|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Trong hai tuần, ông Putin làm được điều mà Mỹ cố làm trong suốt 20 năm

14:12 | 15/03/2022
Chia sẻ
Nhiều thập kỷ qua, Mỹ cố thuyết phục Đức nâng chi tiêu quốc phòng như vô ích. Nhưng chỉ vài ngày sau khi ông Putin đưa quân vào Ukraine, Đức đã tuyên bố sẽ chi thêm hàng trăm tỷ USD cho quân đội.

Điều Mỹ và NATO cố gắng suốt 20 năm

Theo Reuters, vào hôm 14/3, Đức thông báo sẽ mua 35 máy bay chiến đấu F-35 để thay thế cho phi đội máy bay Tornado đã già cỗi. Đơn hàng này là thỏa thuận quốc phòng lớn đầu tiên kể từ khi Thủ tướng Olaf Scholz cam kết tăng thêm 100 tỷ EUR để hiện đại hóa quân đội sau khi Nga tấn công Ukraine.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Christine Lambrecht nói: “Sau khi đã xem xét kỹ lưỡng các lựa chọn, tôi quyết định mua máy bay F-35 để thay thế cho máy bay Tornado trong vai trò Chia sẻ hạt nhân”.

Động thái này đánh dấu bước ngoặt trong chính sách an ninh của Đức, bao gồm cam kết đạt mục tiêu của NATO là dùng 2% GDP cho chi tiêu quốc phòng. Nhiều năm qua, Đức bị cáo buộc quá mềm yếu trước Moscow như một cách để đền bù cho những tội lỗi mà phát xít Đức gây ra thời Thế chiến thứ II.

Tổng thống Putin làm được điều mà NATO cố gắng suốt 20 năm? - Ảnh 1.

Đức và một số nước thuộc NATO hứng chịu nhiều chỉ trích về không đạt được mục tiêu chi 2% GDP cho ngân sách quốc phòng.

Đức đã từng phải hứng chịu những lời chỉ trích nặng nề từ cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump khi không đạt được các mục tiêu của NATO.

Kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Đức đã giảm quân số từ 500.000 người vào thời điểm thống nhất năm 1989 xuống chỉ còn khoảng 200.000 quân.

Trong những năm qua, các quan chức Quốc phòng đã liên tục cảnh báo về tình trạng của các trang thiết bị của quân đội. Một loạt các máy bay chiến đấu, xe tăng, trực thăng và tàu bị hư hỏng. 

Trong một báo cáo của Quân đội Đức vào gửi quốc hội vào năm 2018, chỉ 10 trong số 128 máy bay Eurofighter Typhoon nằm trong biên chế ở trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu.

Vì sao Đức cần F-35?

Tornado là máy bay duy nhất trong biên chế có khả năng mang theo vũ khí hạt nhân của Mỹ được lưu trữ trên lãnh thổ Đức. Không quân Đức đã sử dụng dòng máy bay Tornado từ những năm 1980 và Berlin đang có ý định loại chúng khỏi biên chế vào năm 2025-2030.

F-35 mang lại cơ hội hợp tác quý giá với các đồng minh NATO và các đối tác châu Âu khác. Bộ trưởng Quốc phòng Lambrecht cũng đề cập đến việc nhiều quốc gia khác đã đặt mua máy bay phản lực tàng hình F-35 do Lockheed Martin chế tạo.

F-35 hiện là máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ 5 hiện đại nhất của Quân đội Mỹ. Tính đến ngày 2/3, có tới hơn 777 chiếc F-35 đã được giao hàng, với chi phí trung bình khoảng 78 triệu USD/chiếc (không bao gồm vũ khí) cho phiên bản F-35A. 

 Dự kiến, Đức sẽ mua 35 chiếc máy bay chiến đấu mới với phiên bản cất hạ cánh thường F-35A. Tổng giá trị thương vụ ước tính hơn 2,7 tỷ USD, chưa kể các loại vũ khí đi kèm.

Tổng thống Putin làm được điều mà NATO cố gắng suốt 20 năm? - Ảnh 3.

Hình dạng và lớp sơn phủ được thiết kế đặc biệt giúp F-35 khó bị phát hiện hơn. (Ảnh: DW).

Dự án Joint Strike Fighter - tiền thân của F-35 - là dự án quốc phòng tiêu tốn chi phí cao nhất trong lịch sử nhân loại. Theo ước tính của Bộ Quốc phòng Mỹ, khi kết thúc vòng đời, dự án F-35 sẽ tiêu tốn khoảng 1.100 tỷ USD.

Theo một tài liệu mật gửi đến chính phủ, Berlin cũng dự định sắm 15 máy bay phản lực Eurofighter Typhoon được trang bị cho tác chiến điện tử. Tuy nhiên, hiện nhà sản xuất là Airbus vẫn chưa phát triển phiên bản máy bay Typhoon cho nhiệm vụ này.

Quyết định mua F-35 của Đức cũng có thể khiến Pháp thất vọng. Paris đã theo dõi các cuộc thảo luận của Đức nhằm mua máy bay F-18 trước đây và hiện tại là F-35, vì lo ngại một thỏa thuận có thể cắt giảm sự phát triển của chương trình máy bay chiến đấu chung Pháp-Đức sẽ sẵn sàng vào năm 2040.

Trong một nỗ lực nhằm xoa dịu những lo ngại của Pháp, Bộ trưởng Lambrecht đã nhấn mạnh lời Thủ tướng Olaf Scholz rằng Đức vẫn sẽ tiếp tục ủng hộ cho chương trình phát triển máy bay chiến đấu chung.

Những bước thay đổi đầu tiên

Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã công bố kế hoạch tăng cường sức mạnh quân đội Đức vào hôm 27/2, cam kết chi 100 tỷ EUR (112,7 tỷ USD) ngân sách năm 2022 cho các lực lượng vũ trang và lặp lại lời hứa sẽ đạt mục tiêu chi 2% GDP cho quốc phòng theo yêu cầu của NATO.

Tuyên bố của Thủ tướng Đức diễn ra chỉ ba ngày sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

Ông Scholz đã công bố ngân sách quốc phòng mới trong phiên họp đặc biệt của quốc hội về phản ứng của Đức đối với việc Nga tấn công Ukraine. Ông cho biết khoản chi sẽ bao gồm các dự án trang bị vũ khí cho quân đội Đức.

Tổng thống Putin làm được điều mà NATO cố gắng suốt 20 năm? - Ảnh 4.

Tiêm kích Eurofighter Typhoon thuộc Không quân Đức. Năm 2018, chỉ có 10 trên tổng số 128 máy bay của Đức trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu. (Ảnh: bomberpilot).

"Rõ ràng là chúng ta cần đầu tư nhiều hơn vào an ninh của quốc gia để bảo vệ tự do và nền dân chủ '', ông Scholz nói.

Đức báo cáo mức chi tiêu quốc phòng cao kỷ lục vào năm 2021 là 52 tỷ EUR. Con số này phản ánh mức tăng lên tới 3,2% so với năm 2020.

100 tỷ EUR mà Thủ tướng Scholz cho biết sẽ là mức tăng chi tiêu đặc biệt chỉ trong năm nay cho lực lượng vũ trang. Đức thường bị Mỹ và các đồng minh NATO khác chỉ trích vì không đầu tư đủ vào quốc phòng.

"Chúng tôi không đơn độc trong việc bảo vệ hòa bình", ông Scholz nói và cho biết Đức sẽ triển khai thêm lực lượng tới sườn phía đông của NATO.

Các cựu lãnh đạo quốc phòng của Berlin đã công khai lo lắng về tình trạng thiếu sẵn sàng của quân đội Đức sau khi Tổng thống Putin có bài phát biểu tuyên bố ý định và động cơ tấn công Ukraine.

Có thể nói, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã làm được điều mà suốt hàng chục năm qua các đồng minh của NATO không thể: khiến Đức tăng sốc chi tiêu quốc phòng.

Minh Quang

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.