Đơn hàng của doanh nghiệp rau quả được nối lại sau lệnh hoãn áp thuế 90 ngày của Mỹ
Doanh nghiệp thở phào khi nghe tin tạm dừng áp thuế
Thông tin Mỹ hoãn áp thuế đối ứng 46% trong 90 ngày được xem là tin tích cực tạm thời đối với doanh nghiệp xuất khẩu nói chung và ngành rau quả nói riêng.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho rằng quyết định của Mỹ giúp cho các doanh nghiệp có lô hàng đang vận tải trên biển có thể thở phào nhẹ nhõm. Bên cạnh đó, đơn hàng của một số doanh nghiệp cũng đã được nối lại.
Tuy nhiên, không giống như các ngành hàng khác, rau quả là mặt hàng tươi nên khó lòng thúc đẩy tranh thủ ký thêm nhiều các đơn hàng xuất khẩu sang Mỹ để đề phòng rủi ro. Theo ông Nguyên, doanh nghiệp chỉ có thể đẩy mạnh bán thêm các sản phẩm đã chế biến vì hạn sử dụng lâu hơn.
“Thông thường thời gian vận chuyển container sang Mỹ mất một tháng. Do đó, doanh nghiệp chỉ có hai tháng để xuất các đơn hàng đã ký kết hoặc đàm phán thêm đơn hàng mới. Họ sẽ cố gắng “căn ngày” giao trước khi thời điểm gian hạn áp thuế kết thúc”, ông nói.
Về lâu dài, ông Nguyên cho rằng vẫn cần phải chờ kết quả đàm phán giữa Việt Nam và Mỹ để đánh giá tình hình.
Đối với Vina T&T, một trong những doanh nghiệp xuất khẩu rau quả lớn của Việt Nam, việc hoãn áp thuế giúp doanh nghiệp này nối lại các đơn hàng trước đây bị hoãn.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Vina T&T Group, cho biết thời điểm đầu khi Mỹ mới công bố mức thuế, các đối tác của công ty đồng loạt yêu cầu giảm đơn hàng.
Ông cho hay khoảng 40% số đơn hàng bị ảnh hưởng vì khách hàng sợ nếu nếu áp thuế tới 46% thì người tiêu dùng sẽ khó lòng chấp nhận mức giá tăng lên. Tuy nhiên, sau quyết định của ông Trump về việc hoãn áp thuế các đơn hàng đã được nối lại.
"Sau khi nhận được thông tin hoãn thuế trong 90 ngày, doanh nghiệp chúng tôi rất mừng nhưng cũng rất lo. Chúng tôi lo không biết chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo. Bản thân doanh nghiệp đối tác của chúng tôi bên Mỹ cũng vậy, họ phải thay đổi lại kế hoạch kinh doanh năm 2025. Thậm chí họ lên kế hoạch theo từng tuần chứ không phải theo từng tháng như trước đây", ông Tùng nói.
Ông cho biết trong 90 ngày này công ty sẽ tranh thủ xuất hàng vì hoa quả là hàng đặc thù, không thể để lâu được. Phía khách hàng cũng đã nối lại việc thực hiện đơn hàng.
"Hy vọng rằng kết quả đàm phán giữa Việt Nam và Mỹ sẽ khả quan để sau 90 ngày, việc xuất khẩu sang Mỹ ổn định trở lại”, ông Tùng nói.
Hiện tại thị trường Mỹ chiếm khoảng 58% doanh thu của Vina T&T. Tuy nhiên, ông Tùng cho biết trong thời gian tới sẽ đẩy mạnh việc đa hoá thị trường nhằm giảm thiểu rủi ro trước những biến động về thuế quan, thương mại. Song song với đó, công ty sẽ đàm phán với phía đối tác của Mỹ để chia sẻ phần chi phí tăng lên do tác động của thuế.
Công ty cũng chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất là mức thuế giữ nguyên 46% bằng cách làm việc với các doanh nghiệp đối tác trong chuỗi cung ứng xuất hàng sang Mỹ từ nhà sản xuất bao bì đến doanh nghiệp cung cấp dịch vụ.
"Các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng cùng ngồi lại với nhau và chấp nhận hy sinh lợi nhuận để khi hàng đến tay người tiêu dùng Mỹ, giá sẽ bớt bị ảnh hưởng bởi thuế và cùng kỳ vọng một mức thuế mới tốt hơn. Trường hợp xấu nhất nếu thuế giữ nguyên 46% thì giá thành của chúng tôi cũng phải giảm 16-17% so với giá hiện nay nhờ việc liên kết các doanh nghiệp Việt Nam với nhau. Sau đó tuỳ tình hình mà chúng tôi có điều chỉnh nhất định", ông cho biết.
Mặc dù mức thuế đối ứng được hoãn nhưng các nước vẫn chịu mức thuế chung là 10%. Ông Tùng cho rằng đây là phép thử đối với người tiêu dùng Mỹ. Nếu người dân phản đối vì chi phí sinh hoạt của họ tăng lên trong khi lương không tăng, chính phủ Mỹ sẽ phải điều chỉnh hoặc tìm nguồn cung nơi khác. Tuy nhiên, Việt Nam là một trong những thị trường khó có thể thay thế và đây là một lợi thế, nhất là về gạo, tiêu, thuỷ sản….
Còn ông Nguyên cho rằng mức thuế 10% áp dụng đồng đều các nước không ảnh hưởng đến sức cạnh tranh nhưng sẽ tác động đến nhu cầu của người tiêu dùng và sức tiêu thụ sẽ chậm lại.
Xuất khẩu rau quả sang Mỹ tăng mạnh trong quý đầu tiên của năm
Xuất khẩu rau quả sang Mỹ tiếp đà tăng trưởng từ năm ngoái. Theo đó, quý I năm nay, Việt Nam thu về 111 triệu USD, tăng 65% so với cùng kỳ năm ngoái.
Năm 2024, xuất khẩu sang thị trường cũng ghi nhận mức tăng trưởng hai con khi đạt 360 triệu USD, tăng 40% so với 2023. Nói cách khác, kim ngạch quý khẩu của riêng quý đầu năm nay đã bằng 1/3 so với cả năm ngoái. Mỹ là thị trường tiêu rau quả lớn thứ hai của Việt Nam (sau Trung Quốc). Mỹ là thị trường tiêu thụ rau quả tiềm năng với tốc độ tăng trưởng ổn định.

Nguồn: Hải quan Việt Nam
Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết thị trường Mỹ chiếm vai trò quan trọng đối với Việt Nam khi giá cả và tốc độ tăng trưởng ổn định trong nhiều năm qua.
Theo số liệu từ Trung tâm Thương mại Quốc tế, lượng nhập khẩu rau quả vào Mỹ tăng trưởng đều đặn trong 5 năm qua. Trong đó, năm ngoái, nước này nhập khẩu gần 61 tỷ USD rau quả từ các nước, tăng 8% so với năm 2023.

Nguồn: Trung tâm Thương mại Quốc tế. (H.Mĩ tổng hợp)
Báo cáo từ Grand View Research cho biết quy mô thị trường trái cây và rau quả tại Mỹ được định giá 96,26 tỷ USD vào năm 2023 và dự kiến sẽ tăng trưởng với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 4,1% trong giai đoạn từ 2024 đến 2030. Người tiêu dùng ngày càng tìm kiếm các loại trái cây và rau quả tươi, độc lạ để phục vụ chế độ ăn uống lành mạnh khi họ đầu tư nhiều thời gian và tiền bạc hơn cho sức khỏe.