|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Phút khó xử khi hai lãnh đạo phương Tây bất đồng về hướng trừng phạt Nga

12:09 | 08/02/2022
Chia sẻ
Tổng thống Joe Biden và Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã có một cuộc trao đổi khó xử tại Nhà Trắng, liên quan tới tương lai của đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 của Nga.

Khoảnh khắc khó xử giữa hai nhà lãnh đạo

Theo đưa tin từ CNBC, Thủ tướng Đức Olaf Scholz vừa có chuyến thăm đầu tiên đến Nhà Trắng. Tại cuộc họp báo cùng Tổng thống Joe Biden, hai nhà lãnh đạo đã có phút khó xử về vận mệnh của đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2.

Đường ống Nord Stream 2 đã hoàn thành vào tháng 9 năm ngoái, nhưng cho đến nay chưa hề vận chuyển bất kỳ dòng khí đốt nào vì Berlin vẫn chưa phê duyệt hệ thống này do lo ngại Moscow sẽ dùng Nord Stream 2 để bắt chẹt châu Âu.

Ông Biden khẳng định Nord Stream sẽ bị hủy bỏ nếu Nga tấn công Ukraine. Tuy nhiên, ông Scholz lại từ chối đưa ra thông điệp tương tự. Nga đã bố trí hơn 100.000 binh lính dọc biên giới với Ukraine, cho thấy thời điểm xảy ra xung đột quân sự đang đến rất gần.

Ông chủ Nhà Trắng nhấn mạnh: "Nếu Nga mang quân và xe tăng vượt qua biên giới Ukraine lần nữa, Nord Stream 2 sẽ biến mất. Chúng tôi sẽ đặt dấu chấm hết cho đường ống dẫn khí đốt này".

Phút khó xử giữa hai lãnh đạo phương Tây lộ thế yếu của Đức trước Nga - Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) và Thủ tướng Đức Olaf Scholz tại cuộc họp báo chung ở Nhà Trắng. (Ảnh: Reuters).

Sau đó, phóng viên Andrea Shalal của Reuters đã đặt câu hỏi: "Nhưng chính phủ Mỹ sẽ làm như thế nào, vì dự án và quyền kiểm soát dự án Nord Stream 2 là của Đức?" Chính câu hỏi này đã khiến hai nhà lãnh đạo khó xử.

"Chúng tôi sẽ đặt dấu chấm hết cho Nord Stream 2, tôi hứa với các bạn như vậy", ông Biden đáp lại.

Tuy nhiên, khi câu hỏi tương tự được đặt cho Thủ tướng Scholz, nhà lãnh đạo người Đức đã đưa ra câu trả lời rất khác.

"Chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng các biện pháp trừng phạt cần thiết nếu Nga động binh", ông Scholz nói nhưng không đề cập đến Nord Stream 2.

"…chúng tôi không thể trình bày mọi thứ trước công chúng…Nga nên hiểu rằng nếu họ tấn công Ukraine, chúng tôi sẽ đáp trả", Thủ tướng Đức nhấn mạnh.

Nữ phóng viên của Reuters tiếp tục gặng hỏi liệu ông Scholz có thể cam kết ngay thời điểm đó rằng Đức sẽ đóng cửa Nord Stream 2 hay không.

Song, ông Scholz không khẳng định bất kỳ điều gì. "Như tôi đã nói, chúng tôi sẽ cùng nhau trừng phạt Nga. Phương Tây hoàn toàn đoàn kết, chúng tôi sẽ không mỗi người làm một kiểu", vị thủ tướng đáp lại, phớt lờ câu hỏi của phóng viên Reuters.

Trừng phạt Nga - bài toán khó cho NATO

Giới phân tích cho biết sự bất đồng quan điểm giữa ông Biden và Thủ tướng Đức chỉ diễn ra trong phút chốc nhưng vẫn là lần công khai hiếm hoi cho thấy sự xích mích trong mối quan hệ giữa hai đồng minh lâu năm.

Tổng thống Biden cật lực phản đối đường ống dẫn khí đốt khổng lồ Nord Stream 2 và trong nhiều năm qua, Washington đã vận động Berlin không nên gia tăng sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga.

Tuy nhiên, Đức xem Nord Stream 2 là một hệ thống phân phối khí đốt thiết yếu. Từ lâu, Nga đã là nhà cung ứng khí đốt cũng như dầu thô quan trọng hàng đầu của châu Âu cũng như Đức.

 

Ngoài ra, phút bất đồng hiếm hoi giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Đức còn cho thấy dường như các đồng minh NATO vẫn chưa thống nhất về quy mô của các lệnh trừng phạt dành cho Moscow nếu ông Putin ra lệnh cho quân đội tiến vào Ukraine.

Mức độ phụ thuộc khác nhau của các thành viên NATO đối với nguồn cung năng lượng của Nga là một điểm mấu chốt khiến liên minh quân sự này chưa thể tìm được hướng đi chung trong vài tháng qua.

Cuộc trao đổi của Tổng thống Biden và Thủ tướng Scholz tại Nhà Trắng cũng là một lời nhắc nhở rằng nếu Nga tiến quân vào Ukraine, sự kiện này có thể làm chao đảo thị trường năng lượng toàn cầu.

Cụ thể, các nhà phân tích và nhà đầu tư lo ngại rằng nếu NATO trừng phạt Nga, Tổng thống Vladimir Putin có thể đáp trả bằng cách cắt nguồn cung dầu thô và khí đốt cho các nước NATO trong suốt mùa đông.

Công ty nghiên cứu Capital Economics cảnh báo, nếu cuộc khủng hoảng giữa Moscow và Kiev tiếp tục leo thang, giá khí đốt ở châu Âu, vốn đã nhảy vọt lên mức cao hồi năm ngoái, có thể phi mã.

Ông William Jackson, kinh tế trưởng tại Capital Economics, lưu ý: "Một số quốc gia châu Âu phụ thuộc rất nhiều vào khí đốt của Nga, đặc biệt là ở khu vực Đông Âu, có thể phải cắt giảm tiêu thụ năng lượng".

Yên Khê