Muốn biết thị trường phản ứng ra sao với chiến sự Nga - Ukraine, nhìn vào giá dầu
Trong bối cảnh vòng đàm phán đầu tiên giữa Nga và Ukraine chưa đạt được tiến triển đáng kể, Mỹ và các đồng minh đang tăng cường các lệnh trừng phạt mới lên chính quyền Moscow.
Các đợt trừng phạt của phương Tây có thể kéo giá dầu lên cao và thậm chí thổi bùng lạm phát. Điều này sẽ tạo ra một thách thức lớn cho Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) khi các nhà hoạch định chính sách cân nhắc việc tăng lãi suất, đồng thời còn siết chặt các điều kiện tài chính nói chung.
CNBC dẫn lời các nhà phân tích nhấn mạnh, năng lượng là yếu tố hàng đầu gây ra lạm phát, nhưng nếu giá dầu tăng quá cao, loại nhiên liệu hóa thạch này còn có thể bóp nghẹt nền kinh tế toàn cầu.
Ghi nhận tại thời điểm 7h17 sáng ngày 1/3 (theo giờ Việt Nam), giá dầu Brent chuẩn quốc tế đang dao động quanh mức 100,99 USD/thùng, trong khi dầu WTI của Mỹ đạt khoảng 96,04 USD/thùng.
Nhìn vào giá dầu để biết phản ứng của thị trường
Mặc dù Mỹ và châu Âu không trực tiếp nhắm tới ngành công nghiệp năng lượng Nga, các chiến lược gia tin rằng những biện pháp này sẽ làm giảm dòng chảy dầu thô từ Nga ra thị trường.
Nga hiện đang là một trong các nhà sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới, trung bình mỗi ngày xuất khẩu khoảng 5 triệu thùng dầu. Ngoài ra, Moscow còn là một nhà xuất khẩu khí đốt lớn, chiếm hơn 1/3 nguồn cung cho châu Âu.
Trao đổi với CNBC, ông Daniel Yergin - Phó Chủ tịch của IHS Markit, nhận định: "Bất kỳ điều gì xảy ra với dầu thô đều sẽ tác động ngược lại thị trường…
Mặc dù các lệnh trừng phạt hiện nay không trực tiếp động tới dầu thô, nhưng chúng lại hạn chế hoạt động mua dầu của khách hàng và cản trở các nhà tài trợ cho ngành công nghiệp năng lượng Nga".
Ông Yergin tiếp tục: "Nguồn cung năng lượng của Nga sẽ bị gián đoạn, nhưng liệu chúng ta có thể kiểm soát được tác động hay không tùy thuộc vào những diễn biến mới trên chiến trường và rủi ro mà nhà cung ứng lẫn khách hàng sẵn sàng chấp nhận".
Đầu tuần này, Bộ Tài chính Mỹ đã công bố một bước đi mang tính lịch sử - lần đầu tiên trừng phạt một ngân hàng trung ương (NHTW) trong khối G20. Washington đã quyết định cấm tất cả cá nhân và tổ chức Mỹ có quan hệ làm ăn với NHTW Nga, đồng thời đóng băng toàn bộ tài sản của NHTW Nga tại Mỹ.
Trước đó, ngày 26/2, Mỹ, Canada và các đồng minh châu Âu đã đồng ý loại một số ngân hàng chủ chốt của Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT. Tức là, trong tương lai, các ngân hàng Nga không thể giao dịch an toàn với đối tác bên ngoài nước này.
"Tôi nghĩ thị trường tài chính đang phản ứng…", ông Marc Chandler, chiến lược gia trưởng tại hãng tư vấn Bannockburn Global Forex, nhận định. "Chúng ta sẽ chứng kiến lạm phát tăng nhanh, nhưng tăng trưởng kinh tế chững lại".
Vị chuyên gia của Bannockburn cho biết, thị trường cũng kỳ vọng Fed sẽ bớt diều hâu hơn. Trước cuộc khủng hoảng tại Đông Âu, các nhà đầu tư dự đoán Fed có thể nâng lãi suất 50 điểm cơ bản vào tháng 3, nhưng giờ đây kỳ vọng đã lùi về 25 điểm cơ bản.
Ngoài ra, ông Marc Chandler còn nói thị trường cũng tin Fed chỉ nâng lãi suất khoảng 5 lần trong năm nay, trong khi trước đó có thời điểm nhà đầu tư tin tưởng các nhà hoạch định chính sách sẽ tăng lãi suất tổng cộng 7 lần.
Còn quá sớm để kết luận?
Dù vậy, trái với các đồng nghiệp, ông Barry Knapp - nhà sáng lập công ty tư vấn Ironsides Macroeconomics, nhận định việc giá năng lượng leo thang có thể thúc đẩy Fed hành động quyết liệt hơn.
"Tôi nghĩ tác động của giá năng lượng sẽ đạt đỉnh ba thập kỷ. Điều này sẽ gia tăng áp lực lên Fed theo thời gian. Giá năng lượng nhảy vọt chắc chắn sẽ dẫn đến giá cả hàng hóa tăng chóng mặt", ông Knapp chia sẻ.
Ở chia sẻ khác, bà Helima Croft - người đứng đầu bộ phận chiến lược hàng hóa tại RBC, lưu ý rằng quá trình trừng phạt vẫn còn ở giai đoạn đầu và chưa rõ liệu cuối cùng ngành năng lượng Nga có bị nhắm tới hay không.
Theo bà Croft, hiện rất khó để xác định liệu các lệnh trừng phạt mới sẽ tác động thế nào tới nguồn cung dầu thô từ Nga cũng như hướng đi của giá dầu.
"Liệu dầu thô của Nga có trở thành một tài sản độc hại dưới góc nhìn của các thương nhân hay không? Tôi nghĩ chúng ta nên xem xét động thái của BP, Equinor và một số ngân hàng đã rút tài trợ cho các công ty năng lượng Nga trong 24 giờ qua.
Chúng tôi nghi ngờ rằng phương Tây chưa tung chiêu ra hết, thực chất Mỹ và châu Âu vẫn còn đang giữ lại một số đòn trừng phạt", bà Croft bày tỏ.
Mới đây, tập đoàn dầu khí BP của Anh đã thoái vốn khỏi công ty dầu mỏ quốc doanh Rosneft của Nga. Ban đầu, BP nắm giữ gần 20% cổ phần tại Rosneft. Equinor cho biết họ cũng đang bắt đầu quá trình thoái vốn khỏi các liên doanh với Nga.
Các nhà phân tích khác dự đoán hướng đi của thị trường tài chính sẽ phụ thuộc vào động thái của Tổng thống Vladimir Putin và liệu ông có tiếp tục cuộc tấn công hay không.
Ông John Kilduff, đối tác tại Again Capital, cho rằng nếu nguồn cung dầu thô của Nga bị hụt một khoảng lớn, giá dầu sẽ tăng đột biến. "Chúng ta có thể nhanh chóng thấy mức giá 125 USD/thùng", ông nhấn mạnh.