Tổng thống Putin vô tình làm cho EU, NATO thêm hùng mạnh
Trong một bài viết trên tờ New York Times đầu tháng 3 này, Đô đốc hải quân Mỹ James Stavridis, cựu Tổng tư lệnh NATO tại Châu Âu nói: "Thể chế toàn cầu được xây dựng vào những năm 1950. Bạn thử nhìn những chiếc xe từ thời đó mà xem, chúng đều đã hỏng hóc, lỗi thời và cần sửa chữa. Thế nhưng, chiếc xe vẫn chạy trên đường, và trớ trêu thay, Tổng thống Vladimir Putin lại chính là nguồn sinh lực lớn nhất cho chiếc xe cũ nát đó".
Kể từ khi thành lập, Liên minh châu Âu (EU) đã được mở rộng 7 lần. Đa số những lần mở rộng của EU đều mạng đến những thành công cho toàn Liên minh nói chung và các nước thành viên nói riêng. Tuy nhiên, những đợt kết nạp thành viên mới gần đây mang lại nhiều sự hoài nghi về tính hiệu quả.
Các nước mới được kết nạp, đa số đều từng thuộc Liên Xô cũ, có nền kinh tế, văn hóa và chính trị không thực sự tương thích với phần con lại của Liên minh Châu Âu. Từ đó, những mâu thuẫn nảy sinh trong nội bộ EU. Anh đã rời đi sau quá trình Brexit. Hiệp ước Quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng đang có những dấu hiệu rạn nứt
Đúng lúc đó, cuộc chiến tại Ukraine như chất keo hàn gắn mối quan hệ của các nước Phương Tây.
Với mục đích ban đầu là ngăn cản Ukraine ngả theo Phương Tây, Tổng thống Putin vô tình khiến nhiều nước Châu Âu có mong muốn mạnh mẽ gia nhập cộng đồng chung EU, NATO.
Những sự bất đồng
Liên minh Châu Âu là tập hợp của 28 quốc gia, mỗi nước có một nền văn hóa, ngôn ngữ, kinh tế và mục tiêu khác nhau. Những sự khác biệt này đã gây ra nhiều tranh chấp của EU trong suốt quá trình hình thành và phát triển.
Chỉ mới vài năm trước, vấn đề người tị nạn là chủ đề tranh cãi nảy lửa trong mỗi lần thảo luận của Liên minh châu Âu. Các nước như Áo, Ba Lan, Hungary, Slovakia, Séc từng là tâm điểm của sự chỉ trích vì từ chối đề nghị tiếp nhận người tị nạn Syria năm 2015.
Mỗi nước đều có những lý do riêng, đôi khi là những quyết định mang tính chính trị trong trường hợp của Áo, đôi khi là vấn đề về tôn giáo, dân tộc như các nước Đông Âu.
Ngoài ra, không phải ai tham gia vào Liên minh kinh tế lớn nhất hành tinh cũng được lợi như nhau. Các nước giàu như Đức, Anh (trước đây) đóng góp một phần quan trọng trong ngân sách của EU, lên tới hàng chục tỷ EUR mỗi năm.
Các nước nghèo nhất Liên minh này được hưởng lợi ích rất lớn từ các khoản tiền trợ cấp, có thể tới hàng chục tỷ EUR như trong trường hợp của Ba Lan.
Nhưng có lẽ, sự kiện đánh dấu một Liên minh châu Âu chia rẽ nhất là vào năm 2016, khi cuộc trưng cầu dân ý về việc Anh rút khỏi EU diễn ra với kết quả ủng hộ rời đi chiếm đa số. Đến 31/1/2020, sau hơn 47 năm là một phần của Liên minh kinh tế lớn mạnh nhất thế giới, Anh chính thức rời EU.
Việc Anh quyết định rời EU là một cú sốc lớn, nhưng không phải một quyết định bồng bột. Từ lâu, các chính trị gia London đã lên tiếng chỉ trích EU gần như trở thành cơ chế siêu nhà nước hoạt động xoay quanh trục là Đức. Nước Anh khi tham gia vào EU dường như thiệt hại nhiều hơn mất đi, và việc phân bổ làn sóng người di cư tới các quốc gia như giọt nước tràn ly, khiến cho cuộc trưng cầu dân ý diễn ra.
Châu Âu yếu đuối
Đa phần xã hội của Đức - người đứng đầu Liên minh châu Âu, kể từ sau Thế chiến II được xây dựng dựa trên nền tảng “mặc cảm tội lỗi”. Nhà nhân văn học Ruth Benedict trong cuốn sách xuất bản năm 1946 đã đưa ra khái niệm về 3 loại hình xã hội: tội lỗi, xấu hổ và sợ hãi.
Trong đó, phổ biến nhất là xã hội dựa trên “mặc cảm tội lỗi” đại diện cho đa số các quốc gia Phương Tây và xã hội dựa trên “sự xấu hổ” đại điện bởi đa phần Châu Á, Châu Phi và Nam Mỹ.
Khi con người trong xã hội dựa trên “tội lỗi” đưa ra quyết định, họ thường đặt câu hỏi: “Hành vi này của tôi có tốt không?” trong khi tại xã hội xấu hổ, câu hỏi sẽ là “Tôi trông có xấu hổ nếu làm việc này không?”.
Và có lẽ, không ở đâu mà “mặc cảm tội lỗi” lại chiếm vị trí quyết định trong hành vi xã hội như tại Đức hay rộng hơn là cả Châu Âu. Cả hai cuộc thế chiến đều diễn ra ở châu Âu, đều có sự tham gia đóng vai trò chủ chốt của Đức và đều mang lại hậu quả khủng khiếp.
Bởi vậy, Châu Âu ngày càng trở nên hòa bình, thậm chí đôi khi còn gọi là yếu đuối. Suốt hàng chục năm, chiến tranh gần như vắng bóng ở Tây Âu.
Kết thúc chiến tranh lạnh, liên minh quân sự NATO có sự góp mặt của đa số các quốc gia Châu Âu dường như mất đi mục đích hoạt động.
Cựu tổng thống Mỹ Donald Trump không ít lần chế nhạo và đe dọa rút Mỹ khỏi NATO. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron từng than vãn rằng NATO đã "chết não". Liên minh châu Âu thì liên tục thúc ép NATO cần đạt được "tự chủ chiến lược", giảm phụ thuộc vào Washington.
Quan hệ của Châu Âu với thành viên quan trọng nhất của NATO là Mỹ cũng không mấy tốt đẹp, khi mà vừa tháng 9 năm ngoái, Paris và Washington đã nảy ra những mâu thuẫn liên quan đến thỏa thuận AUKUS.
Và rồi, cuộc chiến tại Ukraine đã thay đổi tất cả.
Đoàn kết và mạnh mẽ
Lần đầu tiên trong lịch sử, các nước Châu Âu trở nên đoàn kết đặc biệt trước mối đe dọa từ Nga. Tổng thống Putin bất đắc dĩ trở thành người hàn gắn Châu Âu.
Tất cả quốc gia trong EU, kể cả các nước từng không chấp nhận người tị nạn năm 2015, nay đều giang rộng cánh tay đón người dân Ukraine.
Ba Lan, dù là một trong những nền kinh tế kém phát triển nhất trong Liên minh Châu Âu vẫn sẵn sàng đón tiếp lên tới 1,8 triệu người tị nạn. Anh từng vì vấn đề tiếp nhận người Syria mà đưa ra quyết định rời EU, giờ đây cũng mở rộng cửa với người Ukraine.
Sự đồng lòng của Châu Âu còn thể hiện ở những lệnh trừng phạt chống lại Nga. Các nước thống nhất phong tỏa tài sản của nhà nước và giới tài phiệt Nga, cấm giao thương nhiều mặt hàng với Nga, cấm đầu tư mới vào lĩnh vực năng lượng của Nga, ...
Sau khi Ukraine nộp đơn xin gia nhập EU và được sự động viên, khích lệ từ nhiều quốc gia, hai nước khác là Georgia, Moldova cũng tiếp bước. Thủ tướng Slovenia Janez Jansa nói: “Nhiều người cho rằng Ukraine đang chiến đấu vì mạng sống và (xứng đáng) nhận được một thông điệp chính trị mạnh mẽ ... trong khi những người khác thì vẫn đang tranh luận về các thủ tục".
Điều bất ngờ hơn nữa là các nước Bắc Âu vốn trung lập như Thụy Điển và Phần Lan đều tỏ mong muốn gia nhập NATO mặc cho Nga đã đưa ra cảnh báo về "những hậu quả về quân sự và chính trị nghiêm trọng".
Đức và Thụy Điển đưa vũ khí sát thương tới cho Ukraine, phá vỡ lập trường trung lập, không chuyển vũ khí tới vùng chiến sự đặt ra trước kia. Thụy Sỹ cũng phá bỏ thế trung lập, áp lệnh trừng phạt lên giới tài phiệt Nga.
Lần đầu tiên trong hàng chục năm, Đức quyết tâm đạt mức chi tiêu quốc phòng 2% GDP theo yêu cầu của NATO. Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã công bố kế hoạch tăng cường sức mạnh quân đội Đức với cam kết chi 100 tỷ EUR (112,7 tỷ USD).
Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhiều tướng lĩnh NATO thuyết phục Đức nhiều năm trời nhưng không có tác dụng, ông Putin chỉ cần động binh hai tuần là tình hình đã thay đổi hoàn toàn.