|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Giá xăng dầu tăng sẽ tác động mạnh tới tăng trưởng và áp lực lạm phát

20:35 | 14/02/2022
Chia sẻ
Theo chuyên gia Nguyễn Bích Lâm, giá xăng dầu tăng không chỉ tác động làm tăng giá thành sản phẩm hàng hóa và dịch vụ, mà còn trực tiếp làm tăng CPI, ảnh hưởng đến thu nhập và chi tiêu của người dân.

Chỉ trong vòng 1 tháng, giá xăng dầu ở Việt Nam đã tăng 3 lần liên tiếp. Chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhận định, khi giá xăng dầu liên tục tăng cao sẽ làm giảm hiệu quả và có thể vô hiệu hoá chính sách tài khóa cắt giảm 2% thuế VAT đang triển khai nhằm kích cầu tiêu dùng, kích thích tăng trưởng và giảm áp lực lạm phát, dẫn tới không đạt được mục tiêu tăng trưởng, thất thu ngân sách nhưng lạm phát vẫn gia tăng.

Để hiểu rõ hơn về tăng giá xăng dầu sẽ tác động như thế nào đến kinh tế trong nước, Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Bích Lâm xung quanh nội dung này.

- Thưa ông, ngày 11/2/2022, giá xăng dầu trong nước tiếp tục tăng. Xin ông cho biết, những yếu tố nào khiến cho giá xăng dầu tăng cao như mức hiện nay?

Chuyên gia Nguyễn Bích Lâm: Mặc dù, giá dầu thô đã tăng trên 60% trong hơn một năm qua, đạt mức 94 USD/thùng, nhưng các nhà khai thác đã không tăng sản lượng. Một yếu tố quan trọng đẩy giá dầu leo thang là việc Liên minh giữa Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa và đồng minh (OPEC+) tuyên bố giữ nguyên kế hoạch tăng sản lượng nhằm hưởng lợi từ mức giá cao, thay vì tăng sản lượng cao hơn như kêu gọi của các nước tiêu thụ dầu lớn như Mỹ và Ấn Độ.

Bên cạnh đó, thế giới đang hứng chịu cuộc khủng hoảng năng lượng và đối mặt với mùa đông 2021-2022 khắc nghiệt, lạnh sớm nên các nước đang tăng cường dự trữ xăng dầu càng làm giá dầu gia tăng.

Tại châu Âu, từ mấy tháng trở lại đây, giá xăng dầu tăng liên tục hàng tuần. Giữa tháng 10 năm 2021, giá nhiên liệu tại châu Âu đã lên tới mức cao kỷ lục chưa từng thấy. Tuy vậy kỷ lục này đã bị phá vỡ và không thể so với giá xăng dầu tại thời điểm hiện nay. Ngày 8/2/2022 giá dầu diezel đã lên mức kỷ lục.

Tại Bỉ, một lít dầu diezel là 1,78 euro, xăng 95 là 1,66 euro. Tại Anh, giá xăng dầu đã tăng đến mức kỷ lục, 1 lít dầu diezel là 151 xu Anh, 1 lít xăng là 147 xu Anh.

Trong bối cảnh các nền kinh tế đang tăng tốc mạnh mẽ, cộng thêm những bất ổn địa chính trị, giá xăng dầu đã tăng lên mức cao, vượt xa mọi dự đoán trước đó, nguy cơ tăng cao thêm nữa nếu chiến tranh bùng phát trên biên giới Ukraine, hoặc Mỹ cấm vận ngăn cản Nga bán dầu thô. Hiện tại chưa có dấu hiệu nào cho thấy giá nhiên liệu sớm được bình ổn, viễn cảnh giảm giá lại càng xa vời.

Giá xăng dầu trong nước phụ thuộc rất lớn vào giá xăng dầu thế giới vì nguồn cung xăng dầu trong nước không đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế. Bên cạnh đó, do khó khăn về tài chính, nhà máy lọc dầu Nghi Sơn đã giảm sản lượng làm cho nguồn cung xăng dầu trong nước bị suy giảm và gián đoạn.

- Theo các tổ chức quốc tế nhận định, giá xăng dầu sẽ tiếp tục tăng cao trong thời gian tới. Vậy, đâu là nguyên nhân thưa ông?

Chuyên gia Nguyễn Bích Lâm: Hiện nay, các nền kinh tế đang dần phục hồi, bắt đầu mở cửa, khởi động lại hoạt động sản xuất kinh doanh, giao lưu đi lại, giao thông vận tải, du lịch sẽ khởi sắc do nhiều nước trên thế giới sử dụng thẻ xanh COVID-19 và dần coi COVID-19 như bệnh cúm thông thường vì đã tiêm vaccine diện rộng và có thuốc điều trị.

Ngày 7/2/2022, giá dầu đã xác lập “đỉnh” mới trong vòng 7 năm qua do lo ngại căng thẳng địa chính trị leo thang và nhu cầu phục hồi mạnh mẽ khiến sự chênh lệch ngày càng tăng giữa cung và cầu, lượng tồn kho tại các trung tâm nhiên liệu trên toàn cầu đạt mức thấp nhất trong nhiều năm qua.

Theo Tập đoàn tài chính Mitsubishi UFJ, nguồn cung dầu thô ít, trữ lượng thấp và sản lượng toàn cầu gần đạt mức tối đa đang đẩy giá dầu tăng.

Ngày 10/2/2022, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cho biết nhu cầu dầu thế giới có thể còn tăng mạnh hơn trong năm nay khi nền kinh tế toàn cầu phục hồi mạnh mẽ.

Ngân hàng Goldman Sachs nhận định giá dầu thô sẽ còn tiếp tục tăng trong vài năm tới do nhu cầu tăng mạnh trong khi nguồn cung hạn chế, thị trường dầu thô sẽ phải trải qua thời kỳ thiếu hụt nguồn cung dài nhất trong nhiều thập kỷ qua và nhu cầu sẽ ngày một tăng. Việc thiếu đầu tư thượng nguồn trong khai thác dầu trong khi nhu cầu ngày một tăng là chỉ báo về giá dầu đứng ở mức cao kéo dài ít nhất trong năm 2022.

Vì vậy trong thời gian tới, thị trường xăng dầu thế giới còn biến động, khả năng giá xăng dầu vẫn tăng. Các Tổ chức dự báo năng lượng quan trọng của thế giới gồm OPEC, Tổ chức Năng lượng Quốc tế và Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ đều dự báo giá dầu thô có thể chạm ngưỡng 100 USD/thùng vào mùa Hè năm nay.

Giá xăng dầu tăng sẽ tác động mạnh tới tăng trưởng và áp lực lạm phát - Ảnh 1.

Một điểm bán xăng của Petrolimex chuẩn bị điều chỉnh giá. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+).

- Thưa ông, cùng với xu thế biến động giá xăng dầu thế giới, trong nước giá xăng dầu tăng cao ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của nước ta?

Chuyên gia Nguyễn Bích Lâm: Kinh tế nước ta phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu từ bên ngoài, với tỷ lệ chi phí nguyên vật liệu nhập khẩu trong tổng chi phí nguyên vật liệu của toàn nền kinh tế là 37%. Khi giá xăng dầu thế giới tăng sẽ làm tăng giá nguyên vật liệu nhập khẩu và nguyên vật liệu trong nước.

Trong hoạt động sản xuất hàng hoá và dịch vụ, tuỳ theo quy trình sản xuất của mỗi ngành, có thể thấy hầu hết các ngành dù nhiều hay ít đều sử dụng xăng dầu. Chi phí xăng dầu chiếm khoảng 3,52% trong tổng chi phí sản xuất của toàn nền kinh tế. Điều này cho thấy xăng dầu chiếm tỷ trọng khá cao và tác động mạnh vào giá thành sản phẩm sản xuất.

Đặc biệt, giá xăng dầu tăng có tác động rất mạnh tới các ngành sử dụng nhiều xăng dầu như: đánh bắt thủy sản, vận tải hàng hoá và hành khách đường bộ, đường thuỷ và đường hàng không.

Bên cạnh tác động trực tiếp làm tăng giá thành sản phẩm, giá xăng dầu tăng còn làm tăng giá hàng hoá trong khâu lưu thông, tạo áp lực lên lạm phát, giảm sức cạnh tranh của hàng hoá sản xuất trong nước, tác động xấu đến tăng trưởng kinh tế.

Đối với nền kinh tế nước ta, khi giá xăng dầu tăng 10% làm GDP giảm khoảng 0,5 %, mức giảm khá lớn, phản ánh tác động rất mạnh của biến động giá xăng dầu tới tăng trưởng kinh tế.

Đặc biệt khi giá xăng dầu liên tục tăng cao sẽ làm giảm hiệu quả và có thể vô hiệu hoá chính sách tài khoá cắt giảm 2% thuế VAT đang triển khai thực hiện nhằm kích cầu tiêu dùng, kích thích tăng trưởng và giảm áp lực lạm phát, dẫn tới không đạt được mục tiêu tăng trưởng, thất thu ngân sách nhưng lạm phát vẫn gia tăng.

- Xin ông cho biết giá xăng dầu tăng tác động như thế nào đến chỉ số giá tiêu dùng của nền kinh tế?

Chuyên gia Nguyễn Bích Lâm: Giá xăng dầu tăng không chỉ tác động làm tăng giá thành sản phẩm hàng hóa và dịch vụ, mà còn trực tiếp làm tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI), ảnh hưởng đến thu nhập và chi tiêu của người dân. Giá xăng dầu tăng 10% làm cho chỉ số CPI tăng 0,36 điểm phần trăm.

Bên cạnh đó, chi tiêu cho xăng dầu chiếm 1,5% trong tổng tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình. Khi giá xăng dầu tăng cao, hộ gia đình sẽ cơ cấu lại và cắt giảm một phần chi tiêu, điều này làm giảm tổng cầu của nền kinh tế.

- Đối với kinh tế nước ta, xăng dầu là một trong những mặt hàng chiến lược. Ông có thể đề xuất một số giải pháp nhằm ứng phó với giá xăng dầu tăng cao để giảm thiểu tác động xấu của tăng giá xăng dầu đến tăng trưởng và lạm phát năm 2022?

Chuyên gia Nguyễn Bích Lâm: Làn sóng đại dịch COVID-19 lần thứ tư là nguyên nhân cơ bản làm cho tăng trưởng kinh tế năm 2021 của nước ta đạt mức thấp hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra. Năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch 5 năm 2021-2025.

Để thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2022; trong đó, tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước đạt khoảng 6-6,5%; chỉ số giá tiêu dùng bình quân tăng khoảng 4% trong bối cảnh dự báo tình hình quốc tế, trong nước có những thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn; tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2022 dự báo thấp hơn năm 2021, rủi ro tiếp tục gia tăng; trong nước sức chống chịu và nguồn lực của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân giảm sút, sức ép lạm phát cao.

Khi xây dựng kịch bản tăng trưởng GDP và kiểm soát lạm phát mục tiêu 4% theo quý và cả năm 2022 làm căn cứ đưa ra các giải pháp điều hành phù hợp và linh hoạt, bên cạnh các yếu tố như: vốn đầu tư công, thực hiện linh hoạt chính sách tài khoá và tiền tệ, yếu tố biến động giá xăng dầu cần đặc biệt quan tâm để giảm thiểu tác động xấu đối với tăng trưởng và lạm phát.

Đối với kinh tế nước ta, xăng dầu là một trong những mặt hàng chiến lược do Nhà nước quản lý giá, giá bán được quản lý trên cơ sở bảo đảm lợi ích giữa nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Chính phủ giao Bộ Công Thương nắm bắt giá xăng dầu trên thị trường thế giới, nâng cao năng lực và chất lượng dự báo, phối hợp với Bộ Tài chính phân tích những yếu tố về giá và thuế để điều chỉnh các loại thuế có liên quan đến xăng dầu; đồng thời, hai Bộ cùng các doanh nghiệp liên quan nhận định, đánh giá và phối hợp nhịp nhàng để sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Từ đó, quyết định giá bán sao cho phù hợp với giá thế giới, đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp và người dân, góp phần phát huy hiệu quả các giải pháp của Chính phủ nhằm phục hồi và phát triển kinh tế. Thực hiện phương thức này trong quản lý giá bán xăng dầu sẽ giảm một phần tác động xấu của tăng giá xăng dầu đến lạm phát và tăng trưởng kinh tế.

Bộ Công Thương cần có giải pháp tổng thể đảm bảo đầy đủ nguồn cung xăng dầu dài hạn hơn cho nền kinh tế, đặc biệt Bộ cần kiến nghị với Chính phủ mở rộng, nâng cao năng lực kho dự trữ xăng dầu đáp ứng dài hơn nhu cầu của nền kinh tế, giảm bớt lệ thuộc và tác hại của giá xăng dầu thế giới tăng cao đến sự ổn định và phát triển kinh tế trong nước.

Xăng dầu có tầm quan trọng đối với sản xuất và tiêu dùng của nền kinh tế, dự báo giá xăng dầu tiếp tục tăng và đứng ở mức cao trong năm 2022, Bộ Công Thương cùng Bộ Tài chính và doanh nghiệp cần bám sát diễn biến thị trường xăng dầu, tình hình chính trị thế giới ảnh hưởng đến nguồn cung xăng dầu để có giải pháp ứng phó linh hoạt với giá dầu thế giới tăng cao, đồng thời nâng cao năng lực khai thác, lọc hoá dầu trong nước nhằm giảm thiểu tác động xấu đến tăng trưởng và lạm phát của năm 2022 và các năm tiếp theo.

- Xin cảm ơn ông!


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Thúy Hiền

Việt Nam vẫn nằm trong danh sách theo dõi nâng hạng
Không ngoài dự báo, FTSE chưa nâng hạng đối với thị trường chứng khoán Việt Nam. Tổ chức xếp hạng cho rằng Việt Nam cần tiếp tục cải thiện tiêu chí nếu muốn đạt mục tiêu nâng hạng vào năm 2025.