|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Bức tranh kinh tế đằng sau cuộc bạo loạn chết chóc ở Kazakhstan: GDP đầu người sụt 35%, lạm phát leo lên đỉnh 5 năm

07:44 | 10/01/2022
Chia sẻ
Cuộc bạo loạn làm hàng chục người chết ở Kazakhstan được châm ngòi bởi việc giá nhiên liệu đột ngột tăng sốc nhưng nguyên nhân sâu xa là cả một nền kinh tế với những vấn đề nghiêm trọng kéo dài.
Bức tranh kinh tế đằng sau cuộc bạo loạn chết chóc ở Kazakhstan: GDP đầu người sụt 35%, lạm phát leo lên đỉnh 5 năm - Ảnh 1.

Binh lính Kazakhstan tại thành phố đông dân nhất nước Almaty, ngày 6/1/2022. (Ảnh: Reuters).

Hãng tin Al Jazeera ngày 9/1 cho biết hơn 5.000 người biểu tình đã bị bắt giữ và 164 người (bao gồm hai trẻ em) đã thiệt mạng vì bạo loạn tại Kazakhstan trong một tuần gần đây.

Bộ Nội vụ đất nước Trung Á này cho biết thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 200 triệu USD. Hơn 100 doanh nghiệp và ngân hàng đã bị tấn công và cướp phá, khoảng 400 xe cộ bị phá hủy.

Riêng tại Almaty – thành phố đông dân nhất và biểu tình diễn ra dữ dội nhất Kazakhstan, đã có 103 người chết vì bạo lực trong những ngày qua.

Phóng viên thường trú của Al Jazeera tại khu vực Trung Á cho biết: "Chúng tôi dự đoán thống kê số người chết sẽ tăng lên do các cuộc đụng độ, bạo lực, súng máy hạng nặng bắn phá và các vụ nổ kéo dài hàng giờ liền trong ngày 5 và 6/1".

Nguyên nhân trực tiếp: Giá nhiên liệu tăng gấp đôi sau một đêm

Người dân Kazakhstan dùng khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) gồm hỗn hợp của butane và propane làm nhiên liệu cho các loại phương tiện giao thông.

Cho đến cuối năm 2021, chính phủ nước này áp đặt một mức giá trần đối với LPG để giữ cho giá nhiên liệu ở mức hợp lý. Tuy nhiên, Kazakhstan thường xuyên trong tình trạng thiếu nhiên liệu do các doanh nghiệp sản xuất năng lượng muốn xuất khẩu LPG sang các nước láng giềng có giá bán cao hơn như Nga, Kyrgyzstan, …

Từ 1/1/2022, quy định kiểm soát giá LPG bị Kazakhstan gỡ bỏ với hy vọng giá cao hơn sẽ khuyến khích các doanh nghiệp bán nhiên liệu trong nước thay vì chuyển ra nước ngoài. Vậy nhưng việc giá LPG tăng gấp đôi chỉ sau một đêm đã dẫn tới bất ổn xã hội do sinh kế của hàng triệu người dân bị ảnh hưởng.

Bức tranh kinh tế đằng sau cuộc bạo loạn chết chóc ở Kazakhstan: GDP đầu người sụt 35%, lạm phát leo lên đỉnh 5 năm - Ảnh 2.

Cảnh đổ nát sau bạo loạn tại Almaty, Kazakhstan ngày 8/1/2022. (Ảnh: Getty Images).

Các quan chức Kazakhstan đưa ra ba lý do khác nhau để giải thích cho việc giá LPG đột ngột đi lên. 

Chính quyền địa phương cho rằng giá tăng là vì nhu cầu LPG tăng cao trong mùa đông lạnh giá. Bộ trưởng Bộ Năng lượng thì cáo buộc các doanh nghiệp đã thông đồng với nhau để nâng giá. Bộ Năng lượng Kazakhstan lại nhắc đến hoạt động giao dịch LPG trực tuyến trên thị trường quốc tế.

Các cuộc biểu tình nhanh chóng nổ ra. Chính quyền địa phương vội vã hạ giá bán LPG xuống gần mức cuối năm 2021 nhưng mọi chuyện đã quá muộn. Làn sóng phản đối đã lan ra cả nước và không phải chỉ vì vấn đề giá nhiên liệu mà mang tư tưởng bao trùm là chống chính phủ.

Cảnh sát trấn áp bằng đạn cao su, hơi cay và lựu đạn gây choáng. Ngày 7/1, Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev gọi những người biểu tình là "phần tử khủng bố" và ra lệnh cho cảnh sát nổ súng tiêu diệt mà không cần báo trước, dẫn tới con số thương vong lớn nói trên.

Kinh tế sa sút, giá cả leo thang

Chính quyền Kazakhstan đã thông báo áp dụng lại quy định kiểm soát giá LPG để xoa dịu làn sóng phản đối. Dù vậy, các cuộc biểu tình vẫn tiếp tục lan rộng do tâm lý bất mãn của người dân đã âm ỉ từ lâu vì nhiều lý do, không chỉ việc tăng giá nhiên liệu đầu 2022.

Kazakhstan là nước có trữ lượng dầu mỏ và khí đốt cùng xếp thứ 12 trên thế giới. Tổng trữ lượng dầu mỏ là khoảng 30 triệu thùng. Riêng mỏ dầu Kashagan có trữ lượng lớn thứ 5 thế giới và lớn nhất bên ngoài khu vực Trung Đông.

Tuy nhiên, do chính phủ không chú trọng đầu tư và tham nhũng tràn lan, ngành công nghiệp dầu mỏ của Kazakhstan vẫn kém phát triển và đất nước thường xuyên trong tình trạng thiếu nhiên liệu.

Theo Tổ chức Minh bạch Quốc tế, Kazakhstan xếp thứ 94 trong 180 quốc gia về Chỉ số Cảm nhận Tham nhũng (CPI) năm 2020 khi chỉ được 38/100 điểm.

Bức tranh kinh tế đằng sau cuộc bạo loạn chết chóc ở Kazakhstan: GDP đầu người sụt 35%, lạm phát leo lên đỉnh 5 năm - Ảnh 3.

Năm 2020, GDP bình quân đầu người của Kazakhstan là 9.056 USD, khá cao khi so với các quốc gia khác trong khu vực Trung Á nhưng lại giảm 35% so với mức đỉnh của năm 2013 khi giá dầu đang cao trên 100 USD/thùng.

Năm 2021, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo tốc độ tăng trưởng GDP của Kazakhstan chỉ là khoảng 3,4%, gần như thấp nhất khu vực.

Bức tranh kinh tế đằng sau cuộc bạo loạn chết chóc ở Kazakhstan: GDP đầu người sụt 35%, lạm phát leo lên đỉnh 5 năm - Ảnh 4.

Theo Reuters, khoảng một nửa dân số 19 triệu người của Kazakhstan sống ở khu vực nông thôn và gần như bị cô lập với thế giới bên ngoài, khó tiếp cận các dịch vụ công.

Nguồn tài nguyên dầu mỏ và quặng kim loại giúp cho một số ít đại gia trở nên giàu có nhưng đa phần người dân bình thường cảm thấy mình đang bị bỏ lại phía sau. Khoảng 1 triệu người Kazakhstan, tương đương hơn 5% dân số, đang sống dưới ngưỡng nghèo.

Giá cả liên tục leo thang càng khiến cho cuộc sống người dân thêm khó khăn. Trong cả 12 tháng của năm 2021, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đều duy trì tốc độ tăng trên 7% so với cùng kỳ năm trước. Vào tháng 9 và 10, tỷ lệ lạm phát đều là 8,9%, mức cao nhất trong vòng 5 năm.

Bức tranh kinh tế đằng sau cuộc bạo loạn chết chóc ở Kazakhstan: GDP đầu người sụt 35%, lạm phát leo lên đỉnh 5 năm - Ảnh 5.

Lạm phát lên cao dẫn đến việc ngân hàng trung ương Kazakhstan phải nâng lãi suất lên 9,75%/năm, khiến những người đi vay thêm khốn đốn.

Lãnh đạo cầm quyền hơn 20 năm, thông tin bị bóp nghẹt

Ông Nur-Sultan Nazarbayev làm Tổng thống Kazakhstan từ năm 1990 đến tháng 3/2019. Từ năm 2010, ông còn phong cho mình danh hiệu "Lãnh đạo quốc gia".

Khi biểu tình chống chính phủ nổ ra vào đầu năm 2019, ông nhường chức Tổng thống cho đồng minh thân thiết là Kassym-Jomart Tokayev.

Cuộc bầu cử tổng thống tháng 3/2019 bị cáo buộc là có đầy rẫy gian lận, đảng đối lập lớn nhất bị gắn mác "cực đoan" và bị cấm tham gia tranh cử, vậy nên ông Tokayev dễ dàng giành chiến thắng với số phiếu áp đảo.

Chỉ một tuần sau khi Nur-Sultan Nazarbayev từ chức, thủ đô Astana được đổi tên thành Nur-Sultan để tôn vinh vị cựu Tổng thống.

Nur-Sultan Nazarbayev vẫn tiếp tục giữ chức "Lãnh đạo quốc gia" đồng nghĩa với việc ông không thể bị truy tố. Ngoài ra, vị cựu tổng thống này còn giữ chức Chủ tịch Ủy ban An ninh Quốc gia và Chủ tịch đảng cầm quyền Nur Otan nên sức ảnh hưởng vẫn vô cùng lớn.

Các cuộc biểu tình chống chính phủ đầu năm 2022 chủ yếu nhằm vào quyền lực của cựu Tổng thống Nazarbayev chứ không phải đương kim Tổng thống Tokayev.

Theo tổ chức Phóng viên Không biên giới (RSF) năm 2021, Kazakhstan xếp thứ 155 trong tổng số 180 quốc gia về chỉ số tự do báo chí. Khi tình trạng bất ổn diễn ra gần đây, Kazakhstan đã cắt mạng Internet tại nhiều khu vực, khiến việc đưa tin về tình hình thực tế gặp nhiều khó khăn.

Chính sách kiểm soát thông tin này càng khiến cho người dân thêm giận dữ và quyết tâm thể hiện quan điểm của mình bằng các cuộc biểu tình.

Song Ngọc