Châu Âu sẽ 'chết lặng' nếu ông Putin chưa dừng gây hấn với Ukraine
Tránh chưa xong "vỏ dưa"
Cuộc khủng hoảng năng lượng của châu Âu đang ngày càng nghiêm trọng dù chính phủ các nước đã dốc sức ngăn chặn bằng loạt biện pháp chính sách tạm thời cũng như trợ giá khí đốt.
Trong năm qua, giá khí đốt tính chung tại châu Âu đã tăng vọt đáng kinh ngạc 330%, gây ảnh hưởng nặng nề đến người tiêu dùng ngay tại thời điểm nền kinh tế toàn cầu vẫn đang chật vật phục hồi. Tính riêng một số khu vực, giá của loại nhiên liệu này thậm chí từng tăng đến 800%.
Các nhà phân tích của Bank of America ước tính, một hộ gia đình trung bình tại Tây Âu đã chi khoảng 1.200 euro (tương đương 1.370 USD) cho khí đốt và điện trong năm 2020. Dựa trên giá khí đốt bán buôn hiện tại, Reuters cho biết chi phí đã tăng khoảng 54% lên 1.850 euro (tương đương 2.050 USD) trong năm 2021.
Cho đến nay, các nhà lãnh đạo châu Âu đã "chi hàng chục tỷ euro để bảo vệ người tiêu dùng khỏi cú sốc giá khí đốt, đồng thời bảo vệ chính họ trước cơn thịnh nộ của cử tri về vấn đề lạm phát", tờ Reuters cho hay.
Cụ thể, chính phủ các nước châu Âu đã loại bỏ thuế VAT đối với hóa đơn năng lượng của người dân, gửi tiền cứu trợ trực tiếp cho các gia đình nghèo khó và trong một số trường hợp, đặt ra hạn chế đối với hoạt động khai thác tiền ảo vốn tiêu thụ rất nhiều điện năng.
Tuy nhiên, loạt chính sách trên không thể ngăn chặn cuộc khủng hoảng năng lượng đang càn quét trên toàn châu Âu. Ông Harry Wyburd, chuyên gia phân tích cấp cao tại Bank of America Securities, nhận xét: "Các biện pháp công bố tại Tây Âu chỉ giúp giá khí đốt hạ nhiệt khoảng 25%".
Tóm lại, chính phủ các nước châu Âu dường như đã trở nên bất lực trong việc kìm chế giá cả và lạm phát. Các rủi ro mà châu Âu đang phải chống đỡ, từ kinh tế, y tế đến chính trị, có lẽ đã vượt xa khả năng của Liên minh châu Âu (EU), oilprice.com nhận định.
Trong bối cảnh căng thẳng giữa Nga và Ukraine ngày càng leo thang, thậm chí có nguy cơ bùng nổ thành chiến tranh, cuộc khủng hoảng năng lượng tại châu Âu càng có nguy cơ trở nên trầm trọng hơn.
Đã gặp "vỏ dừa"
Hiện tại, Nga cung ứng khoảng 40% lượng khí đốt tự nhiên của châu Âu và hơn 50% lượng khí đốt của Đức - thủ lĩnh của EU. Thời gian qua, công chúng đồn đoán rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin đã từ chối cung cấp khí đốt cho châu Âu để gây áp lực, buộc Đức phải phê duyệt đường ống Nord Stream 2 (Dòng chảy phương Bắc 2).
Trước đây, đa phần khí đốt từ Nga vào EU đều phải đi qua Ukraine. Tuy nhiên, để đe dọa Kiev, Nga đã tăng cường xây dựng các đường ống lớn dẫn khí đốt mới để thay thế cho "điểm trung chuyển" là Ukraine. Nord Stream 2, dự kiến bơm khí đốt trực tiếp từ Nga sang Đức và bỏ qua Ukraine, chính là một điểm nóng trong căng thẳng tại lục địa già.
Đức rất e ngại về việc phê duyệt Nord Stream 2, vì Berlin lo sợ Nga sẽ sử dụng đường ống mới để thao túng EU. Trong khi đó, Ukraine cũng e dè vì họ có thể mất một nguồn thu lớn khi Nga không còn vận chuyển khí đốt qua nước này.
Nếu xung đột Nga - Ukraine leo thang thành một cuộc chiến, Moscow có thể sẽ sử dụng chiêu bài là xúc tiến đường ống Nord Stream 2, cùng lúc "dọa nạt" được cả Ukraine lẫn EU. Trong kịch bản này, giá khí đốt tự nhiên vốn đã phi mã trong hơn nửa năm qua có thể còn bật tăng khủng khiếp hơn nữa.
Ông William Jackson, kinh tế trưởng tại hãng tư vấn Capital Economics, từng lưu ý: "Một số quốc gia châu Âu phụ thuộc rất nhiều vào khí đốt của Nga, đặc biệt là ở khu vực Đông Âu, có thể phải cắt giảm tiêu thụ năng lượng".