|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Nga vỡ nợ liệu có gây ra thảm họa tới hệ thống tài chính toàn cầu?

10:30 | 16/03/2022
Chia sẻ
Nguy cơ Nga vỡ nợ trái phiếu chính phủ đang gần kề, nhưng đến nay nhà đầu tư không mấy lo sợ về khả năng xảy ra một cú sốc tới thị trường tài chính toàn cầu.
Nga vỡ nợ liệu có gây ra thảm họa tới hệ thống tài chính toàn cầu? - Ảnh 1.

(Hình minh họa: Financial Times, Bloomberg).

Nguy cơ vỡ nợ ngay hôm nay (16/3)

Dự kiến chính phủ Nga cần trả 117 triệu USD tiền lãi cho hai lô trái phiếu đồng USD vào hôm nay (ngày 16/3). Sau thời gian ân hạn 30 ngày mà Nga không thể trả tiền thì nước này sẽ bị coi là vỡ nợ kỹ thuật.

Hôm 14/3, Bộ Tài chính Nga cho biết họ đã chuẩn bị để thanh toán, nhưng có thể trả bằng đồng ruble nếu không thể tiếp cận USD. Song, Reuters lưu ý rằng hai lô trái phiếu trên không cho phép Nga trả nợ bằng đồng tiền nào ngoài USD.

Trước đó một ngày, bà Kristalina Georgieva, Giám đốc Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF), nói rằng các lệnh trừng phạt của phương Tây sẽ gây hậu quả nặng nề lên nền kinh tế Nga, làm giảm thu nhập thực và sức mua của người dân địa phương. Bà cảnh báo Nga vỡ nợ là sự kiện chắc chắc có thể xảy ra.

Trước khi Tổng thống Putin lệnh cho quân đội tiến vào Ukraine, Nga vẫn được coi là một trong những điểm đến tốt nhất để đầu tư trái phiếu chính phủ, nhờ hệ số nợ/GDP thấp và dự trữ ngoại hối lớn.

Bà Georgieva nhận định Nga vẫn còn đủ tiền để trả nợ, nhưng các lệnh trừng phạt sâu rộng mà phương Tây áp lên lên các tổ chức tài chính và ngân hàng trung ương Nga khiến nước này không thể tiếp cận chúng.

Các tổ chức quốc tế đã hạ bậc xếp hạng trái phiếu Nga. Tuần trước, Fitch Ratings phân loại trái phiếu chính phủ Nga thành trái phiếu rác và cảnh báo Nga đang "cận kề" với vỡ nợ. S&P Global và Moody's cũng có quyết định tương tự, Fortune đưa tin.

Tổn hại tới Nga đến đâu?

Hậu quả tiềm tàng lớn nhất đối với Nga từ việc vỡ nợ là bị đẩy ra ngoài thị trường vốn toàn cầu. Hoặc ít nhất, Nga có thể phải đối mặt với chi phí đi vay cao hơn trong thời gian dài, nhưng "dù sao thì các lệnh trừng phạt cũng đã làm vậy", ông William Jackson, kinh tế trưởng về thị trường mới nổi tại Capital Economics, chỉ ra.

Đối với nhà đầu tư nước ngoài, "nguy cơ vỡ nợ đã được phản ánh vào giá". Ông Jackson nói trái phiếu đồng USD của chính phủ Nga đang được giao dịch chỉ bằng 20% mệnh giá.  Theo vị chuyên gia, báo chí cũng cho thấy chủ nợ đã chấp nhận không thu hồi được toàn bộ khoản cho vay theo mệnh giá.

Nga vỡ nợ liệu có gây ra thảm họa tới hệ thống tài chính toàn cầu? - Ảnh 3.

Ngoài 20 tỷ USD trái phiếu chính phủ Nga phát hành bằng ngoại tệ, nhà đầu tư quốc tế còn nắm giữ khoảng 50 tỷ USD nợ chính phủ Nga bằng đồng ruble.

Ông Jackson so sánh: "Nếu chính phủ Nga không thanh toán đầy đủ cho nhà đầu tư nước, thì 70 tỷ USD cũng không lớn hơn số nợ mà Argentina mất khả năng thanh toán vào năm 2020. Và việc Argentina vỡ nợ đã không gây rung chấn trên thị trường toàn cầu".

Trong một lưu ý ngày 14/3, kinh tế trưởng William Jackson nhận định: "Nga vỡ nợ sẽ là sự kiện có ý nghĩa biểu tượng. Tuy nhiên, điều này khó có thể gây tác động lan tỏa lớn ở Nga hay bất kỳ nơi nào khác".

Tuy nhiên, khả năng Nga vỡ nợ gợi lại ký ức về một cú sốc trong quá khứ. Tháng 8/1998, Nga phá giá đồng ruble, vỡ nợ trong nước và tuyên bố tạm ngừng thanh toán cho chủ nợ nước ngoài. Cuộc khủng hoảng sau đó đã gây chấn động trên thị trường tài chính, dẫn đến sự sụp đổ của quỹ đầu cơ Long Term Capital Management.

Rủi ro đáng chú ý

Ông Jackson cảnh báo hai rủi ro từ việc Nga vỡ nợ. 

Thứ nhất, có khả năng rằng đằng sau con số thiệt hại tương đối nhỏ, một tổ chức quan trọng tới toàn bộ hệ thống lại đang gánh chịu rủi ro lớn từ trái phiếu chính phủ Nga. Thiệt hại của tổ chức này có thể khuếch đại lên hệ thống tài chính.

Thứ hai, vỡ nợ trái phiếu chính phủ có thể là màn dạo đầu cho làn sóng vỡ nợ của các công ty Nga. Nợ của doanh nghiệp Nga với nhà đầu tư quốc tế lớn hơn nhiều so với khoản nợ của chính phủ.

Ông Jackson cảnh báo: "Cho đến nay, doanh nghiệp Nga có vẻ vẫn tiếp tục thanh toán nợ dù phương Tây siết chặt các biện pháp trừng phạt. Tuy nhiên, trong bối cảnh hoạt động thương mại bị gián đoạn, nguy cơ phương Tây mở rộng lệnh trừng phạt và nền kinh tế rơi vào suy thoái sâu, khả năng doanh nghiệp vỡ nợ đang gia tăng".

Giang