Nếu chiến tranh Nga - Ukraine nổ ra, dư chấn cho thị trường toàn cầu sẽ lớn đến đâu?
Nga đang tăng cường binh lính gần biên giới với Ukraine, khiến phương Tây lo ngại rằng Điện Kremlin sẽ thực hiện xâm lược quốc gia Đông Âu trong nay mai.
Theo tình báo Mỹ, nếu xảy ra, cuộc tấn công có thể diễn ra sớm nhất là trong vòng một tháng tới. Tuy nhiên, Moscow khẳng định họ không có kế hoạch chiếm đánh Ukraine.
Chính quyền Tổng thống Biden và các đồng minh phương Tây đều đã cảnh báo sẽ trừng phạt nghiêm khắc đối với Nga nếu Moscow đem quân tiến vào Ukraine.
Reuters đã phân tích ảnh hưởng tiềm tàng đến các thị trường hàng hóa và tài chính nếu căng thẳng tại khu vực Đông Âu tiếp tục leo thang, cụ thể như sau:
1. Các tài sản trú ẩn
Lạm phát ở mức đỉnh lịch sử và một số ngân hàng trung ương lớn rục rịch tăng lãi suất đã đẩy thị trường trái phiếu vào một tháng tồi tệ. Song, xung đột Nga - Ukraine có thể thay đổi hoàn toàn điều này.
Tại Mỹ, lợi suất trái phiếu Kho bạc kỳ hạn hai năm đã chứng kiến mức tăng hàng tháng lớn nhất kể từ năm 2016 và lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm cũng đang hướng tới mốc quan trọng 2%. Tại Đức, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm đã lần đầu tiên tăng lên trên ngưỡng 0% kể từ năm 2019.
Khi một rủi ro lớn xuất hiện trên thị trường, các nhà đầu tư thường có xu hướng quay lại với trái phiếu - tài sản được coi là an toàn nhất hành tinh. Do đó, lần này có lẽ cũng không khác, ngay cả khi việc Nga tấn công vào Ukraine có nguy cơ thổi bùng giá dầu thô, và đương nhiên là cả lạm phát.
Ông Padhraic Garvey - trưởng bộ phận nghiên cứu tại tập đoàn dịch vụ tài chính ING, lưu ý: "Rõ ràng, nếu chiến tranh Nga - Ukraine không nổ ra, thị trường trái phiếu sẽ mất đi một động lực. Trái phiếu Kho bạc kỳ hạn 10 năm cũng chưa thể leo lên mốc 2%".
Theo Reuters, các tài sản trú ẩn khác như vàng và đồng yen cũng đang ở mức đỉnh hai tháng.
2. Ngũ cốc, bột mì
Bất kỳ sự gián đoạn nào đối với dòng chảy của ngũ cốc ra khỏi khu vực Biển Đen đều có thể gây tác động lớn đến giá hàng hóa nói chung và tạo thêm áp lực lạm phát thực phẩm, ngay tại thời điểm lạm phát là mối quan tâm hàng đầu của chính phủ thế giới.
4 nhà xuất khẩu lớn gồm Ukraine, Nga, Kazakhstan và Romania thường vận chuyển ngũ cốc từ các cảng ở Biển Đen. Nếu khu vực Đông Âu xảy ra xung đột quân sự hoặc bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt, nguồn cung ngũ cốc chắc chắn sẽ bị đứt đoạn.
Theo số liệu của Hội đồng Ngũ cốc Quốc tế, Ukraine sẽ trở thành nước xuất khẩu ngô lớn thứ ba, đồng thời là nước xuất khẩu lúa mì lớn thứ 4 thế giới trong niên vụ 2021 - 2022. Trong khi đó, Nga đang là nhà xuất khẩu lúa mì lớn nhất hành tinh.
Ông Dominic Schnider, chiến lược gia tại ngân hàng UBS, nhận định: "Rủi ro địa chính trị tại khu vực Biển Đen đã tăng đáng kể trong những tháng gần đây và có ảnh hưởng đến giá lúa mì trong tương lai".
3. Dầu mỏ, khí đốt
Thị trường năng lượng có thể chịu thiệt hại nếu căng thẳng giữa Nga và Ukraine chuyển thành xung đột vũ trang.
Khoảng 35% nguồn cung khí đốt tự nhiên của châu Âu là nhập từ Nga, chủ yếu đi qua các đường ống xuyên Belarus và Ba Lan đến Đức, Nord Stream 2 đi thẳng đến Đức và một số đường ống khác qua Ukraine.
Năm 2020, lượng khí đốt từ Nga sang châu Âu đã giảm đáng kể sau khi các đợt phong tỏa kìm nén nhu cầu. Phải đến năm ngoái thì nhu cầu của châu Âu mới phục hồi hoàn toàn, nhưng cầu vượt cung đã khiến giá phi mã hơn 800%.
Chính phủ Đức đã đe dọa sẽ trừng phạt Nga nghiêm khắc nếu Điện Kremlin tấn công Ukraine. Theo đó, Đức có thể tạm ngừng đường ống khí đốt Nord Stream 2 - hệ thống mới được cho là sẽ giúp tăng nguồn cung khí đốt từ Nga vào châu Âu.
Chuyên gia phân tích hàng hóa Bjarne Schieldrop của hãng tư vấn SEB cảnh báo, xuất khẩu khí đốt tự nhiên từ Nga sang Tây Âu có thể sẽ sụt giảm mạnh nếu Đức trừng phạt Nga. Khi đó, giá khí đốt sẽ quay trở lại mức cao từng thấy trong quý IV năm ngoái.
Thị trường dầu mỏ cũng có nguy cơ bị ảnh hưởng. JPMorgan cho biết căng thẳng giữa Moscow và Kiev có thể làm giá dầu thô "tăng đột biến" lên 150 USD/thùng trong quý I năm nay.
Nếu giá dầu thô chạm mức cao như vậy, tăng trưởng GDP toàn cầu có thể tụt ba phần tư xuống còn 0,9% trong nửa đầu năm nay, trong khi lạm phát tăng hơn hai lần lên 7,2%.
4. Trái phiếu và tiền tệ Đông Âu
Các tài sản đầu tư của Nga và Ukraine sẽ là đối tượng chịu thiệt hại nặng nề nhất khi xung đột quân sự diễn ra, Reuters nhấn mạnh.
Trong nhiều tháng qua, trái phiếu đồng USD của cả hai nước đã giao dịch kém hiệu quả hơn so với mặt bằng thị trường do nhà đầu tư giảm bớt mức độ tiếp xúc với các tài sản liên quan trong bối cảnh căng thẳng giữa phương Tây với Moscow leo thang.
Song, các tài sản thu nhập cố định của Ukraine chủ yếu là nơi lui tới của các nhà đầu tư từ các thị trường mới nổi, trong khi vị thế của Nga trên thị trường vốn đã bị thu hẹp trong những năm gần đây do các lệnh trừng phạt và căng thẳng địa chính trị với Mỹ và đồng minh. Do đó, rủi ro từ các kênh này đã giảm đi phần nào.
Tuy nhiên, đồng rúp của Nga và đồng hryvnia của Ukraine vẫn bị ảnh hưởng, khiến chúng trở thành những đồng tiền tệ hoạt động kém nhất tại các thị trường mới nổi trong năm nay.
Ông Chris Turner, người đứng đầu bộ phận thị trường toàn cầu tại ING, cho biết căng thẳng địa chính trị tại biên giới Nga - Ukraine là những "bất ổn lớn" đối với thị trường ngoại tệ. Ảnh hưởng từ vụ Nga sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine là một bài học cho hôm nay, ông Turner nói thêm.