|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Căng thẳng leo thang giữa Nga và các nước EU, giá dầu tăng cao có thể ảnh hưởng triển vọng ngành này của Việt Nam

14:03 | 16/02/2022
Chia sẻ
VDSC dự báo một số rủi ro ảnh hưởng tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam có thể đến từ căng thẳng leo thang giữa Nga và các nước EU, giá dầu tăng cao và việc Mỹ thắt chặt chính sách tiền tệ.

Trong báo cáo mới nhất, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết tăng trưởng tích cực trong tháng đầu năm củng cố quan điểm của công ty về môi trường xuất khẩu thuận lợi cho các nhà xuất khẩu Việt Nam. 

Trong năm nay, nền kinh tế toàn cầu được kỳ vọng sẽ tiếp tục hồi phục và hỗ trợ nhu cầu xuất khẩu, đồng thời cũng là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam. 

Tuy nhiên, các căng thẳng địa chính trị gần đây và lộ trình thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh hơn của Fed đang dấy lên quan ngại về triển vọng kinh tế toàn cầu. 

Cụ thể, những yếu tố bất định liên quan đến cuộc khủng hoảng Nga – Ukraina sẽ tiếp tục duy trì trong ngắn hạn. Cùng với đó, rủi ro về việc nâng lãi suất mạnh hơn và thường xuyên hơn của Fed sẽ phụ thuộc rất nhiều vào triển vọng lạm phát tại Mỹ.

Mặc dù VDSC duy trì quan điểm lạc quan về sự phục hồi của kinh tế Việt Nam năm 2022, rủi ro đang gia tăng sẽ khiến cho sự lạc quan trở nên thận trọng hơn trước. 

Các biện pháp trừng phạt (cấm vận) nếu có trong trường hợp căng thẳng leo thang giữa Nga và các nước EU sẽ gây tổn hại đến nền kinh tế của khối này, vốn là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam. 

Hơn nữa, VDSC cho rằng việc giá dầu tăng cao khi giá dầu Brent giao dịch ở mức 94,9 USD/thùng sẽ là một rủi ro đáng kể khiến giá nhập khẩu và lạm phát trong nước tăng cao. 

Ở khía cạnh khác, việc thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh hơn từ Mỹ đang khiến cho đồng USD trở nên mạnh hơn so với đa số các đồng tiền khác, theo đó sẽ tạo nên áp lực lớn hơn đối với sự ổn định của tiền đồng trong năm nay.

Việt Nam tiếp tục duy trì thặng dư thương mại trong tháng đầu năm. Xuất khẩu ghi nhận tăng trưởng dương tháng thứ 4 liên tiếp, tăng 8,1% so với cùng kỳ vào tháng 1/2022 và vượt xa ước tính của Tổng cục thống kê (tăng 1,6%). Tính theo tháng, kim ngạch xuất khẩu giảm 10,8% (tháng 12/2021 tăng 8,5%), cho thấy hiệu ứng mùa vụ của hoạt động xuất khẩu trong giai đoạn cuối năm cũ và đầu năm mới. 

Nhập khẩu cũng tăng 11,3% so với cùng kỳ (tháng 12/2021 tăng 13,3%), chủ yếu do sự gia tăng của giá hàng hóa. 

Thặng dư thương mại của cả nước đạt 1,4 tỷ USD vào tháng 1/2022, thấp hơn so với mức thặng dư 3 tỷ USD vào tháng 12/2021. Tuy nhiên, cán cân thương mại ghi nhận mức thặng dư liên tục trong 5 tháng kể từ tháng 8/2021, mặc dù mức thặng dư này thấp hơn mức thặng dư 2,1 tỷ USD được ghi nhận vào tháng 1 cùng kỳ năm ngoái.

Anh Đào

Chủ tịch SSI: Rủi ro lớn nhất của thị trường nằm ở niềm tin nhà đầu tư
Công ty chứng khoán đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 8.112 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 3.398 tỷ đồng. So với kết quả 2023, các chỉ tiêu này tăng lần lượt 13% và 19% và là mức cao kỷ lục.