|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

'Kho vũ khí' đầy ắp mà Nga chưa dùng để trả đũa phương Tây

08:32 | 02/03/2022
Chia sẻ
Cho đến nay, Nga vẫn chưa đáp trả mạnh bạo các biện pháp trừng phạt của Mỹ và đồng minh. Song không thể vì thế mà cho rằng trong tay Tổng thống Putin không có công cụ nào để trả đũa phương Tây.

Phương Tây là mục tiêu trả đũa của Nga

Khi Tổng thống Putin tuyên bố "chiến dịch quân sự đặc biệt" tại Ukraine hôm 24/2, ông không nói Ukraine là mục tiêu hàng đầu của Moscow. Thay vào đó, nhà lãnh đạo người Nga đã tập trung vào Mỹ và các đồng minh.

Ông nói, chính phương Tây đã gây ra "những mối đe dọa căn bản" đối với Nga và buộc lòng Moscow phải tấn công Ukraine. "Cả khối phương Tây…là một đế chế dối trá", Tổng thống Nga khẳng định.

Sau khi Liên Xô sụp đổ, Mỹ và các đồng minh "đã cố gắng nghiền nát Nga, đánh bại Nga và kết liễu Nga…Chúng tôi nhớ điều đó và sẽ không bao giờ quên", ông Putin tiếp tục nhấn mạnh.

'Kho vũ khí' đầy ắp mà Nga chưa dùng để trả đũa phương Tây - Ảnh 1.

Một binh sĩ Ukraine kiểm tra xe bộ binh Nga bị phá hủy sau cuộc đọ súng ở Kharkiv. (Ảnh: AFP).

Kể từ khi Nga khai chiến tại nước láng giềng, chính quyền Tổng thống Biden và các đồng minh đã ồ ạt giáng xuống đầu Điện Kremlin hàng loạt biện pháp trừng phạt, từ tài chính, ngân hàng đến các cá nhân trong giới tinh hoa Nga.

Trong bối cảnh đó, Nga đã thề sẽ đáp trả và rõ ràng, phương Tây chính là mục tiêu của Moscow. Chia sẻ trước truyền thông hôm 25/2, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định Nga sẽ trả đũa các lệnh trừng phạt của Mỹ cũng như Liên minh châu Âu (EU) và sẽ đưa ra quyết định dựa trên lợi ích của mình.

"Tất nhiên, chúng tôi sẽ đáp trả. Nga vẫn cần phải phân tích những biện pháp trừng phạt của phương Tây. Trong quá trình này, mối quan tâm hàng đầu sẽ là lợi ích của chúng tôi. Tức là, Nga sẽ hành động chỉ dựa trên lợi ích của chính mình", ông Peskov bày tỏ.

"Kho vũ khí" Nga để dành cho phương Tây

Cuối tuần qua, ông Dmitry Medvedev - cựu Tổng thống Nga và hiện là Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, đã gợi ý một số màn đáp trả mà Điện Kremlin có thể sử dụng trong thời gian tới.

Trong một bài đăng trên mạng xã hội của Nga, cựu Tổng thống Medvedev cho biết Moscow đang cân nhắc hủy bỏ thỏa thuận vũ khí hạt nhân mới nhất với Mỹ, cắt đứt quan hệ ngoại giao với Mỹ và EU, và đóng băng tài sản của các nước phương Tây tại Nga.

Ở diễn biến khác, cũng cuối tuần qua, Tổng thống Putin đã đặt lực lượng vũ khí hạt nhân của Nga trong tình trạng báo động cấp cao nhất, ngay giữa lúc chiến sự tại Ukraine leo thang; đồng thời cấm hàng không của một số nước bay vào không phận Nga - nước có diện tích lớn nhất thế giới. Đây có thể là một lời răn đe mà Moscow dành cho phương Tây.

Song, các đòn trả đũa mà ông Medvedev gợi ý lẫn động thái điều động vũ khí hạt nhân của nhà lãnh đạo Putin có thể còn khá nhẹ nhàng so với "vũ khí" cuối cùng mà Nga có thể dùng.

Cho đến giờ, Mỹ và các đồng minh vẫn chủ yếu cô lập Nga bằng cách tấn công vào hệ thống tài chính của nước này, mà chưa nhắm tới lĩnh vực năng lượng do e ngại sự phụ thuộc của phương Tây vào dầu thô và khí đốt của Nga.

Nga là một trong các nhà sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới, trung bình mỗi ngày xuất khẩu khoảng 5 triệu thùng dầu. Hơn nữa, Nga còn là một nhà xuất khẩu khí đốt lớn, chiếm hơn 1/3 nguồn cung cho châu Âu. Do đó, năng lượng mới là con át chủ bài của Điện Kremlin trong cuộc đáp trả với phương Tây.

 

Một báo cáo từ chính phủ Đức gần đây ước tính, chỉ riêng Đức đã chi 19 tỷ euro (tương đương hơn 21,3 tỷ USD) cho dầu mỏ và khí đốt của Nga trong năm ngoái. Khi Nga mới khai chiến, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã rất chần chừ trong việc trừng phạt Nga.

Mỹ là nước nhập khẩu ròng dầu thô và Tổng thống Biden cũng từng thừa nhận các biện pháp trừng phạt cứng rắn với Moscow có thể khiến người dân tại Mỹ trả giá đắt vì chi phí nhiên liệu tăng vọt.

Ông Biden từng nói khi công bố đợt trừng phạt đầu tiên dành cho Nga: "Bảo vệ tự do cho các nước bạn cũng sẽ khiến chúng ta phải trả giá. Chúng tôi cần phải trung thực với các bạn về điều này".

Dự kiến sẽ phải đối mặt với cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ trong năm nay, chính quyền ông Biden rất muốn tránh một cuộc khủng hoảng năng lượng. Cho nên, kích hoạt một cuộc khủng hoảng như thế là biện pháp trả đũa rõ ràng nhất của Nga sau các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Khi Đức thông báo dừng phê duyệt đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 chạy từ Nga sang, cựu Tổng thống Medvedev cũng từng cảnh báo: "Thủ tướng Đức đã ra lệnh tạm ngừng phê duyệt Nord Stream 2. Thế thì Đức thật dũng cảm, khi mà người dân châu Âu sẽ sớm phải trả 2.000 euro cho mỗi 1.000 mét khối khí đốt tự nhiên".

 

Chỉ tính riêng từ đầu năm 2022 đến nay, giá dầu Brent chuẩn quốc tế đã nhảy vọt hơn 67%, còn giá khí đốt tự nhiên đã tăng hơn 63,5%. Nếu tính từ năm ngoái, đà tăng còn dữ dội hơn. Nếu Nga cắt đứt nguồn cung năng lượng cho phương Tây, Mỹ và các đồng minh sẽ lãnh đủ.

Chưa kể, Nga đang có đòn bẩy lớn vì thị trường dầu mỏ đang bị thắt chặt nghiêm trọng khi nhu cầu phục hồi mạnh mẽ, công suất dự phòng cạn kiệt. Các nhà phân tích đã đồn đoán về khả năng giá dầu leo lên 150 USD/thùng trong năm nay.

Theo dữ liệu của JPMorgan, công suất dự phòng toàn cầu đã tụt xuống còn khoảng 2,8 triệu thùng/ngày. Con số trên thấp đáng kể so với 5 triệu thùng/ngày - mức công suất dự phòng được cho là có thể giúp thị trường chống lại bất kỳ sự gián đoạn nào.

Chiến lược gia Christyan Malek của JPMorgan nói, trong bối cảnh công suất dự phòng thấp như thế, giá dầu thô sẽ tiếp tục tăng cao bất luận tình hình chiến sự tại Ukraine hạ nhiệt và không gây đứt gãy dòng chảy dầu khí từ Nga. "…siêu chu kỳ giá dầu là điều không thể tránh khỏi", ông Malek nhấn mạnh.

 

Ngoài ra, Nga còn là một cường quốc hàng hóa, không chỉ xuất khẩu nhiều dầu khí mà còn cả ngũ cốc và kim loại công nghiệp. Nếu ông Putin muốn trả đũa phương Tây nhưng ít "sát thương" hơn việc cắt nguồn cung dầu khí thì đây là cơ hội.

Nga là nước xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới, còn Ukraine đứng thứ 5. Nếu Moscow giành được quyền kiểm soát Ukraine, nước này sẽ nắm trong tay tới 30% lượng lúa mì xuất khẩu trên toàn cầu.

Đồng thời, Nga còn là một nhà xuất khẩu chủ chốt của nhôm, nickel, palladium, platinum - tất cả các kim loại dùng trong những ứng dụng công nghệ cao, đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch.

Tương tự nhiều mặt hàng khác, lúa mì và kim loại công nghiệp vốn đã trong tình trạng khan hiếm và giá tăng cao trước khi Nga tấn công Ukraine. Hiện chưa rõ phương Tây có nhắm tới các hàng hóa này để trừng phạt Nga hay không, nhưng rõ ràng rủi ro kinh tế cho Mỹ và đồng minh cũng không thấp hơn.

Một khi giá dầu thô, khí đốt và hàng hóa khác tăng đột biến, cơn ác mộng lạm phát của các ngân hàng trung ương lớn như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hay Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đều sẽ trở nên tồi tệ hơn.

Hơn nữa, có ý kiến cho rằng giá cả phi mã có thể khiến tăng trưởng kinh tế chững lại, càng khiến bài toán cân bằng lạm phát - tăng trưởng của các nhà hoạch định chính sách trở nên khó khăn.

 

Yên Khê