tấn công Đài Loan.

Các cựu quan chức và chuyên gia đối ngoại nhận xét, thuyết phục Bắc Kinh từ bỏ Moscow sẽ cần đến sự kết hợp giữa ngoại giao và gửi tín hiệu cẩn trọng, vì hai chính phủ này cho rằng Mỹ cố cản trở tham vọng toàn cầu của họ.

Bà Bonnie Glaser, Giám đốc chương trình châu Á tại tổ chức German Marshall Fund, cho rằng nếu chính quyền ông Biden tiếp tục theo đuổi con đường chia rẽ Nga và Trung Quốc, "chúng ta có thể khiến Bắc Kinh cảm thấy rất khó chịu và có lẽ phải suy nghĩ lại về những lợi ích khi gần gũi với Moscow".

Theo tờ Wall Street Journal, dưới quyền Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Vladimir Putin, quan hệ Nga - Trung đã trở nên khăng khít như thời khối Trung - Xô đầu thập niên 1950, được gắn kết bởi mục tiêu chung là đối đầu với Mỹ. Điều đó đã được thể hiện đậm nét khi ông Tập tiếp đón ông Putin đầu tháng này tại Bắc Kinh trong lúc Nga tập trung lực lượng quanh Ukraine.

Tuyên bố chung dài 5.000 từ được hai nước công bố sau đó chỉ trích Mỹ và các đồng minh vì làm tổn hại lợi ích an ninh của Nga và Trung Quốc. Tuyên bố phản đối việc mở rộng NATO, đánh dấu lần đầu tiên Bắc Kinh công khai ủng hộ Moscow về vấn đề an ninh châu Âu

Kể từ tháng 11 năm ngoái, các quan chức chính quyền Biden đã cố gắng yêu cầu Bắc Kinh dùng ảnh hưởng của mình với Moscow để ngăn chặn cuộc xâm lược Ukraine. Trong những tuần gần đây, Ngoại trưởng Antony Blinken đã nói chuyện hai lần với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị về vấn đề này.

"Chúng tôi yêu cầu Trung Quốc dùng ảnh hưởng của mình một cách có tính xây dựng, ví dụ như để ngăn chặn chiến tranh. Và bây giờ khi cuộc xâm lược đang diễn ra, chúng tôi muốn dừng nó lại nhanh nhất có thể", quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ tiết lộ.

Sau tuyên bố chung Nga - Trung tháng này, quan chức chính quyền Biden đã họp để thảo luận về các chiến lược đối phó với mối quan hệ hợp tác Bắc Kinh - Moscow. Nguồn tin cho biết các quan chức đã quyết định chọn chiến thuật làm nổi bật mối quan hệ đối tác giữa hai nước và khiến Trung Quốc phải trả giá cho nó.

Leo thang trừng phạt là một trong những cảnh báo sắc bén nhất đến Bắc Kinh. Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã cắt phần lớn ngành tài chính của Nga khỏi hệ thống tài chính phương Tây và ra lệnh đóng băng bất kỳ tài sản ở phương Tây của ông Putin và những người thân cận. Các biện pháp kiểm soát xuất khẩu do Mỹ, EU, Nhật Bản và các nước khác ban hành nghiêm cấm việc chuyển giao các công nghệ quan trọng.

Washington đang quan sát xem liệu các tổ chức tài chính Trung Quốc có cố lấp đầy sự thiếu hụt tài chính hay liệu doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc có tìm cách vượt qua các giới hạn mới đối với xuất khẩu sang Nga hay không.

Bà Jen Psaki, phát ngôn viên Nhà Trắng nói hôm 25/2: "Về vấn đề Trung Quốc, quan điểm của Tổng thống Biden là hiện nay chính là lúc các nhà lãnh đạo thế giới cần lên tiếng rõ ràng chống lại sự gây hấn trắng trợn của Tổng thống Putin và sát cánh với người dân Ukraine, không phải là lúc để lập lờ nước đôi hay trốn tránh và đợi xem chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo".

Giang