Những toan tính của Australia khi quay lưng với tàu ngầm của Pháp để chào đón Mỹ, Anh
Hôm 16/9, nguyên thủ ba nước Australia, Mỹ và Anh cùng nhau công bố một thỏa thuận hợp tác quân sự. Theo đó, Mỹ và Anh sẽ chia sẻ công nghệ để giúp Australia xây dựng một hạm đội tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.
Ngay sau đó, Australia tuyên bố hủy bỏ bản hợp đồng trị giá 65 tỷ USD để đóng 12 tàu ngầm chạy bằng diesel đã ký với tập đoàn Naval Group của Pháp.
Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian đã gọi hành động của Australia là "một nhát đâm sau lưng", đồng thời dùng những lời lẽ thậm tệ để chỉ trích và bày tỏ sự thất vọng về Mỹ.
Tuy nhiên, lẽ ra Pháp phải đoán được trước nước đi này.
Từ tháng 6, chính quyền Canberra đã ra tín hiệu cho thấy Australia đang muốn rút khỏi bản hợp đồng với Pháp.
Khi được hỏi về các vấn đề liên quan tới dự án xây dựng tàu ngầm với Pháp, Bộ trưởng Quốc phòng Australia phát biểu trước Thượng viện nước này: "Rõ ràng là trong 12-15 tháng vừa qua chúng ta đã gặp phải nhiều thách thức".
Ông cũng cho biết chính phủ Australia đã xem xét nhiều lựa chọn, bao gồm việc phải làm gì nếu "không thể tiếp tục theo đuổi" thỏa thuận với Pháp.
Trước đó vào tháng 4, chính phủ Australia đã từ chối ký hợp đồng giai đoạn tiếp theo của dự án phát triển tàu ngầm, đồng thời cho Naval Group hạn chót đến tháng 9 này để tuân thủ các yêu cầu của Canberra.
Thậm chí từ đầu năm nay đã có một số thông tin về việc Canberra tìm cách rút lui.
Theo tờ Politico, có nhiều lý do khiến Australia muốn chấm dứt việc hợp tác phát triển tàu ngầm với Pháp.
An ninh mạng
Tháng 4/2016, Australia chọn thiết kế tàu ngầm Shortfin Barracuda của nhà thầu Pháp là Naval Group thay vì các ứng viên đến từ Đức và Nhật Bản.
Gần như ngay lập tức, vấn đề đã xuất hiện. Vào tháng 8, trước khi hai bên đặt bút ký nhưng sau khi thương vụ đã được thông báo, Naval Group thừa nhận việc hệ thống máy tính của mình đã bị hack và 22.000 trang tài liệu liên quan đến loại tàu ngầm Scorpene mà công ty này đang xây dựng cho Ấn Độ đã bị rò rỉ.
Sự việc làm dấy lên lo ngại mức độ bảo mật của dự án với Australia. Bộ Quốc phòng Australia đã yêu cầu Naval Group đảm bảo sự an toàn cao nhất cho dự án.
Các chính trị gia của Đảng Tự do cầm quyền khi đó tìm cách hạ thấp mức độ ảnh hưởng của vụ hack đối với loại tàu Shortfin Barracuda mà Australia chuẩn bị phát triển. Tuy nhiên phe đối lập đã nhanh chóng phản bác và yêu cầu dừng mọi thỏa thuận với tập đoàn Pháp.
Đội vốn
Bất chấp vụ rò rỉ thông tin tại Ấn Độ, cùng năm 2016 Australia đã đặt bút ký thỏa thuận quốc phòng lớn nhất trong lịch sử nước này nhằm mua 12 chiếc tàu ngầm Shortfin Barracuda Block 1A.
Một số nguồn tin cho biết Canberra ưa thích thiết kế của Pháp vì loại tàu ngầm Barracuda có thể chuyển từ sử dụng diesel sang dùng năng lượng hạt nhân. Lúc đó, sự cố nhà máy điện Fukushima của Nhật Bản mới chỉ xảy ra 5 năm trước nên việc phát triển tàu ngầm hạt nhân không được ủng hộ.
Tuy nhiên, chính phủ Australia cho rằng dần dần theo thời gian, quan điểm của công chúng về hạt nhân sẽ đổi chiều.
Khi mới ký vào năm 2016, hợp đồng có giá trị 50 tỷ đô la Australia. Tuy nhiên đến nay, con số này đã tăng gần gấp đôi lên thành 90 tỷ đô la Australia, tương đương khoảng 65 tỷ USD.
Đó là còn chưa kể đến chi phí bảo dưỡng trong quá trình hoạt động. Tháng 11/2019, Bộ Quốc phòng Australia thông báo với quốc hội rằng việc bảo trì hạm đội tàu ngầm Pháp sẽ tiêu tốn thêm khoảng 105 tỷ USD trong suốt vòng đời.
Nhưng vấn đề vẫn chưa hết. Australia cần gấp các tàu ngầm mới để thay thế 6 chiếc lớp Collins đã cũ và dự kiến sẽ nghỉ hưu vào năm 2026. Nếu không có tàu ngầm, Australia sẽ rất yếu thế trong bối cảnh căng thẳng với Trung Quốc đang gia tăng.
Tuy nhiên, chiếc Barracuda đầu tiên phải tới năm 2035 mới có thể được bàn giao, thậm chí muộn hơn. Quá trình sản xuất sẽ kéo dài cho tới những năm 2050.
Để lấp khoảng trống giữa hai đội tàu ngầm, đầu năm nay Australia đã thông báo kế hoạch đại tu 6 chiếc thuộc lớp Collins hiện có, ước tính tiêu tốn hàng tỷ USD.
Chậm tiến độ
Dự án tàu ngầm với Pháp liên tục bị chậm so với dự kiến, Bộ Quốc phòng Australia và Naval Group đã phải hoãn nhiều hạn chót quan trọng trong hợp đồng.
Năm 2018, chính phủ Australia đã rất giận dữ về việc phải hoãn ký kết một thỏa thuận hợp tác chiến lược quan trọng vì những tranh chấp về bảo hành và chuyển giao công nghệ.
Tình hình căng thẳng đến mức Bộ trưởng Quốc phòng Australia lúc đó là Christopher Pyne đã từ chối gặp mặt người đồng cấp của Pháp Florence Parly và các lãnh đạo của Naval Group khi họ đến thăm Australia. Cuối cùng, thỏa thuận chiến lược được ký kết vào tháng 2/2019.
Lời hứa tạo việc làm
Theo Politico, điểm nhức nhối nhất trong thỏa thuận đổ vỡ giữa Australia và Pháp là mức độ tham gia của ngành công nghiệp nước chủ nhà.
Khi thông báo hợp tác vào năm 2016, Thủ tướng Australia lúc đó là ông Malcolm Turnbull đã nhấn mạnh rằng các tàu ngầm Barracuda sẽ được sản xuất ở Australia, sử dụng 90% nguyên liệu trong nước và duy trì khoảng 2.800 việc làm thường xuyên. Lời hứa này đã giúp cải thiện sự ủng hộ của cử tri dành cho chính phủ của ông trong cuộc bầu cử diễn ra sau đó vài tuần.
Hoạt động sản xuất diễn ra ở thành phố cảng Adelaide – quê hương của Bộ trưởng Quốc phòng Christopher Pyne, và một thời là thủ phủ của ngành công nghiệp xe hơi Australia. Nhiều người cho rằng chính Đảng Tự do cầm quyền đã giết chết ngành sản xuất ô tô nên việc chọn Adelaide làm nơi chế tạo tàu ngầm là một hành động để lấy lòng thông qua bù đắp thiệt hại, không phải là lựa chọn ngẫu nhiên.
Tuy nhiên, lời hứa về việc tạo hàng nghìn việc làm cho người bản địa cũng như làm lợi cho ngành công nghiệp trong nước đã nhanh chóng tan biến.
Ban đầu, Naval Group hứa hẹn dùng 90% nguyên liệu tại Australia nhưng đến 2020, con số được điều chỉnh còn 60%. Đến năm 2021, tập đoàn Pháp này thậm chí còn muốn hạ thấp hơn nữa vì cho rằng ngành công nghiệp Australia không đủ tiêu chuẩn.
Tại sao lại chia tay vào lúc này?
Rõ ràng thỏa thuận giữa Australia và Pháp đã gặp trắc trở trong nhiều năm qua, vậy tại sao chính quyền Canberra lại quyết định chấm dứt vào thời điểm này?
Nói một cách đơn giản là Australia cần có một phương án thay thế khả thi, hoặc như một quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng phát biểu trước Quốc hội Australia hồi tháng 6 năm nay: "Tôi không gọi là phương án B, tôi gọi là lên kế hoạch dự phòng một cách thận trọng".
Thỏa thuận AUKUS giữa Australia, Anh và Mỹ sẽ tạo điều kiện để các bên chia sẻ thông tin và công nghệ, giúp Australia có chiếc tàu ngầm hạt nhân đầu tiên. Ngày 16/9, Thủ tướng Scott Morrison cho biết những chiếc tàu ngầm mới vẫn sẽ được sản xuất ở Adelaide "thông qua hợp tác chặt chẽ với Mỹ và Anh".
Nếu mọi chuyện diễn ra suôn sẻ thì Australia sẽ trở thành quốc gia thứ 7 có tàu ngầm hạt nhân. Từ trước tới nay Mỹ mới chỉ chia sẻ công nghệ tàu ngầm hạt nhân cho duy nhất một nước là Anh, nhiều khả năng Australia sẽ trở thành quốc gia thứ 2. Ngay cả các đồng minh thân thiết khác như Nhật Bản hay Pháp cũng không chưa từng được Mỹ giúp sức.
Pháp chắc hẳn rất bực dọc với Australia nhưng đồng thời cũng vô cùng tức giận vì vai trò của Mỹ trong lần "đánh úp" này.
Ngoại trưởng Pháp Le Drian nói: "Kiểu hành xử đơn phương và khó đoán này trông rất giống ông Trump. Các đồng minh không đời nào lại đâm sau lưng nhau như vậy".
Chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo?
Thượng nghị sĩ Rex Patrick (Australia), một người chỉ trích mạnh mẽ dự án với Pháp, phát biểu với hãng tin địa phương rằng đất nước Châu Đại Dương đã chi khoảng 1,5 tỷ USD vào việc sản xuất tàu ngầm Barracuda chạy diesel.
"Australia sẽ mất một khoản phí khi rút lui", ông Patrick trả lời hãng tin ABC hôm 16/9. "Nhưng theo tôi, phí tổn của việc rời bỏ thỏa thuận với Pháp sẽ thấp hơn rất nhiều so với khi tiếp tục".
Ngoại trưởng Pháp Le Drian cho biết Paris sẽ không dễ dàng cho qua. "Chuyện này chưa kết thúc đâu", ông Le Drian nói. "Chúng ta có hợp đồng. Phía Australia sẽ phải giải thích xem họ định rút lui kiểu gì. Chúng ta cần một lời giải thích. Chúng ta có một thỏa thuận liên chính phủ được ký kết rầm rộ từ năm 2019 với các cam kết cụ thể và nhiều điều khoản. Làm sao mà Australia thoát ra được?"
Năm 2017, Australia tiết lộ một trong các hợp đồng với Naval Group trong đó có điều khoản cho phép một trong hai bên được đơn phương chấm dứt hợp đồng nếu khả năng thực thi của một bên "bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi các sự kiện, hoàn cảnh hoặc vấn đề cực kỳ bất thường".
Việc dự án bị chậm tiến độ, đội vốn và không thực hiện lời hứa về tỷ lệ nội địa hóa có được coi là "sự kiện cực kỳ bất thường" hay không là vấn đề mà chỉ tòa án mới quyết định được.
Trước mắt quan hệ ngoại giao giữa các bên đã xấu đi trông thấy. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã triệu hồi đại sứ từ cả Canberra và Washington về nước, việc chưa từng có tiền lệ trước đây.
Trước khi rời Canberra, Đại sứ Jean-Pierre Thebault đã gọi hành động của chính phủ Australia là "vụng về" và ông cảm thấy "rất, rất buồn" về những chuyện xảy ra.
"Nếu có thể thì tôi muốn bước vào một cỗ máy thời gian và thay đổi mọi chuyện để chúng ta không phải đối mặt với tình huống cực kỳ vụng về và không giống với phong cách Australia như thế này", hãng tin ABC dẫn lời ông Thebault.
Trung Quốc cũng không vui vẻ gì với việc Australia muốn sắm tàu ngầm hạt nhân. Tuy tuyên bố chung của Australia, Anh và Mỹ không nhắc trực tiếp đến Trung Quốc nhưng Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên tuyên bố rằng ba quốc gia nói trên "đang đe dọa nghiêm trọng hòa bình và ổn định trong khu vực, làm căng thẳng thêm cuộc chạy đua vũ trang và hủy hoại các nỗ lực chống phổ biến vũ khí hạt nhân quốc tế".