|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Ukraine lo 'chiến tranh tổng lực' với Nga, Mỹ đưa hàng nghìn quân đến Đông Âu

06:15 | 03/02/2022
Chia sẻ
Mỹ sẽ đưa khoảng 3.000 binh sĩ đến gần Ukraine hơn khi căng thẳng giữa quốc gia Đông Âu này và Nga đang ngày càng leo thang, có nguy cơ biến thành một cuộc chiến tranh quy mô lớn.
Ukraine lo 'chiến tranh tổng lực' với Nga, Mỹ đưa hàng nghìn quân đến Đông Âu - Ảnh 1.

Xe tăng thuộc Lữ đoàn cơ giới độc lập số 92 của Ukraine, ngày 31/1/2022. (Ảnh: AFP).

Nguy cơ chiến tranh toàn diện Nga - Ukraine

Phát biểu sau cuộc gặp với Thủ tướng Anh Boris Johnson hôm 1/2, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy nói rằng bất kỳ cuộc xung đột nào với Nga sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ châu Âu. Theo thông tin tình báo của Mỹ, Nga hiện tập trung khoảng 100.000 quân cùng vũ khí hạng nặng gần biên giới với Ukraine và có thể tấn công bất cứ lúc nào.

"Thật không may, thảm kịch sẽ xảy ra nếu sự leo thang chống lại đất nước chúng tôi bắt đầu. Đó là lý do tại sao tôi công khai nói rằng: Đây sẽ không phải là cuộc chiến giữa Ukraine và Nga mà là cuộc chiến ở châu Âu, cuộc chiến tranh tổng lực, bởi vì sẽ không ai từ bỏ lãnh thổ và nhân dân của mình cả", Tổng thống Ukraine nói trong một cuộc họp báo cùng Thủ tướng Anh Boris Johnson.

Trước đó, cũng trong ngày 1/2, Tổng thống Zelenskyy đã ký sắc lệnh tăng quy mô lực lượng vũ trang của Ukraine thêm 100.000 quân trong ba năm tới và có kế hoạch nâng lương cho binh lính. Tuy nhiên, ông khẳng định động thái này không có nghĩa là chiến tranh với Nga sắp xảy ra.

"Sắc lệnh này [được chuẩn bị] không phải vì chúng tôi sẽ sớm xảy ra chiến tranh ... mà là để trong tương lai gần sẽ có hòa bình ở Ukraine," ông Zelenskyy nói với các nghị sĩ. Hiện nay, quân đội Ukraine đang thua kém Nga về mọi mặt, từ quân số đến trang thiết bị.

Theo thống kê của trang Global Firepower, Ukraine hiện có 200.000 quân thường trực trong khi Nga có 850.000. Ngân sách quốc phòng hàng năm của Ukraine là gần 12 tỷ USD trong khi của Nga là 154 tỷ USD. Số lượng máy bay quân sự và xe tăng của Nga nhiều gấp Ukraine lần lượt 13,1 lần và 4,8 lần.

Mỹ đưa thêm quân đến Đông Âu

Hãng tin NBC News dẫn lời một quan chức cấp cao của chính phủ Mỹ cho biết Tổng thống Joe Biden sẽ điều 2.000 quân từ Mỹ đến các căn cứ quân sự ở Ba Lan và Đức. Khoảng 1.000 binh sĩ khác hiện đang ở châu Âu sẽ được điều động đến Romania - một nước có chung đường biên giới dài 600 km với Ukraine.

"Các lực lượng này sẽ không chiến đấu ở Ukraine. Đây không phải là sự điều động lâu dài mà chỉ là cách ứng phó với tình hình hiện nay", một quan chức chính phủ Mỹ nói với NBC News.

Ukraine lo 'chiến tranh tổng lực' với Nga, Mỹ đưa hàng nghìn quân đến Đông Âu - Ảnh 2.

Binh sĩ Mỹ đến căn cứ không quân Amari ở Estonia, ngày 24/1/2022. (Ảnh: Reuters).

Mỹ điều thêm quân đến Đông Âu trong bối cảnh Nga đưa binh sĩ cùng vũ khí tối tân đến gần biên giới Ukraine - Nga cũng như biên giới Ukraine - Belarus. Từ lâu Belarus đã là một đồng minh thân cận của Moscow.

Cuối tháng 12 vừa qua, Bộ Quốc phòng Mỹ đã đặt 8.500 quân trong trạng thái "cảnh giác cao độ" và có thể được đưa đến châu Âu bất cứ khi nào NATO quyết định thành lập một lực lượng phản ứng nhanh.

Số 8.500 binh sĩ này đại diện cho đóng góp của Mỹ vào lực lượng phản ứng của NATO gồm tổng số 40.000 quân. Để thành lập lực lượng này, tất cả 30 thành viên của NATO đều phải đồng ý.

Cuối tuần trước, các quan chức hàng đầu của Bộ Quốc phòng Mỹ đã cảnh báo việc Nga tấn công Ukraine sẽ gây ra những hậu quả "thảm khốc".

Ukraine lo 'chiến tranh tổng lực' với Nga, Mỹ đưa hàng nghìn quân đến Đông Âu - Ảnh 3.

Đại tướng Mark Milley, Tổng tham mưu trưởng liên quân Mỹ. (Ảnh: Reuters).

"Nhìn vào loại lực lượng được triển khai, số pháo binh, tên lửa đạn đạo, không quân, ... được huy động, nếu tất cả được dùng để tấn công Ukraine thì hệ quả sẽ rất kinh khủng và gây ra thương vong đáng kể", Đại tướng Mark Milley, Tổng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, phát biểu trước báo giới hôm 28/1.

Tướng Mark Milley là chỉ huy có quân hàm cao nhất trong quân đội Mỹ. Ông cho biết trong suốt 40 năm binh nghiệp của mình, ông chưa từng thấy điều gì giống với động thái của Nga ở dọc biên giới với Ukraine những tháng gần đây.

Nga đã điều động không quân, hải quân, lực lượng đặc nhiệm, nhóm tác chiến điện tử, cơ sở chỉ huy và kiểm soát, nhân sự hậu cần và các lực lượng khác ở gần biên giới với Ukraine, Đại tướng Milley cho biết.

Ukraine lo 'chiến tranh tổng lực' với Nga, Mỹ đưa hàng nghìn quân đến Đông Âu - Ảnh 4.

Cho đến nay Nga chưa lên tiếng xác nhận về số lượng binh sĩ và khí tài quân sự ở gần Ukraine. Điện Kremlin nhiều lần khẳng định Nga không có kế hoạch tấn công Ukraine và Nga có quyền điều động quân đội tùy thích ở trong lãnh thổ nước mình.

Tuy vậy, trong tháng 12/2021, Nga đã yêu cầu Mỹ và NATO đáp ứng một loạt yêu cầu về an ninh quân sự, bao gồm việc NATO không bao giờ kết nạp Ukraine và phải chấm dứt hiện diện quân sự ở Đông Âu.

Đến cuối tháng 1, cả Mỹ và NATO đều thẳng thừng từ chối tất cả đề nghị của Nga nhưng vẫn hy vọng có thể tiếp tục liên lạc ngoại giao với Moscow.

Nhiều chuyên gia lo ngại Nga sẽ động binh khi không đạt được mục đích chính trị chiến lược bằng con đường ngoại giao.

Theo Reuters, Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 1/2 phát biểu tại một cuộc họp báo: "Bây giờ mọi chuyện đã rõ ràng, những lo ngại căn bản nhất của Nga đều đã bị phớt lờ".

"Thử tưởng tượng Ukraine là một thành viên của NATO và bắt đầu triển khai một chiến dịch quân sự. Chẳng lẽ chúng tôi phải tuyên chiến với cả khối NATO à? Đã ai nghĩ gì về kịch bản này chưa? Rõ ràng là chưa", ông Putin nói.

Bài toán khó của Ukraine

Tổng thống Ukraine, một người mới tham gia chính trường kể từ cuộc bầu cử năm 2019 cho đến nay, đang phải đảm nhận một nhiệm vụ khó khăn giống như đi thăng bằng trên sợi dây mảnh.

Một mặt, ông phải hạ thấp nguy cơ xảy ra chiến tranh với Nga để giữ cho người dân Ukraine và các nhà đầu tư quốc tế bình tĩnh. Mặt khác, ông phải thể hiện được mối nguy hiểm cận kề để tìm kiếm hỗ trợ quân sự và tài chính từ các đồng minh phương Tây.

Ukraine không phải là thành viên của Liên minh châu Âu (EU) hay liên minh quân sự NATO, nhưng chính phủ nước này lại thân phương Tây. Cả Mỹ, EU và NATO đều muốn ngăn chặn việc Ukraine bị kéo vào quỹ đạo của Nga bằng vũ lực.

Tuy nhiên, việc NATO sẽ có hành động quân sự quyết liệt đến đâu để bảo vệ Ukraine là điều không chắc chắn vào lúc này. Đến nay, Phương Tây mới chỉ đe dọa sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế chống lại Nga nếu nước này tấn công Ukraine.

Về phần mình, Nga nhiều lần khẳng định không có kế hoạch xâm lược Ukraine mà chỉ muốn bảo vệ lợi ích an ninh của chính mình khi đối mặt với sự bành trướng sức mạnh quân sự của Phương Tây ở châu Âu (đặc biệt là Đông Âu).

Ngày 1/2, Tổng thống Ukraine nói: "Không ai cần một cuộc chiến tranh vào lúc này, nhưng chúng tôi cũng sẽ không mời người khác mang vũ khí đến nước mình".

Song Ngọc - Đức Quyền