|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Nga còn gì để phương Tây trừng phạt: Chứng khoán, ngân hàng hay cả chính phủ?

15:51 | 14/03/2022
Chia sẻ
Mặc dù đã tấn công mạnh mẽ vào nền kinh tế Nga những tuần qua, rất có thể phương Tây sẽ tiếp tục tăng cường các biện pháp trừng phạt hà khắc hơn nữa nếu cuộc chiến tại Ukraine không hạ nhiệt.

"Pháo đài kinh tế Nga" trước gió bão từ Phương Tây

Các biện pháp trừng phạt của Mỹ và châu Âu áp đặt đối với Điện Kremlin cho đến nay vượt ngoài dự đoán của nhiều người. Hệ thống tài chính Nga bị cô lập, đồng rúp mất giá, khả năng vỡ nợ lên cao và nền kinh tế Nga có nguy cơ khủng hoảng.

Nga đã tích trữ 640 tỷ USD dự trữ ngoại hối trước khi xung đột tại Ukraine nổ ra nhưng Bộ trưởng Tài chính nước này vừa cho biết 300 tỷ USD dự trữ đã bị Phương Tây đóng băng. "Pháo đài kinh tế Nga" mà ông Putin dày công xây dựng đang điêu đứng.

Sản xuất công nghiệp và nhập khẩu quan trọng của Nga chịu tác động sâu rộng do các lệnh cấm xuất khẩu linh kiện bán dẫn từ Phương Tây.

Phản ứng của Điện Kremlin đã làm trầm trọng thêm sự cô lập trong thời gian dài của Nga bằng cách áp đặt các biện pháp kiểm soát vốn đối với các tập đoàn và cá nhân.

Các công ty Nga được yêu cầu chuyển phần lớn ngoại hối cho chính quyền trung ương và trả cho các chủ nợ bằng đồng rúp.

Nga còn gì để phương Tây trừng phạt: Chứng khoán hay cả chính phủ? - Ảnh 2.

Trong động thái gần nhất, Mỹ và Anh thông báo sẽ cấm nhập khẩu dầu từ Nga. Trong khi đó, Liên minh Châu Âu đang xem xét hạn chế nhập khẩu khí thiên nhiên. Chỉ sau chưa đầy 2 tuần, cuộc chiến tại Ukraine đã khiến kinh tế Nga quay lại mức độ cô lập từ thời Liên Xô.

Chính quyền Tổng thống Biden đã chuẩn bị các đòn trừng phạt kỹ lưỡng. Hôm 25/2, những biện pháp đầu tiên được đưa ra và chỉ sau đó một ngày, Washington đã tiến hành bước đi bất ngờ bằng cách khóa chặt một nửa dự trữ ngoại hối của Nga. Phần dự trữ còn lại bao gồm tiền mặt, vàng và trái phiếu Trung Quốc sẽ không đủ để lấp đầy khoảng trống do lệnh trừng phạt từ phương Tây.

Dù vậy, cuộc chiến tại Ukraine vẫn tiếp tục, sự phẫn nộ và phản đối tại châu Âu và Mỹ ngày càng tăng. Sau đây là một vài biện pháp trừng phạt xếp theo thứ tự tăng dần về mức độ mà các nước phương Tây có thể áp dụng để tăng áp lực với Nga, theo phân tích của Hội đồng Đại Tây Dương.

Còn gì để trừng phạt?

Nhắm vào tài phiệt, những người thân cận và tài sản của Tổng thống Putin

Cho đến nay, Phương Tây vẫn ngập ngừng trong việc trừng phạt các cá nhân khi chỉ tấn công vào tài sản của một vài nhà tài phiệt. Có lẽ, Mỹ và châu Âu hy vọng rằng có thể tách những người này ra khỏi tầm ảnh hưởng của Tổng thống Putin.

Còn gì để phương Tây trừng phạt Nga: Tài phiệt, chứng khoán hay cả chính phủ? - Ảnh 2.

Du thuyền Amore Vero của nhà tài phiệt dầu mỏ Nga Igor Sechin bị quan chức Pháp thu giữ ngày 10/3. (Ảnh: AP).

Khả năng tầng lớp tài phiệt tại Nga sẽ đứng lên và chống lại điện Kremlin ngày càng trở nên mong manh. Dù vậy, những tỷ phú, đặc biệt là người thân cận với Tổng thống Putin sẽ là một mục tiêu hấp dẫn cho các lệnh trừng phạt do sự tham gia của họ vào nền kinh tế và chính trị của Nga.

Có thể các lệnh trừng phạt lên cá nhân khá mang tính biểu tượng, đặc biệt khi so sánh cuộc chiến khốc liệt tại Ukraine với chiếc du thuyền trị giá 600 triệu USD bị thu giữ. Tuy nhiên, biểu tượng có thể reo rắc sự bất ổn và hoảng loạn tại thị trường và làm giảm hơn nữa niềm tin vào nền kinh tế Nga.

Những biện pháp trừng phạt sẽ cho các nhà tài phiệt và những người thân cận với Tổng thống Nga thấy rằng cuộc chiến đang làm tổn hại đến lợi ích của chính bản thân họ.

Tăng cường trừng phạt lên doanh nghiệp

Kể từ năm 2014 sau sự kiện sáp nhập Crimea, phương Tây đã tiến hành các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ lên lĩnh vực tài chính và quốc phòng của Nga. Tuy nhiên, vẫn còn có nhiều mục tiêu gần gũi với điện Kremlin hoặc không mang quá nhiều rủi ro cho kinh tế thế giới mà phương Tây có thể lựa chọn.

Ngân hàng Gazprombank và Agricultural Bank, cùng với AlfaBank đã phải chịu những hạn chế về tài chính. Ba ngân hàng trên có thể là đối tượng tiếp theo bị khóa chặt khỏi hệ thống tài chính quốc tế do các lệnh trừng phạt mới.

Các công ty vận tải như Sovcomflot và Russian Railways, công ty kim cương Alrosa cũng có thể là mục tiêu của những đợt trừng phạt tăng cường. Nhà bảo hiểm lớn của Nga là Sogaz đã bị Liên minh Châu Âu đưa vào danh sách trừng phạt, tuy nhiên, doanh nghiệp này vẫn chưa phải chịu điều tương tự từ Mỹ.

Và vẫn còn một loạt các doanh nghiệp tư nhân và nhà nước của Nga có thể trở thành mục tiêu hấp dẫn.

Thị trường chứng khoán

Nếu Phương Tây muốn hủy hoại hơn nữa thị trường vốn trong nước của Nga, trừng phạt Sở giao dịch Nga là một phương án có thể xem xét.

Việc tấn công vào thị trường chứng khoán của Nga cũng giải quyết khả năng các công ty Phương Tây hoặc Trung Quốc mua tài sản Nga với giá rẻ mạt và nắm giữ trong nhiều năm để kiếm lời.

Mặc dù những giao dịch thu mua tài sản giá rẻ như vậy có thể không thực sự cung cấp nhiều vốn cho các công ty Nga, chúng sẽ gửi một tín hiệu rõ ràng về khả năng trục lợi khi nhiều doanh nghiệp nước ngoài đang rút khỏi Nga.

Cấm vận chính phủ Nga

Có thể hiểu cấm vận chính phủ Nga tương tự với việc trừng phạt toàn bộ các công ty nhà nước Nga. Mặc dù đa số đã trở thành mục tiêu của các lệnh cấm vận, một sự ngăn chặn hoàn toàn sẽ cô lập Moscow hơn nữa khỏi nền kinh tế toàn cầu. Hành động này sẽ đặt chính phủ Nga tương đương với các quốc gia như Cuba, Iran, Triều Tiên và Syria.

Tuy nhiên, biện pháp này cần thời gian hoặc các loại trừ để không làm chao đảo thị trường năng lượng, bởi các doanh nghiệp dầu khí Nga như Rosneft và Gazprom chiếm vị trí quan trọng đối với nguồn cung nhiên liệu của thế giới.

Cấm hoạt động đầu tư mới vào Nga

Nhà Trắng đã cấm đầu tư mới vào các dự án năng lượng của Nga vào ngày 8/3. Lựa chọn hợp lý tiếp theo có thể là mở rộng lệnh cấm đó cho toàn bộ nền kinh tế Nga.

Do việc cắt giảm mua năng lượng và lệnh cấm xuất khẩu hàng hóa của Nga đã ảnh hưởng đến các lĩnh vực thương mại chính của Phương Tây với Nga, hạn chế đầu tư mới sẽ có ít tác động lan tỏa tới Mỹ và châu Âu.

Nga còn gì để phương Tây trừng phạt: Chứng khoán hay cả chính phủ? - Ảnh 6.

Cấm vận tài chính hoàn toàn

Cấm vận tài chính hoàn toàn là một trong những biện pháp trừng phạt cao nhất và sẽ cấm tất cả các giao dịch, xuất khẩu và nhập khẩu với Nga.

Biện pháp này sẽ cản trở mọi hoạt động kinh doanh, là bước đi quan trọng cuối cùng để Phương Tây loại bỏ Nga khỏi nền kinh tế toàn cầu. Cấm vận tài chính hoàn toàn còn có cách gọi khác là “các biện pháp trừng phạt kiểu Iran”.

Nga còn gì để phương Tây trừng phạt: Chứng khoán hay cả chính phủ? - Ảnh 5.

Chỉ vài tuần trước, việc sử dụng tới cấm vận tài chính hoàn toàn là điều mà không ai có thể nghĩ đến. Nhưng với sự leo thang gần như điên cuồng của các lệnh trừng phạt, dường như phương Tây sẽ tiến tới sử dụng “các biện pháp trừng phạt kiểu Iran” với Nga nếu tình hình Ukraine không được cải thiện.

Nhắm vào những kẻ trốn lệnh trừng phạt

Nga có thể tìm cách trốn tránh các lệnh trừng phạt, ví dụ như sử dụng các công ty ma. Tìm kiếm các công ty này sẽ là một thử thách khó khăn, và Mỹ sẽ cần các cuộc tham vấn thường xuyên và chuyên sâu với đồng minh để đảm bảo thực thi các lệnh trừng phạt.

Nếu Tổng thống Putin quyết định nghiêm túc theo đuổi giải pháp ngoại giao để kết thúc xung đột, thì biện pháp giảm nhẹ trừng phạt sẽ là “củ cà rốt”.

Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland gần đây đã vạch ra các điều kiện để dỡ bỏ các lệnh trừng phạt: Nga rút quân và hỗ trợ tái thiết Ukraine. Thực tế thì dỡ bỏ các lệnh trừng phạt sẽ rất phức tạp, đặc biệt khi các nước phương Tây và Nga đều không có sự tin tưởng lẫn nhau.

Minh Quang