Nga tập trận quy mô lớn, ông Biden khuyên dân Mỹ rời khỏi Ukraine luôn và ngay
Nga đã bắt đầu cuộc tập trận quy mô lớn kéo dài 10 ngày với Belarus trong bối cảnh căng thẳng quân sự trong khu vực đang lên cao. Nga đã tập trung khoảng 100.000 binh sĩ và vũ khí hiện đại ở gần biên giới Belarus - Ukraine và Nga - Ukraine. Mỹ cho rằng Nga có thể xâm lược Ukraine bất cứ lúc nào.
Theo Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg, khoảng 30.000 binh sĩ Nga đang tham gia cuộc tập trận với Belarus, bao gồm lực lượng đặc nhiệm tinh nhuệ Spetsnaz, máy bay chiến đấu Su-35, tên lửa phòng không S-400, ... . Đây cũng là lần Nga điều động quân sự lớn nhất tới Belarus kể từ thời Chiến tranh Lạnh.
Hãng tin DW dẫn lời ông Carl Bildt, cựu Thủ tướng Thụy Điển và hiện là đồng Chủ tịch Hội đồng Châu Âu về Quan hệ Đối ngoại (ECFR) cho biết việc Nga tập trung binh lính gần Ukraine là động thái quân sự "lớn nhất ở châu Âu trong nhiều thập kỷ qua".
Nga cho biết mục tiêu của cuộc tập trận này là thực hành các phương án "trấn áp và đẩy lùi hành động xâm lược từ bên ngoài". Tuy vậy, nhiều nhà quan sát quốc tế coi đây là hành động phô trương lực lượng của Nga.
Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko - một đồng minh thân cận của Tổng thống Nga Vladimir Putin - đã tuyên bố công khai rằng các cuộc tập trận thời gian gần đây được thực hiện nhằm mục đích chuẩn bị cho binh sĩ Nga và Belarus chống lại một cuộc tấn công có khả năng bắt nguồn từ châu Âu.
Nga phủ nhận ý định xâm lược Ukraine nhưng cũng cảnh báo sẽ có hành động quân sự nếu những yêu cầu về an ninh của nước này không được chấp thuận.
Cuối tháng 12 vừa qua, Nga đòi hỏi Phương Tây cam kết bằng văn bản chính thức rằng liên minh quân sự NATO sẽ không bao giờ kết nạp Ukraine, đồng thời Mỹ và NATO phải chấm dứt hiện diện quân sự ở các nước gần Nga. Tất cả những yêu cầu này đều bị Mỹ và NATO cự tuyệt.
Tổng thống Vladimir Putin cho rằng Phương Tây không đếm xỉa gì tới các lợi ích căn bản của Nga. "Bây giờ mọi chuyện đã rõ ràng, những lo ngại căn bản nhất của Nga đều đã bị phớt lờ", ông Putin nói ngày 1/2.
"Thử tưởng tượng Ukraine là một thành viên của NATO và bắt đầu triển khai một chiến dịch quân sự. Chẳng lẽ chúng tôi phải tuyên chiến với cả khối NATO à? Đã ai nghĩ gì về kịch bản này chưa? Rõ ràng là chưa", ông Putin nói.
Vào tháng 3/2014, Nga đã chiếm đóng bán đảo Crimea từ tay Ukraine. Từ lâu ông Putin đã muốn chiếm toàn bộ Ukraine và tuyên bố "Nga và Ukraine là một quốc gia".
Hiện không rõ vũ khí hạt nhân có được sử dụng trong lần tập trận này hay không. Theo Bộ Quốc phòng Nga, trước khi buổi tập trận bắt đầu, máy bay ném bom chiến lược tầm trung đã tuần tra trên bầu trời Belarus.
Ông Wolfgang Richter, chuyên gia quân sự tại Viện các vấn đề An ninh và Quốc tế Đức (SWP) trao đổi với hãng tin DW cho biết việc máy bay ném bom tuần tra không có gì là bất thường và không chắc đã mang theo vũ khí hạt nhân.
NATO cho biết tên lửa Iskander-M đã được chuyển đến Belarus và loại tên lửa này có thể được gắn đầu đạn hạt nhân. Ông Richter cho biết đến nay, Nga mới chỉ trang bị các tên lửa Iskander-M với đầu đạn thông thường.
Ukraine cũng tập trận
Ngày 10/2, Ukraine cũng tổ chức tập trận để đáp trả động thái quân sự của Nga và Belarus. Bộ trưởng Quốc phòng Oleksii Reznikov cho biết các cuộc tập trận của Ukraine sẽ được thực hiện từ 10/2 đến 20/2, tương tự như Nga-Belarus. Ukraine không tiết lộ số binh sĩ và vũ khí tham gia sự kiện này.
Bà Ingrida Simonyte, Thủ tướng Litva, trong một chuyến thăm tới thủ đô Kiev của Ukraine ngày 10/2 đã cho biết Litva sẽ đưa tên lửa phòng không Stinger do Mỹ sản xuất tới cho Ukraine trong vài ngày tới.
Trên Twitter, bà Simonyte viết: "Tôi thực sự hy vọng và mong ước là Ukraine sẽ không bao giờ phải dùng tới [những tên lửa Stinger này]".
Cũng trong ngày 10/2, thêm 350 binh sĩ Anh đã tới Ba Lan - nước có chung đường biên giới với cả Ukraine và Belarus. Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki phát biểu rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin muốn "xé nát NATO".
Anh cũng đặt thêm 1.000 binh sĩ "trong trại thái sẵn sàng tại Anh để hỗ trợ hoạt động nhân đạo trong khu vực nếu cần". Đồng thời, Anh đang tăng gấp đôi số lượng binh sĩ NATO của nước này đồn trú tại Estonia, từ 900 lên 1.750 quân.
Tuần trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã phê duyệt việc điều động thêm 2.000 binh sĩ tới Ba Lan và Đức, đồng thời chuyển 1.000 lính từ Đức tới Romania - nước tiếp giáp với Ukraine.
Mỹ khuyên công dân rời khỏi Ukraine ngay
Ngày 10/2, Bộ Ngoại giao Mỹ đã khuyến nghị công dân rời khỏi Ukraine ngay lập tức do "nguy cơ chiến tranh nổ ra nếu Nga có hành động quân sự".
"Đừng tới Ukraine do mối đe dọa ngày càng lớn từ hành động quân sự của Nga và COVID-19. Những người đang ở Ukraine nên rời đi ngay bằng các phương tiện thương mại hoặc cá nhân", thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ viết.
Theo hãng tin Al Jazeera, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng cảnh báo "chính phủ Mỹ sẽ không thể sơ tán" công dân trong trường hợp quân đội Nga động binh ở bất cứ nơi nào gần Ukraine.
"Các hành động quân sự có thể nổ ra bất cứ lúc nào và không có báo trước, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới khả năng cung cấp dịch vụ lãnh sự của Đại sứ quán Mỹ, bao gồm việc hỗ trợ công dân Mỹ rời Ukraine", thông báo có đoạn.
Trong một cuộc phỏng vấn với kênh NBC News, Tổng thống Joe Biden khuyên "Công dân Mỹ nên rời khỏi Ukraine ngay".
Ông nói thêm: "Chúng ta đang đối mặt với một trong những quân đội lớn nhất trên thế giới chứ không giống như một tổ chức khủng bố. Tình hình rất khác nhau và những chuyện điên rồ có thể xảy ra rất nhanh chóng".
Ông Biden cũng khẳng định Mỹ sẽ không đưa quân đến Ukraine để hỗ trợ công dân rời đi. "Nếu Mỹ và Nga bắn nhau thì chiến tranh thế giới nổ ra mất. Chúng ta đang sống trong một thế giới rất khác với trước đây".