|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Mỹ - Nga khẩu chiến kịch liệt tại Liên Hợp Quốc vì điểm nóng Ukraine

10:58 | 01/02/2022
Chia sẻ
Căng thẳng giữa Nga và Mỹ liên quan tới nguy cơ chiến tranh tại Ukraine đã lan rộng ra Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngày 31/1. Cả hai siêu cường đều cáo buộc nhau có hành động "khiêu khích".

Theo Reuters, Mỹ đã đề nghị Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhóm họp về việc Nga tập trung khoảng 100.000 quân kèm theo vũ khí hạng nặng gần biên giới với Ukraine. Nga muốn ngăn chặn cuộc họp này diễn ra nhưng bất thành. 

Kết quả là hai siêu cường đối đầu nhau trước toàn thể Hội đồng về vấn đề mà Mỹ gọi là mối đe dọa tới hòa bình và an ninh quốc tế.

Hội đồng Bảo an chỉ có thể thảo luận về vấn đề Nga - Ukraine chứ không thể có hành động gì cụ thể do Nga là một trong 5 nước có quyền phủ quyết, cùng với Mỹ, Trung Quốc, Pháp và Anh. Bất kỳ nghị quyết quan trọng nào của Hội đồng cũng phải được cả 5 nước ủy viên thường trực này thông qua.

"Mối đe dọa gây hấn ở gần biên giới với Ukraine là hành động khiêu khích. Việc chúng tôi ghi nhận tình hình thực tế không có gì khiêu khích cả", Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Linda Thomas-Greenfield phát biểu trước 15 thành viên của Hội đồng Bảo An.

"Sự khiêu khích đến từ Nga chứ không phải từ Mỹ hay bất kỳ thành viên nào của Hội đồng này", bà Thomas-GreenField nói, lặp lại quan điểm chủ đạo của chính quyền Washington trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Nga xuống đáy mới.

Đại sứ Mỹ tại Liên hợp Quốc cáo buộc Nga tập trung hơn 100.000 quân ở gần biên giới giữa Ukraine với Nga và Belarus để chuẩn bị "tấn công quân sự vào Ukraine". Bà Thomas-Greenfield cho biết phía Mỹ có bằng chứng cho thấy Nga dự định đưa thêm 30.000 quân nữa đến Belarus vào đầu tháng 2.

Mỹ - Nga khẩu chiến kịch liệt tại Liên Hợp Quốc vì điểm nóng Ukraine - Ảnh 1.

Phiên họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngày 31/1/2022. (Ảnh: Reuters).

Ông Vasily Nebenzya, Đại sứ của Nga tại Liên Hợp Quốc tuyên bố "không có bằng chứng nào" cho thấy Moscow dự định tấn công quân sự vào Ukraine và rằng phía Nga đã nhiều lần phủ nhận cáo buộc này.

"Các nước Phương Tây liên tục nói về việc cần phải xuống thang căng thẳng. Thế nhưng chính Phương Tây lại đang khuấy động căng thẳng, dùng câu chữ để khiến tình hình leo thang", ông Nebenzia nói.

"Bản thân các cuộc thảo luận về mối đe dọa chiến tranh đã mang tính khiêu khích rồi. Nước Mỹ gần như công khai kêu gọi chiến tranh, Mỹ muốn chiến tranh xảy ra, Mỹ chỉ đợi chiến tranh xảy ra, như thể là Mỹ muốn lời nói của mình trở thành hiện thực", Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc nói.

Mỹ đã phải thuyết phục ít nhất 9 nước đồng ý để tổ chức cuộc họp tại Hội đồng Bảo an ngày 31/1. Nga và Trung Quốc bỏ phiếu chống, còn Ấn Độ, Gabon và Kenya bỏ phiếu trắng.

Đại sứ Nebenzia cho biết Nga không ngán việc thảo luận vấn đề Ukraine nhưng không hiểu mục đích của cuộc họp là gì. Ông cũng nói rằng Moscow chưa bao giờ xác nhận về số quân lính được triển khai, trong khi tình báo Mỹ nhiều lần khẳng định Nga đã điều động khoảng 100.000 binh sĩ.

Chiến thuật "ngoại giao nhỏ nhẹ" của Trung Quốc

Cuộc thảo luận tại Hội đồng Bảo an ngày 31/1 xoay quanh việc Nga tập trung binh lính ở gần Ukraine có phải mối đe dọa tới hòa bình và an ninh quốc tế hay không. 

Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc Zhang Jun nói: "Điều cấp thiết lúc này là ngoại giao nhỏ nhẹ, không phải ngoại giao loa phóng thanh".

Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã họp hàng chục lần về cuộc khủng hoảng tại Ukraine kể từ khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014. 

Đại sứ Nga Nebenzia gọi cuộc khủng hoảng này là vấn đề "nội bộ" và chỉ có thể được cải thiện bằng cách thực hiện các thỏa thuận Minsk, tức là chấm dứt cuộc chiến tranh ly khai do những người thân Nga thực hiện ở miền Đông Ukraine. Moscow từ lâu đã khẳng định mình không tham gia cuộc xung đột này.

Mỹ - Nga khẩu chiến kịch liệt tại Liên Hợp Quốc vì điểm nóng Ukraine - Ảnh 2.

Đại sứ Pháp tại Liên Hợp Quốc Nicolas de Riviere nhận định việc Nga điều động quân đội là một "hành động gây đe dọa".

"Nếu Nga không chọn con đường đối thoại và tôn trọng luật pháp quốc tế, thì phản ứng mà Nga gánh chịu sẽ cực kỳ mạnh mẽ và thống nhất. Nếu Nga có thêm bất kỳ hành động nào xâm phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, hậu quả với Nga sẽ hết sức nặng nề và nghiêm trọng", ông de Riviere nói trước Hội đồng Bảo an.

Nga từng yêu cầu Mỹ và Hiệp ước Quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) đáp ứng hàng loạt yêu cầu về đảm bảo an tinh, bao gồm việc NATO không bao giờ kết nạp Ukraine, dừng mở rộng về phía đông, tháo dỡ các cơ sở quân sự ở những nước gần Nga, ... Tuy nhiên cả Mỹ và NATO đều thẳng thừng từ chối tất cả yêu của Nga.

Mỹ coi cuộc họp ngày thứ Hai (31/1) là cơ hội để Nga giải thích các hành động của mình, Tuy nhiên, "Chúng tôi không nghe thấy gì nhiều", Đại sứ Mỹ Thomas-Greenfield nói với báo giới. "Chúng tôi hy vọng Nga sẽ tiếp tục con đường ngoại giao". 

Ukraine kêu gọi kiềm chế

Theo CNBC, Đại sứ Ukraine tại Liên Hợp Quốc Sergiy Kyslytsya ngày 31/1 cho biết chính quyền Kiev vẫn hy vọng đạt được một giải pháp ngoại giao với Moscow ngay cả khi Nga đưa ngày càng nhiều binh lính và vũ khí tới gần biên giới Ukraine.

"Nếu Nga có câu hỏi dành cho Ukraine thì hãy gặp gỡ và nói chuyện, đừng đưa quân lính tới gần biên giới Ukraine và dọa nạt người dân của chúng tôi", Đại sứ Sergiy Kyslytsya nói.

Ukraine không phải là một thành viên của Hội đồng Bảo an nhưng được mời tham dự do cuộc họp thảo luận về vấn đề an ninh ở sát biên giới Ukraine. Đại sứ Kyslytsya bác bỏ cáo cuộc của phía Nga về việc Ukraine đang chuẩn bị tấn công quân sự.

"Ukraine sẽ không tổ chức tấn công quân sự, không ở Donbass, không ở Crimea hay bất cứ nơi nào khác", Đại sứ của Ukraine nói. "Chính quyền Điện Kremlin phải nhớ rằng Ukraine sẵn sàng tự vệ. Đồng thời, chúng tôi vẫn muốn giữ các kênh liên lạc ngoại giao với Nga".

"Mọi người đều có lợi ích trong việc ngăn chặn cuộc chiến tranh, hay đúng hơn là ngăn cuộc xung đột đã bắt đầu từ lâu bùng phát trở lại", ông Kyslytsya nói. "Tất cả đều bị ảnh hưởng bởi chiến tranh, kể cả những nước ở xa Ukraine", vị đại sứ nói, hàm ý nhắc đến hệ lụy kinh tế toàn cầu nếu chiến tranh nổ ra.

Đức Quyền