|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Trung Quốc há miệng mắc quai với cam kết bảo vệ Ukraine trong chiến tranh hạt nhân

16:49 | 14/03/2022
Chia sẻ
Thỏa thuận Chủ tịch Tập Cận Bình ký kết với Tổng thống Ukraine hồi năm 2013 dường như cho thấy Trung Quốc sẵn sàng chống lại Nga trong trường hợp nảy sinh xung đột hạt nhân.
Trung Quốc há miệng mắc quai với cam kết bảo vệ Ukraine trong chiến tranh hạt nhân - Ảnh 1.

Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại lễ ký kết ở Bắc Kinh tháng 12/2013. (Ảnh: Wang Zhao/WSJ).

Bản cam kết bất thường và gần như bị quên lãng mà Chủ tịch Tập Cận Bình ký kết 8 năm trước đang làm rộ lên sự chú ý trong khủng hoảng Nga-Ukraine. Nguyên nhân là văn bản này viết rằng Trung Quốc sẽ bảo vệ Ukraine trong trường hợp bị tấn công hạt nhân.

Lời hứa năm 2013 về sự đảm bảo an ninh không xác định của Trung Quốc với Ukraine giống với kiểu cam kết của các quốc gia trang bị vũ khí hạt nhân từ lâu đã đưa ra với các quốc gia phi hạt nhân.

Nhưng theo tờ Wall Street Journal, Bắc Kinh dường như hứa hẹn nhiều hơn các giao kết trong quá khứ, và lý do Trung Quốc chọn Ukraine để đưa ra thỏa thuận như vậy khiến các chuyên gia hạt nhân lắc đầu khó hiểu.

Giờ đây, sự tồn tại của bản cam kết càng khiến lập trường chính sách của Bắc Kinh trở nên khó đoán trong bối cảnh Nga tấn công Ukraine và Tổng thống Putin đặt lực lượng vũ khí hạt nhân của Nga trong tình trạng báo động cấp cao nhất.

Ông Gregory Kulacki, nhà phân tích vấn đề hạt nhân và Trung Quốc cho Liên minh các nhà khoa học biết quan tâm, giải thích: "Cam kết của Trung Quốc là lời hứa của quốc gia trang bị khí hạt nhân sẽ đứng lên đấu tranh cho quốc gia phi hạt nhân đang bị đe dọa bởi một quốc gia vũ trang hạt nhân khác. Văn bản này có ý nghĩa không nhỏ và cần phải được nhắc lại cho Trung Quốc".

Trung Quốc há miệng mắc quai với cam kết bảo vệ Ukraine trong chiến tranh hạt nhân - Ảnh 3.

Vào thời điểm ký kết, hứa hẹn an ninh song phương của Trung Quốc với Ukraine là sự kiện chưa từng có tiền lệ, và ngay lập tức làm dấy lên câu hỏi liệu phải chăng ông Tập định thay đổi các giao thức quân sự đã được thiết lập. Cần chú ý rằng 2013 là năm đầu tiên ông Tập giữ chức chủ tịch nước Trung Quốc.

Trung Quốc được cho là chỉ có một liên minh chính thức là Triều Tiên. Tuy nhiên, hiệp ước năm 1961 với Triều Tiên không nêu rõ các mối đe dọa hạt nhân, một phần vì nó được hình thành từ trước cả vụ thử vũ khí hạt nhân đầu tiên của Trung Quốc vào năm 1964.

Trong đảm bảo năm 2013, Bắc Kinh ca ngợi việc Ukraine đồng ý từ bỏ hàng nghìn vũ khí hạt nhân để đổi lấy đảm bảo an ninh từ Mỹ, Anh và Nga vào năm 1994.

Tuyên bố viết: "Trung Quốc cam kết vô điều kiện sẽ không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại nước đã phi hạt nhân hóa là Ukraine. Trong trường hợp Ukraine hứng chịu cuộc xâm lược hạt nhân hoặc bị đe dọa như vậy, Trung Quốc sẽ cung cấp cho Ukraine đảm bảo an ninh tương ứng".

Trung Quốc há miệng mắc quai với cam kết bảo vệ Ukraine trong chiến tranh hạt nhân - Ảnh 3.

Bệnh viện phụ sản ở thành phố Mariupol, Ukraine bị trúng bom, hố bom sâu khoảng 5-6 mét. (Ảnh: AP).

Tranh giành ảnh hưởng với Nga

Trong lúc tên lửa giáng xuống Ukraine, một trong những thách thức là giải thích ý định của Trung Quốc: Bắc Kinh dường như không công bố bản dịch chính thức sang tiếng Anh của thỏa thuận. Một số từ trong thỏa thuận, bao gồm "bao zheng" thường được dịch là "bảo đảm", nhưng có thể mang những ý nghĩa khác nhau một cách tinh tế.

Tuy nhiên, vì Nga từ lâu đã là mối đe dọa an ninh chính của Ukraine, thỏa thuận của Trung Quốc dường như cho thấy Bắc Kinh sẵn sàng chống lại Moscow trong xung đột hạt nhân. Tuy Trung Quốc ngày nay có quan hệ đối tác chiến lược với Nga, hai nước thường xuyên đối lập trong các vấn đề lãnh thổ và tranh giành ảnh hưởng ở các nước thứ ba.

Việc nhắc lại thỏa thuận Ukraine vào thời điểm hiện nay khiến Trung Quốc có vẻ thù địch với Nga hơn so với lúc ký kết năm 2013.

Người ký kết thỏa thuận bên phía Ukraine là cựu Tổng thống Viktor Yanukovych, người từng nhận được sự ủng hộ của Điện Kremlin.

Chuyến thăm Bắc Kinh của ông Yanukovych diễn ra chỉ ba tháng sau khi ông Tập công bố kế hoạch Vành đai và Con đường nối Trung Quốc với châu Âu, với một số dự án đường ray quan trọng đi qua Ukraine.

Tuy nhiên Bắc Kinh ra hiệu rằng nước này thỏa thuận với Ukraine chứ không phải với ông Yanukovych khi cơ quan lập pháp của Trung Quốc phê chuẩn cam kết năm 2015.

Ông Intaek Han, Chủ tịch Viện nghiên cứu hòa bình Jeju của Hàn Quốc cho biết trên giấy tờ, đảm bảo của Trung Quốc dành cho Ukraine vượt quá những gì mà Trung Quốc đã mang đến cho Triều Tiên trên thực tế. Ông ngờ rằng có khả năng Nga đã ủng hộ hiệp ước để ngăn cản Kiev liên kết với NATO.

Ông Miles Yu, cố vấn của cựu ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã cố gắng suốt nhiều năm để thu hút sự chú ý vào thỏa thuận 2013. Ông cho rằng thỏa thuận thể hiện căng thẳng giữa Bắc Kinh và Moscow, phản ánh mong muốn của Ukraine là có lựa chọn thứ ba ngoài Nga và Liên minh châu Âu (EU).

Thỏa thuận cũng có thể giúp Trung Quốc tiếp cận các khí tài quan trọng như động cơ máy bay sản xuất tại Ukraine.

"Trung Quốc có mối quan tâm chiến lược lâu dài trong việc đưa Ukraine vào quỹ đạo địa chính trị của mình", ông Yu khẳng định.

Trung Quốc há miệng mắc quai với cam kết bảo vệ Ukraine trong chiến tranh hạt nhân - Ảnh 4.

Ông Uông Văn Bân, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc tại Bắc Kinh tuần trước. (Ảnh: Reuters).

Khi được hỏi về hiệp ước 2013 với Ukraine trong buổi họp báo ngày 3/3, người phát ngôn Uông Văn Bân của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lảng tránh câu hỏi bằng cách đề cập đến nghị quyết của Liên hợp quốc về an ninh của các quốc gia phi hạt nhân như Ukraine. Ông Uông nói: "Các đảm bảo an ninh có giới hạn rõ ràng về nội dung và chỉ được thực hiện trong các điều kiện cụ thể".

"Về vấn đề Ukraine, nhiệm vụ cấp bách hiện nay là tất cả các bên phải bình tĩnh và kiềm chế, giảm leo thang tình hình và thúc đẩy sự dàn xếp chính trị".

Giang