Donbass - vùng đất vừa là chìa khóa, vừa là mồi lửa cho xung đột giữa Nga và Ukraine
Hiệp định Minsk tái xuất trên truyền thông
Nếu theo dõi sát sao các tuyên bố do Điện Kremlin phát đi, công chúng có thể nhận thấy các quan chức Nga, bao gồm cả Tổng thống Vladimir Putin, đã liên tục đề cập đến một thỏa thuận mang tên Hiệp định Minsk.
Nếu lưu tâm hơn nữa, công chúng sẽ biết rõ Hiệp định Minsk là một thỏa thuận đình chiến được Nga và Ukraine ký kết vào đầu năm 2015, do Pháp và Đức làm trung gian. 4 nước này được gọi là Bộ tứ Normandy.
Ngoài ra, Hiệp định Minsk còn có vai trò đặc biệt hệ trọng đối với tương lai của vùng Donbass ở miền đông Ukraine. Hiện tại, Donbass đang nằm dưới quyền kiểm soát của các lực lượng ly khai thân Nga.
Theo khuôn khổ Hiệp định Minsk, Nga đồng ý trao Donbass lại cho Ukraine, đổi lại chính quyền Kiev phải trao thêm quyền tự trị cho khu vực này. Moscow hy vọng bước đi đó sẽ ngăn Kiev sà vào vòng tay của phương Tây, đồng thời giúp củng cố các lực lượng thân Nga trong nền chính trị Ukraine.
Song, cuối cùng không chính phủ nước nào tuân thủ thỏa thuận, khiến đàm phán bị đình trệ. Sự sa sút của Hiệp định Minsk và kéo theo đó là vận mệnh khó đoán của khu vực Donbass được các chuyên gia cho là một phần nguyên nhân dẫn đến căng thẳng hiện nay giữa Nga và Ukraine.
Năm xưa Donbass thành điểm nóng thế nào?
Donbass (hay Donbas) là tên gọi chung của một khu vực ở miền đông Ukraine, bao gồm các phần quan trọng của hai vùng Donetsk và Luhansk (hay Lugansk).
Đây từng là trung tâm của ngành công nghiệp khai thác than, luyện kim đen và kim loại màu của Ukraine. Donbass cũng từng là một trong các khu vực đô thị hóa nhất của Ukraine, có thời điểm khoảng 90% dân số sinh sống tại thành thị.
Tuy nhiên, giờ đây Donbass lại giống như một vùng lãnh thổ bị bỏ quên với cơ sở hạ tầng bị hư hỏng nghiêm trọng sau nhiều trận xung đột vũ trang.
Nói một cách nào đó, Donbass bị "đóng băng" cả về chính trị lẫn kinh tế và khu vực này hiện không thuộc về chính quyền Kiev cũng không thuộc về Moscow.
Donbass trở thành một điểm nóng giữa Moscow và Kiev vào đầu năm 2014, không lâu sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine.
Tháng 5/2014, các nhóm người gốc Nga và thân Nga ở khu vực Donbass đã lập ra hai nước Cộng hòa nhân dân Donestk và Cộng hòa nhân dân Luhansk ly khai, từ đó dẫn tới xung đột quân sự với Kiev.
Theo chính phủ Ukraine, quân đội nước này đáng lẽ đã đẩy lùi được quân ly khai. Song, đến cuối tháng 8 cùng năm, quân đội Nga đã can thiệp với quy mô lớn, dẫn đến thất bại của Ukraine.
Sang đầu năm 2015, quân ly khai thân Nga đã tiếp tục tấn công. Ukraine chịu thêm thất bại lần hai và cuối cùng chấp nhận hòa giải với sự trung gian của các nước phương Tây. Bộ tứ Normandy đã ngồi lại cùng nhau ở thủ đô Minsk của Belarus.
Từ đó, Hiệp định Minsk 1 và 2 được thông qua với nội dung như được nêu ở đầu bài viết. Song, đến nay các bên liên quan đều không thực sự tuân thủ các điều khoản trong thỏa thuận, ngược lại còn đổ lỗi cho nhau hòng gây leo thang xung đột. Điều này cũng khiến Donbass trở thành điểm nóng mãi chưa nguội lại.
Chìa khóa hay mồi lửa cho xung đột?
Giờ đây, một số chuyên gia ở phương Tây đang coi Donbass như một con bài thương lượng tiềm năng trong việc giải quyết căng thẳng giữa hai nước Liên Xô cũ, dù cái giá có thể khá đắt.
Hiện tại, Điện Kremlin đã điều động hơn 100.000 binh lính, cùng với lượng lớn vũ khí, đạn dược và thậm chí là nguồn cung máu tươi tới biên giới Ukraine. Tuy nhiên, chính quyền ông Putin vẫn phủ nhận ý định tấn công Ukraine, ngược lại còn cáo buộc phương Tây phớt lờ các yêu cầu căn bản của Moscow.
Nga muốn NATO không được chấp thuận cho Ukraine làm thành viên, đồng thời liên minh quân sự này phải rút quân khỏi khu vực Đông Âu. Đáp lại, Mỹ và các đồng minh khẳng định họ không thể bác bỏ mong mỏi thành lập liên minh của bất kỳ quốc gia nào, bao gồm Ukraine.
Trong nhiều tuần qua, tình báo và cơ quan an ninh của phương Tây đã không ngừng gióng lên hồi chuông cảnh báo rằng Nga có thể động binh với Ukraine "bất cứ lúc nào". Mỹ ráo riết kêu gọi công dân rời Ukraine và Belarus, dời Đại sứ quán từ Kiev đến Lviv cũng như phá hủy nhiều máy móc để tránh lọt tài liệu mật vào tay đối thủ.
Giữa lúc này, Nga, Ukraine và các nước phương Tây vẫn đang nỗ lực đàm phán ngoại giao để khép lại tranh chấp và đây chính là nơi mà Donbass có thể được sử dụng như một quân bài thương lượng…dành cho Nga.
Theo Foreign Policy, mặc dù có suy đoán cho rằng Nga sẽ tấn công Kiev để gây áp lực lên nước láng giềng, không nhiều chuyên gia tin rằng Moscow sẽ mạo hiểm khi nhằm vào thủ đô của Ukraine.
Thay vào đó, họ dự đoán Moscow sẽ tấn công vào các thị trấn hoặc cơ sở hạ tầng chiến lược của Ukraine, hoặc tăng cường sức mạnh quân sự tại các khu vực do phe ly khai kiểm soát.
Ông Pavel Luzin, nhà phân tích an ninh Nga tại viện chính sách Jamestown Foundation, cho hay: "Động binh ở Donbass là kịch bản khả thi nhất vì vùng đất này có ý nghĩa chính trị nhất định cũng như có thể tạo thêm không gian để Nga đàm phán ngoại giao".
"Tấn công vào thủ đô Kiev của Ukraine không thể thực hiện chỉ trong vài ngày ngắn ngủi, hơn nữa đó còn là hành động tự sát của giới lãnh đạo Nga", vị chuyên gia nhấn mạnh.
Theo nhận định của bà Katrina vanden Heuvel - cựu biên tập viên của tạp chí The Nation, trong kịch bản lý tượng nhất, khi Nga tấn công vào Donbass, Ukraine sẽ chịu áp lực lớn và phải chấp nhận từ bỏ mong muốn gia nhập NATO cũng như trao thêm quyền tự trị cho Donetsk và Luhansk.
Đổi lại, Nga cũng phải mềm mỏng hơn, tôn trọng độc lập - chủ quyền của nước láng giềng Ukraine và không thâu tóm Donbass, bà Heuvel hình dung trên tờ Washington Post.
Tuy nhiên, ở kịch bản khác, Donbass có thể là ngòi nổ cho xung đột giữa Moscow và Kiev. Đầu tuần này, không lâu sau khi ông Putin rút bớt quân khỏi biên giới Ukraine, Quốc hội Nga lại phát đi một tín hiệu mới có thể leo thang căng thẳng.
Hôm 15/2, Hạ viện Nga (tức Duma Quốc gia) đã thông qua một dự luật cho phép công nhận ngoại giao với Donetsk và Luhansk, coi hai vùng này như các quốc gia độc lập. Dự luật đã được chuyển tới Điện Kremlin, chờ ông Putin đặt bút ký phê duyệt.
Ukraine chưa bao giờ từ bỏ khu vực Donbass. Do đó, nếu Moscow công nhận Donetsk và Luhansk như hai quốc gia có chủ quyền, chẳng khác nào Nga đang ám chỉ họ sẽ từ bỏ mãi mãi Hiệp định Minsk và "cướp" Donbass khỏi tay Ukraine.
Khi đó, tiến trình bình thường hóa và kiến tạo lại hòa bình ở khu vực miền đông Ukraine sẽ trở nên mong manh hơn. Cùng lúc, điều này có thể châm ngòi cho căng thẳng giữa Moscow và Kiev bùng nổ, ngay cả khi Nga đã rút bớt quân và phát tín hiệu sẵn sàng đàm phán để xử lý khúc mắc đôi bên.
Ukraine vốn sở hữu sức mạnh quân sự khiêm tốn hơn Nga, nên nếu xảy ra chiến tranh, đất nước này sẽ gánh chịu hậu quả nặng nề và gây ra một cuộc khủng hoảng chính trị tại châu Âu, đồng thời gây ảnh hưởng đến nỗ lực mở rộng của NATO.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/