|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Nga leo thang căng thẳng đẩy Trung Quốc vào tình thế khó khăn

10:21 | 23/02/2022
Chia sẻ
Nga và Trung Quốc có mối quan hệ thân thiết nhưng Bắc Kinh đang tránh tạo ra tiền lệ xấu có thể gây tổn hại đến tuyên bố chủ quyền của nước này với Đài Loan. Chuyên gia nhận định "Trung Quốc sẽ phải bước trên lằn ranh mỏng trong khủng hoảng hiện nay".
Nga leo thang căng thẳng đẩy Trung Quốc vào tình thế khó khăn - Ảnh 1.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Ảnh: Reuters).

Hầu hết các nhà ngoại giao tại cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc lên án chính quyền Putin vì đã leo thang căng thẳng với Ukraine. Tuy nhiên, đặc phái viên của Trung Quốc cẩn thận tránh đề cập đến Nga.

Bài phát biểu của Đại sứ Zhang Zun chỉ gồm 6 câu, ý chính trong đó là: "Mọi bên liên quan phải kiềm chế và tránh bất kỳ hành động nào có thể làm gia tăng căng thẳng. Tình hình hiện tại ở Ukraine là kết quả của nhiều yếu tố phức tạp. Trung Quốc luôn đưa ra lập trường của riêng mình, tùy theo bản chất vấn đề".

Nhận xét ngắn ngủi trên trái ngược với tuyên bố chung dài đầu tháng này sau cuộc gặp mặt trực tiếp lần đầu tiên của Tổng thống Putin với Chủ tịch Tập Cận Bình trong hai năm. Ông Tập đã ủng hộ yêu cầu của Nga đối với các đảm bảo an ninh ràng buộc từ Mỹ và NATO trong căng thẳng với Ukraine – cung cấp sự hỗ trợ quan trọng cho ông Putin khi đối đầu với phương Tây.

Nhưng giờ chính phủ Trung Quốc đang sử dụng giọng điệu "nước đôi" hơn khi nỗi sợ Nga tấn công Ukraine gia tăng. Cuối tuần trước, Ngoại trưởng Vương Nghị tuyên bố Trung Quốc ủng hộ "chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ" của Ukraine trong lúc chỉ trích phương Tây vì "gây ra hoảng loạn".

Sau khi ông Putin tuyên bố Nga ủng hộ chủ quyền của hai vùng ly khai miền đông Ukraine, ông Vương Nghị kêu gọi tất cả các bên bảo vệ nguyên tắc của hiến chương Liên Hợp Quốc trong cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken. Sau đó người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc kêu gọi mọi bên liên quan "giảm leo thang tình huống thông qua đối thoại và bàn bạc".

Ông Noah Barkin, chuyên gia quan hệ Trung-Âu tại công ty nghiên cứu Rhodium Group nhận xét: "Trung Quốc sẽ phải bước trên lằn ranh mỏng trong khủng hoảng này. Trung Quốc sẽ muốn tránh công khai chỉ trích hành động của Nga tại Ukraine trong lúc xác nhận ủng hộ nguyên tắc toàn vẹn lãnh thổ và không can thiệp. Xung đột Ukraine càng nóng lên thì bước đi của Bắc Kinh càng trở nên khó khăn".

Theo Bloomberg, khủng hoảng Nga-Ukraine là thử thách đối với nỗ lực của ông Tập trong việc thể hiện Trung Quốc là nhà lãnh đạo toàn cầu có trách nhiệm. Trong khi ông Putin nổi tiếng với khuynh hướng phiêu lưu quân sự, Trung Quốc thường tuyên bố duy trì trật tự quốc tế do các cơ quan Liên Hợp Quốc hậu thuẫn trong lúc lên án Mỹ và các đồng minh là kẻ xấu vì áp đặt các lệnh trừng phạt tài chính.

Mối lo lớn đối với Trung Quốc là sự ổn định trong năm nhạy cảm về chính trị. Trong 2022, ông Tập được dự kiến sẽ phá vỡ tiền lệ và đảm nhận nhiệm kỳ Chủ tịch nước thứ ba tại cuộc họp đảng.

Giá năng lượng

Giá dầu thô đã tăng vọt lên đến gần 100 USD/thùng và lệnh trừng phạt lên xuất khẩu dầu của Nga sẽ lại càng đẩy giá lên cao hơn. Trung Quốc là nước tiêu thụ hàng hóa hàng đầu trong thế giới, còn Nga là nhà sản xuất lớn các mặt hàng dầu khí, nhôm và lúa mỳ.

Nga leo thang căng thẳng đẩy Trung Quốc vào tình thế khó khăn - Ảnh 2.

Ông Christian Le Miere, nhà sáng lập công ty cố vấn Arcipel cho biết: "Bắc Kinh không muốn thấy giá dầu lên 100 USD/thùng, bất kỳ tác động nào từ các lệnh trừng phạt thứ cấp hoặc sự xấu đi trong quan hệ với các đối tác thương mại quan trọng ở châu Âu".

Trung Quốc cũng không muốn tỏ ra ủng hộ phong trào ly khai. Chính quyền của ông Tập từ lâu đã đổ lỗi Mỹ xúi giục bất ổn tại Tân Cương, Tây Tạng và Hong Kong.

"Tình thế khó xử" về Đài Loan

Tình huống ở Ukraine tạo ra tiền lệ có khả năng gây tổn hại cho các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với Đài Loan. Ông Chong Ja An, Giáo sư tại Đại học Quốc gia Singapore cho biết tuy Trung Quốc có thể ủng hộ động thái sáp nhập vùng lãnh thổ đã mất của Nga, nhưng việc Moscow công nhận chủ quyền của hai vùng ly khai ở Ukraine có thể tạo ra tiền lệ để phương Tây công nhận Đài Loan.

"Hành động và tuyên bố của Nga tạo ra tình thế khó xử cho Trung Quốc. Bắc Kinh có vẻ rất cẩn trọng về cách đánh giá những vấn đề này, thay vào đó nhấn mạnh nhu cầu hòa bình".

Ông Jakub Jakobowski, thành viên cấp cao trong Chương trình Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Phương Đông nói "rõ ràng" Trung Quốc không sẵn lòng gánh chịu mọi tổn thất ngoại giao nếu Nga xâm lược Ukraine. "Nhưng, sự ủng hộ chung của Trung Quốc đối với yêu cầu của Moscow và không có thái độ lên án chắc chắn là một cái nháy mắt đến người Nga".

Giang