Ông Putin tự tay phá hủy đế chế kinh tế ông khổ công gây dựng suốt 22 năm
Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại phiên họp của Diễn đàn Quốc tế Tuần lễ Năng lượng Nga tại Moscow vào tháng 10. Ảnh: Reuters
Ông Daniel Yergin, Phó chủ tịch S&P Global, đồng thời là chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực năng lượng, cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin đã từng lớn tiếng công kích ông tại một diễn đàn quốc tế khi ông hỏi về một chủ đề nhạy cảm: dầu đá phiến.
Đó là năm 2013 khi ông đặt câu hỏi về kế hoạch của Nga nhằm đa dạng hóa nền kinh tế để không bị phụ thuộc vào sản lượng dầu và khí xuất khẩu. Nhưng cụm từ "đá phiến" đã khiến nhà lãnh đạo Nga phản ứng vô cùng gay gắt.
Theo chia sẻ của ông Yergin trong cuộc phỏng vấn với Nikkei Asia mới đây, ông Putin biết rằng đá phiến cuối cùng sẽ cạnh tranh với khí đốt của Nga ở châu Âu. Ông cũng hiểu được vai trò của đá phiến trong việc nâng cao vị thế chiến lược toàn cầu của Mỹ.
Ông Putin đã nhìn ra cả hai vấn đề. Nhưng ông đã tính toán sai lầm về phản ứng của châu Âu đối với chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine, ông Yergin cho biết. Người dân châu Âu phản ứng mạnh mẽ bất chấp sự phụ thuộc của họ vào năng lượng của Nga. Hiện ông Putin đã phá hủy nền kinh tế do chính ông dựng nên, Yergin nói.
Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn Phó chủ tịch S&P Global Daniel Yergin:
Ông Daniel Yergin cho biết ông đã từng bị Tổng thống Vladimir Putin lớn tiếng công kích vì câu hỏi về khí đá phiến, một chủ đề nhạy cảm đối với nhà lãnh đạo Nga. (Ảnh: Ryosuke Hanafusa/Nikkei Asia)
Hỏi: Cuộc khủng hoảng Ukraine đã ảnh hưởng như thế nào đến thị trường năng lượng?
Ông Daniel Yergin: Sau những việc đã xảy ra, hoạt động kinh tế sẽ không thể diễn ra như bình thường được nữa. Ông Putin đã phá hủy mọi thứ ông gây dựng nên trong 22 năm qua cho nền kinh tế Nga. Hầu như không ai thực sự tưởng tượng ra được mức độ trừng phạt đối với cuộc xâm lược của Nga.
Đây là một tính toán sai lầm nghiêm trọng của ông Putin. Tổng thống Nga cho rằng sự phụ thuộc của châu Âu đối với Nga trong vấn đề năng lượng sẽ đủ để ngăn chặn châu Âu phản ứng mạnh mẽ như những gì họ thực tế đã làm.
Một trong những mục tiêu lớn của ông đó là chia rẽ và làm NATO tan vỡ. Kết quả lại hoàn toàn trái ngược.
Chúng ta đã thấy Đức quay ngoắt 180 độ. Bước đầu tiên trong các biện pháp trừng phạt là tạm dừng, hay về cơ bản là hủy bỏ dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 (Nord Stream 2).
Như vậy đường ống dẫn khí trị giá 11 tỷ USD này sẽ chỉ nằm im dưới biển Baltic. Đường ống này từng là một trong những mục tiêu lớn của ông Putin, và giờ đây trở thành một ví dụ điển hình nữa cho những tính toán sai lầm của ông ta.
Hỏi: Liệu Liên Xô có cẩn thận hơn trong việc sử dụng năng lượng trong thời kỳ Chiến Tranh Lạnh?
Ông Daniel Yergin: Thậm chí trong thời kỳ Chiến Tranh Lạnh, Liên Xô và Nga cũng luôn muốn gửi đi thông điệp rằng "nguồn cung năng lượng của chúng tôi không mang tính chính trị," và "chúng tôi là nhà cung cấp đáng tin cậy." Hệ quả lớn của những xung đột xảy ra ở Ukraine đó là châu Âu đang cực kỳ nỗ lực để giảm phụ thuộc vào khí đốt của Nga.
Có ba cách mà châu Âu sẽ thực hiện. Thứ nhất đó là bổ sung nguồn cung khí hóa hỏng (LNG). Thứ hai là nguồn cung khí nội bộ, vậy nên sẽ có những nỗ lực đặc biệt ở khu vực Biển Bắc nhằm đẩy mạnh sản lượng của châu Âu và Anh.
Và thứ ba, đây sẽ là động lực cực lớn thúc đẩy các nguồn năng lượng tái tạo.
Chúng tôi đang rất quan ngại về mùa đông tới tại châu Âu. Châu Âu sẽ bước vào mùa đông cùng nguồn dự trữ thấp, và cần phát triển thêm. Vậy nên trong ngắn hạn, đây là thách thức với châu Âu. Không ai biết được kết quả cuối cùng sẽ như thế nào.
Hỏi: Còn về dầu mỏ?
Ông Daniel Yergin: Nga xuất khẩu 7,5 triệu thùng dầu mỗi ngày – khoảng một nửa trong đó đến các nước NATO. Vài triệu thùng dầu hiện đang bị mắc kẹt. Các tàu chở dầu tại Biển Đen rời đi cùng dầu của Nga nhưng không được phép cập bến do các công ty không muốn mua dầu từ Nga.
Có thể thấy trước được ngành dầu mỏ của Nga sẽ bị gián đoạn, không thể nhận thư tín dụng (L/C). Ngân hàng không muốn rủi ro. Ngoài ra, trong vấn đề này còn hai nhân tố mới là danh tiếng và giá trị.
Không chỉ các công ty dầu mỏ. Các công ty khác cũng dần rút lui. Mọi thứ gắn kết Nga với nền kinh tế toàn cầu đang bị đảo ngược. Nga hiện nay đang bị ngắt kết nối với nền kinh tế thế giới.
Tôi lo sợ rằng chúng ta có thể rơi vào cuộc chiến dầu mỏ. Đó là lý do sự phối hợp giữa các chính phủ và nền công nghiệp lúc này đây vô cùng quan trọng.
Hỏi: Nếu cuộc chiến dầu mỏ xảy ra, nguồn dầu thay thế sẽ đến từ đâu? Liệu ai sẽ thay thế Nga?
Ông Daniel Yergin: Thứ nhất là từ các quốc gia vùng Vịnh. Vấn đề ngoại giao hiện đang được đẩy mạnh. Ta có thể có thêm 2 triệu thùng dầu mỗi ngày từ các quốc gia này.
Thứ hai, nếu thỏa thuận hạt nhân với Iran thành công, mà điều này có vẻ như gần đạt được rồi, thị trường sẽ có thêm một triệu thùng dầu mỗi ngày.
Thứ ba là nguồn dự trữ chiến lược vốn được dùng cho trường hợp nguồn cung bị gián đoạn.
Và thứ tư, sẽ có một sự tăng trưởng đáng kể trong năm nay đối với sản lượng của Mỹ. Mức sản lượng này sẽ tăng khoảng 900.000 đến một triệu thùng dầu mỗi ngày. Đây là con số vô cùng quan trọng.
Và chúng ta cũng sẽ có thêm dầu, dù khối lượng nhỏ hơn, từ các nước Canada, Brazil và Guyana.
Hỏi: Trong cuốn "The New Map: Energy, Climate, and the Clash of Nations" (tạm dịch: Bản đồ mới: Năng lượng, Khí hậu, và Cuộc cạnh tranh giữa các quốc gia) của mình, ông đã viết rất nhiều về Ukraine.
Ông Daniel Yergin: Kết thúc Chiến Tranh Lạnh, Nga, Ukraine, Châu Âu và khí đốt tự nhiên trở thành tâm điểm của tranh luận. Điều đó trở thành căng thẳng lớn nhất giữa Nga và phương Tây.
Ông Putin cho rằng phương Tây đang dần sụp đổ. Ông ta nghĩ Mỹ hiện đang vướng vào các vấn đề trong nước, còn châu Âu thì cũng phải xoay xở với các rắc rối nội bộ.
Các vấn đề xảy ra trong những cuộc khủng hoảng thế giới thường do những tính toán sai lầm và người ta không thực sự nhận thức được hậu quả. Ông Putin bị cô lập, và có thể đang trong tình trạng mà mọi người chỉ dám nói với ông ta những điều ông ta muốn nghe.
Ông ta không gặp nhiều người, rõ ràng chỉ có một nhóm người cùng nền tảng xuất thân từ KGB xung quanh ông ta. Dường như các cố vấn kinh tế của ông ta hoàn toàn bị đẩy ra ngoài.
Khi mọi người đến gặp Putin, ông ta ngồi đó tại chiếc bàn dài rất nực cười và lo ngại bị COVID. Người ta đồn đoán rằng liệu có phải ông mắc chứng bệnh suy giảm miễn dịch?
Ông ta đã vô cùng tức giận khi Liên Xô tan rã, nhưng ông Putin lại là người hưởng lợi lớn nhất từ sự sụp đổ của Liên Xô. Ông ta hẳn vẫn là một sĩ quan KGB chứ không phải trở thành tổng thống Nga với quyền lực và những nguồn lực như hiện có.
Hỏi: Tầm quan trọng của dầu đá phiến Mỹ trước tình hình khủng hoảng Ukraine thì thế nào?
Ông Daniel Yergin: Tôi đã từng bị Vladimir Putin lớn tiếng công kích trước mặt 3.000 người vì tôi hỏi về dầu đá phiến. Điều này đã tác động cực lớn đến tôi.
Tôi nhận ra có hai lý do. Một là ông ta biết dầu đá phiến đang cạnh tranh với khí đốt của Nga tại châu Âu, và ông ta đúng.
Thứ hai, ông ta nhận ra đây sẽ là một loại tài sản địa chính trị của Mỹ, mang lại cho Mỹ sự linh hoạt trong các vấn đề thế giới, nếu Mỹ phải nhập khẩu 60% lượng dầu của mình thì sẽ không thể hành động linh hoạt được.
Tôi luôn thấy rõ ràng rằng nếu vị thế năng lượng của Mỹ thay đổi, Mỹ sẽ có tầm ảnh hưởng địa chính trị cực kỳ lớn. Tưởng tượng xem nếu chúng ta không có một cuộc cách mạng dầu đá phiến và không có khí hóa lỏng LNG, rồi thì Mỹ không tự cung được dầu, thế giới này sẽ thành như thế nào!
Nhìn lại các cuộc khủng hoảng những năm 1970, có thể thấy đã xảy ra cuộc chiến điên loạn của các nước công nghiệp nhằm tìm kiếm nguồn cung dầu. Nhưng hiện nay, Mỹ không đi tranh giành năng lượng với Nhật hay Tây Âu.
Hỏi: Các chính sách môi trường của chính phủ Mỹ có mâu thuẫn với nhu cầu thúc đẩy sản lượng dầu đá phiến không?
Ông Daniel Yergin: Chính quyền Biden không quan tâm nhiều – hay thực ra là không hề quan tâm – tới ngành công nghiệp dầu mỏ cho tới tận tháng 11 vừa rồi. Và sau đó vào cuối năm, Bộ trưởng Năng lượng mới thực sự khuyến khích tăng sản lượng hơn nữa. Nhưng vấn đề trọng tâm lớn vẫn là khí hậu. Hiện nay việc công nhận dầu khí thực sự quan trọng cả về mặt chiến lược và chính trị đã rõ ràng.
Có nhiều chính sách trái ngược nhau, và nếu anh là chủ doanh nghiệp có ý định đầu tư, ít ra anh cần phải nhạy bén và biết được mọi chuyện rồi sẽ đi về đâu.