Vì sao chuối Việt soán ngôi vương của Philippines tại Trung Quốc?
Thị phần chuối Việt Nam tại Trung Quốc bỏ xa Philippines
Theo Hải quan Trung Quốc, nước này nhập khẩu hơn 105.000 tấn chuối giảm 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 9 tháng năm nay, lượng nhập khẩu chuối Trung Quốc duy trì xu hướng giảm so với cùng kỳ năm ngoái với 1,2 triệu tấn, giảm 8%. Trong đó, lượng nhập khẩu trong các tháng từ 6 đến 9 thấp hơn nhiều so với những tháng đầu năm.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, lý giải: “Thông thường giai đoạn mùa hè chính vụ của Trung Quốc nên hàng nhập khẩu rất khó tiêu thụ. Sự phục hồi trong nhập khẩu chuối của Trung Quốc phụ thuộc vào mùa đông năm nay đến sớm hay muộn”.
Song, tín hiệu tích cực là giá chuối nhập khẩu mặc dù vẫn còn thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái nhưng đang có xu hướng phục hồi mạnh qua các tháng trong năm nay.
Tính đến tháng 9, giá chuối nhập khẩu vào quốc gia này trung bình quanh mức 600 USD/tấn, tăng 25% so với đầu năm.
Tính đến tháng 9, giá chuối nhập khẩu vào quốc gia này trung bình quanh mức 600 USD/tấn, tăng 25% so với đầu năm. Trong đó, chuối nhập khẩu từ Việt Nam là 415 USD/tấn, gần như thấp nhất trong số các thị trường (chỉ sau Myanmar là 282 USD/tấn). Mức giá này thấp hơn 16% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, Việt Nam vượt qua Philippines trở thành quốc gia xuất khẩu chuối lớn nhất sang Trung Quốc với hơn 201 triệu tấn, tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện thị phần của Việt Nam là 39,3%, bỏ xa “cựu vương” Philippines là 25,2%.
Việt Nam bắt đầu xuất khẩu chuối chính ngạch sang Trung Quốc từ cuối năm 2022. Theo thống kê của Cục trồng trọt (Bộ NN&PTNN), cả nước hiện có khoảng 154.000 ha trồng chuối với sản lượng 2,3 triệu tấn/năm. Chuối là loại trái cây cho thu hoạch quanh năm và đã trở thành sản phẩm xuất khẩu thế mạnh của ngành rau quả Việt Nam, theo Tạp chí Hải quan.
Vì sao thị phần chuối của Philippines bị giảm mạnh?
Từng được biết đến là cường quốc về xuất khẩu chuối nhưng thị phần của Philippines tại Trung Quốc và các thị trường khác đang giảm mạnh. Lý giải cho điều này, ông Đặng Phúc Nguyên cho biết thời gian qua nhiều vùng trồng chuối của Philippines bị tàn phá bởi sâu bệnh, dẫn đến sản lượng giảm. Trong khi đó, Việt Nam có vị thế địa lý tốt hơn và sản lượng ổn định nên việc xuất khẩu thuận lợi và giá cả cạnh tranh.
Giá chuối Philippines xuất khẩu sang Trung Quốc trong 9 tháng năm nay ở mức 561 USD/tấn, cao hơn khoảng 35% so với Việt Nam.
Quốc gia xuất khẩu chuối sang Trung Quốc | Giá xuất khẩu trung bình 9 tháng 2024 (USD/tấn) |
Myanmar | 282 |
Việt Nam | 415 |
Lào | 480 |
Indonesia | 530 |
Philippines | 561 |
Campuchia | 634 |
Ecuador | 673 |
Mexico | 914 |
Thái Lan | 1.238 |
Nguồn: Tổng Cục Hải quan Trung Quốc
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết mặc dù chuối của Philippines vẫn được ưa chuộng tại thị trường Trung Quốc nhờ hương vị, nhưng tình trạng khan hiếm nguồn cung và chi phí cao hơn đã tạo điều kiện cho chuối Việt Nam mở rộng thị phần. Bên cạnh đó, căng thẳng địa chính trị cũng tác động khiến Trung Quốc giảm nhập khẩu chuối từ Philippines.
Theo trang Business World, Giám đốc Điều hành Hiệp hội Trồng và Xuất khẩu Chuối Philippines (PBGEA), ông Stephen Antig, cho biết Philippines đang mất dần các thị trường chuối quan trọng do sản lượng yếu kém, nguyên nhân là do sâu bệnh, đặc biệt là bệnh héo Fusarium (hay còn gọi là bệnh Panama).
Ông Antig cho biết, thị phần chuối tươi của Philippines đã giảm đều đặn kể từ năm 2012. Tại Nhật Bản, thị phần của Philippines từng chiếm 94%, nhưng đến năm 2023 chỉ còn 79%.
Tại thị trường chính là Trung Quốc, thị phần đã giảm từ 82% vào năm 2012 xuống còn 40% vào năm ngoái. Ở Hàn Quốc, thị phần chuối của Philippines giảm từ 98% xuống còn 69% vào năm 2023.
Cá biệt, tại Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất, thị phần chuối của nước này đã giảm mạnh xuống chỉ còn 8% vào năm 2023 so với 83% năm 2012.
"Chúng tôi không có đủ sản lượng do những thiệt hại gây ra bởi sâu bệnh," ông Antig trả lời phỏng vấn báo chí.
Theo ông Antig, việc thay thế các khu vực trồng chuối bị ảnh hưởng bởi bệnh héo Fusarium hoặc mở rộng diện tích trồng chuối không phải là việc dễ dàng do Luật Cải cách Ruộng đất, trong đó giới hạn mỗi chủ đất chỉ được sở hữu tối đa 5 hecta đất.
"Vấn đề không nằm ở nhu cầu, mà ở nguồn cung. Nhiều vùng trồng chuối bị nhiễm bệnh Fusarium, biến đổi khí hậu và gặp khó khăn trong việc có thêm diện tích để mở rộng và thay thế những vùng bị sâu bệnh phá hoại," ông nói.
Ông cũng cho biết diện tích trồng chuối tại đảo Mindanao đã giảm xuống còn 51.000 hecta, so với 89.000 hecta trước khi bệnh dịch bùng phát.
Ông Antig cho biết PBGEA đã vận động Bộ Cải cách Ruộng đất sửa đổi Luật Cải cách Ruộng đất vì giới hạn 5 hecta là không phù hợp để canh tác hiệu quả.
"Thật không may, chúng tôi chưa nhận được phản hồi về việc liệu có sửa đổi luật hay không. Chúng tôi sẽ tiếp tục vận động, nếu không, sẽ đến lúc Mindanao không còn được biết đến là ‘thủ phủ chuối’ nữa," ông nói.
Ông Antig cho biết những người trồng chuối phải cố gắng khôi phục các khu vực bị sâu bệnh phá hoại.