|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Mỹ dồn dập trừng phạt Nga: Ngân hàng, nợ chính phủ và một số cá nhân rơi vào tầm ngắm

07:25 | 23/02/2022
Chia sẻ
Hôm 22/2, Tổng thống Joe Biden khẳng định Moscow đã bắt đầu "xâm lược" Ukraine, đồng thời ông chủ Nhà Trắng cũng công bố thêm các lệnh trừng phạt sâu rộng khác đối với Nga.

Ba lệnh trừng phạt mới

Theo đưa tin từ CNBC, trong cuộc họp báo ngày 22/2, Tổng thống Joe Biden đã công bố loạt biện pháp trừng phạt sâu rộng đối với một số ngân hàng lớn cũng như đối với nợ chính phủ và ba cá nhân khác tại Nga.

Lệnh trừng phạt đối với hệ thống ngân hàng sẽ cấm các tổ chức tài chính Mỹ xử lý giao dịch cho VEB và PSB - hai ngân hàng nhà nước lớn của Nga. Điều này sẽ ngăn các ngân hàng Nga tiếp cận những giao dịch liên quan đến đồng USD - đồng tiền dự trữ toàn cầu.

Trong khi đó, lệnh trừng phạt đối với nợ chính phủ sẽ "khiến Nga không còn có thể huy động vốn từ các nước phương Tây và cũng không thể giao dịch nợ mới trên thị trường Mỹ hay châu Âu".

Lệnh trừng phạt trên được xây dựng dựa trên các hạn chế hiện có mà ông Biden đã ký thông qua vào năm ngoái để cấm các ngân hàng Mỹ giao dịch cổ phiếu hoặc cho vay đối với một số quỹ giao dịch nợ chính phủ lớn của Nga.

Ngoài ra, chính quyền Tổng thống Biden cũng đã xử phạt ba cá nhân, trong đó có hai người là con trai của các quan chức cấp cao trong chính phủ Nga. Bộ Tài chính Mỹ đã công bố danh sách đầy đủ các cá nhân và tổ chức bị Mỹ trừng phạt trong cùng ngày.

Mỹ dồn dập trừng phạt Nga: Ngân hàng, nợ chính phủ và một số cá nhân rơi vào tầm ngắm - Ảnh 1.

Hôm 22/2, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã lần đầu sử dụng từ "xâm lược" khi nói đến ý định của Nga đối với Ukraine. (Ảnh: Politico).

Khi đưa ra các biện phạt trừng phạt nhắm vào cá nhân, ông Biden khẳng định con cái của giới tinh hoa trong chính phủ Putin "cũng được hưởng lợi ích từ các chính sách tham nhũng của Điện Kremlin, cho nên chúng cũng phải bị liên đới".

Thông báo của ông Biden được đưa ra sau khi Quốc hội Nga chấp thuận yêu cầu của Tổng thống Vladimir Putin về việc sử dụng lực lượng quân sự bên ngoài biên giới của đất nước. Động thái này dường như là nhằm chuẩn bị để thực hiện một cuộc tấn công mạnh bạo vào Ukraine.

CNBC lưu ý, trong bài phát biểu trước báo chí, ông Biden đã có một thay đổi lớn. Trước ngày 22/2, Tổng thống Mỹ chưa bao giờ sử dụng từ "xâm lược" để mô tả hành động triển khai quân sự của Nga ở hai khu vực ly khai ở miền đông Ukraine.

Tuy nhiên, giờ đây ông Biden nói các động thái của Tổng thống Putin trong những ngày gần đây đã thể hiện rõ ý đồ của Nga.

"Đây là khởi đầu của một cuộc xâm lược vào Ukraine. Ông Putin đã phát tín hiệu và yêu cầu Duma (Hạ viện) giúp sức. Vì vậy, tôi sẽ áp đặt các lệnh trừng phạt để đáp trả hành vi của Moscow", Tổng thống Biden nhấn mạnh.

Cuộc trừng phạt chưa kết thúc

Ông Biden cho biết quân tiếp viện của NATO sẽ chỉ tiếp tục phòng thủ, song điều này không chứng tỏ liên minh NATO sẽ không đáp trả các cuộc diễn tập quân sự của ông Putin.

"Hôm nay, nhằm đáp lại việc Nga nhất định không chịu rút quân khỏi Belarus, tôi đã ủy quyền cho quân đội Mỹ đang đóng tại châu Âu tăng cường sức mạnh cho các đồng minh Baltic, Latvia và Lithuania", ông chủ Nhà Trắng cho hay.

"Trong khi Nga dự tính bước đi tiếp theo, chúng tôi cũng đã chuẩn bị cho bước phản đòn mới", Tổng thống Mỹ khẳng định.

Cũng theo ông Biden, có rất ít lý do để tin rằng Nga vẫn quan tâm đến đàm phán ngoại giao. Ông chỉ ra các đợt chuyển quân và tiếp tế gần đây của Moscow dọc biên giới Ukraine làm bằng chứng.

"Nga đã chuyển nguồn cung máu tươi và thiết bị y tế vào các điểm đóng quân ở biên giới. Bạn không cần máu tươi, trừ khi bạn sắp khai chiến", ông Biden nhận định.

Viễn cảnh về một cuộc chiến tranh liên quan đến Nga - nhà cung ứng khí đốt và dầu thô lớn nhất cho châu Âu, đã làm chao đảo thị trường tài chính và làm dấy lên lo ngại về việc giá dầu thô tăng cao hơn.

Ông Biden khẳng định ông sẽ làm mọi thứ trong khả năng để bảo vệ người tiêu dùng Mỹ trước hậu quả mà Nga gây ra. Tuy nhiên, ông thừa nhận giá khí đốt có thể sẽ tăng.

"Bảo vệ tự do cho các nước bạn cũng sẽ khiến chúng ta phải trả giá. Chúng tôi cần phải trung thực với các bạn về điều này", ông Biden bày tỏ. Mỹ đang làm việc với các nhà sản xuất dầu thô lớn khác để lập kế hoạch bình ổn giá cả.

"Tôi muốn hạn chế hết mức có thể thiệt hại mà người tiêu dùng Mỹ phải chịu khi bơm xăng. Mục tiêu này rất quan trọng đối với tôi", ông Biden nói. Nguy cơ giá xăng dầu tăng cao xuất hiện trong bối cảnh người Mỹ đang phải chịu con số lạm phát cao nhất 40 năm.

Dù vậy, ông Biden nhấn mạnh Mỹ vẫn sẽ đứng bên cạnh Ukraine bất luận ra sao, cho nên Washington sẽ trừng phạt thêm nếu Nga tiến tới. "Nếu Nga tiến hành xâm lược, chúng tôi sẵn sàng đưa ra trừng phạt mới", vị tổng thống cho hay.

Yên Khê