|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Danh sách dài những nước đang viện trợ vũ khí cho Ukraine chống Nga

08:21 | 01/03/2022
Chia sẻ
Xung đột Nga – Ukraine đang ngày càng căng thẳng. Nhiều nước trung lập như Thụy Điển cũng đã bắt đầu gửi đến Ukraine những lô vũ khí đầu tiên.
Những nước nào đang viện trợ vũ khí cho Ukraine? - Ảnh 1.

Những người lính phòng vệ Kiev đang thử vũ khí và đạn dược. (Ảnh: Mikhail Palinchak/EPA).

Mỹ

Ngày 25/2, trong một bản ghi nhớ gửi tới Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, Tổng thống Joe Biden chỉ định việc phân bổ lô vũ khí trị giá 350 triệu USD nhằm mục đích bảo vệ lãnh thổ Ukraine.

Ukraine đã yêu cầu viện trợ tên lửa chống tăng Javelin và tên lửa đất đối không vác vai Stinger.

Những nước nào đang viện trợ vũ khí cho Ukraine chống Nga? - Ảnh 2.

Lính Mỹ thuộc Lữ đoàn Không vận số 173 bắn tên lửa chống tăng Javelin, ngày 21/8/2019. (Ảnh: Lục quân Mỹ).

Lầu Năm Góc nói lô vũ khí bao gồm súng chống tăng, súng trường, áo chống đạn và các loại đạn dược nhằm hỗ trợ những người lính Ukraine trên tiền tuyến. Một người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cũng xác nhận lô hàng viện trợ bao gồm cả các hệ thống phòng không.

Trong năm qua, theo ông Blinken, tổng viện trợ an ninh mà Mỹ cung cấp cho Ukraine đã vượt con số 1 tỷ USD.

Anh

Vào tháng 1, Bộ Trưởng Bộ Quốc phòng Ben Wallace nói rằng Anh đã "quyết định hỗ trợ Ukraine hệ thống vũ khí chống tăng hạng nhẹ". Ngày 23/2, Anh tiếp tục hứa sẽ viện trợ quân sự Ukraine, bao gồm cả vũ khí sát thương.

Thủ tướng Boris Johnson phát biểu trước Nghị viện Anh: "Trước hành vi đe dọa ngày càng nghiêm trọng từ Nga và phù hợp với sự hỗ trợ từ trước của chúng ta, Anh sẽ sớm cung cấp thêm một gói hỗ trợ quân sự cho Ukraine. Gói hỗ trợ bao gồm cả vũ khí sát thương và viện trợ khác ngoài vũ khí".

Pháp

Pháp đã gửi viện trợ và đang gửi thêm nhiều thiết bị quân sự cũng như nhiên liệu. Paris tuyên bố đã hành động theo yêu cầu của Ukraine trước đó về vũ khí phòng không và vũ khí điện tử.

Hà Lan

Trong thư gửi quốc hội hôm 26/2, chính phủ Hà Lan cho biết sẽ cung cấp tên lửa phòng không và hệ thống chống tăng cho Ukraine.

Bức thư cho biết, chính phủ Hà Lan đã đồng ý với yêu cầu của Ukraine và nhanh chóng vận chuyển 200 tên lửa phòng không Stinger và 50 súng chống tăng "Panzerfaust 3" kèm theo 400 tên lửa.

Hà Lan cũng cho biết đang cùng với Đức xem xét gửi một hệ thống phòng không Patriot tới một nhóm chiến đấu của NATO ở Slovakia.

Đức

Đức sẽ cung cấp cho Ukraine 1.000 vũ khí chống tăng và 500 tên lửa đất đối không Stinger từ kho dự trữ để giúp Ukraine phòng thủ chống lại Nga.

Những nước nào đang viện trợ vũ khí cho Ukraine? - Ảnh 3.

Tên lửa phòng không FIM-92 Stinger được sử dụng trong chiến tranh Afganistan. (Ảnh: Internet Archive).

Việc Đức viện trợ quân sự cho Ukraine đánh dấu sự thay đổi lớn cho chính sách cấm xuất khẩu vũ khí sang khu vực xung đột của Berlin. 

Cuối tháng 1 vừa qua, Đức chỉ đồng ý viện trợ cho Ukraine 5.000 mũ chống đạn, không cung cấp vũ khí sát thương. Thị trường thành phố Kiev khi đó đã mỉa mai: "Lần sau Đức sẽ gửi gì cho chúng tôi đây? Cái gối đầu chăng?"

Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết hôm 26/2: "Việc Nga xâm lược Ukraine đánh dấu một bước ngoặt. Chúng ta có nhiệm vụ cố gắng hết sức hỗ trợ Ukraine tự vệ trước quân đội của Putin".

Canada

Ottawa cho biết đang gửi vũ khí quân sự sát thương tới Ukraine và cho Kiev vay nửa tỷ đô la Canada (394 triệu USD) để giúp nước này tự vệ.

Thụy Điển

Stockholm cũng đang phá vỡ lập trường trung lập của mình để gửi 5.000 tên lửa chống tăng tới Ukraine cùng với lương khô và áo chống đạn.

Đây là lần đầu tiên Thụy Điển gửi vũ khí đến một quốc gia đang xung đột vũ trang kể từ khi Liên Xô tấn công nước láng giềng Phần Lan vào năm 1939.

Bỉ

Bỉ cho biết họ sẽ cung cấp cho Ukraine thêm 3.000 súng trường tự động và 200 vũ khí chống tăng, cùng với 3.800 tấn nhiên liệu.

Bồ Đào Nha

Bồ Đào Nha gửi đến Ukraine viện trợ bao gồm kính nhìn đêm, áo và mũ chống đạn, lựu đạn, đạn dược và súng trường tự động G3.

Những nước nào đang viện trợ vũ khí cho Ukraine chống Nga? - Ảnh 5.

Súng trường G3 do công ty Heckler & Koch của Đức thiết kế. (Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ).

Hy Lạp

10 người Hy Lạp đã thiệt mạng trong xung đột giữa Nga và Ukraine. Hy Lạp, với cộng đồng người nước ngoài đông đảo tại Ukraine, đã quyết định gửi "thiết bị quốc phòng" cũng như viện trợ nhân đạo.

Romania

Romania - quốc gia có chung biên giới với Ukraine - đang đề nghị điều trị những người bị thương từ các vùng chiến sự tại 11 bệnh viện quân sự. Romania cũng gửi nhiên liệu, áo và mũ chống đạn và "vật liệu quân sự" khác trị giá 3,3 triệu USD.

Tây Ban Nha

Chính phủ Tây Ban Nha hứa sẽ gửi 20 tấn hàng viện trợ tới Ukraine, đa số là thiết bị y tế và quân sự như áo chống đạn.

Cộng hòa Séc

Vào 26/2, Praha cho biết sẽ gửi Ukraine 4.000 súng cối "trong vài giờ tới". Ngoài ra, viện trợ còn bao gồm 30.000 súng lục, 7.000 súng trường tấn công, 3.000 súng máy, nhiều súng bắn tỉa và một triệu viên đạn.

Séc cũng đã hứa với Kiev 4.000 khẩu súng cối trị giá 1,6 triệu USD nhưng vẫn chưa được chuyển giao.

Trong bối cảnh quân đội Nga kiểm soát tất cả sân bay tại Ukraine và bao vây nhiều thành phố lớn, việc vận chuyển hàng viện trợ của các nước Phương Tây sẽ gặp nhiều khó khăn.

Minh Quang