|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Mỹ phản ứng thế nào nếu Nga tiến quân vào Ukraine và hàm ý đối với thị trường vàng, dầu thô, kim loại?

22:17 | 06/02/2022
Chia sẻ
Nga đã bố trí hơn 100.000 binh lính gần Ukraine. Đáp lại, Mỹ cũng đang triển khai khoảng 3.000 quân đến Đông Âu. Giờ đây, giới phân tích đang xôn xao về khả năng Moscow tấn công Ukraine, ảnh hưởng của xung đột tới thị trường cũng như biện pháp đáp trả của Mỹ.

Mỹ liệu có tham chiến nếu Nga tấn công Ukraine?

Chia sẻ với Kitco News, ông Harold Kempfer - CEO của công ty quản trị rủi ro Global Risk Intelligence, đồng thời là cựu Trung tá Thủy quân Lục chiến của Mỹ, cho biết Nga có đủ nhân lực và vật lực để xâm lược Ukraine.

"Nga có thể tham chiến. Họ có đủ binh lính và vũ khí…để tiến hành một cuộc tấn công vào Ukraine. Có một thứ mà tôi đang xem xét, đó là liệu Nga đã chuẩn bị sẵn nguồn cung nhiên liệu cho cuộc chiến hay chưa.

Hình ảnh vệ tinh gần đây cho thấy chính quyền Tổng thống Putin đã vận chuyển rất nhiều nhiên liệu đến các căn cứ dọc biên giới với Ukraine. Vì vậy, có vẻ như Nga đã sẵn sàng cho một cuộc chiến", ông Kempfer lập luận.

Ông Kempfer cho biết, khó có thể xảy ra kịch bản Mỹ trực tiếp đáp trả Nga bằng quân sự. Song, chính phủ Ukraine đã được Washington và các đồng minh hỗ trợ tình báo cũng như giúp hoạch định kế hoạch chiến lược. Do đó, Moscow có thể sẽ phải đối mặt với binh lính Ukraine được quân đội Mỹ huấn luyện và chỉ đạo.

Mỹ phản ứng thế nào nếu Nga tiến quân vào Ukraine và hàm ý đối với thị trường vàng, dầu thô, kim loại? - Ảnh 1.

Quân đội Nga tập trận ở khu vực Rostov, miền nam nước Nga. (Ảnh: AP).

CEO của Global Risk Intelligence cho hay phương Tây sẽ chủ yếu đáp trả chính quyền Tổng thống Putin bằng các biện pháp trừng phạt kinh tế và ông chủ Điện Kremlin có thể sẽ muốn nhượng bộ.

"Tôi nghĩ Putin sẽ cố gắng nhượng bộ… Tuy nhiên, nếu ông ta tiến quân vào lãnh thổ Ukraine và vượt qua lằn ranh đỏ của phương Tây, Nga sẽ phải hứng chịu các lệnh trừng phạt khắc nghiệt", ông Kempfer tiếp tục.

Cũng theo vị chuyên gia, chỉ khi Moscow tấn công quân sự vào một nước thành viên hoặc một vùng lãnh thổ do NATO kiểm soát thì Mỹ và các đồng minh mới thực sự tham chiến.

Còn theo ông Robert Ryan, chiến lược gia trưởng phục trách mảng hàng hóa và năng lượng tại hãng nghiên cứu vĩ mô BCA Research, trong trường hợp căng thẳng giữa Mỹ và Nga leo thang, xung đột chủ yếu sẽ diễn ra trên không gian mạng.

"Cần lưu ý rằng chúng ta đang sống trong thời đại chiến tranh mạng. Vì vậy, chúng ta không nên ngạc nhiên nếu tàu ngầm của Nga cắt đứt tất cả đường cáp quang dẫn vào châu Âu để ngắt mạng internet tại lục địa già và sau đó tin tặc Nga sẽ làm việc", ông Ryan gợi ý.

Hàm ý cho thị trường

Theo ông Ryan, các lệnh trừng phạt của phương Tây sẽ khiến sản lượng dầu thô của Nga chững lại.

"Gần đây, chúng tôi đã phải hạ thấp ước tính nguồn cung của Nga vì có vẻ nước này không thể hoàn thành hạn ngạch hàng tháng mà OPEC giao cho. Hiện tại, sản lượng vẫn đi ngang ở mức 18 triệu thùng/ngày.

Nếu Nga phải gánh chịu lệnh trừng phạt mới, các nhà sản xuất năng lượng trong nước sẽ ngày càng gặp khó khăn trong việc khôi phục và phát triển sản lượng, trong khi đây vốn là mục tiêu dài hạn của Moscow", ông Ryan nhấn mạnh.

Ông Ryan lưu ý, nguồn cung dầu thô hiện tại đang "bị thắt chặt nghiêm trọng" vì tồn kho thấp nhưng nhu cầu cao. Do đó, giá dầu đương nhiên không mất nhiều thời gian để phản ứng với các động thái của Nga.

"Tôi nghĩ với 100.000 binh lính Nga đã chờ sẵn ở biên giới với Ukraine, khi quân đội vận chuyển nhiên liệu vũ khí đến, thị trường sẽ chú ý ngay. Chỉ phản ứng thuần túy của thương nhân với kiểu hành động khiêu khích đó của Moscow đã có thể khiến giá dầu nhảy vọt lên 100 USD/thùng", vị chuyên gia nhấn mạnh.

Ngoài ra, ông Ryan cũng dự đoán nếu căng thẳng tiếp tục bùng nổ, các tài sản trú ẩn như vàng sẽ bật tăng. "Tôi nghĩ vàng sẽ có cơ hội bứt phá, nhà đầu tư sẽ tranh giành mua kim loại quý này…Biết đấu giá vàng có thể 2.000 USD/ounce…", ông Ryan nói.

Còn như ông Kempfer của Global Risk Intelligence đã nói, trừ khi Moscow tấn công NATO, phương Tây hiện tại không thực sự mặn mà với việc nhảy vào cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, đặc biệt là Đức - nước phụ thuộc rất nhiều vào khí đốt tự nhiên và khoáng sản của Nga.

"Một trong các lý do khiến Đức phụ thuộc nhiều vào khí đốt tự nhiên của Nga là vì họ đã loại bỏ các nhà máy điện than. Hơn nữa, sau thảm họa Fukishima, vì lý do chính trị, Đức cũng tuyên bố sẽ đóng cửa dần các nhà máy hạt nhân", ông Kempfer lập luận.

"Vì lẽ đó, Đức muốn chuyển sang năng lượng tái tạo, mà như vậy thì nước này sẽ cần rất nhiều pin. Pin lại cần những nguyên liệu như lithium, nickel, cobalt,… Ở diễn biến khác, Nga xuất khẩu một lượng lớn nickel cho thế giới, đặc biệt là cho châu Âu. Tôi nghĩ thị phần nickel Nga ở châu Âu là khoảng 80%, rất lớn", vị CEO tiếp tục.

Nếu Nga tấn công Ukraine, nguồn cung nickel cho châu Âu có thể bị cắt đứt trong một thời gian. Trong kịch bản đó, có thể giá nickel sẽ đi lên.

Khả Nhân