Mỹ nói ngày Nga động binh không còn xa, vậy ông Putin đang có những phương án nào?
Thứ Sáu tuần trước (18/2), Tổng thống Joe Biden khẳng định bản thân ông tin Tổng thống Vladimir Putin đã quyết định tấn công Ukraine "trong tuần tới hoặc vài ngày tới".
Khi đó, một số đồng minh của Mỹ - vốn từng hoài nghi liệu Moscow có thực sự động binh với nước láng giềng hay không, đột nhiên im bặt.
Vài giờ trước tuyên bố chấn động, ông Biden thông báo tình báo Mỹ vừa biết rằng Điện Kremlin đã ra lệnh cho binh lính tiến hành xâm lược Ukraine, theo New York Times.
Giờ đây, cuộc tranh luận không còn tập trung vào việc Nga có động binh hay không, mà xoay quanh cách ông Putin sẽ hành động: tấn công quy mô lớn trên toàn quốc; tấn công cục bộ, xâu xé Ukraine từng chút một; hay siết gọng kiềm Ukraine.
Hai lựa chọn đầu - cuối
Nếu ông chủ Điện Kremlin chọn phương án đầu tiên, tấn công Ukraine chỉ trong một đòn duy nhất, quyết định này có thể gây ra một trận chiến lớn và bạo lực nhất tại châu Âu kể từ khi Đức Quốc xã đầu hàng vào năm 1945. Các quan chức quân đội và tình báo cấp cao của Mỹ nhận thấy phương án đầu tiên hiện đang khả thi và có thể xảy ra nhất.
Lựa chọn cuối cùng, siết gọng kìm Ukraine, cũng dễ xảy ra hơn sau khi truyền thông đưa tin Belarus đã cho phép quân đội Nga ở lại vô thời hạn. Bằng phương án này, Nga có thể uy hiếp thủ đô Kiev, phá hủy nền kinh tế Ukraine và lật đổ chính quyền của Tổng thống Volodymyr Zelensky.
"Mọi mảnh ghép đều chứng tỏ Nga sắp xâm lược Ukraine" Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken chia sẻ trên đài CNN hồi cuối tuần trước. "Nga đang ngụy tạo động cơ để đánh nước láng giềng này".
Dù vậy, ông Blinken vẫn để ngỏ khả năng về một giải pháp ngoại giao vào phút chót, điều mà Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã cố gắng thực hiện vào cuối tuần qua bằng cuộc điện đàm kéo dài 1 tiếng 45 phút cùng ông Putin.
Tuần này, ông Blinken dự kiến sẽ gặp mặt người đồng cấp Sergey Lavrov tại châu Âu, nhưng với điều kiện Nga không được động binh. "Chúng tôi tin ông Putin đã ra quyết định, nhưng cho đến khi xe tăng thực sự lăn bánh và máy bay cất canh, chúng tôi sẽ tận dụng mọi cơ hội và từng phút một để tìm giải pháp ngoại giao".
Tối Chủ nhật (20/2), Nhà Trắng đưa ra tuyên bố rằng ông Biden cũng đã "đồng ý trên nguyên tắc" về một cuộc gặp với Tổng thống Putin sau cuộc trao đổi của hai ngoại trưởng. Điều kiện tiên quyết cho cuộc gặp vẫn là Nga chưa tấn công Ukraine.
Xâm nhập từ từ
Dĩ nhiên, Điện Kremlin còn một lựa chọn khác là xâm nhập một cách từ từ, cục bộ để ép Ukraine lùi bước. Theo New York Times, thuật ngữ "xâm nhập từ từ" được ông Biden nêu ngắn gọn tại một cuộc họp báo hồi tháng Giêng và một số chuyên gia nhận định kịch bản này cũng có khả năng xảy ra rất cao.
Chia sẻ tại Hội nghị An ninh Munich cuối tuần trước, ông Ian Bremmer - Giám đốc cấp cao tại hãng tư vấn địa chính trị Eurasia Group, cho biết: "Nếu Putin có ý định leo thang căng thẳng, tôi không nghĩ ông ta sẽ tấn công chớp nhoáng Kiev và lật đổ chính quyền Zelensky".
"Có thể Điện Kremlin sẽ công nhận sự độc lập của hai nước tự xưng tại vùng Donbass ở miền đông Ukraine [để làm bàn đạp ép buộc Kiev ngừng kết nối với phương Tây]", ông Bremmer nói.
Thực chất, tối ngày 21/2, Tổng thống Putin đã ký sắc lệnh công nhận độc lập và chủ quyền của "Cộng hòa Nhân dân Donetsk" và "Cộng hòa Nhân dân Luhansk" tự xưng ở Donbass. Đồng thời, ông Putin còn ra lệnh cho quân tiến vào khu vực này để "gìn giữ hòa bình".
Ngoài ra, các chuyên gia cho rằng Nga cũng có thể làm tê liệt lưới điện và hệ thống liên lạc của Ukraine. Gần đây, ông Biden đã cử phó cố vấn an ninh quốc gia về công nghệ mạng đến giải thích cho NATO về kịch bản này và khả năng các cuộc tấn công mạng có thể lan sang Tây Âu và Mỹ hay không.