Diễn biến dồn dập trên 'mặt trận' Nga - Ukraine: Nga điều động thêm quân, Mỹ dời Đại sứ quán, dân Ukraine hoảng loạn
Mỹ hủy thiết bị, dời Đại sứ quán khỏi Kiev
Hôm 14/2, do lo ngại việc Nga tăng cường khí tài quân sự dọc biên giới với Ukraine, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã ra lệnh đóng cửa Đại sứ quán Mỹ tại Kiev và chỉ đạo các nhân viên chuyển đến Lviv, một thành phố ở miền tây Ukraine.
Ông Blinken cho biết: "Tôi ra lệnh này vì một lý do duy nhất, chính là sự an toàn của các nhân viên Đại sứ Mỹ. Ngoài ra, chúng tôi đặc biệt kêu gọi bất kỳ công dân Mỹ nào còn nán lại Ukraine phải rời khỏi nước này ngay lập tức".
Ngoài ra, Wall Street Journal dẫn lời các quan chức Mỹ cho biết, Bộ Ngoại giao Mỹ còn ra lệnh phá hủy các thiết bị mạng và máy trạm, đồng thời tháo dỡ hệ thống điện thoại của Đại sứ quán tại Ukraine.
Thông thường, các đại sứ quán và lãnh sự quán sẽ đốt giấy tờ và hủy máy móc khi sắp nổ ra chiến tranh để tránh thông tin mật rơi vào tay đối phương.
Thông báo trên xuất hiện không lâu sau khi hãng tin Guardian dẫn lời các quan chức Anh cho biết chính phủ Nga vừa điều động thêm khoảng 14 tiểu đoàn đến biên giới với Ukraine, mỗi tiểu đoàn gồm 800 binh sĩ.
Trước đó, ước tính có khoảng 30.000 binh sĩ Nga đang tham gia chương trình tập trận kéo dài 10 ngày với nước láng giềng Belarus, quốc gia cũng có chung biên giới với Ukraine, theo CNBC.
Các cuộc tập trận được nhiều người coi là cách để Nga phô trương sức mạnh quân sự. Chúng diễn ra khi hơn 100.000 binh lính, xe tăng, tên lửa và thậm chí là nguồn cung cấp máu tươi đã được đưa đến biên giới của Nga với Ukraine.
Ngoài ra, tuyên bố dời Đại sứ quán của Mỹ còn được đưa ra chỉ vài giờ sau khi có thông tin Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã đề nghị với Tổng thống Vladimir Putin rằng Moscow nên sử dụng ngoại giao để có được sự nhượng bộ từ phương Tây.
Điện Kremlin yêu cầu NATO không bao giờ được chấp thuận Ukraine làm thành viên, đồng thời muốn liên minh quân sự này phải rút quân khỏi khu vực Đông Âu. Thời gian qua, Moscow khẳng định phương Tây đã cố tình phớt lờ các lo ngại căn bản của Nga.
Cuối tuần qua, chia sẻ với đài CNN, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết Moscow có thể tấn công Ukraine "bất cứ lúc nào". Ông nhấn mạnh: "….bao gồm cả tuần tới".
"Người Ukraine bị dồn ép đến hoảng loạn"
Chia sẻ với CNBC, ông Vadym Prystaiko - Đại sứ Ukraine tại Vương quốc Anh, nói có một số thông tin cho rằng Nga nhiều khả năng sẽ tiến hành tấn công nước láng giềng vào ngày 16/2.
"Chúng tôi công khai thông tin này để nói với kẻ xâm lược rằng chúng tôi biết về kế hoạch của chúng. Nếu mọi việc không xảy ra như kế hoạch thì có thể là do công chúng đã biết rõ bọn họ đang âm mưu điều gì", ông Prystaiko nhấn mạnh.
Tuy nhiên, vị đại sứ cũng nói thêm rằng có thông tin tình báo cho rằng Nga đang có một kế hoạch tấn công khác với khung thời gian khác.
"Song, bất luận thông tin tình báo ra sao, chuyện quan trọng cần bàn là người dân Ukraine đã bị dồn ép đến hoảng loạn. Các hãng hàng không hủy chuyến, nhà đầu tư ồ ạt rút tiền. Người Ukraine cảm thấy họ đã bị bỏ rơi", ông Prystaiko chia sẻ.
Đại sứ Ukraine tại Anh cho biết chính phủ vẫn chưa nhận được phản hồi từ Moscow, liên quan đến yêu cầu tổ chức một cuộc họp song phương.
"Chúng tôi cũng có các cuộc đàm phán của riêng mình, Ukraine không chỉ dựa vào sự giúp đỡ của phương Tây, chúng tôi cũng đang làm phần việc của mình", ông Prystaiko bày tỏ.
Ông nói thêm rằng Ukraine đang ở trong một tình huống "rất khó khăn" và "rất không công bằng". Đồng thời, vị đại sứ lưu ý rằng Ukraine vẫn đang tuân thủ những nhượng bộ trong Văn kiện Vienna sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea của nước này hồi năm 2014.
Phương Tây tiếp tục nỗ lực ngoại giao
Trong một cuộc điện đàm ngày 13/2, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã trò chuyện cùng người đồng cấp Ukraine, Volodymyr Zelensky. Nhà Trắng cho hay: "Tổng thống Biden tái khẳng định cam kết bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine".
"Tổng thống đã nói rõ rằng Mỹ sẽ phản ứng nhanh chóng và dứt khoát, cùng các đồng minh và đối tác, nếu Nga thực hiện bất kỳ động thái gây hấn nào với Ukraine", thông cáo của Nhà Trắng nhấn mạnh.
Cuộc gọi với Tổng thống Ukraine diễn ra khoảng một ngày sau cuộc điện đàm giữa ông Biden và Tổng thống Nga. Trong đó, ông Biden lần nữa khẳng định Mỹ và đồng minh sẽ "phản ứng dứt khoát cũng như áp đặt các lệnh trừng phạt nghiêm ngặt với Nga".
Ngoài ra, Tổng thống Biden cũng lưu ý rằng nếu Nga xâm lược Ukraine, cuộc động binh sẽ khiến "rất nhiều người dân chịu mất mát, tổn thương" và "làm giảm vị thế của Nga" trên trường quốc tế.
Ngoài Mỹ, các đồng minh phương Tây khác như Anh và Pháp cũng đang đàm phán với các bộ trưởng Nga để giải quyết căng thẳng giữa Moscow và Kiev bằng phương thức ngoại giao. Tuần trước, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã cảnh báo rằng châu Âu đang trên "bờ vực thẳm" và "tình hình rất nguy hiểm".
Đầu tuần này, người đứng đầu Bộ Tài chính của nhóm G7 đã đưa ra một tuyên bố chung, cam kết sẽ hỗ trợ tài chính cho Ukraine, đồng thời áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế và tài chính gây hậu quả nghiêm trọng cho Nga nếu Moscow động binh.
Tuy nhiên, trong khi một số nước phương Tây đã gửi khí tài quân sự tới Ukraine thì chính phủ Đức lại từ chối làm điều tương tự. Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã đến thăm Kiev hôm 14/2 và dự kiến đến gặp ông Putin tại Moscow vào ngày 15/2.