|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Tình hình Ukraine sôi sục: Chứng khoán Mỹ biến động ra sao trong những lần binh lửa trước đây?

08:19 | 14/02/2022
Chia sẻ
Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm mạnh nhất trong những lần chính nước Mỹ bị tấn công, nhưng cũng có những ngoại lệ như chiến tranh vùng Vịnh năm 1990 hay chiến tranh Triều Tiên 1950.
Tình hình Ukraine sôi sục: Chứng khoán Mỹ biến động ra sao trong những lần binh lửa trước đây? - Ảnh 1.

Hệ thống pháo phản lực của Nga khai hỏa trong cuộc tập trận với Belarus ngày 4/2. (Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga, AFP).

Những con số trong lịch sử

Nếu chiến tranh Nga – Ukraine nổ ra, ảnh hưởng tới người dân ở những quốc gia này sẽ là rất khủng khiếp, nhưng tác động tới các nhà đầu tư toàn cầu thì có thể khá hạn chế.

MarketWatch dẫn lời ông Ryan Detrick, Giám đốc chiến lược thị trường tại LPL Financial nhận định: "Tác động của những sự kiện ngày hôm nay tới [khu vực Đông Âu] và người dân tại đó là không thể xem thường. Nhưng từ góc nhìn đầu tư, chúng ta phải nhớ rằng các sự kiện địa chính trị lớn trong quá khứ không khiến cho giá cổ phiếu biến động quá nhiều".

Theo bảng thống kê sau đây, chỉ số chứng khoán Mỹ chỉ giảm trung bình khoảng 4,6% sau khi xảy ra các sự kiện địa chính trị chấn động trong hơn 80 năm qua. Thời gian trung bình từ lúc sự kiện bắt đầu đến khi thị trường chạm đáy là 20 ngày, và thời gian trung bình từ đáy đến hồi phục hoàn toàn là 43 ngày.

Tình hình Ukraine sôi sục: Chứng khoán Mỹ biến động ra sao trong những lần binh lửa trước đây? - Ảnh 2.

Các cuộc tấn công trên đất Mỹ như trận Trân Châu Cảng hay khủng bố 11/9 khiến thị trường giảm sốc nhất, nhưng ngoài ra cũng phải kể đến những cuộc giao tranh đẫm máu như Iraq xâm lược Kuwait năm 1990 hay chiến tranh Triều Tiên 1950.

Các sự việc đơn lẻ ở nước ngoài như vụ đánh bom Madrid (2004) và London (2005), hay thậm chí là việc Tổng thống Kennedy bị ám sát (1963) không làm thị trường biến động nhiều.

Theo MarketWatch, nhà phân tích Mark Hulbert cho rằng kinh nghiệm từ các cuộc khủng hoảng địa chính trị trước đây chứng minh rằng nhà đầu tư không nên bán trong lúc hoảng loạn.

Ông Hulbert dẫn ra 28 cuộc khủng hoảng chính trị và kinh tế tồi tệ nhất trong hơn 6 thập kỷ trước vụ khủng bố 11/9/2001 và nhận thấy rằng trong 19 vụ việc, Dow Jones tăng điểm sau 6 tháng. Tỷ suất lợi nhuận trung bình của Dow Jones sau 6 tháng diễn ra cả 28 vụ việc là 2,3%.

Sau vụ khủng bố 11/9, thị trường chứng khoán Mỹ phải đóng cửa trong vài ngày. Dow Jones giảm khá sâu nhưng rồi đến ngày 26/10 đã lấy lại mức điểm trước khi vụ khủng bố xảy ra, tức là chỉ mất 6 tuần để hồi phục.

Ukraine nóng lên từng ngày

Ngày thứ Sáu vừa qua (11/2), nhà đầu tư Mỹ có cơ hội trải nghiệm kiểu biến động của thị trường chứng khoán nếu như Nga xâm lược Ukraine.

Tâm lý thị trường bắt đầu hoảng loạn sau khi Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan cảnh báo vào chiều 11/2 rằng Nga có thể tấn công Ukraine "vào bất cứ lúc nào", thậm chí ngay cả khi kỳ Olympics mùa Đông tại Bắc Kinh vẫn chưa kết thúc.

Cả ông Sullivan lẫn Tổng thống Joe Biden đều khuyến nghị người dân Mỹ rời khỏi Ukraine ngay để tránh họa binh đao.

Dow Jones kết phiên 11/2 mất hơn 500 điểm, S&P 500 giảm 1,9%. Ngược lại, giá dầu thô tăng lên đỉnh hơn 7 năm và rất gần ngưỡng 100 USD/thùng. Dòng tiền chạy từ các tài sản rủi ro như cổ phiếu và tiền mã hóa sang các nơi trú ẩn đã đẩy giá trái phiếu Kho bạc, giá vàng, USD, Yen Nhật lên cao.

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin điện đàm một tiếng đồng hồ trong ngày 12/2 nhưng không đạt được tiến triển đáng kể nào.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy yêu cầu phía Mỹ đưa ra bằng chứng cho thấy Nga sắp xâm lược. Mỹ thừa nhận không biết chắc Nga sẽ tấn công vào lúc nào nhưng nhận thấy tình hình hiện rất nguy cấp nên đã yêu cầu công dân Mỹ rời khỏi Ukraine và chuẩn bị sơ tán Đại sứ quán ở thủ đô Kiev. 

Các quan chức Mỹ lập luận rằng lúc này không nên cố phỏng đoán âm mưu hay ý định của Tổng thống Nga Vladimir Putin mà hãy nhìn vào năng lực quân sự của Nga. Lực lượng binh sĩ, vũ khí, khí tài và hậu cần của Nga ở gần biên giới Ukraine hiện được cho là đã đủ sức tổ chức tấn công.

Tình hình Ukraine sôi sục: Chứng khoán Mỹ biến động ra sao trong những lần binh lửa trước đây? - Ảnh 4.

Binh sĩ Nga trên một xe chiến đấu bộ binh BMP-3 trong cuộc tập trận ngày 3/2/2022. (Ảnh: Reuters).

Ngày 13/2, Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan tiếp tục khẳng định lực lượng Nga có thể "tấn công quân sự rất, rất nhanh".

"Nếu Nga xâm lược Ukraine, hành động mở đầu có thể là một đợt bắn phá cường tập bằng tên lửa hoặc máy bay ném bom", ông Sullivan nói trên đài CNN. "Sau đó, các lực lượng mặt đất của Nga sẽ ồ ạt tràn qua biên giới Ukraine".

Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ cho rằng nhiều dân thường vô tội sẽ bị mắc kẹt giữa hai làn đạn.

Song Ngọc