Nguồn cơn thương vụ 65 tỷ USD đổ bể khiến Pháp nổi đóa, triệu hồi đại sứ ở Mỹ và Australia
Pháp là một cường quốc quân sự và là nhà cung cấp vũ khí lớn thứ 3 thế giới, chỉ sau Mỹ, Nga và đứng trên Đức, Trung Quốc, Anh, ... Trong giai đoạn 2016-2020, Pháp chiếm 8,2% thị phần xuất khẩu quốc phòng, tăng 2,6 điểm % so với giai đoạn 5 năm trước đó.
Trong khi đó, Australia cũng liên tục lọt top 5 nhà nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới. Năm 2016, hai quốc gia này tìm đến với nhau để thực hiện một thương vụ khủng.
Theo CNN, Australia đã đồng ý mua 12 tàu ngầm tấn công chạy bằng diesel từ công ty đóng tàu Naval Group của Pháp. Để có được thương vụ này, đại diện của nước Pháp đã phải thắng thầu trước các đối thủ đến từ Đức và Nhật Bản.
Ngày 16/9 vừa qua, Australia cùng với Mỹ và Anh đã ký kết thỏa thuận hợp tác ba bên gọi tắt là AUKUS. Thỏa thuận được công bố đồng thời bởi Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Anh Boris Johnson và Thủ tướng Australia Scott Morrison thông qua video trực tuyến.
Ông Morrison cho biết ba nước sẽ hợp tác với nhau trong khoảng 18 tháng tới để lập kế hoạch phát triển một đội tàu ngầm chạy bằng nhiên liệu hạt nhân cho Australia, quá trình chế tạo sẽ được thực hiện ở thành phố cảng Adelaide. Nếu tất cả diễn ra suôn sẻ, Australia sẽ trở thành quốc gia thứ 7 trên thế giới sở hữu tàu ngầm hạt nhân.
Động cơ diesel chỉ có thể chạy ở trên mặt nước do cần phải nhả khói ra không khí. Khi lặn dưới biển, các tàu ngầm diesel phải sử dụng pin để chạy động cơ điện. Khi hết pin, tàu ngầm buộc phải nổi lên, chạy động cơ diesel vừa để di chuyển, vừa để sạc pin chuẩn bị cho lần lặn tiếp theo. Tầm hoạt động của tàu phụ thuộc vào lượng nhiên liệu diesel mang theo.
Ngược lại, tàu ngầm chạy bằng nhiên liệu hạt nhân không nhả ra khói nên động cơ hoạt động bình thường bất kể là tàu đang nổi trên mặt nước hay lặn dưới đáy biển. Tầm hoạt động của tàu ngầm hạt nhân xa hơn rất nhiều so với tàu diesel và phụ thuộc vào lượng lương thực cũng như khả năng chịu đựng của phi hành đoàn, còn nhiên liệu thì đủ cho tàu chạy hàng chục năm liên tục.
Tại sao Pháp nổi điên?
Ngay sau khi thỏa thuận với Mỹ và Anh được công bố, Australia đã tuyên bố rút khỏi hợp đồng mua tàu ngầm trị giá ước tính 65 tỷ USD với Pháp, vì vậy Paris tức giận là điều dễ hiểu.
Tổng thống Emmanuel Macron thậm chí đã triệu hồi đại sứ Pháp tại Washington và Canberra về nước để "tham vấn", điều chưa từng có tiền lệ trong lịch sử hiện đại. Trong cuộc chiến tranh Iraq năm 2003, quan hệ giữa Tổng thống Pháp khi đó là Jacques Chirac và Tổng thống Mỹ George W. Bush cũng rất căng thẳng nhưng Pháp không triệu hồi đại sứ.
Theo Bloomberg, Mỹ và Australia cho biết họ hiểu sự bất mãn của Pháp nhưng chưa thể hiện dấu hiệu nào cho thấy sẽ xem xét lại thỏa thuận tàu ngầm hạt nhân.
Theo CNN, việc để mất hợp đồng xuất khẩu vũ khí lớn này sẽ gây ra những thiệt hại đáng kể đối với ngành công nghiệp quốc phòng của Pháp. Ngoài ra, Pháp cũng sẽ đánh mất vị thế chiến lược tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nơi mà Pháp có nhiều lợi ích quan trọng.
Ngoài ra, Pháp còn nổi điên vì cho rằng mình bị Australia, Mỹ và Anh "đánh úp", bất ngờ hủy hợp đồng mà không thông báo trước. Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian nói: "Các đồng minh không đời nào lại đâm sau lưng nhau như vậy", đồng thời cho biết ông cảm thấy rất "tức giận và cay đắng" về việc Australia bỏ Pháp để ký thỏa thuận tàu ngầm mới.
Ông Le Drian cũng dùng những lời lẽ nặng nề khi nói về Mỹ và chính quyền Biden: "Hành động đơn phương và cục súc kiểu này có vẻ rất giống với những gì mà ông Trump đang làm".
Ngoại trưởng Le Drian còn ra một tuyên bố chung với Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly, trong đó có đoạn: "Mỹ đã loại một đồng minh châu Âu quan trọng như Pháp khỏi thỏa thuận liên minh với Australia, trong lúc chúng ta đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng chưa từng thấy ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Hành động này cho thấy sự thiếu nhất quán mà Pháp sẽ ghi nhớ và lấy làm tiếc".
Ông Le Drian cho biết việc Australia quyết định rút lui khỏi hợp đồng với Pháp "đi ngược lại câu chữ cũng như tinh thần của văn bản hợp tác giữa hai nước". Tuy nhiên, Australia khẳng định hợp đồng có điều khoản cho phép đất nước châu Đại Dương rút lui.
Bất đồng xoay quanh thỏa thuận hạt nhân với Australia nổ ra khi các cường quốc phương Tây đang tranh giành quyền lực ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, chủ yếu là với mối đe dọa từ Trung Quốc. Vụ việc còn xuất hiện ngay sau cuộc rút quân hỗn loạn của Mỹ khỏi Afghanistan, khiến nhiều đồng minh NATO lên tiếng chỉ trích.
Mỹ và Australia cố gắng xoa dịu
Phía Mỹ và Australia tuyên bố rằng chính phủ Pháp không hề bị qua mặt về việc thay đổi thỏa thuận mua vũ khí và khẳng định rằng quan chức Pháp đã được thông báo từ trước.
Thủ tướng Australia Scott Morrison nói hôm 17/9: "Thông tin đã được truyền tải trực tiếp tới Tổng thống, Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Quốc phòng Pháp".
Ông Morrison khẳng định rằng khi ông gặp Tổng thống Pháp Macron vào cuối tháng 6, "Chúng tôi đã ăn tối cùng nhau rất lâu ở Paris, tôi đã nói rất rõ ràng với ông Macron về những lo ngại nghiêm trọng liên quan tới năng lực của tàu ngầm diesel trong việc ứng phó với môi trường chiến lược mà chúng ta phải đối mặt. Và tôi cũng nói rõ rằng trong vấn đề này, Australia sẽ quyết định dựa trên lợi ích của quốc gia mình".
Ông Peter Dutton, Bộ trưởng Quốc phòng Australia hôm 16/9 cho biết việc lựa chọn tàu ngầm hạt nhân của Mỹ thay vì tàu ngầm thông thường của Pháp "là quyết định được đưa ra vì lợi ích an ninh quốc gia của Australia" và "phiên bản tàu ngầm của Pháp không có ưu thế so với tàu của Mỹ và Anh".
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng muốn làm dịu đi sự chia rẽ giữa Mỹ và Pháp. "Tôi muốn nhấn mạnh rằng không có sự rạn nứt nào trong lợi ích của các đối tác của Mỹ bên bờ Đại Tây Dương cũng như khu vực Thái Bình Dương".
Ông Biden khẳng định nước Mỹ hoan nghênh "các quốc gia châu Âu đóng vai trò quan trọng ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương" và "Pháp là một đồng minh quan trọng trong vấn đề hiện nay và rất nhiều vấn đề khác trong hàng chục năm qua. Nước Mỹ muốn tìm kiếm mọi cơ hội để làm sâu sắc thêm mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cũng như trên toàn thế giới".