|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá dầu sát mốc 100 USD/thùng giữa lúc căng thẳng Nga - Ukraine leo thang chóng mặt

10:40 | 22/02/2022
Chia sẻ
Giá dầu thô thế giới đã tiến sát mốc 100 USD/thùng trong bối cảnh căng thẳng giữa Nga và Ukraine ghi nhận những tín hiệu xấu.

Giá dầu gần 100 USD/thùng

Trong đêm qua (21/2), một loạt diễn biến mới quanh căng thẳng giữa Nga và Ukraine đã xảy ra. Trong đó, đáng chú ý nhất là việc Tổng thống Nga Vladimir Putin ra lệnh cho quân đội tiến vào Donetsk và Luhansk ở vùng Donbass (miền đông Ukraine) và tuyên bố Moscow sẽ công nhận độc lập - chủ quyền của hai nước cộng hòa tự xưng này.

Trên truyền hình quốc gia, ông chủ Điện Kremlin nhấn mạnh: "Tôi cho rằng chúng ta cần phải ngay lập tức công nhận độc lập và chủ quyền của Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Cộng hòa Nhân dân Luhansk và đáng lẽ phải làm từ lâu rồi".

Đáp lại, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nhanh chóng ký lệnh hành pháp cấm các khoản đầu tư, thương mại hoặc tài trợ mới của công dân Mỹ tới, từ hoặc trong Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Cộng hòa Nhân dân Luhansk tự xưng.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cũng ra tuyên bố chung: "Liên minh châu Âu sẽ đáp trả bằng cách trừng phạt các bên tham gia vào hành động bất hợp pháp này. 

Liên minh tái khẳng định sự ủng hộ vững chắc đối với độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine theo các biên giới được quốc tế công nhận".

Trong khi đó, Thủ tướng Anh Boris Johnson gọi diễn biến mới nhất là "điềm báo rất gở" và và "dấu hiệu đen tối".

Giá dầu tăng vọt giữa lúc căng thẳng Nga - Ukraine chạm mốc mới - Ảnh 1.

Đến phiên giao dịch sáng nay (ngày 22/2, theo giờ Việt Nam), giá dầu thô thế giới đã bật tăng mạnh mẽ. Cụ thể, giá dầu Brent chuẩn quốc tế tăng hơn 2,24% lên khoảng 97,55 USD/thùng, còn dầu WTI của Mỹ tăng 3,7% lên 94,44 USD/thùng.

Căng thẳng tại Ukraine leo thang đã khiến thị trường lo lắng, từ đó kéo giá "vàng đen" lên mức cao hơn. Giờ đây, giá dầu Brent chỉ cách mốc 100 USD/thùng một khoảng cách ngắn, bất kỳ diễn biến mới nào cũng có thể là chất xúc tác cho thị trường năng lượng.

Tính từ đầu năm 2022 đến nay, giá dầu thô đã bật tăng hơn 20%, trong khi tính từ đầu năm ngoái thì mức tăng là hơn 80%. Song, một số chuyên gia cũng lưu ý rằng việc giá dầu đi lên là do các yếu tố khác như nguồn cung bị thắt chặt và công suất dự phòng của OPEC xuống thấp.

Chia sẻ với CNBC, bà Katrina Ell, chuyên gia kinh tế cấp cao tại Moody's Analytics, cho biết hãng này ước tính căng thẳng địa chính trị tại Đông Âu đã giúp giá dầu tăng thêm 10 đến 15 USD/thùng.

"Do đó, nếu xung đột giữa Nga và Ukraine tiếp tục leo thang và gây nguy cơ gián đoạn nguồn cung đối với dầu mỏ và khí đốt của Nga, giá của vàng đen có thể leo lên cao hơn. Điều này sẽ thực sự làm tổn hại các nền kinh tế lớn tại châu Á vì đa phần các nước này đều là nhà nhập khẩu dầu thô ròng", bà Ell giải thích.

Giá dầu tăng vọt giữa lúc căng thẳng Nga - Ukraine chạm mốc mới - Ảnh 1.

Khu vực tập trung các sản phẩm dầu khí tại cảng Odessa, Ukraine. (Ảnh: Getty Images).

Nguy cơ lịch sử tái hiện

Cuối tuần trước, ông chủ Nhà Trắng Joe Biden khẳng định Mỹ tin chắc Nga đã quyết định tấn công Ukraine "trong những ngày tới", bất chấp việc Điện Kremlin liên tục phủ nhận ý định xâm lược nước láng giềng.

Washington ước tính có khoảng 169.000 - 190.000 lính Nga đang đóng quân tại hoặc gần Ukraine, tăng so với con số 100.000 vào cuối tháng Giêng. Các số liệu mới được công bố bất chấp việc Moscow khẳng định đã rút bớt quân khỏi biên giới nước láng giềng.

Cũng tuần trước, các cuộc giao tranh giữa chính phủ Ukraine và quân ly khai thân Nga ở Donbass đã leo thang. Truyền thông nhà nước Nga và chính quyền Kiev liên tục đổ lỗi cho nhau vì đã thực hiện các cuộc pháo kích và vi phạm lệnh ngừng bắn.

Tóm lại, căng thẳng quân sự giữa hai nước đã làm dấy lên lo ngại rằng Nga có thể sắp xâm lược Ukraine. Công chúng e ngại Điện Kremlin sẽ lặp lại hành động sáp nhập và chiếm đóng bất hợp pháp đối với Ukraine như từng làm với bán đảo Crimea năm 2014.

Yên Khê