Berkshire Hathaway gom tiếp 1,5 tỷ USD cổ phiếu dầu khí khi giá lên đỉnh
Berkshire Hathaway gom hàng dầu khí
Theo CNBC, Berkshire Hathaway đã chi khoảng 4,5 tỷ USD trong tuần trước để mua 91,2 triệu cổ phiếu tại công ty dầu khí Mỹ Occidental Petroleum. Sang tuần này, tập đoàn của huyền thoại đầu tư Warren Buffett lại rót thêm 1,5 tỷ USD để mua 27,1 triệu cổ phiếu.
Báo cáo mà Berkshire Hathaway gửi tới Ủy ban Chứng khoán và Sở giao dịch Mỹ (SEC) cho biết các đợt mua vào được thực hiện từ thứ Tư (9/3) đến thứ Sáu (11/3). Giá mua dao động từ 51,03 đến 58,58 USD/cp. Giá mua bình quân gia quyền là 56,6 USD/cp.
Hiện nay, Berkshire đang sở hữu tổng cộng 118,3 triệu cổ phiếu Occidental với giá trị thị trường khoảng 6,9 tỷ USD. Thống kê dưới đây cho thấy Occidental đã trở thành cổ phiếu có tỷ trọng lớn thứ 9 trong danh mục của Berkshire.
Tập đoàn của Chủ tịch Warren Buffett đang nắm giữ gần 12% tổng số cổ phần đang lưu hành của Occidental. Nếu tính cả quyền mua 84 triệu cổ phiếu mà Berkshire có được từ năm 2019, tỷ lệ sở hữu tăng lên thành 20%.
Số quyền mua nói trên có giá thực hiện là 59,6 USD, chỉ nhỉnh hơn một chút so với giá thị trường hiện nay. Giả sử giá cổ phiếu Occidental tăng lên mức 70 USD/cp, Berkshire Hathaway vẫn được mua 84 triệu cổ phiếu với giá 59,6 USD/cp – tức là thấp hơn thị trường chung. Vì vậy, giá cổ phiếu này càng tăng, Berkshire sẽ càng được lợi.
Trong 12 tháng qua, cổ phiếu Occidental đã tăng khoảng 90% như thể hiện trong biểu đồ bên trên. Riêng trong một tháng gần đây, Occidental đã tăng 35% theo đà đi lên của giá dầu.
Giá cổ phiếu Berkshire Hathaway cũng diễn biến khả quan khi tăng 9% so với đầu năm 2022.
Trong nhóm 10 người giàu nhất hành tinh, Chủ tịch Warren Buffett là người duy nhất có tài sản ròng tăng lên so với đầu năm và hiện góp mặt trong top 5. Bảng dưới đây cho thấy các đại gia trong ngành công nghệ như Bill Gates, Jeff Bezos, ... đều "nghèo đi" rõ rệt, Mark Zuckerberg thậm chí còn biến mất khỏi top 10.
Nguy cơ suy thoái kinh tế vì giá dầu quá cao
Forbes cho biết một số chuyên gia đang dự báo giá dầu có thể lên cao tới 240 USD/thùng ngay trong mùa hè năm nay nếu các quốc gia áp lệnh cấm vận lên dầu của Nga. Giá dầu cao có nguy cơ dẫn tới suy thoái kinh tế toàn cầu trong năm 2022.
"Nếu thêm nhiều quốc gia Phương Tây áp lệnh cấm vận với dầu mỏ của Nga như Mỹ đã làm, thị trường dầu sẽ mất đi 4,3 triệu thùng/ngày và các nguồn cung khác không thể nhanh chóng thay thế được", ông Bjørnar Tonhaugen, Giám đốc thị trường dầu tại công ty nghiên cứu năng lượng Rystad Energy nhận định hôm 9/3.
Dự báo giá dầu lên 240 USD/thùng của Rystad có nét tương đồng với các nhận định của ngân hàng Goldman Sachs và Barclays trong tuần này.
Cụ thể, Goldman nâng dự báo giá dầu thô Brent lên trên 200 USD/thùng vào hôm 8/3 vì cho rằng thế giới có thể đang đối mặt với "cú sốc nguồn cung năng lượng lớn chưa từng thấy". Biểu đồ dưới đây cho thấy giá dầu tuần qua có lúc lên 130 USD/thùng nhưng sau đó đã hạ nhiệt còn khoảng 110 USD.
Barclays cho rằng việc mất đi nguồn cung dầu thô bằng đường biển của Nga có thể đẩy giá dầu lên trên 200 USD trong kịch bản tồi tệ nhất. Mặc dù vậy, ngân hàng này đánh giá tình hình hiện nay "thay đổi rất nhanh chóng" và không điều chỉnh dự báo giá dầu thô Brent trong năm 2022.
Trước đó, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak đã cảnh báo thị trường năng lượng thế giới sẽ phải hứng chịu "những hậu quả thảm khốc" và giá dầu có thể lên tới 300 USD/thùng nếu các nước Phương Tây chặn dòng chảy năng lượng từ Nga.
Phát biểu của ông Novak được đưa ra một phần nhằm đe dọa Mỹ, Anh và Liên minh châu Âu (EU) không cấm vận dầu mỏ của Nga. Mặc dù vậy, chuyên gia đến từ Rystad Energy cũng tin rằng giá dầu quá cao sẽ gây ra những hệ quả nghiêm trọng.
"Giá dầu lên 240 USD/thùng sẽ châm ngòi cho một cuộc suy thoái toàn cầu", ông Tonhaugen nói.
Một nghiên cứu của các nhà kinh tế tại Đại học Warwick cho thấy giá dầu lên cao vào các năm 1973, 1979, 1990, 2007 và nền kinh tế rơi vào suy thoái một năm sau đó.