Xuất khẩu rau quả giữ đà tăng trưởng mạnh
Trung Quốc chiếm hơn 64% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, trong tháng 7, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt 552,26 triệu USD, tăng 37% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, so với tháng trước xuất khẩu rau quả có phần chậm lại và giảm 17,6% do sầu riêng bước vào giai đoạn cuối vụ thu hoạch.
Như vậy, kim ngạch xuất khẩu rau quả trong 7 tháng đầu năm đã đạt gần 3,9 tỷ USD, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2023.
7 tháng đầu năm nay, nhìn chung xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang hầu hết thị trường đều tăng trưởng cao ở mức hai con số so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, Trung Quốc tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất với kim ngạch đạt 2,5 tỷ USD, tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm 64,2% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành rau quả.
Đến nay, Việt Nam có 14 mặt hàng nông sản xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, gồm: Tổ yến và sản phẩm từ tổ yến, khoai lang, thanh long, nhãn, chôm chôm, xoài, mít, dưa hấu, chuối, măng cụt, thạch đen, vải, chanh dây và sầu riêng.
Hiện các cơ quan chuyên môn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang phối hợp với Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) gấp rút hoàn thiện hồ sơ mở cửa thị trường đối với trái bưởi, dừa, sầu riêng cấp đông, ớt. Khi các mặt hàng này được xuất khẩu chính ngạch, sẽ tạo dư địa tăng trưởng doanh thu hàng tỷ USD cho ngành nông nghiệp.
Cùng lúc đó, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của ngành rau quả Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này trong 7 tháng đầu năm đạt 189,4 triệu USD, tăng 35% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm 4,9% tỷ trọng.
Tiếp đến là thị trường Hàn Quốc đạt 188,9 triệu USD, tăng 51,1%; Thái Lan đạt 122,3 triệu USD, tăng 70,3%. Bên cạnh đó, ngành hàng rau quả của Việt Nam cũng khai thác tốt các thị trường tiềm năng khác như: Nhật Bản, Đài Loan, Australia, đặc biệt là thị trường Đức tăng tới 118,8%…
Dự báo xuất khẩu rau quả tiếp tục thuận lợi
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dự báo xuất khẩu hàng rau quả nửa cuối năm 2024 tiếp tục thuận lợi nhờ yếu tố mùa vụ và nguồn cung dồi dào. Sản lượng rau quả thu hoạch tăng lên khoảng 6%/năm, lượng cung rất lớn và ổn định. Trong khi đó, nhu cầu của thị trường thế giới tăng lên. Từ nay đến hết năm 2024, ngành rau quả Việt Nam vẫn có những điều kiện thuận lợi để phát triển.
Bên cạnh việc khai thác tốt thị trường truyền thống Trung Quốc, ngành hàng rau quả đang có cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường tiềm năng lớn như Hàn Quốc, Mỹ, Thái Lan, Nhật Bản....
Cuối tháng 7 vừa qua, sau 3 tháng lấy ý kiến rộng rãi của các bên liên quan, Cục Kiểm dịch Động thực vật Hàn Quốc (APQA) đã chính thức công bố trên website của APQA quy định nhập khẩu đối với quả bưởi tươi từ Việt Nam sang Hàn Quốc.
Bưởi là quả tươi thứ 3 của Việt Nam được phép nhập khẩu vào thị trường Hàn Quốc, cùng với các loại quả thanh long và xoài.
Tuy nhiên, để tăng trưởng xuất khẩu bền vững thì vấn đề an toàn chất lượng thực phẩm là điều mà các doanh nghiệp cần đặc biệt lưu ý trong thời gian tới.
Theo thông tin từ báo Tiền Phong, thống kê của Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về Vệ sinh Dịch tễ và Kiểm dịch Động thực vật Việt Nam (SPS Việt Nam) cho thấy, trong 6 tháng đầu năm, Việt Nam đã ghi nhận sự gia tăng bất thường về số lượng cảnh báo vi phạm an toàn thực phẩm từ thị trường EU, với tổng cộng 57 cảnh báo, tăng hơn 80% so với cùng kỳ năm ngoái.
Sự gia tăng này dẫn đến việc EU tăng cường tần suất kiểm tra biên giới đối với nông sản xuất khẩu từ Việt Nam. Hiện tại, 4 mặt hàng nông sản phải chịu sự kiểm soát nghiêm ngặt hơn, bao gồm thanh long (30%), ớt (50%), đậu bắp (50%) và sầu riêng (10%).
Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit), cho biết nếu tình trạng này vẫn tiếp diễn có thể làm giảm uy tín chung của nông sản Việt Nam tại thị trường EU, cũng như trên thế giới.
Đại diện Vinafruit cho rằng, hiện các chế tài xử phạt vi phạm về an toàn thực phẩm, an toàn sinh học của EU ngày càng nghiêm khắc. Hàng hóa bị phát hiện vi phạm các yêu cầu nhập khẩu bắt buộc của EU có nguy cơ bị buộc trả về hoặc tiêu hủy tại chỗ.
"Hiện nhiều sản phẩm rau quả của Việt Nam có nhiều tiềm năng để gia tăng thị phần tại EU như chanh leo, thanh long, sầu riêng, xoài, các mặt hàng gia vị… Các doanh nghiệp cần chú ý chặt chẽ hơn việc tuân thủ quy định an toàn thực phẩm của, nâng cao việc kiểm soát chất lượng sản phẩm, tránh bị cảnh báo ảnh hưởng chung đến toàn ngành", ông Nguyên cho hay.