VCSC: Kinh tế Việt Nam 2022 có thể tăng cao hơn 7,8% nếu hai điều này xảy ra
Trong báo cáo mới nhất, Chứng khoán Bản Việt (VCSC) dự báo kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi mạnh với mức tăng trưởng 7,8% trong năm 2022, nhờ ba yếu tố.
Đầu tiên, tỷ lệ tiêm chủng cao sẽ giúp Việt Nam mở cửa trở lại hầu hết các hoạt động trong nước và tiến gần hơn tới kế hoạch nối lại hoàn toàn các chuyến bay thương mại quốc tế trong nửa cuối năm 2022.
Yếu tố tiếp theo là nền kinh tế toàn cầu tiếp tục phục hồi. Theo dự báo chung trên Bloomberg, tăng trưởng GDP toàn cầu có khả năng đạt 4,4% trong năm 2022) và triển vọng trong nước được cải thiện sẽ hỗ trợ nhu cầu và giúp thúc đẩy xuất khẩu, sản xuất và dòng vốn FDI.
Ngoài ra, gói kích thích của Chính phủ (tương đương khoảng 4,1% GDP năm 2021 được giải ngân trong hai năm 2022 và 2023), và môi trường lãi suất thấp sẽ giúp thúc đẩy đầu tư và sản xuất cũng như hỗ trợ tiêu dùng của các hộ gia đình.
VCSC cũng đưa ra rủi ro với dự báo trên. Cụ thể, sự xuất hiện và lây lan nhanh của các biến chủng virus mới có thể khiến chính phủ các nước cũng như Việt Nam áp dụng trở lại các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt hơn. Việc này dự kiến gây ra những gián đoạn nghiêm trọng trong chuỗi cung ứng và các hoạt động kinh tế khác.
Khối phân tích cũng bày tỏ lo ngại trong trường hợp chính sách "Zero COVID" của Trung Quốc có thể khiến tình trạng ách tắc tại các cửa khẩu đường bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc kéo dài và giải ngân các gói chính sách hỗ trợ của Chính phủ chậm hơn dự kiến.
Trong khi đó, các yếu tố hỗ trợ có thể dẫn đến mức tăng trưởng cao hơn dự báo 7,8% được VCSC đề cập đến là tốc độ mở cửa các hoạt động sản xuất, kinh doanh được đẩy nhanh. Yếu tố thứ hai là Chính phủ gia tăng các biện pháp tài khóa – tiền tệ hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID19.
Về các dự báo chỉ số vĩ mô khác, các chuyên gia của VCSC kỳ vọng vốn FDI giải ngân sẽ tăng 11,7%, đạt mức 22 tỷ USD trong năm 2022 khi các hoạt động xúc tiến đầu tư và nghiên cứu khả thi được đẩy mạnh trong bối cảnh kinh tế toàn cầu mở cửa trở lại. B
Bên cạnh đó, vốn FDI đăng ký cho các dự án mới và mở rộng tăng mạnh trong năm 2021 cũng sẽ giúp hỗ trợ vốn FDI giải ngân trong năm 2022.
Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ sự phục hồi kinh tế toàn cầu. Vì vậy, dự báo kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu lần lượt tăng 16% và 14% , đạt 387 tỷ USD và 378 tỷ USD với thặng dư thương mại ở mức 11,2 tỷ USD trong năm 2022.
Mặc dù lạm phát có thể gia tăng do nhu cầu tiêu dùng phục hồi và khả năng tăng giá một số mặt hàng/ dịch vụ Nhà nước quản lý giá, lạm phát dự báo vẫn sẽ tiếp tục được kiểm soát trong năm 2022.
Lạm phát bình quân trong năm 2022 kỳ vọng ở mức 3 % nhờ giá hàng hóa trên toàn cầu hạ nhiệt và sự linh hoạt trong điều hành giá đối với một số số hàng hóa và dịch vụ trong rổ CPI do Nhà nước quản lý giá.
Việc đồng USD tăng giá trên thị trường toàn cầu có thể sẽ làm gia tăng áp lực lên đồng VND. Tuy nhiên, dự báo đồng VND sẽ vẫn ổn định so với đồng USD trong năm 2022 nhờ dòng vốn ngoại dồi dào đến từ vốn FDI giải ngân, xuất khẩu và kiều hối.