|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Ông Putin báo động lực lượng hạt nhân: Những điểm mấu chốt cần biết

08:26 | 28/02/2022
Chia sẻ
Tổng thống Putin vừa đặt lực lượng vũ khí hạt nhân của Nga trong tình trạng báo động cấp cao nhất giữa lúc cuộc chiến tranh tại Ukraine đang leo thang. Hành động này của ông Putin có ý nghĩa gì với thế giới?
Ông Putin báo động lực lượng hạt nhân: Những điểm mấu chốt cần biết - Ảnh 1.

Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Ảnh: TASS).

Hãng thông tấn TASS của Nga ngày 27/2 cho biết Tổng thống Vladimir Putin đã ra lệnh áp dụng "chế độ chiến đấu đặc biệt" đối với "lực lượng răn đe" của quân đội Nga.

"Các quan chức cấp cao ở những nước dẫn đầu NATO đã có nhiều phát biểu đe dọa đất nước chúng ta. Vì lý do này, tôi đã lệnh cho Bộ trưởng Quốc phòng và Tổng tham mưu trưởng áp dụng chế độ chiến đấu đặc biệt đối với các lực lượng răn đe của Nga", ông Putin tuyên bố.

Tổng thống Nga cũng nhấn mạnh rằng các quốc gia Phương Tây còn đang có những hành động thù địch đối với Nga trong lĩnh vực kinh tế. "Tôi đang nói về những lệnh cấm vận bất hợp pháp mà chúng ta đều biết".

Quyết định của ông Putin được đưa ra trong bối cảnh quân đội Nga đang tham chiến tại Ukraine và tìm cách đánh chiếm các thành phố lớn bao gồm Kharkiv và thủ đô Kiev.

Lực lượng răn đe hạt nhân là gì?

Theo TASS, nhiệm vụ của các lực lượng răn đe chiến lược là ngăn chặn các hành vi gây hấn đối với Nga và đồng minh, đồng thời đánh bại kẻ địch trong chiến tranh bằng cách sử dụng nhiều loại vũ khí, bao gồm vũ khí hạt nhân.

Các lực lượng răn đe chiến lược của Nga bao gồm Lực lượng Tấn công Chiến lược (SOF) và Lực lượng Phòng Thủ Chiến lược (SDF). Lực lượng tấn công SOF được trang bị nhiều loại tên lửa và máy bay ném bom xuyên lục địa, tàu ngầm, tàu mặt nước, bao gồm các vũ khí chính xác tầm xa. 

Lực lượng phòng thủ SDF luôn sẵn sàng chiến đấu và là công cụ bảo vệ chính về hàng không vũ trụ, chẳng hạn như các cuộc tấn công bằng tên lửa, máy bay, ...

Theo AFP, Mỹ và NATO đã cực lực chỉ trích việc ông Putin đặt lực lượng vũ khí hạt nhân trong tình trạng báo động cao. Liên Hợp Quốc coi việc sử dụng vũ khí hạt nhân là "không thể tưởng tượng được". Chính phủ Ukraine coi đây là nỗ lực dọa nạt của Nga khi phái đoàn hai nước chuẩn bị đàm phán ở Belarus.

Giống như với các nước NATO, một phần kho vũ khí hạt nhân của Nga luôn trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu và "có thể được phóng trong vòng 10 phút", ông Marc Finaud, một chuyên gia về phổ biến vũ khí hạt nhân tại Trung tâm Geneva về Chính sách An ninh, cho hay. "Đầu đạn đã được lắp vào tên lửa, hoặc bom đã được đưa lên máy bay", ông nói thêm.

Ông Putin báo động lực lượng hạt nhân: Những điểm mấu chốt cần biết - Ảnh 3.

Nga hiện có tổng cộng khoảng 6.000 đầu đạn hạt nhân. Trong một bài báo đăng trên Tập san Các nhà khoa học Nguyên tử, hai chuyên gia Hans Kristensen và Matt Korda cho biết Nga luôn triển khai khoảng 1.600 đầu đạn.

"Vì các lực lượng chiến lược của Nga luôn trong tình trạng báo động, câu hỏi thực sự lúc này là ông Putin có triển khai thêm tàu ngầm hoặc máy bay ném bom hay không", ông Kristensen nói.

Tại sao ông Putin nâng mức báo động?

Theo AFP, đa phần các nhà phân tích cho rằng việc ông Putin xem xét tới vũ khí hạt nhân là một bước đi tuyệt vọng cho thấy cuộc tiến công của Nga tại Ukraine đang gặp nhiều trở ngại.

"Nga đang bực tức vì sự kháng cự mạnh mẽ của Ukraine", ông David Khalfa, một nhà nghiên cứu tại tổ chức Jean Jaures Foundation ở Paris nhận định.

Moscow không giành được một chiến thắng nhanh chóng bằng các mũi thiết giáp mà đang phải đối mặt với "một cuộc chiến tranh du kích trong đô thị với tỷ lệ thương vong lớn đối với binh sĩ Nga".

Tiến sỹ Eliot A Cohen, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tại Washington nhận định: "Các điểm yếu trên chiến trường đang dần lộ ra. Việc Nga vẫn chưa chiếm giữ được một thành phố lớn nào là một ví dụ điển hình".

Ông Putin báo động lực lượng hạt nhân: Những điểm mấu chốt cần biết - Ảnh 4.

Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của Nga có thể được trang bị đầu đạn hạt nhân. (Ảnh: Reuters).

Tuy nhiên, việc Nga điều động vũ khí hạt nhân còn có thể mang ý nghĩa khác, không phải vì thất bại trên chiến trường.

Trong tháng 2, Nga đưa 150.000 quân áp sát biên giới Ukraine. Tính đến cuối tuần trước, Nga mới triển khai khoảng một nửa số quân này và hiện nay đang bắt đầu triển khai số còn lại.

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga sáng 26/2 cho biết "tất cả đơn vị đã được lệnh trong ngày hôm nay phải tiến công theo các hướng đã vạch ra trong kế hoạch tác chiến".

Quân đội Ukraine ở Kiev và Kharkiv thời gian qua chỉ đang cầm cự trước các lực lượng Nga với quy mô tương đối nhỏ. Một khi Nga đưa các đơn vị thiết giáp chủ lực vào trận chiến, Ukraine sẽ rơi vào tình cảnh khó khăn hơn rất nhiều, Đại tướng Philip Breedlove, cựu Tổng tư lệnh NATO tại châu Âu chia sẻ với đài CBS.

Ngoài ra, Nga và Ukraine đã lên lịch gặp nhau tại Belarus để bắt đầu đàm phán vào sáng thứ Hai (28/2), nguồn tin riêng của TASS cho biết. Việc nhắc đến vũ khí hạt nhân có thể tạo lợi thế cho Nga và gây sức ép lên Ukraine trên bàn đàm phán.

Chia rẽ Phương Tây?

Những ngày qua, Phương Tây liên tiếp giáng đòn trừng phạt xuống đầu Nga và hỗ trợ vũ khí sát thương cho Ukraine, vì vậy việc ông Putin công khai tuyên bố sẵn sàng vũ khí hạt nhân có thể là một nỗ lực nhằm chia rẽ đối thủ. 

Một số nước vẫn sẽ kiên quyết lập trường cứng rắn với Nga trong khi một số khác sẽ trở nên e dè trước nguy cơ chiến tranh hạt nhân.

Tiến sỹ Eliot A Cohen cho rằng nhà lãnh đạo Nga "có nét giống với một tay cờ bạc và một người ưa mạo hiểm. Ông Putin đang cố gắng chèn ép tất cả chúng ta về mặt tâm lý".

Ông David Khalfa cũng đồng ý rằng "khía cạnh tâm lý là rất quan trọng" và ông Putin "muốn răn đe Phương Tây không được áp thêm các lệnh trừng phạt kinh tế".

"Mọi người đều đang ủng hộ Ukraine nên ông Putin muốn chia rẽ các thành viên NATO cũng như quan điểm của dư luận các nước Phương Tây", ông Khalfa nói thêm.

Vứt bỏ học thuyết quân sự của Nga?

Lời đe dọa của ông Putin còn làm cho Phương Tây bối rối vì đi chệch khỏi học thuyết răn đe hạt nhân của Nga. Năm 2020, ông Putin phê chuẩn "các nguyên tắc cơ bản" gồm 4 trường hợp Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân. 

Thứ nhất là có tên lửa đạn đạo bắn về phía lãnh thổ của Nga hoặc nước đồng minh. Thứ hai là khi kẻ địch sử dụng vũ khí hạt nhân. Thứ ba là xảy ra tấn công vào vị trí vũ khí hạt nhân của Nga. Thứ tư là có một cuộc tấn công đe dọa sự tồn vong của nước Nga.

Cuộc khủng hoảng Ukraine hiện nay không đáp ứng bất cứ tiêu chí nào kể trên.

Bên cạnh đó, trong tháng 1 vừa qua, Nga và 4 nước ủy viên thường trực khác của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã ký một văn kiện khẳng định rằng "không có ai thắng trong một cuộc chiến tranh hạt nhân nên không ai được phép tham chiến".

Ông Marc Finaud, chuyên gia về phổ biến vũ khí hạt nhân tại Trung tâm Geneva về Chính sách An ninh nói: "Hiện nay rủi ro đang rất cao, các bên có thể sơ suất hoặc hiểu nhầm ý của nhau", hoặc thậm chí là cố tình bóp méo tình hình dẫn tới một cuộc chiến tranh hạt nhân.

Song Ngọc