|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Mỹ mỗi ngày đưa ra một con số: Nga có 100.000, 150.000 hay 190.000 quân gần Ukraine?

08:40 | 21/02/2022
Chia sẻ
Việc đo đếm số lượng binh sĩ Nga ở gần Ukraine là không dễ dàng và tiềm tàng nhiều sai số. Vì vậy, các bên liên quan cần thận trọng trước các thông tin liên quan tới quy mô lực lượng Nga.
Mỹ mỗi ngày đưa ra một con số: Nga có 100.000, 150.000 hay 190.000 quân gần Ukraine? - Ảnh 1.

Binh sĩ Nga tham gia tập trận. (Ảnh: Reuters).

Bao nhiêu lính Nga đang ở gần Ukraine?

Trong tháng 12 và tháng 1 gần đây, tình báo Mỹ khẳng định Nga đã tập trung khoảng 100.000 binh sĩ ở gần biên giới với Ukraine.

Ngày 14/2 vừa qua, một quan chức Mỹ lại tuyên bố Nga có 130.000 quân sẵn sàng xâm lược nước láng giềng.

Ngày 16/2, Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định quân số của phía Nga đã tăng lên thành 150.000

Đến ngày 18/2, Đại sứ Mỹ tại Tổ chức Hợp tác và An ninh châu Âu (OSCE) Michael Carpenter lại tuyên bố Nga có tới 190.000 quân cho chiến dịch quân sự chống Ukraine trong tương lai, tức là gần gấp đôi thống kê trong tháng 1.

Các quan chức Mỹ cho biết ước tính mới này bao gồm một số lực lượng mà trước đây không được thống kê, đáng chú ý nhất các đơn vị Nga ở bán đảo Crimea và các phiến quân ly khai thân Nga ở vùng Donbass, phía đông Ukraine.

Con số mới này còn tính cả các binh sĩ Nga mới được điều động đến Belarus. Số lượng nhóm tác chiến cấp tiểu đoàn cũng tăng từ khoảng 83 hồi đầu tháng này lên 120-125 hiện nay, New York Times dẫn lời một quan chức quốc phòng Mỹ cho hay.

Mỹ mỗi ngày đưa ra một con số: Nga có 100.000, 150.000 hay 190.000 quân gần Ukraine? - Ảnh 2.

Bố trí binh lực Nga gần Ukraine vào đầu tháng 2/2022.

Việc đo đếm lực lượng Nga không phải là một môn khoa học chính xác như các phép toán đại số.

Nhóm tác chiến cấp tiểu đoàn (battalion tactical group, viết tắt là BTG) của Nga là một đơn vị được xây dựng dựa trên một tiểu đoàn bộ binh, cộng thêm các nhóm hỗ trợ pháo binh, công binh, phòng không và hậu cần. Các nhóm không quân và lính đặc nhiệm cũng có thể được phân cho các BTG để thực hiện những nhiệm vụ đặc biệt.

Vào tháng 8/2021, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu nói: "Ngày nay chúng ta có một lực lượng quân đội luôn sẵn sàng chiến đấu, chúng ta không cần phải tìm kiếm và tập hợp lại. Tất cả binh sĩ của chúng ta đều luôn trong trạng thái cảnh giác".

Theo hãng tin TASS, ông Shoigu còn nói: "Chúng ta có các đơn vị gọi là nhóm tác chiến cấp tiểu đoàn. Đây là lực lượng sẵn sàng được điều động chỉ trong một giờ đồng hồ sau tín hiệu báo động. Chúng ta có 168 nhóm như vậy và đây là một con số rất cao".

Theo tin tình báo của Phương Tây thì Nga đã tập trung hầu hết các nhóm tác chiến BTG của mình ở gần Ukraine để chuẩn bị xâm lược.

Quy mô của một nhóm tác chiến BTG của Nga không đồng đều với nhau, có thể dao động trong khoảng 600 đến 800 người. Vì vậy, ước tính quân số của Nga căn cứ theo số nhóm BTG cũng tiềm ẩn khả năng thiếu chính xác.

Nga có vẻ không quá bận tâm tới việc che dấu hoạt động quân sự của mình khi các đơn vị di chuyển vào ban ngày chứ không phải vào ban đêm. Lều trại cho binh sĩ cũng như các khí tài hạng nặng như xe tăng, pháo binh, máy bay của Nga cũng được trưng bày ra cho vệ tinh quan sát.

Tuy vậy, Mỹ không thể phát hiện được hết các hoạt động chuẩn bị tác chiến của Nga. Một số nhà phân tích cho biết Nga đã ngăn chặn một số phương thức theo dõi hệ thống đường sắt, cản trở việc đo đếm quy mô lực lượng di chuyển tới gần Ukraine.

Mỹ mỗi ngày đưa ra một con số: Nga có 100.000, 150.000 hay 190.000 quân gần Ukraine? - Ảnh 3.

Ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy một căn cứ quân sự của Nga ở bán đảo Crimea đã mở rộng đáng kể. Khu đất phía dưới vào tháng 9/2021 vẫn trống trải nhưng vào đầu tháng 2/2022 đã chứa đầy lều trại cho binh sĩ. (Ảnh: Maxar, CNN)

Hôm 15/2, Nga tuyên bố đã rút bớt một số đơn vị khỏi khu vực biên giới với Ukraine. Hiện chưa có bằng chứng Nga có rút quân thật không, rất có thể Tổng thống Putin ra lệnh rút đơn vị này nhưng lại đưa thêm đơn vị khác tới. Mỹ khẳng định Nga đang điều thêm quân tới chứ không rút bớt quân đi.

Việc Mỹ liên tục cảnh báo Nga sắp xâm lược Ukraine với số quân lớn dần theo thời gian đang gây lo sợ cho toàn thế giới, không chỉ những người dân bình thường mà cả các chính phủ.

Mới đây, Ba Lan đã đề nghị mua 250 xe tăng M1A2 Abrams tối tân của Mỹ cùng với hàng trăm khí tài hiện đại khác, tổng giá trị ước tính khoảng 6 tỷ USD. Bộ Quốc phòng Mỹ đã phê duyệt giao dịch bán vũ khí khổng lồ này.

Mỹ mỗi ngày đưa ra một con số: Nga có 100.000, 150.000 hay 190.000 quân gần Ukraine? - Ảnh 5.

Xe tăng M1A2 Abrams của Mỹ khai hỏa. (Ảnh: Getty Images).

"Hư hư thực thực" trong lịch sử chiến tranh

Nga chưa bao giờ tiết lộ cụ thể bao nhiêu binh sĩ đang đồn trú ở gần biên giới Ukraine và tuyên bố hoạt động quân sự của nước này chỉ thuần túy là các đợt tập trận. Điện Kremlin khẳng định Nga có quyền tập trận ở bất cứ đâu trong lãnh thổ nước mình và Phương Tây không được phép can thiệp.

Các thông tin về nguy cơ chiến tranh Nga – Ukraine đại đa số đều do Phương Tây ước tính và phỏng đoán.

Trong hàng nghìn năm lịch sử chiến tranh, những tướng lĩnh đại tài nhất đều nằm lòng câu "binh bất yếm trá", tức là khi đánh trận phải bất chấp thủ đoạn dối trá để dành chiến thắng. Hành động lúc nào cũng nửa thực nửa hư để đánh lạc hướng, khiến quân địch không biết đường nào mà lần.

Giữa thế kỷ 20, các nhà lãnh đạo quân sự Nga cũng như Phương Tây đã từng rất thành công trong việc nghi binh đánh lạc hướng kẻ thù chung là Đức Quốc xã.

Ngày 6/6/1944 (còn gọi là D-Day), quân Anh, Mỹ và Canada vượt qua eo biển Manche rồi đổ bộ lên bãi biển Normandy, Pháp nhằm mở mặt trận thứ 2 chống Đức ở châu Âu. Chỉ riêng trong ngày đầu tiên, chiến dịch đã huy động tới 200.000 binh sĩ, 5.000 tàu chiến lớn nhỏ cùng nhiều máy bay chiến đấu.

Quân Đồng Minh biết là không thể giữ bí mật tuyệt đối cho một cuộc đổ bộ lớn như vậy nhưng có thể đánh lừa quân Đức về thời gian và địa điểm thực sự mà trận đánh diễn ra.

Các đoàn làm phim, nhạc sĩ, thợ mộc, ảo thuật gia, … được huy động thực hiện chiến dịch Fortitude (Ngoan Cường) với mục tiêu làm cho quân Đức nghĩ rằng cuộc đổ bộ sẽ diễn ra ở Pas de Calais hoặc Na Uy chứ không phải Normandy.

Những nghệ sĩ này làm ra hàng nghìn chiếc xe tăng giả bằng cao su, máy bay và thuyền đổ bộ giả bằng gỗ, … những "khí tài" này sau đó được tập trung ở bờ biển nước Anh đối diện với Pas de Calais.

Mỹ mỗi ngày đưa ra một con số: Nga có 100.000, 150.000 hay 190.000 quân gần Ukraine? - Ảnh 6.

Một xe tăng giả làm bằng cao su và được bơm hơi. Quân Đồng Minh dùng những vũ khí giả như thế này để lừa quân Đức trong cuộc đổ bộ Normandy tháng 6/1944. (Ảnh: Rick Beyer/Hatcher Graduate Library).

Các đơn vị liên lạc radio hàng ngày truyền đi các tín hiệu giả. Vua George VI của Anh thậm chí còn đích thân đến thăm khu tập kết giả, đứng trước máy quay để bắt tay với hàng trăm binh sĩ vừa được đưa từ nơi khác đến, phía sau là các xe tăng và máy bay giả. Các bức ảnh và đoạn phim về chuyến thăm này được lan truyền khắp nơi.

Ngay cả khi quân Đồng Minh đã chiếm được bãi biển Normandy, trùm phát xít Hitler vẫn cho rằng đó chỉ là trò lừa gạt và đợt tiến công chính vẫn chưa diễn ra.

Ở mặt trận phía đông, Hồng quân Liên Xô cũng đang chuẩn bị chiến dịch Bagration với quy mô thậm chí còn lớn hơn D-Day.

Ngày 6/6/1944 khi cuộc đổ bộ Normandy đang diễn ra, nhà lãnh đạo Liên Xô Joseph Stalin viết thư gửi Thủ tướng Anh Winston Churchill: "Cuộc tiến công mùa hè của Hồng quân Liên Xô như đã thống nhất tại Hội nghị Tehran sẽ bắt đầu vào giữa tháng 6 ở những vị trí trọng yếu trên mặt trận". Stalin thậm chí còn không tiết lộ với cụ thể "vị trí trọng yếu" là những địa điểm nào cho đồng minh.

Quân Đức biết chắc Liên Xô sẽ tổ chức một đợt tấn công lớn vào mùa hè nhưng đánh ở đâu thì không rõ. Hồng quân đã thực hiện một chiến dịch nghi binh quy mô lớn để khiến Đức tin rằng Ukraine là mục tiêu chính.

Một sư đoàn Hồng quân ở Ukraine được lệnh ban đêm phải hành quân ra khỏi mặt trận, đến ban ngày lại hành quân trở về theo con đường trống trải để cho máy bay trinh sát của Đức trông thấy. Sau 10 ngày liên tục như vậy, Đức cho rằng Liên Xô đã đưa thêm 10 sư đoàn đến Ukraine.

Ở Byelorussia – nơi mà cuộc tiến công thực sự sắp diễn ra – một đơn vị lại được lệnh hành quân tới mặt trận vào ban đêm rồi rút ra vào ban ngày để tạo cảm giác là lực lượng ở khu vực này đang suy yếu dần.

Các đơn vị vận tải và thiết giáp của Liên Xô di chuyển đến Byelorussia chỉ được đi vào ban đêm, các xe không được bật đèn, khi trời sáng phải dừng lại ngụy trang, đợi đến đêm lại đi tiếp. 

Mỹ mỗi ngày đưa ra một con số: Nga có 100.000, 150.000 hay 190.000 quân gần Ukraine? - Ảnh 7.

Đồi Vinh Quang - khu tưởng niệm Chiến dịch Bagration tại thủ đô Minsk của Byelorrusia, nay là Belarus. (Ảnh: Getty Images).

Ngày 22/6/1944, tức đúng ba năm sau khi phát xít Đức xâm lược Liên Xô và hơn hai tuần sau D-Day, Hồng quân bắt đầu chiến dịch Bagration. Sau gần hai tháng, Cụm Tập đoàn quân Trung Tâm của Đức bị tiêu diệt, thương vong gần 500.000 người.

Thành công của hoạt động nghi binh của Liên Xô được thể hiện ở việc Thống chế Ernst Busch, Tư lệnh Tập đoàn quân Trung Tâm của Đức, thản nhiên đi nghỉ phép chỉ ba ngày trước khi chiến dịch Bagration bắt đầu.

Các tướng lĩnh Nga ngày nay biết rõ các bài học lịch sử nên quy mô lực lượng Nga gần Ukraine có thể khác rất nhiều so với những ước tính mà Phương Tây đưa ra. Tình báo Anh - Mỹ từng không ít lần nói sai bét. Năm 2003, Mỹ lấy cớ Iraq có vũ khí hủy diệt hàng loạt (WMD) để xâm lược nước này nhưng rốt cuộc không tìm thấy bất kỳ WMD nào.

Song Ngọc