Ukraine: Nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu bốc cháy vì đạn pháo Nga
Ông Dmytro Orlov, Thị trưởng thành phố Enerhodar ở gần nhà máy Zaporizhzhia đăng trên trang Facebook sáng sớm 4/3: "Đúng là một mối đe dọa tới an ninh thế giới. Vì quân địch nã pháo không ngừng vào các tòa nhà và khu phố, nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia đang bốc cháy".
Ông Orlov cho biết lính cứu hỏa không thể tiếp cận thành phố này nhưng không giải thích tại sao. Trước đó, vị thị trưởng này nói rằng các trận chiến quyết liệt đã chặn đường đến nhà máy điện hạt nhân.
Cơ quan quản lý hạt nhân của Ukraine báo cáo tới Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) rằng: "Mức phóng xạ ở khu vực nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia chưa có gì thay đổi".
Ông Dmytro Kuleba, Ngoại trưởng Ukraine đăng tweet vào tối muộn 3/3 rằng quân đội Nga đang bắn phá vào nhà máy điện này từ mọi hướng. "Nếu nhà máy này phát nổ, hệ quả sẽ khủng khiếp gấp 10 lần Chernobyl. Quân Nga phải dừng bắn ngay lập tức, cho phép lính cứu hỏa đi qua và thiết lập một khu vực an toàn", ông Kuleba đăng tweet.
Nhà Trắng cho biết đang theo dõi tình hình tại nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu.
Hãng tin DW của Đức dẫn nguồn tin từ Bộ Năng lượng Ukraine cho biết lính cứu hỏa không thể đến được Zaporizhzhia vì quân đội Nga liên tục xả đạn. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy nói rằng Nga đã biến thành "kẻ khủng bố hạt nhân" khi bắn pháo vào nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu.
Nguy cơ tai họa hạt nhân tái diễn
Zaporizhzhia có 6 trong tổng số 15 tổ máy điện hạt nhân đang hoạt động tại Ukraine, như thể hiện trong bản đồ dưới đây. Trong cuộc phỏng vấn với đài CNN ngày 3/3, Tổng Giám đốc IAEA Rafael Grossi cho biết cơ quan này "luôn giữ liên lạc" với phía Ukraine để đảm bảo sự an toàn của các cơ sở hạt nhân ở nước này.
"Lúc nào cũng có rủi ro các hoạt động quân sự gây ảnh hưởng tới các cơ sở hạt nhân, hoặc hoạt động thường ngày bị gián đoạn gây ra vấn đề hoặc tai nạn", ông Grossi nói.
Tuần trước, quân đội Nga đã chiếm được Chernobyl - nhà máy điện hạt nhân bị bỏ hoang sau tai nạn thảm khốc vào tháng 4/1986 làm 9 triệu người bị ảnh hưởng. Chernobyl nằm trên tuyến đường tấn công của Nga từ biên giới Belarus tới thủ đô Kiev của Ukraine nên là một mục tiêu quân sự có giá trị.
Ngày 2/3, Nga gửi thư tới Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) thông báo quân đội Nga đã kiểm soát khu vực xung quanh nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia. Nga cũng cho biết các nhân viên của nhà máy này tiếp tục "làm việc để đảm bảo an toàn và theo dõi tình hình phóng xạ như hoạt động thường ngày. Mức phóng xạ duy trì ở mức bình thường".
Ông Andriy Tuz, người phát ngôn của nhà máy Zaporizhzhia phát biểu trên truyền hình Ukraine rằng đạn pháo rơi trực tiếp xuống nhà máy này và khiến một trong 6 lò phản ứng bốc cháy. Lò phản ứng này đang trong giai đoạn bảo dưỡng và không hoạt động, tuy nhiên vẫn có nhiên liệu hạt nhân ở trong.
Các lò phản ứng ở Zaporizhzhia khác với loại ở Chernobyl. Nếu các thiết bị bảo vệ không bị phá hỏng và nguồn năng lượng dự phòng được cung cấp đủ thì rủi ro rò rỉ phóng xạ là khá thấp, ông Jon B. Wolfsthal, một cựu cố vấn an ninh Mỹ nhận xét. Tuy nhiên, không một nhà máy điện hạt nhân nào được thiết kế để chống chịu các cuộc tấn công vũ trang.
Ngày 3/3, các nước thành viên của IAEA đã thông qua một nghị quyết kêu gọi Nga dừng hành động quân sự nhằm vào các cơ sở hạt nhân của Ukraine. Nghị quyết này được Ba Lan và Canada khởi xướng và có sự ủng hộ của 26 quốc gia khác.
Theo Bộ Ngoại giao Cộng hòa Séc, chỉ có Nga và Trung Quốc phản đối nghị quyết này.