|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Chuyện gì đang xảy ra ở Kazakhstan - đất nước có trữ lượng dầu thô lớn thứ 12 thế giới?

10:18 | 08/01/2022
Chia sẻ
Vừa mới bắt đầu năm 2022, hàng nghìn người dân tại đất nước Kazakhstan đã tràn ra đường biểu tình để phản đối việc chính phủ nâng giá nhiên liệu. Tuy nhiên, ẩn sâu sau các cuộc biểu tình là một bài toán chính trị - kinh tế lớn hơn rất nhiều.

Chuyện gì đang xảy ra?

Ngay đầu năm mới 2022, một đợt tăng giá bất ngờ của khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG), kết hợp cùng phản ứng ì ạch của chính phủ Kazakhstan, đã khiến hàng nghìn người dân tại đất nước Trung Á tràn xuống đường biểu tình.

Tòa thị chính ở Almaty, thành phố lớn nhất đất nước, chìm trong bạo loạn và khói lửa. Đám đông giận dữ đã chiếm lấy sân bay, đốt xe cảnh sát và các văn phòng địa phương của đảng Nur Otan cầm quyền.

Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev gọi những người biểu tình là "một nhóm khủng bố". Ông tuyên bố Kazakhstan đang bị tấn công, ủy quyền cho lực lượng an ninh "nổ súng mà không cần báo trước", đồng thời yêu cầu liên minh quân sự do Nga dẫn đầu can thiệp.

Chuyện gì đang xảy ra ở Kazakhstan? - Ảnh 1.

Lực lượng an ninh trấn áp người biểu tình tại thành phố Almaty. (Ảnh: EPA).

Chính phủ Kazakhstan cũng cố dập tắt biểu tình bằng cách thiết lập tình trạng khẩn cấp và chặn các website mạng xã hội cũng như ứng dụng trò chuyện như Facebook, WhatsApp, Telegram và WeChat của Trung Quốc.

Theo New York Times, hàng chục người biểu tình chống đối chính phủ đã bị quân đội bắn chết và hàng trăm người khác bị thương. Đây là cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất tại Kazakhstan kể từ khi nước này giành được độc lập vào năm 1991.

Phản ứng gay gắt của Tổng thống Tokayev được cho là đang phản ánh những thách thức nghiêm trọng mà ông phải đối mặt trong chưa đầy ba năm cầm quyền và dường như là tín hiệu cho một cuộc trấn áp kéo dài đối với các lực lượng bất đồng chính kiến.

Điều gì đã dẫn đến các cuộc biểu tình?

Làn sóng giận dữ của người dân Kazakhstan bùng lên khi chính phủ nâng giới hạn giá khí LPG - loại nhiên liệu mà đa phần phương tiện giao thông tại Kazakhstan sử dụng.

Theo ghi nhận của hãng tin Daily Sabah, giá khí LPG tại thành phố Mangystau đã tăng vọt gần 100% từ khoảng 50 - 60 tenge (tương đương khoảng 14 xu Mỹ)/lít lên 120 tenge. Khoảng 90% xe cộ tại Mangystau chạy khí LPG.

Chuyện gì đang xảy ra ở Kazakhstan? - Ảnh 2.

Người biểu tình đốt cháy xe cảnh sát. (Ảnh: Reuters).

Tuy nhiên, phong trào biểu tình còn có nguồn gốc sâu xa hơn, phần nào phản ánh sự bất bình của công chúng trước sự bất bình đẳng về kinh tế và xã hội cũng như sự thiếu dân chủ ở đất nước Trung Á.

Theo thống kê của chính phủ Kazakhstan, mức lương trung bình của người dân trong nước là gần 250.000 tenge (tương đương khoảng 570 USD)/tháng. Tuy nhiên, nhiều người thậm chí không thể kiếm đến con số này.

Người biểu tình muốn gì?

Khi các cuộc biểu tình ngày càng lớn, yêu cầu của người biểu tình cũng mở rộng phạm vi hơn. Họ không chỉ muốn hạ giá nhiên liệu mà còn muốn tự do hóa chính trị.

Đáng chú ý, một trong các thay đổi mà người dân tìm kiếm là một hệ thống bầu cử mở để bầu ra các lãnh đạo địa phương. Hiện tại, các nhà lãnh đạo địa phương vẫn đang do tổng thống bổ nhiệm.

Nói tóm lại, những người biểu tình đang muốn lật đổ các lực lượng chính trị đã cai trị đất nước nhiều năm qua mà không vấp phải bất kỳ sự phản đối lớn nào, New York Times nhấn mạnh.

Tại sao bất ổn ở Kazakhstan lại đáng quan ngại?

Nằm kẹp giữa Nga và Trung Quốc, Kazakhstan là quốc gia không giáp biển lớn nhất thế giới, thậm chí lớn hơn toàn bộ khu vực Tây Âu, dù chỉ có khoảng 19 triệu dân. Các cuộc biểu tình mới nhất có ý nghĩa rất lớn vì cho đến nay, Kazakhstan vẫn được coi là minh chứng cho sự ổn định về chính trị và kinh tế tại một khu vực bất ổn.

Ngoài ra, phong trào biểu tình lần này cũng rất quan trọng vì Kazakhstan đã "liên thủ" với Nga. Tổng thống Nga Vladimir Putin coi Kazakhstan là một phần trong phạm vi ảnh hưởng của Moscow. Sự can thiệp của liên minh do Nga dẫn đầu tại Kazakhstan có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho tình hình địa chính trị khu vực.

Hơn nữa, tình trạng hỗn loạn ở Kazakhstan còn một lần nữa cho thấy lỗ hổng của các nhà lãnh đạo địa phương mà Nga tin tưởng. Tuy nhiên, sự việc cũng mang đến cho Nga một cơ hội để tái khẳng định sức ảnh hưởng trong lãnh thổ của Liên Xô cũ.

Chuyện gì đang xảy ra ở Kazakhstan? - Ảnh 3.

Kazakhstan là quốc gia không giáp biển lớn nhất thế giới. (Bản đồ: New York Times).

Ngoài ra, đối với Điện Kremlin, các cuộc biểu tình còn nêu bật lên thách thức tiềm tàng đối với chính phủ chuyên quyền ở một nước láng giềng của Nga. Đây là cuộc nổi dậy chống chính phủ thứ ba tại một nước có liên minh với Mosocw. Hai cuộc biểu tình còn lại xảy ra ở Ukraine năm 2014 và Belarus năm 2020.

Tình trạng hỗn loạn có thể làm suy yếu sức ảnh hưởng của Moscow trong khu vực, ngay tại thời điểm Nga đang cố gắng khẳng định quyền lực kinh tế và địa chính trị với các nước như Ukraine và Belarus.

Kazakhstan cũng giữ vai trò trọng yếu đối với Mỹ, vì nước này đã trở thành một điểm đến quan trọng cho các công ty năng lượng Mỹ. ExxonMobil và Chevron đã đầu tư hàng chục tỷ USD vào miền tây Kazakhstan, khu vực bắt đầu làn sóng bất ổn mới đây.

Dù có quan hệ chặt chẽ với Moscow, chính phủ Kazakhstan vẫn duy trì liên hệ với Washington. Đầu tư của doanh nghiệp năng lượng Mỹ vào các mỏ khai thác dầu thô được coi là đối trọng với ảnh hưởng của Nga.

Các thế lực chính trị chính tại Kazakhstan?

Gần ba năm trước, ông Nursultan Nazarbayev - vị tổng thống lớn tuổi của Kazakhstan, chính thức từ chức. Từng là công nhân luyện thép và lãnh đạo Đảng Cộng sản, ông Nazarbayev lên nắm quyền ở Kazakhstan vào năm 1989, khi nước này vẫn còn là một phần của Liên Xô.

Trong thời gian nắm quyền, ông đã thu hút nhiều khoản đầu tư khổng lồ từ các công ty năng lượng nước ngoài để khai thác trữ lượng dầu thô của Kazakhstan - ước tính khoảng 30 tỷ thùng, xếp hạng 12 thế giới.

Chuyện gì đang xảy ra ở Kazakhstan? - Ảnh 4.

Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev tại New York năm 2019. (Ảnh: New York Times).

Sau đó, ông Nazarbayev đã dẫn dắt đất nước giành độc lập vào năm 1991 sau khi Liên Xô sụp đổ. Đến năm 2019, ông trao quyền lại cho Tokayev, lúc đó là Chủ tịch Thượng viện, đồng thời là cựu thủ tướng và cựu bộ trưởng Bộ Ngoại giao.

Theo New York Times, Tổng thống Tokayev đã được người tiền nhiệm lựa chọn rất kỹ càng. Cho đến nay, ông Tokayev vẫn nắm giữ quyền lực đáng kể trong chính phủ Kazakhstan. Tuy nhiên, cuộc nổi dậy mới nhất có thể là một đòn đánh "chí mạng" đối với sự nghiệp cầm quyền của ông Tokayev.

Yên Khê

Vì sao Mỹ chật vật với lạm phát hơn châu Âu?
Lạm phát có thể đã giảm mạnh từ các mức cao nhất hàng chục năm qua ở cả hai bờ Đại Tây Dương, nhưng tiến triển ở Mỹ đã chững lại, khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hiện được dự đoán sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất chậm hơn nhiều so với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).