|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Australia sẽ tiếp bước Anh và Nhật Bản rơi vào suy thoái kỹ thuật?

06:43 | 21/02/2024
Chia sẻ
Theo trang tin SBS News (Australia), Nhật Bản không còn là nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, trong khi Anh đang phải trải qua quãng thời gian dài nhất không có mức tăng trưởng kinh tế kỷ lục.

Trụ sở Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) ở London, Anh. Ảnh: THX/TTXVN

Theo số liệu công bố trong tuần vừa qua, cả Anh và Nhật Bản đều rơi vào suy thoái kỹ thuật trong nửa cuối năm 2023, sau khi tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của hai nước lần lượt giảm 0,3 và 0,4% trong quý IV/2023. Sự thu hẹp này tiếp nối đợt sụt giảm tăng trưởng đã được ghi nhận trong quý III/2023. Theo định nghĩa kinh tế, việc hai quý liên tiếp tăng trưởng âm tức là quốc gia đó đã rơi vào suy thoái kỹ thuật.

Suy thoái tại Anh và Nhật có ảnh hưởng tới Australia?

Suy thoái kinh tế thường là sự suy giảm kéo dài trong hoạt động kinh tế - được đo bằng GDP - nơi sản lượng hàng hóa và dịch vụ của một quốc gia giảm. Điều này thường biểu hiện dưới dạng ít việc làm hơn, thu nhập trung bình thấp hơn và mức sống nói chung giảm sút.

Tiến sỹ Luke Hartigan, giảng viên kinh tế tại Trường Khoa học Xã hội của Đại học Sydney và là cựu chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Dự trữ Australia (RBA, tức ngân hàng trung ương), nói với SBS News rằng suy thoái kinh tế tại Anh và Nhật Bản đều không có khả năng tác động đáng kể đến nền kinh tế Australia.

Như ông giải thích, cả hai nước này từ lâu đã phải đối mặt với những “cơn gió ngược” kinh tế đang diễn ra: trong trường hợp của Anh là kết quả của cuộc trưng cầu ý dân về Brexit (Anh rời Liên minh châu Âu) và trong trường hợp của Nhật Bản là kết quả của hiện tượng dân số già đi và thu hẹp lại, dẫn đến sự suy giảm trong hoạt động và sản lượng trong nước.

Cờ Anh và cờ của EU. (Ảnh: AFP/TTXVN).

Tiến sỹ Hartigan nêu rõ: “Vấn đề với Nhật Bản là nhân khẩu học không có lợi cho họ. Dân số đang giảm vì họ không có đủ trẻ em và họ không có bất kỳ chính sách nhập cư nào… Do đó, số lượng người tiêu dùng giảm sút”.             

Nhật Bản đang phải vật lộn để giải quyết tỷ lệ sinh thấp và đảo ngược xu hướng giảm dân số - vốn được coi là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến suy thoái kinh tế. Australia không gặp phải vấn đề đó và theo chuyên gia Shane Oliver - nhà kinh tế trưởng và là người phụ trách chiến lược đầu tư tại Công ty AMP - điều này có thể đã “cứu” quốc gia châu Đại Dương này khỏi số phận tương tự.              

Ông Oliver nói với SBS News: “Chúng ta có tốc độ tăng trưởng dân số ở mức gần 2,5%. Nếu không có điều đó, có lẽ chúng ta cũng đã rơi vào suy thoái kỹ thuật”. Hơn nữa, ông Oliver cũng cho biết không hoàn toàn ngạc nhiên khi Anh và Nhật Bản rơi vào tình huống này, do các đợt tăng lãi suất lớn đang diễn ra trên khắp thế giới. 

Nhà kinh tế trưởng của AMP nhận định điều đó khó có thể có bất kỳ tác động đáng kể nào đối với Australia. Ông nói: “Dù sao thì kinh tế Anh và Nhật Bản vốn đã rất yếu rồi”, đồng thời trích dẫn tác động của cuộc khủng hoảng năng lượng năm 2022, sau cuộc xung đột Nga-Ukraine dẫn đến giá khí đốt tự nhiên và điện trên các thị trường thế giới tăng vọt - một nhân tố lớn gây ra những “tai ương” kinh tế của nước Anh.             

Chuyên gia Oliver nói thêm: “Nhật Bản có lẽ hơi khác hơn một chút. Đây là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Australia, nhưng cho đến nay nó dường như không ảnh hưởng đến nhu cầu xuất khẩu của quốc gia châu Đại Dương này”.              

Australia sẽ rơi vào suy thoái?             

Về triển vọng, nền kinh tế Australia cũng có thể rơi vào suy thoái kỹ thuật. Ông Oliver dự đoán khả năng này là 40%. Ông nói: “Đang diễn ra một cuộc tranh luận về việc liệu chúng ta có chứng kiến một cuộc suy thoái hay không. Cho đến nay điều đó vẫn chưa xảy ra và có thể sẽ không xảy ra”. 

Mặc dù cả Anh và Nhật Bản cùng rơi vào suy thoái kỹ thuật, song điều đó không nhất thiết phải khiến người dân Australia lo lắng, có chăng nó chỉ nhấn mạnh rằng rủi ro đang hiện hữu - và đó là một “điều khá quan trọng và cần phải lưu tâm”.             

Chuyên gia Oliver khuyến nghị RBA nên thận trọng, nếu tiếp tục duy trì chính sách lãi suất cao, bởi nó có thể làm trầm trọng thêm rủi ro và đẩy nền kinh tế đến ngưỡng nguy hiểm.

Ông nói: “Năm ngoái chúng tôi đã sai lầm. Chúng tôi nghĩ rằng tăng lãi suất sẽ tạo ra tác động tiêu cực sớm hơn. Tuy nhiên, nền kinh tế Australia đã cố gắng giữ vững và lãi suất tiếp tục tăng cao hơn. Tuy nhiên, kinh nghiệm trên khắp thế giới cho thấy rằng nguy cơ suy thoái kinh tế là hiện hữu… Rủi ro chính là lãi suất tăng quá mức và/hoặc lãi suất duy trì ở mức quá cao trong thời gian dài, khiến chúng vượt quá giới hạn”.  

Thanh Tú (P/V TTXVN Tại Sydney)