|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Putin - Biden vừa nói gì với nhau trong cuộc điện đàm dài một tiếng?

07:21 | 13/02/2022
Chia sẻ
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin nhắc đến nhiều vấn đề quan trọng trong cuộc điện đàm ngày 12/2 nhưng dường như không đạt được tiến triển đáng kể nào.
Putin - Biden vừa nói gì với nhau trong cuộc điện đàm dài một tiếng? - Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin gặp nhau tại Thụy Sỹ, tháng 6/2021. (Ảnh: Reuters).

Theo CNBC, Nhà Trắng vừa cho biết Tổng thống Mỹ bắt đầu điện đàm với Tổng thống Nga vào lúc 11h04 sáng 12/2 (theo giờ phía đông nước Mỹ) và nói chuyện trong khoảng một giờ đồng hồ.

Thông cáo từ Nhà Trắng cho biết ông Biden đã nói rõ rằng nếu Nga tiếp tục xâm lược Ukraine, Mỹ và các nước đồng minh sẽ đáp trả "một cách quyết đoán" và "gây cho Nga những thiệt hại nghiêm trọng ngay lập tức". Phía Nga gọi những lời đe dọa này của Mỹ là "nói năng cuồng loạn".

Tổng thống Biden cũng nói rằng Mỹ vẫn theo đuổi con đường ngoại giao nhưng "chúng tôi cũng chuẩn bị kỹ càng cho các kịch bản khác".

Theo Reuters, thông cáo chính thức của Nga và Mỹ đều cho thấy không có đột phá nào sau cuộc điện đàm thượng đỉnh. Một quan chức cấp cao trong chính phủ Mỹ cho biết cuộc nói chuyện diễn ra một cách chuyên nghiệp và bao gồm nhiều vấn đề quan trọng nhưng không có thay đổi căn bản nào.

Điện Kremlin cho biết ông Putin đã nói với ông Biden rằng phía Mỹ đã không nghiêm túc xem xét những mối lo ngại chính của Nga và Nga không nhận được một "câu trả lời thỏa đáng" về các vấn đề cốt yếu như yêu cầu NATO ngừng mở rộng về phía đông và chấm dứt hiện diện quân sự ở Ukraine.

Một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết Tổng thống Nga Putin đã đồng ý sẽ giữ liên lạc với Tổng thống Mỹ Biden nhưng hiện vẫn không rõ liệu ông Putin sẽ tiếp tục đi theo con đường ngoại giao hay sẽ động đến binh đao.

Mỹ sơ tán nhân viên ngoại giao và quân đội khỏi Ukraine

Nga đã tập trung khoảng 100.000 quân cùng vũ khí hiện đại đến các đường biên giới Nga - Ukraine, Belarus - Ukraine và tại bán đảo Crimea, đồng nghĩa với việc bao vây Ukraine từ ba phía đông, bắc và nam. 

Hôm 11/2, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ cho biết Nga có thể tấn công bất cứ lúc nào và khuyến nghị công dân Mỹ rời khỏi Ukraine ngay lập tức. 

CNBC dẫn lời một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ nói: "Công dân Mỹ không nên trông đợi quân đợi Mỹ sẽ lao vào Ukraine để giải cứu trong phút chót. Chuyện đó sẽ không xảy ra trong kịch bản hiện nay. Vì vậy, người Mỹ hãy rời khỏi Ukraine luôn và ngay".

"Chúng tôi làm rất nhiều việc để hỗ trợ cho công dân Mỹ. Nhưng mọi người cũng phải biết rằng trong vùng chiến sự thì những việc chúng tôi có thể làm là rất hạn chế", vị quan chức nói thêm.

Nhiều quốc gia khác gồm Israel, Anh, Bồ Đào Nha, Bỉ và Na Uy cũng đã yêu cầu công dân nước mình đi khỏi Ukraine.

Bộ Ngoại giao Mỹ đang chuẩn bị sơ tán gần như toàn bộ 200 nhân viên ngoại giao tại Đại sứ quán ở thủ đô Kiev ra nước ngoài hoặc đến khu vực phía tây Ukraine, nơi tiếp giáp với một thành viên NATO là Ba Lan.

Theo Buzzfeed, chính phủ Ba Lan đã miễn các thủ tục nhập cảnh cho công dân Mỹ từ Ukraine đến, tức là người Mỹ đi từ Ukraine sang Ba Lan sẽ không cần xin phép trước.

"Ba Lan đã thông báo tới chính phủ Mỹ là công dân Mỹ hiện nay có thể đi vào Ba Lan qua đường biên giới với Ukraine, không cần phải có cấp phép trước", thông báo mà Bộ Ngoại giao Mỹ gửi cho công dân Mỹ ở Ukraine có đoạn viết.

Putin - Biden vừa nói gì với nhau trong cuộc điện đàm dài một tiếng? - Ảnh 3.

Binh sĩ Mỹ đứng cạnh xe bọc thép Stryker ở Đức. (Ảnh: Getty Images).

Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 12/2 cũng đã ra lệnh rút 160 binh sĩ được cử đến Ukraine cuối năm ngoái. 

Tổng thống Mỹ Joe Biden trong tuần này đã khẳng định Mỹ sẽ không đưa quân đội vào Ukraine khi chiến tranh nổ ra vì lo ngại việc binh sĩ Mỹ và Nga đụng độ có thể dẫn tới một cuộc chiến tranh thế giới.

Vào tháng 11 năm ngoái, 160 binh sĩ thuộc lực lượng Vệ binh Quốc gia Florida đã được giao cho Nhóm chiến đấu của Lữ đoàn Bộ binh số 53 và đưa đến Ukraine để huấn luyện lực lượng quân đội của đất nước Đông Âu này.

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ John Kirby nói: "Bộ trưởng Quốc phòng đưa ra quyết định rút quân dựa theo những tính toán hết sức thận trọng, đặt an toàn và an ninh của các quân nhân Mỹ lên trên hết, và căn cứ theo khuyến cáo của Bộ Ngoại giao về công dân Mỹ tại Ukraine".

Các binh sĩ này sẽ được điều động đến một quốc gia khác ở châu Âu. "Việc thay đổi vị trí này không báo hiệu sự thay đổi quyết tâm của nước Mỹ trong ủng hộ quân đội Ukraine, mà sẽ tạo thêm sự linh hoạt trong việc trấn an đồng minh và ngăn chặn hành vi gây hấn", ông Kirby nói thêm.

Putin - Biden vừa nói gì với nhau trong cuộc điện đàm dài một tiếng? - Ảnh 4.

Mỹ và Nga hiện nay là hai siêu cường quân sự đứng đầu thế giới. Ukraine hiện xếp thứ 22.

Ukraine cố gắng bình tĩnh

Tại thủ đô Kiev, hàng nghìn người dân Ukraine đã xuống đường tuần hành, hô to khẩu hiệu "Ukraine vinh quang" và mang theo các biểu ngữ với dòng chữ: "Người Ukraine sẽ phản kháng" và "Bọn xâm lược sẽ chết".

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đồng tình với đánh giá của Washington về việc Nga có thể xâm lược bất cứ lúc nào nhưng khuyến cáo người dân nên bình tĩnh. "Những người bạn thân của kẻ thù của chúng ta đang gây hoảng loạn ở Ukraine", ông Zelenskiy nói.

Người dân Ukraine tại thủ đô Kiev tuần hành thể hiện tinh thần yêu nước ngày 12/2/2022. (Ảnh: Reuters).

Trong một thông cáo riêng, Trung tướng Valery Zaluzhny, Tổng Tư lệnh các lực lượng vũ trang Ukraine và Bộ trưởng Quốc phòng Oleksii Reznikov tuyên bố quân xâm lược sẽ không thể chiếm được Kiev, Odessa, Kharkiv hay bất cứ thành phố nào của Ukraine.

"Chúng ta đã củng cố hệ thống phòng thủ ở Kiev, chúng ta đã trải qua chiến tranh và đã làm các bước chuẩn bị. Vì thế, chúng ta đã sẵn sàng chào đón kẻ địch. Trên tay chúng ta sẽ không cầm hoa mà cầm Stinger, Javelin và NLAW. Chào mừng đến địa ngục!", Trung tướng Zaluzhny nói, nhắc đến các loại tên lửa chống tăng và tên lửa phòng không do Phương Tây cung cấp.

Putin - Biden vừa nói gì với nhau trong cuộc điện đàm dài một tiếng? - Ảnh 6.

Binh sĩ Mỹ thuộc Lữ đoàn Không vận số 173 bắn tên lửa chống tăng Javelin. (Ảnh: Lục quân Mỹ).

Ngày 12/2, quân đội Nga cho biết đã sử dụng "biện pháp thích hợp" để xua đuổi một tàu ngầm của Mỹ ra khỏi lãnh hải Nga ở vùng Viễn Đông sau khi chiếc tàu ngầm này phớt lờ yêu cầu rời đi của Nga.

Theo hãng tin Interfax, chiếc tàu ngầm của Mỹ được phát hiện ở gần quần đảo Kuril của Nga trong lúc Nga đang tập trận hải quân.

Song Ngọc