|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Lợi bất cập hại: Trừng phạt Nga nhưng phương Tây nguy cơ lãnh đủ

16:20 | 03/03/2022
Chia sẻ
Để ép Moscow lui quân, chính phủ phương Tây đã áp ít nhất ba đợt trừng phạt lên nền kinh tế Nga. Tuy nhiên, rủi ro cho kinh tế phương Tây cũng không hề nhỏ.
Lợi bất cập hại: Trừng phạt Nga nhưng phương Tây nguy cơ lãnh đủ - Ảnh 1.

 

Kể từ sau khi Điện Kremlin cho quân tấn công Ukraine hôm 24/2, Mỹ và các đồng minh đã áp ít nhất ba đợt trừng phạt nhằm cô lập nền kinh tế Nga, buộc chính quyền Tổng thống Vladimir Putin phải chùn bước.

Trong đợt đầu tiên, phương Tây đã nhắm tới các ngân hàng nhà nước lớn của Nga như VEB và PSB, đồng thời còn cấm chính phủ nước này huy động vốn từ thị trường tài chính quốc tế và cấm vận một số nhân vật thân tín của ông Putin. Đức cũng tuyên bố tạm dừng phê duyệt đường ống khí đốt khổng lồ Nord Stream 2.

Sau đó, khi xung đột quân sự tiếp tục lên cao, phương Tây ồ ạt "nã" đợt trừng phạt thứ hai, chủ yếu đánh vào các ngân hàng cho vay lớn nhất nước (trong đó có Sberbank) và giới tinh hoa Nga.

Mỹ cũng hạn chế hoạt động xuất khẩu chất bán dẫn sang Nga vì chất bán dẫn vốn là thành phần quan trọng trong các công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), thiết bị hàng không và vũ khí quốc phòng của Nga.

Lợi bất cập hại: Trừng phạt Nga nhưng phương Tây nguy cơ lãnh đủ - Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Ảnh minh họa: Fox News).

Cuối tuần qua, Washington cùng đồng minh "khai pháo" đợt trừng phạt thứ ba. Lần này nhắm trực diện vào ông Putin cùng các quan chức hàng đầu trong chính phủ Nga như Ngoại trưởng Sergei Lavrov và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Sergei Shoigu.

Tài sản tại nước ngoài của ông chủ Điện Kremlin cùng các cấp dưới thân cận nhất bị đóng băng toàn hoàn, do loạt quan chức này "đã đóng góp tích cực cho hành động phá hoại toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền và độc lập của Ukraine".

Đồng thời, trong một động thái mà giới chuyên gia ít nhiều ngờ vực về khả năng xảy ra, phương Tây đã quyết định loại một số ngân hàng lớn tại Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT để răn đe Điện Kremlin. Danh sách cụ thể hiện chưa được công bố.

Cùng lúc, để đáp trả hành động cấm các hãng bay nước ngoài bay qua không phận của Nga, nhiều quốc gia như Đức, Tây Ban Nha, Italy, Canada,… cũng thực hiện động thái tương tự, tức là cấm hãng bay Nga đi qua không phận những nước này.

Gần đây nhất, giữa lúc truyền thông đồn đoán về kho dự trữ ngoại hối hơn 600 tỷ USD mà Nga có thể tận dụng để vượt qua các lệnh trừng phạt, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã quyết định cấm tất cả tổ chức và cá nhân tại Mỹ làm ăn với ngân hàng trung ương (NHTW) Nga.

Đồng thời, Washington còn phong tỏa tài sản của NHTW Nga tại Mỹ, mục đích là nhằm ngăn Nga chuyển tiền đến nơi an toàn trước khi các lệnh đóng băng tài sản chính thức có hiệu lực.

Lợi bất cập hại: Trừng phạt Nga nhưng phương Tây nguy cơ lãnh đủ - Ảnh 3.

 

Có lẽ chính phủ phương Tây đang kỳ vọng rằng các đợt trừng phạt vừa qua sẽ giáng đòn đau vào nền kinh tế nước Nga và chính quyền ông Putin, đẩy lùi tham vọng của Moscow đối với Ukraine.

Tuy nhiên, các dữ kiện từ quá khứ cho thấy có khả năng Nga sẽ không gục ngã trước đòn trừng phạt của Mỹ và châu Âu. Hơn nữa, bây giờ Nga đã có thêm cho mình một đồng minh mới rất mạnh - Trung Quốc. Kể từ khi Moscow bị phương Tây lên án, Bắc Kinh vẫn đang đứng về phe ông Putin.

Nga đã mâu thuẫn với Ukraine và gây bức xúc trong cộng đồng quốc tế từ nhiều năm trước. Năm 2014, Moscow sáp nhập bất hợp pháp bán đảo Crimea của Ukraine, đồng thời còn ủng hộ hai vùng Donestk và Luhansk ở miền đông Ukraine ly khai.

Đáp lại, phương Tây đã công bố một đợt trừng phạt chống lại các doanh nghiệp Nga và quan chức thân cận của ông Putin. Song, tác động của những lệnh hạn chế này khá lẫn lộn.

Ông Nicholas Mulder, giáo sư lịch sử tại Đại học Cornell, cho biết: "Trong lịch sử, hiệu quả của các lệnh trừng phạt được ban hành để ngăn chặn chiến tranh thường khá lẫn lộn. Một trong các nguyên nhân khiến chúng không thành công như kỳ vọng là do người ban hành khó có thể điều chỉnh để gây áp lực đúng đối tượng".

Thật khó để biết liệu nền kinh tế Nga bắt đầu suy sụp vào cuối năm 2014 là do các lệnh trừng phạt của phương Tây hay do giá dầu thế giới lao dốc, khi mà dầu thô là nguồn thu ngoại tệ chính của nước này.

 

Giá dầu sụt giảm mạnh là thủ phạm chính khiến đồng ruble của Nga giảm gần 50% và lạm phát leo vọt lên gần 20% trong năm 2015. Một số chuyên gia tại Mỹ ước tính các lệnh trừng phạt đã khiến khiến GDP của Nga mất 1,5% vào năm 2015.

Tuy nhiên, ngoài trừ việc đồng ruble tụt mạnh trong tháng 12/2014 thì nền kinh tế Nga không thực sự chịu cú sốc nào khác trong các năm sau đó. Hơn nữa, sang đến cuối năm 2016, đà suy thoái của Nga dường như đã khép lại.

Ngoài ra, dù các lệnh trừng phạt "gây ảnh hưởng kinh tế nghiêm trọng" cho Nga như làm giảm tốc độ tăng trưởng và khiến mức sống của người dân trì trệ, chúng lại không thành công về mặt chính trị vì Điện Kremlin không thay đổi lập trường sau bao năm qua.

"Vì vậy, về mặt nào đó, tôi nghĩ các biện pháp trừng phạt mà phương Tây áp dụng trong hơn 8 năm qua chưa thực sự có hiệu quả", giáo sư Nicholas Mulder kết luận trong cuộc phỏng vấn cùng hãng tin NPR.

Hơn nữa, trên thực tế là từ sau khi rơi vào vòng cấm vận của phương Tây năm 2014, Nga dường như đã bắt đầu xây dựng các cơ chế phòng ngừa để giảm thiểu tác động của các lệnh trừng phạt trong tương lai.

Trước hết, Moscow đã bắt tay với Bắc Kinh phổ biến đồng ruble và nhân dân tệ nhằm giảm bớt vị thế thống trị của đồng USD trong các giao dịch tài chính, xây dựng kho dự trữ ngoại hối hơn 600 tỷ USD, xây dựng những hệ thống mới thay thế cho SWIFT,…

Đơn cử, Nga đã thành lập một hệ thống thanh toán riêng có tên SPFS để phòng nguy cơ bị cô lập khỏi SWIFT. Theo ngân hàng trung ương Nga, SPFS hiện có khoảng 400 thành viên. CIPS - hệ thống thanh toán liên ngân hàng mới ra đời của Trung Quốc, cũng có thể là một lựa chọn khác.

 

Đồng thời, trong bối cảnh giá dầu khí đang tiếp tục tăng cao khi nền kinh tế toàn cầu vực dậy từ dịch bệnh và căng thẳng địa chính trị leo thang từ Đông Âu đến Trung Đông, ngân khố của Nga cũng bội thu.

Truyền thông quốc tế đưa tin dầu thô của Nga dù đã giảm giá đến 20 USD/thùng nhưng vẫn không có khách hàng mua. Song, Trung Quốc vẫn âm thầm mua hàng cho quốc gia đối tác này.

Gần đây, Bloomberg cho biết hãng khí đốt nhà nước Gazprom của Nga vừa đạt được một thỏa thuận cung cấp khí đốt quy mô lớn với Trung Quốc, ngay khi Nga bị phương Tây cô lập. Điều này cho thấy mối quan hệ có phần khắng khít giữa hai ông Tập - Putin giữa lúc nước sôi lửa bỏng.

Lợi bất cập hại: Trừng phạt Nga nhưng phương Tây nguy cơ lãnh đủ - Ảnh 6.

 

Cũng nhìn từ quá khứ, các ngân hàng và tập đoàn nhà nước bị trừng phạt của Nga vẫn thành công trả bớt các khoản vay quốc tế, dù khả năng tiếp cận thị trường vốn nước ngoài của họ bị hạn chế.

Quả thực, sau khi đạt mức cao nhiều năm vào năm 2016, nợ nước ngoài của Nga đã giảm khoảng một phần ba vào năm 2018 và dù tăng trong những năm đại dịch COVID-19, con số vẫn thấp hơn năm 2016. Nợ nước ngoài giảm xuống làm giảm bớt đòn bẩy của phương Tây trong tương lai.

 

Một số quan chức Nga còn mạnh dạn khẳng định những lệnh trừng phạt của phương Tây thực chất đã giúp kinh tế Nga. Đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp, ngành này đã nhận được cú hích nhờ đồng ruble xuống thấp và châu Âu không xuất khẩu một số nông sản sang Nga. Nông dân châu Âu, ngược lại, bỗng bị tuột mất thị trường Nga.

Đó là câu chuyện của quá khứ. Trong xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine năm nay, tưởng chừng đang bị bầm dập về các lệnh hạn chế của phương Tây, chính quyền ông Putin vẫn còn một "kho vũ khí" có thể dùng để đáp trả.

Cuối tuần qua, ông Dmitry Medvedev - cựu Tổng thống Nga và hiện là Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, đã gợi ý một số màn đáp trả mà Điện Kremlin có thể sử dụng trong thời gian tới.

Trong một bài đăng trên mạng xã hội của Nga, ông Medvedev cho biết Moscow đang cân nhắc hủy bỏ thỏa thuận vũ khí hạt nhân mới nhất với Mỹ, cắt đứt quan hệ ngoại giao với Mỹ và EU, và đóng băng tài sản của các nước phương Tây tại Nga.

Cũng cuối tuần qua, Tổng thống Putin đã đặt lực lượng vũ khí hạt nhân của Nga trong tình trạng báo động cấp cao nhất, ngay giữa lúc chiến sự tại Ukraine leo thang; đồng thời cấm hàng không của một số nước bay vào không phận Nga - nước có diện tích lớn nhất thế giới.

Đó có thể là một lời răn đe mà Moscow dành cho phương Tây. Song, các đòn trả đũa mà ông Medvedev gợi ý lẫn động thái điều động vũ khí hạt nhân của nhà lãnh đạo Putin có thể còn khá nhẹ nhàng so với vũ khí cuối cùng - hàng hóa.

 

Nga là một trong các nhà sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới, trung bình mỗi ngày xuất khẩu khoảng 5 triệu thùng dầu. Nga còn là một nhà xuất khẩu khí đốt lớn, chiếm hơn 1/3 nguồn cung cho châu Âu. Do đó, năng lượng mới là con át chủ bài của Điện Kremlin trong cuộc đáp trả với phương Tây.

Khi Đức thông báo dừng phê duyệt đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 chạy từ Nga sang, cựu Tổng thống Medvedev từng cảnh báo: "Thủ tướng Đức đã ra lệnh tạm ngừng phê duyệt Nord Stream 2. Thế thì Đức thật dũng cảm, khi mà người dân châu Âu sẽ sớm phải trả 2.000 euro cho mỗi 1.000 mét khối khí đốt tự nhiên".

Chưa kể, Nga đang có đòn bẩy lớn vì thị trường năng lượng đang bị thắt chặt nghiêm trọng khi nhu cầu phục hồi mạnh mẽ, công suất dự phòng cạn kiệt.

 

Ngoài ra, Nga còn là một cường quốc ngũ cốc (lúa mì, dầu hướng dương,...) và kim loại công nghiệp (nhôm, palladium, platinum,...). Nếu ông Putin muốn trả đũa phương Tây nhưng ít "sát thương" hơn việc cắt nguồn cung dầu khí thì đây là cơ hội.

Nhìn chung, dầu thô, khí đốt, lúa mì và kim loại công nghiệp vốn đã trong tình trạng khan hiếm và giá tăng cao trước khi Nga tấn công Ukraine. Hiện phương Tây đã lân la nhắm tới các hàng hóa này để trừng phạt Nga, nhưng rõ ràng rủi ro kinh tế cho Mỹ và đồng minh cũng không thấp hơn khi mà lạm phát có nguy cơ tăng nóng, tăng trưởng có thể giảm tốc.

Yên Khê

Chủ tịch Sacombank: Tôi không liên quan gì bà Trương Mỹ Lan, Vạn Thịnh Phát
Người đứng đầu ngân hàng nói rằng tất cả tin đồn ảnh hưởng đến ông sẽ ảnh hưởng đến Sacombank, từ đó chắc chắn ảnh hưởng đến quyền lợi của cổ đông.