|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Những nước nào ủng hộ Nga trong cuộc khủng hoảng Ukraine?

17:05 | 27/02/2022
Chia sẻ
Trong khi Phương Tây đua nhau lên án Nga, các nước đồng minh thân thiết với Moscow thường giữ im lặng hoặc thậm chí là công khai ủng hộ Nga trong cuộc xung đột tại Ukraine.
Bạn tốt của ông Putin: Những nước nào ủng hộ Nga trong cuộc khủng hoảng Ukraine? - Ảnh 1.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko. (Ảnh: Reuters).

Mỹ và nhiều nước châu Âu đã cực lực lên án việc Nga đưa quân tấn công Ukraine, đồng thời áp đặt hàng loạt lệnh trừng phạt với mức độ nặng nhẹ khác nhau. Tuy nhiên, những nước là đồng minh hoặc có quan hệ tốt với Nga lại tỏ ra ủng hộ, hay ít nhất là không chỉ trích quyết định quân sự của Moscow.

Dưới đây là phản ứng chính thức của một số nước về cuộc xung đột ở Ukraine.

Belarus

Belarus có chung đường biên giới với cả Nga và Ukraine, và cũng là một thành viên của Liên Xô cũ như hai nước kia.

Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko là đồng minh thân cận của Tổng thống Nga Vladimir Putin trong nhiều năm qua. Đầu tháng 2 này, khoảng 30.000 binh sĩ Nga cùng nhiều vũ khí hiện đại đã tập trận ở Belarus, đánh dấu một trong những đợt tập trung quân sự lớn nhất tại châu Âu kể từ sau khi Liên bang Xô Viết sụp đổ.

Quân đội Nga đóng ở Belarus sau đó tham gia vào chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine, tấn công vào thủ đô Kiev từ phía bắc. Thủ đô của Ukraine nằm gần biên giới với Belarus nên mũi tiến công này nhanh chóng giúp Nga áp sát Kiev.

Bạn tốt của ông Putin: Những nước nào ủng hộ Nga trong cuộc khủng hoảng Ukraine? - Ảnh 2.

Một trong 4 hướng tiến công của Nga vào Ukraine xuất phát từ Belarus.

Tổng thống Lukashenko tuyên bố quân đội Belarus hiện không tham chiến ở Ukraine nhưng trong tương lai có thể giúp sức quân đội Nga "nếu cần thiết". Nhà lãnh đạo Belarus cũng yêu cầu binh sĩ tăng cường phòng vệ biên giới với hai thành viên NATO là Litva và Ba Lan.

Theo Reuters, Mỹ đã trừng phạt 24 cá nhân và thực thể Belarus vì hỗ trợ cuộc tấn công của Nga nhằm vào Ukraine.

Triều Tiên

Liên Xô từng giúp đỡ Triều Tiên trong cuộc chiến tranh với Mỹ và Hàn Quốc giai đoạn 1950 - 1953. Ngoài các hỗ trợ về vật chất, các phi công Liên Xô đã trực tiếp tham chiến, đọ sức cùng phi công Mỹ trên vùng trời Đông Bắc Á.

Sau khi Liên Xô tan rã, quan hệ giữa Nga và Triều Tiên vẫn tương đối tốt đẹp. Nhiều cá nhân và tổ chức của Nga đã hỗ trợ Triều Tiên, bất chấp lệnh cấm vận của Liên Hợp Quốc.

Tờ Independent cho biết, trước khi Nga tấn công Ukraine, các nhà ngoại giao Nga và Triều Tiên đã thảo luận "hợp tác chiến lược" và "các vấn đề mà hai bên cùng quan tâm liên quan tới tình hình khu vực và quốc tế". Đường biên giới trên bộ giữa hai nước dài 18 km.

Sau khi quân đội Nga tiến vào Ukraine và Mỹ tung đòn trừng phạt Moscow, Triều Tiên đã yêu cầu Mỹ chấm dứt "chính sách thù địch nhằm cô lập và làm suy yếu" Nga.

Tối 26/2, Bộ Ngoại giao Triều Tiên đăng một bài nghiên cứu về cuộc xung đột Nga - Ukraine, trong đó có đoạn: "Căn nguyên của cuộc khủng hoảng Ukraine nằm ở sự hống hách và tùy tiện của Mỹ. Mỹ đã ngoan cố áp dụng duy nhất chính sách trừng phạt và gây áp lực đơn phương, trong khi chính Mỹ theo đuổi tham vọng bá quyền và uy thế quân sự, bất chấp những yêu cầu an ninh hợp lý của phía Nga".

Những nước nào ủng hộ Nga trong cuộc khủng hoảng Ukraine? - Ảnh 4.

Một vụ thử tên lửa của Triều Tiên, ngày 18/1/2022. (Ảnh: Rodong Sinmun/NKNews).

Nga là một trong số ít các nước có quan hệ thương mại với Triều Tiên. Tháng trước, Nga và Trung Quốc đã ngăn cản nỗ lực của Mỹ trong việc áp lệnh trừng phạt lên chính quyền Bình Nhưỡng sau khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un chỉ đạo thử tên lửa kỷ lục 7 lần trong một tháng.

Syria

Sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin công nhận hai vùng ly khai Donetsk và Luhansk ở miền đông Ukraine là các quốc gia độc lập, Phương Tây lập tức áp lệnh cấm vận lên hai vùng này. 

Tuy nhiên, Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã nhanh chóng ủng hộ Nước Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Luhansk, đồng thời tuyên bố sẽ hợp tác với hai nước cộng hòa tự xưng nói trên.

Sau khi Nga tiến đánh Ukraine, ông Bashar al-Assad đã gọi hành động này là "việc sửa lại sai lầm của lịch sử và lập lại thế cân bằng từng bị mất đi sau sự tan rã của Liên bang Xô Viết".

Ông Putin luôn ủng hộ chính quyền Bashar al-Assad trong cuộc nội chiến ở Syria kéo dài từ năm 2011 đến nay. Hiện nay, Nga đang đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo sự tồn tại của chính phủ Bashar al-Assad cũng như tái thiết đất nước bị chiến tranh tàn phá.

Năm 2008 khi Nga công nhận nền độc lập của hai vùng ly khai là Abkhazia và South Ossetia ở Georgia, Syria cũng nhanh chóng lên tiếng ủng hộ.

Những nước nào ủng hộ Nga trong cuộc khủng hoảng Ukraine? - Ảnh 5.

Tổng thống Nga Vladimir Putin tại căn cứ không quân Hemeimeem ở Syria, tháng 12/2017. (Ảnh: AP).

Venezuela

Theo hãng thông tấn TASS ngày 23/2, tức một ngày trước khi Nga tấn công Ukraine, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro bày tỏ sự ủng hộ với Nga: "Chẳng lẽ thế giới lại nghĩ rằng ông Putin sẽ chỉ ngồi nhìn và không làm gì để bảo vệ người dân nước mình? Đó là lý do vì sao Venezuela tuyên bố hoàn toàn ủng hộ Tổng thống Vladimir Putin trong nỗ lực bảo vệ hòa bình ở Nga và trong khu vực".

Sau khi chiến sự Nga - Ukraine nổ ra, Venezuela đã đổ lỗi cho Mỹ và NATO vì vi phạm thỏa thuận Minsk ký kết năm 2014. Nhà lãnh đạo Nicolas Maduro tuyên bố bác bỏ "những âm mưu ngoan cố nhằm bao vây Nga về mặt quân sự cũng như chiến lược".

"Venezuela bày tỏ quan ngại khi cuộc khủng hoảng Ukraine ngày càng xấu đi, đồng thời chỉ trích việc NATO - với sự ủng hộ của Mỹ - đã khinh thường và vi phạm các thỏa thuận Minsk", Bộ Ngoại giao của ông Maduro viết trong thông cáo.

"Các thỏa thuận [Minsk] đổ vỡ đã vi phạm luật pháp quốc tế và tạo ra các mối đe dọa nghiêm trọng đối với Liên bang Nga, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Nga, cũng như gây tổn hại tới quan hệ tốt đẹp giữa các nước láng giềng".

Các nước láng giềng Trung Á

Lãnh đạo các nước Kazakhstan, Uzbekistan, Kyrgyzstan vàTajikistan không đưa ra bất kỳ tuyên bố chính thức nào về cuộc khủng hoảng ở Ukraine.

Trong khi quân đội Nga đang tiến về phía thủ đô Kiev, Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Toqaev và Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin đã gặp nhau để bàn về việc gìn giữ quan hệ kinh tế và thương mại giữa hàng loạt lệnh trừng phạt của Phương Tây.

Theo Al Jazeera, khoảng 1/10 dân số của Uzbekistan, Tajikistan và Kyrgyzstan đang làm việc tại Nga. Số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy kiều hối từ nước ngoài - chủ yếu là Nga - đóng góp 30% GDP của Tajikistan, 28% GDP của Kyrgyzstan và gần 12% với Uzbekistan.

Cuba

Theo Al Jazeera, chính phủ Cuba cực lực chỉ trích Mỹ vì thúc đẩy "sự mở rộng thô bạo của NATO về phía biên giới Liên bang Nga" và kêu gọi các bên tìm kiếm giải pháp ngoại giao để gìn giữ hòa bình quốc tế.

Ngày 22/2, tức là sau khi Nga công nhận chủ quyền của Donetsk và Luhansk nhưng trước khi Tổng thống Putin ra lệnh tấn công Ukraine, Bộ Ngoại giao Cuba tuyên bố việc Mỹ tăng cường đe dọa Nga chỉ khiến cho cuộc khủng hoảng thêm tồi tệ. 

"Chính phủ Mỹ đã đe dọa Nga trong nhiều tuần qua và đang thao túng cộng đồng quốc tế về nguy cơ "một cuộc xâm lược khổng lồ sắp đến" nhằm vào Ukraine", thông cáo của Cuba có đoạn viết.

"Mỹ cung cấp vũ khí và công nghệ quân sự, điều động quân đội đến nhiều quốc gia trong khu vực, áp dụng các lệnh cấm vận đơn phương và vô cớ, đồng thời đe dọa các đòn trừng phạt khác".

Bộ Ngoại giao Cuba nói thêm: "Chúng tôi kêu gọi Mỹ và NATO giải quyết một cách nghiêm túc và thực tế những yêu cầu an ninh của Liên bang Nga. Nước Nga có quyền tự vệ".

Tuy nhiên, Cuba không công khai ủng hộ việc Nga tấn công quân sự Ukraine.

Trung Quốc

Quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc hiện nay khá nồng ấm. Trong tháng 2 này, ông Putin đích thân tham dự Thế vận hội (Olympics) mùa đông tổ chức ở Bắc Kinh. 

Nga cũng không có động thái gây hấn lớn trong thời gian diễn ra Olympics, giúp cho sự kiện lớn của Trung Quốc nhận được đông đảo sự chú ý của cộng đồng quốc tế.

Ngày 21/2, tức một ngày sau khi Olympics kết thúc, Nga mới tuyên bố công nhận độc lập Donetsk và Luhanks cũng như tiến quân vào miền đông Ukraine để "gìn giữ hòa bình". Ngày 24/2, ông Putin mới phát động tấn công toàn diện.

Trung Quốc không công khai ủng hộ cuộc chiến của Nga ở Ukraine, nhưng cũng không dùng từ "xâm lược" để miêu tả hành động quân sự này, không kịch liệt lên án như Phương Tây mà chỉ kêu gọi các bên kiềm chế.

Những nước nào ủng hộ Nga trong cuộc khủng hoảng Ukraine? - Ảnh 8.

Hai nhà lãnh đạo Nga và Trung Quốc gặp nhau tại Bắc Kinh, ngày 4/2/2022. (Ảnh: Reuters).

Tại phiên họp bất thường của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về vấn đề Ukraine ngày 26/2, Mỹ đã chuẩn bị một bản dự thảo nghị quyết với nội dung chỉ trích Nga. Trung Quốc chỉ bỏ phiếu trắng, không ủng hộ dự thảo.

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của cả Nga và Ukraine. Trong bối cảnh Nga bị Phương Tây trừng phạt và cô lập, Trung Quốc sẽ càng đóng vai trò quan trọng hơn đối với nền kinh tế Nga.

Những nước nào ủng hộ Nga trong cuộc khủng hoảng Ukraine? - Ảnh 9.

Ấn Độ và Pakistan

Ngày 24/2, Thủ tướng Pakistan Imran Khan là nguyên thủ quốc gia đầu tiên đến thăm Nga sau khi ông Putin ra lệnh tấn công quân sự Ukraine. Nhà lãnh đạo Nam Á này bày tỏ quan ngại về hậu quả kinh tế mà cuộc khủng hoảng Ukraine gây ra cho các nước đang phát triển.

"Thủ tướng Pakistan nhấn mạnh rằng xung đột sẽ không đem lại lợi ích cho ai, và các nước đang phát triển luôn chịu thiệt hại nặng nề nhất khi xung đột xảy ra", văn phòng ngoại giao Pakistan cho hay.

Những nước nào ủng hộ Nga trong cuộc khủng hoảng Ukraine? - Ảnh 9.

Thủ tướng Pakistan và Tổng thống Nga bắt tay nhau tại Moscow, tháng 2/2022. (Ảnh: Reuters).

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi kêu gọi các bên "ngay lập tức dừng hành vi bạo lực", không trực tiếp lên án Nga.

Ông Igor Polikha, Đại sứ Ukraine tại Ấn Độ, bày tỏ "sự thất vọng sâu sắc" về quan điểm của Ấn Độ. "Đây không phải là lúc đưa ra những phát biểu theo nghi lễ", Đại sứ Polikha nói.

Quan hệ kinh tế giữa Nga và Ấn Độ thời gian gần đây khá thuận lợi. Tháng 12 vừa qua, lãnh đạo hai nước đã ký kết hàng loạt thỏa thuận quốc phòng song phương, trong đó Ấn Độ sẽ mua hơn 600.000 khẩu súng trường tấn công từ Nga.

Tại phiên họp bất thường của Hội đồng Bảo an LHQ về vấn đề Ukraine ngày 26/2, Ấn Độ cùng với Trung Quốc và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đã bỏ phiếu trắng với dự thảo của Mỹ. Nga bỏ phiếu chống, và 11 thành viên còn lại bỏ phiếu thuận.

"Thật đáng tiếc là các bên lại từ bỏ con đường ngoại giao. Chúng ta phải quay trở lại con đường đó. Vì vậy, Ấn Độ quyết định bỏ phiếu trắng", Đại sứ Ấn Độ tại LHQ nói.

Myanmar

Ngày 25/2, chính quyền quân sự của Myanmar tuyên bố cuộc tấn công của Nga ở Ukraine là "chính đáng" và thể hiện vị thế siêu cường của Nga.

Ông Zaw Min Tun, người phát ngôn của chính phủ Myanamar nói rằng Moscow đã "thực hiện hành động chính đáng để duy trì chủ quyền quốc gia". Thông cáo của chính phủ Myanmar còn nói: "Nga thể hiện cho thế giới thấy vị thế siêu cường của mình".

Nga là một trong các đồng minh lớn và nhà cung cấp vũ khí chủ yếu của chính quyền quân đội Myanmar. Năm 2021, Tướng Min Aung Hlaing, Tổng tư lệnh quân đội kiêm Thủ tướng Myanmar đã gặp Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu và nói rằng Myanmar "trở thành một trong những quân đội mạnh nhất khu vực" là nhờ sự giúp sức của Nga.

Song Ngọc